Thứ sáu, ngày 20 tháng 09 năm 2024
07:01 (GMT +7)

Tự do biểu đạt và đa dạng nghệ thuật – một số bài học lịch sử và quốc tế

VNTN - Tự do biểu đạt nghệ thuật vừa là một phẩm chất nội tại của nghệ thuật, cũng là một trong những nguyên lý thiết yếu của bất kỳ đời sống văn hóa nào. Từ xưa đến nay, sự tự do biểu đạt và sự đa dạng hóa các biểu đạt nghệ thuật của những nghệ sĩ tiên phong, độc đáo thường vấp phải sự nghi ngờ của những thiết chế nghệ thuật bảo thủ, của các hệ thống tôn giáo, các lề thói hay chuẩn mực cộng đồng, của các thiết chế chính trị.

Những điển hình của tự do biểu đạt

Trong lịch sử nghệ thuật thế giới, đã có nhiều tác phẩm gây bất bình và tranh cãi trong dư luận hoặc bị cấm liên quan tới tôn giáo, đạo đức, chính trị, quy tắc, thành kiến xã hội, v.v.. Những điều “phạm thánh” luôn được đưa ra tranh luận và mổ xẻ. Những phản ứng đa chiều luôn xảy đến với những tác phẩm biểu đạt mang tính tiên phong, đột phá các quy ước và chuẩn mực, đặc biệt là các quan điểm chính trị, tôn giáo, luân lý.

Năm 1565, bức tranh tường kỳ vĩ “Ngày phán xét cuối cùng” trên trần Nhà nguyện Sistine, Vatican, của Michelangelo ra đời đã gây ra những cuộc tranh luận dữ dội giữa nhà thờ Thiên chúa giáo và những người yêu “nghệ thuật ngợi ca vẻ đẹp cơ thể và tâm hồn con người” của danh họa. Theo lệnh của Giáo hoàng, bức tranh này đã bị vẽ thêm những chi tiết để che đi các phần “khiếm nhã”. Đến giữa những năm 1980 - 1994, bức họa mới được tu sửa, trả lại nguyên gốc những bí mật chôn sâu hàng thế kỷ.

Năm 1865, bức tranh “Olympia” của Edouard Manet khi xuất hiện trước công chúng đã bị xem là “thô tục” bởi cái nhìn trực diện của người phụ nữ khỏa thân trong tranh và “khung cảnh quá trần tục và sống sượng”. Mặc dù tác phẩm được phép trưng bày tại triển lãm Salon hàng năm của Paris không có kiểm duyệt, cảnh sát đã được bố trí để bảo vệ bức tranh khỏi đám đông sẵn sàng đập phá nó. Ngày nay, bức tranh được treo vĩnh viễn ở Bảo tàng Orsay, Paris, và được xem như “một niềm tự hào của nền hội họa Pháp”.

“Ngày phán xét cuối cùng” trên trần Nhà nguyện Sistine, Vatican, của Michelangelo

Năm 1917, chiếc bồn tiểu (founain) của Marchel Duchamp đã bị từ chối không cho trưng bày tại triển lãm của Hội Nghệ sỹ độc lập Hoa Kỳ, với lý do “không phải là tác phẩm mỹ thuật”. Tác phẩm này đi vào lịch sử mỹ thuật vì đã làm thay đổi triệt để nhiều vấn đề trong lịch sử mỹ thuật thế giới như các quan niệm về nghệ sĩ, về tác phẩm, về bản chất nghệ thuật, dẫn đến sự ra đời của nhiều khuynh hướng nghệ thuật hậu hiện đại và đương đại quan trọng như readmade, nghệ thuật ý niệm, pop-art,… Tháng 3/2011, thẩm phán của một tòa án cấp quận Deborah Batts của Hoa Kỳ ra phán quyết ủng hộ nhiếp ảnh gia người Pháp Patrick Cariou trong vụ kiện họa sỹ người Mỹ Richard Prince chiếm đoạt các hình ảnh trong loạt ảnh Rastafarians của ông. Ngày 18/3/2014, một phiên tòa cấp cao hơn đã xử lại và tuyên Prince và gallery đại diện cho ông là vô can với “25 bức là hợp pháp và 5 bức thì cần tranh luận tiếp”, bảo vệ quyền của các nghệ sỹ được tái sử dụng một phần tác phẩm của tác giả khác trong những khuôn khổ được luật pháp quy định. Đây là trong những vụ kiện vi phạm bản quyền nghệ thuật quan trọng nhất trong những thập kỷ gần đây tại Hoa Kỳ.

Năm 2014, tác phẩm trình diễn “Exhibit B” của nghệ sỹ người Nam Phi Brett Bailey đã tái hiện “các vườn thú người” tồn tại trong thế kỷ 19 và 20, buộc người xem đối diện với những ký ức tàn bạo trong lịch sử. Công chúng đã có nhiều phản ứng khác nhau. Thậm chí, nhiều nghệ sỹ da màu coi triển lãm này mang màu sắc phân biệt chủng tộc. Tác phẩm đã bị hủy, không được trình diễn theo kế hoạch do bản chất “cực đoan” của các cuộc biểu tình và mối đe dọa đối với nghệ sỹ và nhà tổ chức. Quan điểm của nghệ sỹ và curator (giám tuyển/người quản lý - nhà tư vấn tổ chức sự kiện nghệ thuật, thiết kế tổ chức cho triển lãm, tác giả, tác phẩm, khuynh hướng, lịch sử…): tác phẩm này nhằm thách thức nhận thức và lịch sử, không nhằm xúc phạm con người. Mới đây, tháng 5/2016, tại Nhật, nghệ sỹ Megumi Igarashi đã bị tòa án tuyên phạt “vì sử dụng các dữ liệu mang tính “khiêu dâm”” trong một dự án nghệ thuật (chế tạo chiếc thuyền kayak có tạo hình mô phỏng cơ quan sinh dục nữ). Theo tranh luận của nhiều chuyên gia luật, nhà chức trách trong khi kiểm soát việc sản xuất đồ chơi mang tính thương mại, đã sử dụng biện pháp can thiệp vào quyền biểu đạt nghệ thuật - một quyền cũng được bảo vệ bởi Hiến pháp Nhật.

Tự do biểu đạt cho phép các nghệ sỹ tham gia vào các mối quan hệ của con người; khảo sát những phạm vi xã hội bị giới hạn và/hoặc độc quyền, cho phép các nghệ sỹ thách thức những khuôn mẫu và cấm kỵ, sẵn sàng chấp nhận tranh luận và đối thoại, chấp nhận rủi ro và thử nghiệm.

Quyền tự do biểu đạt và tính đa dạng nghệ thuật

Hiện nay, ở các nước phương Tây, Nhật, Hàn Quốc,… nói chung, các nhà tổ chức, các curator và các nghệ sỹ không cần xin phép tổ chức triển lãm - trừ trường hợp các địa điểm tổ chức thuộc nhà nước quản lý. Các nhà tổ chức, các curator và các nghệ sỹ tự chịu trách nhiệm với tác phẩm và nội dung triển lãm (phù hợp với chủ điểm của triển lãm, của sự kiện nghệ thuật; không phạm vào các đạo luật và/hoặc các truyền thống văn hóa/tôn giáo…). Đặc biệt, các tác phẩm trình diễn thường có nội dung ngẫu biến và/hoặc phụ thuộc vào sự tương tác với người xem, nên không thể duyệt trước nội dung. Một số hình thái trưng bày đương đại mà tác phẩm thay đổi, hao mòn, biến mất… theo thời gian triển lãm, không thể đảm bảo một nội dung mặc định không đổi được.

“Công ước bảo vệ và phát huy sự đa dạng của các biểu đạt văn hóa” được UNESCO thông qua năm 2005 là một trong những nỗ lực nhằm thực hiện cam kết thúc đẩy sự đa dạng văn hóa được nêu trong Hiến chương của UNESCO. Công ước này khẳng định lại rằng tự do tư tưởng, ngôn luận và thông tin, cũng như sự đa dạng của các phương tiện thông tin, thúc đẩy các biểu đạt văn hóa phát triển mạnh mẽ ở các xã hội; công nhận tầm quan trọng của quyền sở hữu trí tuệ trong việc bảo vệ những quyền liên quan đến hoạt động sáng tạo văn hóa; đặt ra một khung pháp lý thuận lợi giúp các quốc gia thành viên Liên Hợp Quốc chủ động đề xuất và phối hợp trong lĩnh vực sản xuất, phân phối, truyền bá, tiếp cận và hưởng thụ các biểu đạt văn hóa nghệ thuật đa dạng từ nhiều nguồn khác nhau.

Chiếc bồn tiểu (founain) của Marchel Duchamp

“Báo cáo của Liên Hợp Quốc về quyền được biểu đạt và sáng tạo nghệ thuật” do Đặc phái viên Farida Shaheed biên soạn (đệ trình ngày 14/3/2013) đã đề xuất một số quan điểm cụ thể hơn nữa về tự do biểu đạt nghệ thuật để các nước thành viên trao đổi và thông qua, trong đó, có những điểm đáng chú ý. Đó là: Tất cả mọi người đều được hưởng quyền tự do biểu đạt nghệ thuật và sáng tạo, bao gồm quyền tự do trải nghiệm và đóng góp vào việc biểu đạt và sáng tạo nghệ thuật, thông qua hoạt động cá nhân hoặc tập thể, để có thể tiếp cận và thụ hưởng nghệ thuật, và phổ biến các biểu đạt và sáng tạo của mình [Điều khoản 85]; Tác động của kiểm duyệt nghệ thuật hoặc những hạn chế không có lý do về quyền tự do biểu đạt nghệ thuật và sự sáng tạo là có tính chất tàn phá. Những tác động này gây ra những tổn thất lớn về văn hóa, xã hội và kinh tế, tước đoạt phương tiện biểu đạt và sinh kế của các nghệ sỹ, tạo ra một môi trường không an toàn cho tất cả những người tham gia vào nghệ thuật và khán giả của nó, thanh lọc các cuộc tranh luận về các vấn đề con người, xã hội và chính trị, cản trở hoạt động của dân chủ và nhất là cản trở các cuộc tranh luận về tính hợp pháp của bản thân sự kiểm duyệt [Điều khoản 86]; Trong nhiều trường hợp, kiểm duyệt lại có tính phản tác dụng vì nó cho phép quảng bá rộng rãi các tác phẩm nghệ thuật gây tranh cãi. Tuy nhiên, sự kiểm duyệt gây sợ hãi đối với các nghệ sỹ và các cơ quan nghệ thuật thường dẫn đến việc tự kiểm duyệt, làm giảm đi sự biểu đạt nghệ thuật và làm suy giảm khối lượng công chúng. Sáng tạo nghệ thuật đòi hỏi một môi trường an toàn và không sợ hãi [Điều khoản 87].

Việt Nam chính thức phê chuẩn “Công ước bảo vệ và phát huy sự đa dạng của các biểu đạt văn hóa” từ tháng 8 năm 2007. Quá trình thực thi Công ước này đã đạt được một số thành tựu nhất định trong nhận thức của toàn xã hội đối với vị trí và vai trò của văn hóa nghệ thuật trong sự phát triển kinh tế-xã hội; một số bộ luật và quy định về bản quyền tác giả và hoạt động văn hóa nghệ thuật cũng đã tạo điều kiện cho sự tham gia tích cực và chủ động của các nghệ sỹ trong các hoạt động sáng tạo. Tuy nhiên, việc thực thi Công ước này ở Việt Nam cũng gặp một số thách thức cần sớm được thay đổi. Nhà nước cần xem xét đầy đủ các nghĩa vụ của đối với việc tôn trọng, bảo vệ và thực hiện quyền tự do biểu đạt nghệ thuật và sự sáng tạo của mọi công dân. Khi sử dụng những hạn chế có thể có đối với tự do nghệ thuật, các cơ quan hữu quan và chính quyền phải tính đến bản chất của sự sáng tạo nghệ thuật (đôi khi đối lập với giá trị hoặc đạo đức của nó) cũng như quyền của các nghệ sỹ được thể hiện những chính kiến riêng; được sử dụng các biểu tượng tôn giáo và kinh tế trong các diễn ngôn nghệ thuật để thể hiện niềm tin của họ và tầm nhìn thế giới; việc sử dụng trí tưởng tượng và sự hư cấu phải được hiểu và tôn trọng như một yếu tố quyết định của tự do không thể thiếu được của các nghệ sỹ trong các hoạt động sáng tạo.

Cần chủ động tổ chức các cuộc tranh luận công khai về quyền hạn và trách nhiệm trong tự do biểu đạt nghệ thuật của nghệ sỹ cũng như các bên hữu quan, những chính sách bảo vệ và hỗ trợ nghệ sỹ và tất cả những người tham gia hoạt động nghệ thuật hoặc phổ biến các biểu đạt nghệ thuật và sáng tạo cũng cần được các khung pháp lý của quốc gia đảm bảo một cách thực chất và có hiệu quả. Việc đảm bảo bản quyền tác giả và sở hữu trí tuệ cũng phải được xem như một vế đối trọng bên cạnh quyền tự do biểu đạt.

Cuối cùng, việc thi hành các chính sách phát triển giáo dục nghệ thuật trong các trường học và cộng đồng, nhằm nâng cao sự hiểu biết, tôn trọng và đánh giá cao sự sáng tạo nghệ thuật - trong đó bao hàm khái niệm về tự do biểu đạt nghệ thuật; đánh thức khả năng sáng tạo nghệ thuật của mọi công dân, nâng cao ý thức bảo vệ quyền tác giả và sở hữu trí tuệ là không thể thiếu được.

Andrea Tran

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy