Thứ sáu, ngày 20 tháng 09 năm 2024
22:27 (GMT +7)

Tục chơi họ

Từ sinh hoạt dân gian…

Chơi họ còn được biết đến với rất nhiều tên gọi, tùy theo từng địa phương như chơi phường, chơi hụi, chơi biêu, chơi huê… Thực chất, đây là một dạng tín dụng dân gian đã có từ lâu đời, duy trì ổn định trong các làng xã Việt. Các từ “phường”, “họ”, “hụi” (nói chệch của hội) phần nào nói lên bản chất của loại hình này: cuộc chơi “quay vòng” giữa những người thân thuộc trong một gia tộc, tổ chức cộng đồng (từ phường nghĩa gốc chỉ tập hợp những người cùng chung nghề nghiệp, hội chỉ tập hợp người chung đặc điểm, sở thích). Và khi đã “cùng hội cùng phường” thì lẽ đương nhiên, yếu tố tình cảm và lòng tin luôn phải đặt lên hàng đầu. Bởi vậy, khi mới ra đời, hình thức chơi họ rất đơn giản, vô tư, mang mục đích tiết kiệm, tương trợ. Có thể hiểu, chơi họ là hình thức một nhóm người thống nhất cùng góp một khoản tiền, và lần lượt từng người, trong một khoảng thời gian nhất định, sẽ lấy số tiền đó để sử dụng, quay vòng cho đến khi các thành viên tham gia chơi đều được dùng số tiền đã đóng góp. Thứ tự nhận tiền có thể do bốc thăm hoặc tự thỏa thuận theo tình cảm, nên ai có công việc đột xuất hoàn toàn có thể đề xuất lấy trước, ai chưa dùng đến tiền thì nhường nhịn cho người cần hơn.

 

Trong xã hội cũ, khi chưa có hệ thống ngân hàng thì chơi phường chính là cách hiệu quả để người dân chủ động tích lũy số tài sản ít ỏi của mình cho “ra tấm ra món”. Hơn thế nữa, nó cũng giúp họ có một chỗ để “trông vào” khi có việc lớn cần huy động tiền. Hoạt động này thu hút phụ nữ tham gia là chính bởi về cơ bản, trong các gia đình Việt Nam, phụ nữ vẫn là người tay hòm chìa khóa, làm chủ về kinh tế, là “cái hom” tích trữ của cải, duy trì sự ổn định của tổ ấm. Chơi họ tạo ra áp lực ràng buộc khiến người tham gia bắt buộc phải tích lũy. Chuyện “phường hội” cũng mang trong mình dấu ấn lịch sử, gắn với những thăng trầm của nền kinh tế. Thời kỳ bao cấp, hình thức này phát triển mạnh mẽ. Ngược lại, giai đoạn siêu lạm phát những năm 1990, Nhà nước huy động người dân gửi tiền vào ngân hàng với lãi suất cực lớn, “phường hội” lại bị thờ ơ. Theo tư liệu của nhà văn Sơn Nam, ngay từ những ngày đầu Nam tiến, người Việt Nam dù tính gắn kết làng xã đã không còn chặt chẽ, song vẫn duy trì tập quán chơi phường, như một phương diện quản lý kinh tế gia đình.

Bên cạnh yếu tố kinh tế, “phường” còn mang giá trị văn hóa, xã hội. Tính cố kết cộng đồng thể hiện qua việc hỗ trợ, nhường nhịn lẫn nhau giữa các thành viên, qua phương thức “sinh hoạt phường” độc đáo và đậm màu sắc “thuần Việt” là chuyện cỗ bàn ăn uống mỗi khi đến ngày lấy phường. Như thế, nếu một người tham gia hai phường, trong tháng tất sẽ có hai ngày “đi ăn phường”, cùng anh em xóm tay dao tay thớt. Hình thức chơi phường của người Việt có nét giống với tục “pang” của đồng bào Tày, Nùng. Theo Tiến sĩ Lịch sử Lường Thị Hạnh (Đại học Thái Nguyên), người Tày, Nùng không chơi phường họ song họ hỗ trợ nhau bằng một tập quán rất nhân văn. Khi một gia đình có việc lớn như cưới xin, ma chay, dựng nhà…, bà con sẽ “pang”, nghĩa là mang gạo, thịt, tiền, rượu… đến đóng góp. Số tài sản này được ghi lại cẩn thận để gia chủ trả lại khi gia đình kia có việc. Món nợ đồng lần ấy thấm đẫm tình cảm họ mạc, làng xóm, được duy trì cho đến tận ngày ngay.

…Đến biến tướng và những rủi ro

Mặc dù là một tập quán kinh tế giàu tính truyền thống, song ngày nay hình thức chơi họ lại được truyền thông nói đến nhiều hơn ở phương diện tiêu cực với hàng ngàn vụ lừa đảo diễn ra khắp các xóm làng từ Nam ra Bắc, từ thôn xóm thuần nông đến khu công nghiệp tấp nập. “Bể hụi” trở thành nguyên nhân của những bi kịch đau lòng, khiến nhiều làng xã tan hoang, gia đình ly tán, cá nhân thân bại danh liệt, tha phương biệt xứ.

Trong quá trình phát triển, từ cách thức quy ước đơn thuần, hình thức chơi họ tính lãi ra đời, từng bước “chuyên nghiệp hóa” loại hình tín dụng dân gian. Có nhiều cách quy định tính lãi, song nguyên tắc chung, trong một dây họ, những người lấy đầu sẽ chịu thiệt, những người lấy sau được lãi. Ví dụ: 10 người góp vốn với mức 1 triệu đồng/ tháng, ai cũng muốn lấy trước nên phải tham gia trả giá. Ví dụ, bà A báo mua phường với giá 200 nghìn đồng/người, bà B báo mua 300 nghìn đồng/người. Trong trường hợp này, bà B thắng bà A. Khi đó, 9 người còn lại chỉ phải đóng cho bà B 700 nghìn đồng/tháng. Thế là thay vì nhận được 9 triệu đồng, thực tế bà B chỉ được nhận 6,3 triệu đồng… Sự tính toán phức tạp dần, nên xuất hiện nhân vật “chủ hụi” giữ nhiệm vụ thu tiền và điều hành chuyện “đấu thầu”, phân phát, thu chi lời lãi. Một chủ hụi tổ chức, quản lý nhiều dây, nắm một lượng tài sản huy động cực kỳ lớn. Và chuyện bể họ thường bắt nguồn từ người này, cũng có những trường hợp, chủ hụi trở thành nạn nhân khi có thành viên trong dây nhận tiền rồi chạy trốn. Theo các chuyên gia kinh tế, hiện tượng lừa đảo tài sản dưới hình thức phường họ ngày nay bắt nguồn từ điểm yếu trong tâm lý, nhận thức, thói quen của một bộ phân người dân. Đó là sự ham lợi, thiếu hiểu biết pháp luật và quy luật kinh tế; là thói quen làm việc cảm tính, dựa trên tình cảm và các mối quan hệ mà không có hàng rào pháp lý bảo vệ; từ tâm lý đám đông… Bởi vậy, bi kịch có thể diễn ra đối với cả làng, cả họ.

Đáng báo động nhất, phải kể đến vấn nạn “cho vay bốc họ” - sự kết hợp giữa tập quán truyền thống với hoạt động tín dụng đen. Cho vay bốc họ hiện được biết đến như loại hình cho vay lãi khắc nghiệt nhất, áp dụng cho những kẻ đã cùng đường hoặc trường hợp cần tiền khẩn cấp.

Sở dĩ còn yếu tố “họ” bởi nguyên lý vận hành của nó vẫn là lấy tiền trước, cắt lãi rồi trả góp sau. Tuy nhiên, trong quan hệ tài chính này, chỉ còn chủ nợ và người vay, mà không có các thành viên khác. Số tiền cho vay bốc họ cố định, gọi là các bát họ. Vay một “bát họ” 10 triệu, người vay thực chất chỉ được cầm về 8 triệu, và trả dần trong 40 ngày, mỗi ngày 250 ngàn, sao cho đủ 10 triệu ban đầu. Nếu như hình thức cho vay tháng có thể chậm lãi vài ngày thì người vay bốc họ phải đều đặn thực hiện nghĩa vụ mỗi ngày, dưới sự đốc thúc của một đội quân “thu họ” cứng rắn. Sau một thời gian trả lãi, người vay không thể trả sẽ được “bốc” bát họ tiếp theo, lấy tiền về trả cho “bát” trước, đồng thời phải trả cả “bát” mới. Số bát họ càng nhiều, đồng nghĩa với việc số tiền phải nộp hàng ngày càng lớn, số chủ nợ càng đông (vì một chủ nợ chỉ cho vay vài bát họ). Theo lộ trình, người vay sẽ tăng dần số bát họ, phải thuê xe của chủ nợ rồi cắm xe cho chính cửa hàng của chủ nợ ấy (chịu cả lãi vay và tiền thuê xe). Số gốc, số lãi cứ thế tăng lên theo cấp số nhân. Vì thế, chuyện vay 10 triệu của một chủ sau nửa năm thành một tỷ của rất nhiều chủ là điều dễ hiểu.

Tổ chức cho vay lãi dưới hình thức “bốc họ” ngày càng mở rộng bởi thủ tục đơn giản, không cần thế chấp tài sản, giải ngân nhanh chóng. Hơn thế nữa, về mặt tâm lý, người đi vay thường có cảm giác 10 triệu là số tiền không lớn, việc trả gốc trong 40 ngày dễ thực hiện. Họ không biết rằng, cái bẫy chết người nằm ở việc phải trả tiền đều đặn mỗi ngày, không được chậm một ngày nếu không muốn bị chủ nợ đến nhà đập phá.

Với thu nhập trung bình của đại bộ phận người dân, đều đặn bỏ ra 250 ngàn một ngày là việc không đơn giản. Bởi thế, một “bát” sẽ thành ba “bát”; trả 250 ngàn thành 500 ngàn, một triệu, mười triệu… Họ cũng không thể tập trung làm ăn khi mỗi ngày có đến vài chục cuộc điện thoại đòi tiền, phải đi vay “quầy” này để trả cho “quầy” khác. Sa lầy vào vay bốc họ, thường không có một giờ phút bình yên. Món nợ có thể lấy đi nhà cửa và nhân cách khi người đi vay liên tục tìm cách gian dối người thân, bạn bè để có tiền nộp họ theo ngày.

Có dư thì tích lũy, bị thiếu thì đi vay - đó là quy luật tất yếu của cuộc sống mà ai trong đời cũng phải trải qua. Chơi phường không hoàn toàn tốt, cho vay bốc họ cũng không hoàn toàn xấu nếu bản bân mỗi người tỉnh táo nhìn nhận cuộc sống và làm chủ “cái vung tay” của chính mình. Thiết nghĩ, “phường họ” gọi là “chơi” nhưng cũng chứa những bài học sâu sắc.

 

Suối Linh

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy