Thứ bảy, ngày 21 tháng 09 năm 2024
15:33 (GMT +7)

Tuần văn hóa Malaysia – Indonesia và Việt Nam: Giữ gìn và lan tỏa tinh hoa văn hóa

VNTN - Làm tốt vai trò là nơi lưu giữ những giá trị “quốc hồn quốc túy” dân tộc, cùng với đó là nỗ lực hợp tác và hội nhập quốc tế, Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam một lần nữa ghi dấu ấn đậm nét khi dành nhiều tâm huyết tổ chức “Tuần văn hóa Malaysia - Indonesia và Việt Nam” với nhiều hoạt động hấp dẫn, thiết thực bảo tồn và vươn xa các giá trị văn hóa truyền thống.


Được diễn ra từ ngày 6 đến hết 11/12/2016, chương trình do Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam phối hợp với Cục Hợp tác quốc tế (Bộ VH, TT&DL), cùng sự tham gia tổ chức thực hiện của các đơn vị: Trung tâm Triển lãm Văn hóa - nghệ thuật Việt Nam; Sở VH, TT&DL Thái Nguyên; Sở Giáo dục và Đào tạo; Khoa Ngoại ngữ, Đại học Thái Nguyên; công ty thời trang Sao Anh, công ty Kym Việt; các Câu lạc bộ tiêu, sáo trúc, đàn hát dân ca các xã phường, thành phố Thái Nguyên; các trường chuyên nghiệp trên địa bàn tỉnh…

 Các đại biểu và du khách giao lưu trong “sắc màu nghệ thuật” của ba nước Malaysia - Indonesia và Việt Nam

Hoạt động này nằm trong khuôn khổ hợp tác giao lưu, trao đổi, kết nối văn hóa giữa các quốc gia ASEAN. Hai đoàn quốc tế tham gia sự kiện là các Viện thiết kế thời trang, các nhà sản xuất dệt may, thêu, nghệ nhân dệt vải, vẽ batik từ các hiệp hội dệt vải, giảng viên, sinh viên đại học đến từ Indonesia, Malaysia. Về phía Việt Nam có 30 nghệ nhân của 6 dân tộc gồm: Tày, Thái, Chăm, Dao, Pà Thẻn, Mông; nhóm nghệ nhân khuyết tật Kym Việt; nghệ nhân thêu áo dài Lan Hương; các địa phương, doanh nghiệp, giáo viên, học sinh, sinh viên…

Xuất phát từ sự tương đồng về di sản văn hóa batik (một tấm vải truyền thống được tạo ra bằng kỹ thuật nhuộm sáp và in các hoa văn bằng phương pháp thủ công truyền thống) và kỹ thuật dệt song kết (một loại vải dệt thủ công, được tạo hoa văn ngay trong quá trình dệt, đan xen chỉ vàng, chỉ bạc, tạo thành tấm vải kim tuyến có mẫu mã cầu kỳ), sự kiện là cơ hội để nghệ nhân các nước giữ gìn và trao truyền các giá trị văn hóa truyền thống; khuyến khích nghệ nhân dệt vải các dân tộc thiểu số Việt Nam bảo tồn và phát triển kỹ thuật dệt, nhuộm và làm ra các sản phẩm vẽ batik, làm ra các sản phẩm thủ công phục vụ khách du lịch. Nhưng điều khác biệt làm nên sức cuốn hút và hấp dẫn của Tuần văn hóa này, không chỉ gói gọn trong phạm vi hẹp mang tính chuyên môn như thế mà còn là việc tạo điều kiện mở rộng giao lưu văn hóa quốc tế, góp phần giáo dục thế hệ trẻ, đặc biệt là sinh viên và học sinh hoàn thiện bản thân bằng phương pháp tiếp cận văn hóa, kinh tế, xã hội từ sinh viên các quốc gia trong khu vực. Với sự góp mặt của những nghệ nhân khuyết tật, nhiều tấm gương điển hình trong sáng tạo, nghị lực sống, chăm chỉ để làm ra sản phẩm có thương hiệu và có tính bền vững, phần nào đã khuyến khích được người trẻ noi gương, có cái nhìn thiện chí và thấu hiểu hơn về khiếm khuyết của những người không may mắn.

 Trải nghiệm văn hóa Malaysia: vẽ Henna lên tay.

Trong những ngày diễn ra sự kiện, 7 hoạt động trưng bày chuyên đề và 15 chuyên đề giáo dục, trải nghiệm với những hình ảnh, sản phẩm tiêu biểu đã mang đến cho công chúng một kho tàng kiến thức và góc nhìn đa chiều về văn hóa. Đưa công chúng hòa mình vào đời sống văn hóa trực quan, sinh động và thỏa sức sáng tạo: cùng với nhóm nghệ nhân khuyết tật thực hành làm thú nhồi bông, khâu hoàn thiện sản phẩm trong vòng 10-15 phút; tìm hiểu, khám phá thông tin về văn hóa, mặt nạ ASEAN; khám phá “Sắc màu văn hóa Việt Nam”, hành trang bằng đôi tay khéo léo và sự sáng tạo để làm ra sản phẩm thêu Việt; làm sáo, học thổi sáo; in tranh dân gian Đông Hồ, vẽ tranh về biển đảo quê hương; đánh đống rơm, làm nộm rơm, con cúi; thi làm ẩm thực Hanal, ẩm thực chay, ẩm thực sông nước; thi pha trà gồm trà xanh, trà mạn, trà chén, trà nghệ thuật; thực hành in batik, nhuộm vải theo kỹ thuật Indonesia và kỹ thuật của người Mông Việt Nam; khám phá văn hóa Khơmer vùng đồng bằng Nam Bộ; trải nghiệm chợ nổi, đeo mặt nạ, hóa thân vào vai các nhân vật là vị thần dân gian như Reahu (thần nuốt mặt trăng), trích đoạn nghi lễ cúng trăng, nghi lễ đám cưới, làm đèn trời; vẽ mặt nạ, mặc trang phục dân tộc, làm mèn mén, nấu thắng cố… Đặc biệt, các nhóm sinh viên còn tham gia thực hành quay phim, chụp ảnh và giao lưu, chiếu phim cùng sinh viên hai nước Malaysia và Indonesia.

Tham gia sự kiện, đoàn Malaysia do bà Azizah Iskandar, Công chúa hoàng gia Bang Pahang dẫn đầu, với 25 thành viên, là giảng viên, sinh viên từ các khoa: Nghệ thuật và Thiết kế; điện ảnh; Nhà hát và hoạt hình; âm nhạc…. Đoàn Indonesia do bà Venny Alamsyah, Giám đốc/Chuyên gia Batik Exprert cùng các nghệ nhân vẽ batik truyền thống nước này, sẽ chuyển giao cho cộng động người thiểu số Việt Nam kỹ thuật vẽ batik của Indonesia. Bà Venny Alamsyah chia sẻ: ở Việt Nam, đồng bào dân tộc một số nơi cũng làm vải batik. Batik của Indonesia có vẻ đẹp và đặc trưng riêng, chúng tôi trưng bày và hy vọng được giới thiệu kỹ thuật dệt vải batik truyền thống của chúng tôi để một ngày nào đó Việt Nam cũng có thể dệt được vải batik giống như của Indonesia. Thông qua sự kiện này mong sẽ có càng nhiều bạn trẻ Việt Nam cảm thấy thích kỹ thuật dệt Batik và tạo ra được những sản phẩm Batik độc đáo.

 Tiết mục Tiếng then đón khách "Cằm then slâng én" của người Tày Định Hóa

Một tuần văn hóa vụt cái đã hết, nhưng sự chuẩn bị của Bảo tàng đã mất cả năm trời từ việc kết nối, hình thành ý tưởng, chuẩn bị điều kiện cơ sở vật chất… Phong phú, đa dạng các hoạt động thu hút công chúng, phần nào cho thấy tâm huyết, nỗ lực, cái tâm và tầm của người tổ chức là không gì có thể đong đếm được. Hoạt động không chỉ vì nhiệm vụ, vì thành tựu của riêng Bảo tàng, mà trên hết là hướng đến nhân dân - những người trực tiếp làm ra các giá trị văn hóa đặc sắc và thụ hưởng các giá trị ấy.

Không nói nhiều về những khó khăn, vất vả trong quá trình thực hiện, bà Nguyễn Thị Ngân, Giám đốc Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam cho biết: Những hoạt động trải nghiệm tại Tuần văn hóa này, có đến 80% là hoàn toàn mới và khác xa những lần trước. Sự kiện hướng đến việc mở rộng kết nối và giao lưu mang tầm quốc tế, vì thế mà người tham gia trải nghiệm sẽ thực sự có được những hiểu biết sâu sắc, thú vị về bản sắc, về văn hóa trong và ngoài nước. Điều vui mừng nhất chính là hoạt động đã hướng đến cộng đồng, lan tỏa được các giá trị văn hóa đến cộng đồng một cách gần gũi và thiết thực.

Những năm gần đây, Bảo tàng có nhiều hoạt động đẩy mạnh giáo dục trải nghiệm, thu hút đông đảo người trẻ tham gia. Đất và người Thái Nguyên đã tự do “thụ hưởng” được rất nhiều các giá trị tinh thần từ những sự kiện văn hóa mà Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam đã tâm huyết, nỗ lực thực hiện. Tuần văn hóa Malaysia, Indonesia và Việt Nam diễn ra những ngày qua, với khoảng gần 3500 lượt người tham quan, trải nghiệm, một lần nữa lại đem đến cho công chúng Thái Nguyên “bữa tiệc” thịnh soạn, và vẫn là được tự do thụ hưởng. Quan tâm đến người trẻ, giáo dục họ về những giá trị tốt đẹp của dân tộc; giúp họ vươn xa đến những nền văn minh tiến bộ của thế giới…, đó là điều ẩn tích đằng sau mỗi hoạt động trải nghiệm từ sự kiện.

 Kỹ thuật nhuộm vẽ hoa văn lên thổ cẩm của người Mông ở Chợ văn hóa vùng cao

Thích thú tham quan Chợ vùng cao và gian trưng bày sản phẩm dệt, thêu, anh Nguyễn Minh Trung (phường Quang Vinh, TP Thái Nguyên) hào hứng: Rất ấn tượng với sự tinh tế, cầu kỳ, hoa văn đẹp và lạ trên các sản phẩm dệt thủ công truyền thống. Đến với Bảo tàng rất nhiều lần trong các sự kiện chính trị, văn hóa, càng ngày càng thấy có nhiều đổi mới trong hoạt động. Cả nhà hôm nay rủ nhau đi, mỏi chân mà không thấy chán, các bé nhà mình rất thích.

Luôn nỗ lực để vươn ra “biển lớn”, tổ chức Tuần văn hóa Malaysia - Indonesia - Việt Nam, Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam đã tiến thêm một bước dài trong hành trình tiếp thu, chắt lọc tinh hoa văn hóa thế giới; lan tỏa những giá trị văn hóa người Việt, đem đến những trải nghiệm quý giá cho chính người Việt và nâng tầm tiếng nói của người Việt với bạn bè quốc tế.

Lê Đình

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy