Tuổi mười tám trên đôi chân tứa máu
Tôi ngỏ ý muốn chụp tấm ảnh chị bên những tấm Bằng khen, Giấy khen, chị bảo: Lên gác với chị. Trong buồng riêng của chị, có hẳn một nơi cất giữ thành tích. Riêng Bằng khen mấy chục cái, chị không nhớ hết. Còn nếu đính các loại khen thưởng lên tường thì nhà chị không đủ chỗ.
Ra đi từ mái tranh nghèo
Tôi ấn tượng với người phụ nữ 74 tuổi này bởi sự nhanh nhẹn, khỏe mạnh hiếm có. Nét duyên còn đọng ở nụ cười chúm chím, nước da trắng mịn. Lại thêm, chị nguyên là Phó Chủ tịch Thường trực Hội Cựu Thanh niên xung phong tỉnh Thái Nguyên, nói và làm, mọi thứ cứ băng băng. Dường như tinh thần tuổi 18 của cô thanh niên xung phong (TNXP) vẫn còn nguyên như 50 năm về trước.
Chị là Trần Thị Kim Quy, sinh năm 1948 tại xóm Hắng, xã Hồng Tiến, huyện Phổ Yên (Thái Nguyên). Nhớ lại thời thơ ấu của mình, chị không khỏi ngậm ngùi: Nhà có đến 8 anh chị em, sau mất 2 người. Nghèo không thể nghèo hơn. Tiếng nhà làm nông nhưng chả mấy khi được ăn cơm, khoai sắn ngô cũng không đổ đầy dạ dày. Mẹ chị bị bệnh tim, thỉnh thoảng lại ngất, lăn đùng ra, răng cắn chặt vào nhau; bố chị không làm ruộng được, chỉ lên đồi cắt guột bán. Nhà là túp lều lợp rạ, vách đất, cửa cánh dại tre kéo ra kéo vào. Cả xóm heo hắt đói kém lạc hậu chứ không riêng nhà chị. Đến giờ chị vẫn nhớ cảnh người ta đỡ đẻ cho mẹ tại nhà. Mẹ chị máu lênh loang nằm trên đất, bà đỡ lấy đòn gánh càn lên bụng cho nhau thai phọt ra. Sản phụ được ăn cơm với gừng chưng muối chứ chẳng có gì bồi dưỡng cả.
Học hết lớp 4 thì Quy nghỉ học, ở nhà tập làm nghề nông. Cô bé hay lam hay làm dần trở thành lao động chính, cùng bà nội gánh vác gia đình. Rồi Quy tham gia ban chấp hành chi đoàn, xốc vác, nhanh nhẹn, “đâu cần thanh niên có, việc gì khó có thanh niên”. Ngày đổ mồ hôi cày cấy, tối về dạy trẻ con múa hát, tập dân quân tự vệ, văn nghệ thể thao sôi nổi. Hôm ấy, trong buổi sinh hoạt, nghe bí thư chi đoàn phổ biến chủ trương tỉnh cần tuyển một đội thanh niên xung phong, Quy đăng ký ngay. Hôm đi khám sức khỏe, Quy nói dối nhà đi chợ, đến khi có giấy đánh về gọi đi nhà mới biết. Hôm chị lên đường, mẹ chị chỉ kêu lên “ối giời ơi” rồi ngất lịm. Bà nội khóc: “Con ơi, con đi thì ai làm nuôi các em, con ơi…”.
Cựu TNXP Trần Thị Kim Quy
Những tháng ngày đáng nhớ
Vậy là thôn nữ Trần Thị Kim Quy trở thành đội viên Đại đội 912 TNXP Bắc Thái. Thanh niên xung phong chống Mỹ cứu nước, chỉ mấy chữ ngắn ngủi thế nhưng hàm chứa hết nhiệm vụ được giao rồi.
Trút bỏ quần thâm áo nâu, chị và hơn trăm thanh niên của huyện Phổ Yên mặc quân phục mới, vai đeo ba lô, lên tàu từ Phổ Yên, xuống ga Đồng Quang, đi bộ vào xóm Cây Xanh, xã Quyết Thắng (huyện Đồng Hỷ cũ, nay là phường Thịnh Đán, TP. Thái Nguyên), nơi Tỉnh đoàn sơ tán - cùng các Đại đội 911, 913, 914 học tập, quán triệt tình hình.
Xin thề, xin thề, xin thề!!!
Những cánh tay rắn chắc giơ cao dưới tán cây rừng, trong tiếng máy bay địch ì ầm lượn lờ trinh sát.
Miền Bắc khi đó như ở trong chảo lửa bởi bom đạn. Từ tháng 10 - 1965, đế quốc Mỹ mở chiến dịch đánh phá bằng không quân các tuyến giao thông phía Bắc và vùng Đông Bắc thủ đô Hà Nội nhằm cắt đứt đường tiếp tế từ Liên Xô, Trung Quốc và các nước XHCN vào Việt Nam. Ngày 17 tháng 10 năm 1965, một sự kiện đau thương không thể nào quên đối với người Thái Nguyên: Máy bay Mỹ thả bom đánh sập nhịp cầu Gia Bẩy, cây cầu nối liền quốc lộ 3 và quốc lộ 1B, một tuyến đường huyết mạch của tỉnh và của cả miền Bắc khiến 71 cán bộ chiến sĩ Đại đội Cao xạ 101 cùng tự vệ, nhân dân khu phố Hoàng Văn Thụ hy sinh tại chỗ; 76 người bị thương. Các cây cầu khác như cầu Mỏ Gà, Suối Cạn, cầu Sen, cầu Rắn trên quốc lộ 1B đều bị máy bay Mỹ ném bom, bắn rốc-két phá hủy.
Tình hình giao thông trên địa bàn khó khăn hơn lúc nào hết, tháng 12 năm 1965, Tỉnh ủy giao cho Tỉnh đoàn thanh niên Bắc Thái thành lập Đội TNXP chống Mỹ cứu nước, làm nhiệm vụ đảm bảo giao thông thông suốt. Và đó là lý do thiếu nữ Trần Thị Kim Quy, một trong 600 đội viên là con em các huyện: Phổ Yên, Đồng Hỷ, Phú Bình, Phú Lương, Bắc Kạn “ra đi từ mái tranh nghèo” đứng chung trong Đội TNXP 91 của tỉnh Bắc Thái.
Ngày 20 tháng Chạp năm 1966, tạm biệt gia đình chuẩn bị đón mùa xuân mới, chị Quy cùng đồng đội làm cuộc hành quân đầu tiên và lớn nhất trong cuộc đời mình: Đi bộ gần 100 cây số từ thành phố Thái Nguyên lên huyện Na Rì (thuộc tỉnh Bắc Thái cũ). Nhiệm vụ của Đội 91 là mở tuyến đường ô tô từ Bắc Kạn vào Na Rì, để tiếp nhận vận chuyển hàng viện trợ từ biên giới Việt - Trung về Hà Nội.
Chị Quy nhớ như in chuyến đi đầu tiên ấy. Trên vai họ là ba lô khoảng 20 cân, gồm quân tư trang, 1 cái cuốc, 1 cái xẻng không cán. Lúc đầu mọi người đi còn hăng hái, sau cứ chậm dần, mệt đến rã rời. Ở nhà lao động vất vả là thế nhưng chưa bao giờ chị thấy kiệt sức đến như vậy.
Đêm đầu tiên ngủ trên đường hành quân, đây đó nổi lên tiếng khóc thút thít. Đại đội trưởng đi kiểm tra, hỏi: Ai khóc? Tiếng khóc im bặt. Nhưng tất cả vẫn phải tiến về phía trước. Bàn chân và đôi vai lúc đầu đỏ rộp, đau nhức, sau bật máu dính nhớp nháp.
Đến chân đèo Áng Toòng, nhìn con đường mòn chỉ dành cho người đi bộ và cưỡi ngựa khấp khểnh ngoằn ngoèo chạy lên đỉnh trời tít tắp, nhiều người không giấu nổi lo sợ ngại ngần.
Nhưng tinh thần TNXP chống Mỹ cứu nước đã chiến thắng. Những cô gái chân yếu tay mềm nhanh chóng làm quen với cuốc, thuổng, choòng đục đá, xe cút kít, xe cải tiến. Họ làm máng trượt bằng tre nứa, cần cẩu bằng cây rừng. Họ cùng đồng đội dùng sức người hạ độ dốc, cắt cua, mở rộng 60km đường qua đồi cao, suối sâu, cây cối rậm rạp…
Chị Quy kể: Phong cảnh mùa xuân Na Rì tuyệt đẹp, hoa mơ, hoa mận nở trắng rừng, thơm phức. Lúc giải lao các chị lên rừng hái quả ăn, thích lắm. Hôm thông đường, bà con quanh vùng đổ ra xem ô - tô, ai cũng lạ lẫm hỏi nhau “nó là cái gì mà biết chạy nhanh thế”?
Nhiệm vụ “đầu đời” TNXP hoàn thành, các đội viên Đội 91 lại bắt ngay vào nhiệm vụ mới: San lấp hố bom, đảm bảo giao thông thông suốt; cứu chữa đập Thác Huống hỏng nặng do bom Mỹ; lấy thân mình làm rào cản nước hàn khẩu cống Vạn Già (Phú Bình) bị bom Mỹ cắt đôi trong mùa mưa lũ… Luôn đi đầu và hăng hái nhận nhiệm vụ, đội viên Trần Thị Kim Quy được kết nạp Đảng tại đơn vị khi mới 20 tuổi. Có một kỷ niệm chị nhớ mãi là lần đi Na Rì thẩm tra lý lịch kết nạp Đảng cho đồng đội. Đạp xe từ thành phố Thái Nguyên lên Bắc Kạn, đến chỗ rẽ thì đi nhầm vào đường rừng. Đi mãi đi mãi, xe đạp vác trên vai, núi cao dựng ngược trước mặt, không một bóng người để hỏi thăm. Chị tìm đến nhà dân xin ăn xin nghỉ, được họ chỉ đường tìm đến UBND xã làm việc. Giờ nghĩ lại chị vẫn thấy mình liều. Do xốc vác trách nhiệm như vậy nên chị được đề bạt lên Đại đội phó Đại đội 912, tiếp tục ở lại đơn vị thêm 2 năm, ra quân năm 1971.
Tác giả (áo đỏ) cùng Đoàn công tác của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Thái Nguyên đến thăm hỏi, sưu tầm tư liệu về Đại đội 915 tại gia đình liệt sĩ
Bà ý là người của thanh niên xung phong
- 35 tuổi chị mới lấy chồng? Có phải do đi TNXP mà lỡ tuổi xuân? - Tôi hỏi.
- Do duyên số từng người mà thôi - Chị Quy cười sảng khoái - 35 tuổi lấy chồng cũng có sao. Chồng chị vui vẻ đi chợ nấu cơm cho vợ làm việc thiên hạ mấy chục năm rồi. Con thì một gái một trai. Anh chị đã lên chức ông bà nội từ lâu.
Chị Quy bỗng thần người, đăm chiêu nghĩ ngợi.
- Đồng đội của chị ngày ấy, giờ nhiều người khổ lắm em ạ. Có lẽ cũng vì không có trình độ, khó xin việc làm mà thành ra thế chăng? Cũng là may cho chị, 5 năm tham gia TNXP chị được học hết cấp 2, xuất ngũ được nhận vào làm ở Cục Thống kê. Năm 43 tuổi chị xin nghỉ, cộng quy đổi được tròn 25 năm công tác, lương hưu 3 triệu đồng một tháng.
Về hưu rồi, nhìn đi nhìn lại thấy nhà cửa thiếu trước hụt sau, lương vợ lương chồng không đủ nuôi con nhỏ, chị quyết định “xông” vào trận chiến đấu với đói nghèo. Chị bảo: Các cụ nói “phi thương bất phú” quả không sai, chỉ mớ rau con cá lằng nhằng, hàng chị bán tơi tới, có đồng ra đồng vào xúng xính. Lãi thế nhưng chị không chuyên tâm buôn bán, còn gánh thêm 13 năm Tổ trưởng dân phố, 7 năm Bí thư Chi bộ, 2 nhiệm kỳ là “bà nghị” Hội đồng nhân dân phường. Nhiều hôm thấy vợ bỏ “cửa hàng” đi họp đi hành, chồng chị lại lọ mọ ra bán thay vợ.
Niềm vui của bà (Ảnh: Trần Thép)
Và lạ lùng, cái nghiệp TNXP cứ quẩn quanh bám níu trí óc, để rồi năm 1997 chị Quy đề xuất thành lập Ban Liên lạc Cựu TNXP phường Phan Đình Phùng. Lặn lội đi tìm TNXP, thuyết phục họ tham gia, đến nay Hội Cựu TNXP Phường đã hơn 70 người. Khi thành phố Thái Nguyên thành lập Hội Cựu TNXP, chị được bầu làm Phó Chủ tịch, 3 năm đi làm không một đồng trợ cấp. Đại hội Hội Cựu TNXP tỉnh năm 2010 bầu chị giữ chức Phó Chủ tịch Thường trực, từ ngày ấy chị đi làm ngày 8 tiếng như công chức nhà nước, lương tháng 4 triệu đồng, đến năm 2021 mới được nghỉ.
Ngắm căn nhà xây đã lâu, tầng 2 cơi nới, kết quả của 13 năm buôn bán “đầu đường xó chợ” như chị nói vui, tôi biết kinh tế gia đình anh chị còn đạm bạc. Nhưng chị lại bảo, chị được như thế này là quá sung sướng rồi, còn đa số chị em trong Hội có cuộc sống khó khăn. Chị đã đề xuất lập quỹ “Phụ nữ Cựu TNXP”, thu mỗi người 10 nghìn đồng/năm, để thăm hỏi khi ốm đau, phúng viếng khi qua đời. Chỉ 200 nghìn đồng một lần thăm hỏi ốm đau, 100 nghìn đồng phúng viếng lúc qua đời, nhưng chị em cảm động lắm. Vì cái chị em cần không chỉ là tiền, mà còn là sự quan tâm, tình cảm ấm áp dành cho nhau những khi hoạn nạn.
Có câu chuyện kể lại chị còn rơi nước mắt. Đó là lần chị đi thăm một nữ Cựu TNXP nghèo và trao món quà 200 nghìn đồng của Hội. Tết năm đó, có người đi bộ tìm đến nhà chị, mang biếu chị 10 lon bia. Chị bảo: khổ quá, sao chị cho tôi bia làm gì? Người đó nói: Tôi đến cảm ơn chị, vì Hội còn nhớ đến tôi.
74 tuổi vẫn mê mải làm việc xã hội, chồng chị từ lâu lắm thay chị làm nội trợ. Ông hiền lành tự nhận: Bà ấy chỉ có buổi tối là của tôi, còn ban ngày là người của thanh niên xung phong.
Bút ký. Ngô Minh
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...