Thứ sáu, ngày 20 tháng 09 năm 2024
07:12 (GMT +7)

Từ chuyện “con ruồi bay”

VNTN - Tiếp nhận cái mới, tưởng rằng là chuyện đương nhiên của con người khi vươn đến văn minh. Nhưng một ngành đặc thù như nhiếp ảnh, cái mới mẻ ào đến luôn đồng thời với sự thay thế. Cùng với sự chào đón nồng nhiệt của nhóm người này, là sự kháng cự lúc ngấm ngầm, lúc công khai của một nhóm người khác… Nhưng nếu hiểu cái mới như là một thành tố để định dạng cho sự phát triển, thì những người phản kháng vô tình cũng đã được hưởng lợi, chỉ là họ có nhận ra hay không mà thôi.

Con ruồi bay là tên chỉ cái flycam. Bà hàng xóm ở quê gặp tôi đã hỏi: Cháu chụp ảnh đã lâu, giờ sắm được “con ruồi bay” chưa? Khi hiểu ra đó là cái gì, tôi nói đại ý là chưa thể mua nó. Tôi bỗng như một kẻ đã lỗi thời, bởi liền sau đó không ngắt nổi mạch chuyện mà bà tả về những đoạn phim được “con ruồi bay” tạo dựng ra… Bà nhấn mạnh: “Hay lắm! Nét lắm! Đến cái cối đá lỗ làm trụ cho cọc dây phơi ở góc sân nhà mà còn nhìn thấy được…”.

Tác phẩm “Cầu Vàng ở Đà Nẵng” của Huỳnh Văn Truyền (Đà Nẵng) Nguồn: vapa.org.vn

Khỏi phải nói đến hiệu ứng trong “làng ảnh” khi đối diện với “món” đồ chơi mới này. Kì thực, khi nghệ sĩ nhiếp ảnh Ngô Minh Đạo ra tập sách ảnh “Nhìn từ cánh bay Non nước Việt”, đã khiến không ít người có mơ ước được vài năm phục vụ Thủ tướng như ông. Để có thể tháp tùng lãnh đạo trên những chuyến bay bằng tiền ngân sách, mà “một công đôi việc” - vừa chụp ảnh phục vụ nhiệm vụ chính trị, vừa để phục vụ thú chơi nghệ thuật của cá nhân… Song những vị trí vinh dự ấy rất hiếm hoi đối với cả ngàn hội viên Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam; càng không đến lượt trùng trùng những tay chơi nằm ngoài biên chế. Vì lẽ đó, nên sự “vồ vập” của các nhà nhiếp ảnh với flycam là điều không có gì phải ngạc nhiên và khó hiểu.

Chỉ mới xuất hiện ở Việt Nam được một số năm, nhưng sản phẩm hình ảnh từ những chiếc flycam không chỉ khuất phục được tầng lớp khách hàng nhiếp ảnh bình dân; nó đã đổ bộ ào ạt vào các cuộc thi ảnh từ địa phương tới trung ương. Và các nhà thẩm định cũng đã dành cho những góc nhìn từ trên cao mối thiện cảm đặc biệt. Đó cũng là lẽ đương nhiên, khi mà mặt bằng nhiếp ảnh ở Việt Nam nhiều năm rồi được nhìn nhận là bằng lặng tới mức nhàm chán. Người xem đã được các nhà nhiếp ảnh khai phóng mắt nhìn, họ nhận thấy cái hay, cái mới lạ của chính nơi mình đang sinh sống một vẻ đẹp lạ lẫm, nên thơ từ góc nhìn của loài chim, loài bướm...

Thế rồi cái “phong trào” chơi flycam bắt đầu “nhiễu”, mà đầu mối của sự rối nhiễu, lại bắt nguồn từ chính các ban giám khảo khi dành tỉ lệ quá cao những giải thưởng và ảnh treo cho những tác phẩm chụp từ flycam, như kiểu “có mới nới cũ” vậy. Những cuộc tranh luận đã xảy ra quanh bàn giám khảo, rồi nó mau chóng lan đến người chơi ảnh. Người này thì bênh vực, người khác lại phản đối, thậm chí có người viện dẫn cả những quy chế không hề dính dáng gì tới nghệ thuật để nhằm làm hạn chế nó… Những tranh luận vẫn còn chưa có hồi kết, nhưng tin rằng thời gian, sẽ như một tấm nệm có tác dụng làm giảm mọi cú sốc cho con mắt và thói quen sẽ tự nó dần dần cân bằng lại…

Trong giới ảnh từ lâu có một câu cửa miệng hàm chứa đủ nghĩa đen và nghĩa bóng để “răn đe” cho nhau: “Phải biết tiết chế lòng tham”. Thực tế ngay trong các lĩnh vực văn học nghệ thuật khác cũng vậy. Không phải cứ viết được tiểu thuyết thật dày, là xã hội đã có ngay một văn hào lỗi lạc. Không ít nhà văn khi về già còn âm ỉ buồn vì đã chẳng để lại một tập thơ, thậm chí một bài, hay chỉ vài câu lục bát khiến người đời nhớ đến, kèm theo tên tuổi của mình… Với nhiếp ảnh lại càng khó, vì cứ mở mắt ra, là người ta đã thấy hàng triệu những hình ảnh lướt qua. Và nó phút chốc lướt đi hay sẽ thành “vô tri giác”, khi được ghi lại mà không hàm chứa nội dung mang cung bậc “hỷ, nộ, ái, ố…” của con người.

Một người bạn già của tôi chơi flycam đã than van lên rằng, khi đến một trung tâm sửa chữa, thấy người ta chất kín phòng đủ loại flycam không còn khả năng hoạt động trở lại, thấy thật tiếc. Sao không ai chụp một bức về cảnh đó, để khuyến cáo rằng giới nhiếp ảnh ở Việt Nam đã phải trả giá không ít cho thú chơi tao nhã của mình. Để những người làm chính sách phải cân nhắc mỗi lần ra những thông tư “cấm bay”. Và để cho một số những vị giám khảo trong các cuộc thi nhìn thấy mà cân nhắc kỹ mỗi khi chấm những bức ảnh chụp từ trên cao…

Ở Việt Nam vốn có sẵn thói quen từ thời bao cấp, phàm cái gì không quản được là người ta cấm! Về chuyện những hình ảnh từ chiếc flycam có thể phương hại đến an ninh quốc gia, thiển nghĩ, từ lâu chúng ta đã có thể dễ dàng tìm được những cọc antene trên nóc nhà của mình bằng ảnh vệ tinh. Bởi vậy nếu muốn, thì “thế lực thù địch” có thể “dòm” vào từng mét vuông đất của chúng ta một cách êm ái, chỉ với vài cái nhấp chuột. Dù không đủ điều kiện, từ sức khỏe cho tới tiền bạc để chơi flycam, nhưng là người chơi ảnh, tôi cảm ơn những nhà nhiếp ảnh đam mê, trẻ trung…, đã cho tôi được thấy những bức ảnh đẹp, đầy quyến rũ từ độ cao hàng trăm mét mà tôi không bao giờ chụp được. Ngành du lịch Việt Nam còn được hưởng lợi gấp nhiều lần, bởi thông qua những cá nhân để săn tìm vẻ đẹp của quê hương đất nước, nhưng lại không (hoặc ít khi) phải chi trả thù lao cho họ.

Thực tế, từ lâu cứ đến Hồ Hoàn Kiếm, lên Sapa, hay Cao nguyên đá Đồng Văn… chụp ảnh, người ta đã ngầm “đặt trước khuôn ngắm” bằng những kiệt tác của các vị lão làng, nhằm “đe nẹt” lớp trẻ không được đạo ý tưởng từ các bậc tiền bối. Những thế hệ người chơi ảnh đã “dầm mình” với nhiếp ảnh được 60, 50, 40 năm, thời mà họ sung sức đã bằng đôi chân của mình từng sục sạo khai thác hầu hết những danh lam, thắng cảnh của quê hương, thì nay “bầu trời” nên nhường lại cho lớp trẻ, thế chẳng phải là hợp đạo lý hay sao(?).

Nhiếp ảnh từ ngày khai sinh đã luôn luôn được các nhà khoa học chú tâm nghiên cứu và cải tiến, là một trong những ngành thuộc lĩnh vực công nghệ mũi nhọn được nhân loại đầu tư. Nhưng chúng ta, ở mỗi một thời kỳ thay đổi thường tồn tại thói quen ầm ĩ chỉ trích khi cái mới ập vào. Những năm 80 của thế kỉ trước, chúng ta miệt thị ống kính góc rộng - sau khi đã đưa nó lên đỉnh cao. Rồi những năm gần đây lại chỉ trích photoshop - sau khi đã tôn vinh nó thái quá. Và bây giờ thì dìm hàng flycam - sau khi đã mê mẩn với những góc nhìn mới lạ…

Những năm gần đây, ở Việt Nam thường xuyên mở ra những trại sáng tác ảnh nghệ thuật. Điều dễ nhận thấy là, dường như người ta đang “rập khuôn” đào tạo ra những phiên bản nghệ sĩ giống nhau. Ai cũng chụp được ảnh chân dung, ai cũng biết mê ảnh phong cảnh, ai cũng có thể giỏi lăn lộn với ảnh đời thường và cuối cùng ai cũng có thể thẩm định được ảnh…! Những người lặng lẽ tách ra một lối riêng như Dương Quốc Định, Hoàng Thế Nhiệm…, chỉ đếm chưa đủ trên một bàn tay. Bởi thế mà Việt Nam dù có hàng ngàn người chơi ảnh vẫn chưa có trường phái nhiếp ảnh cụ thể. Người chơi/chụp ảnh vẫn học mót, học lỏm hơn là tầm sư học đạo. Chủ nghĩa cá nhân ngày càng lên ngôi, muốn được tôn vinh chứ không thành tâm ái mộ ai. Học và làm mỗi thứ một tí nên không sâu để tạo thành bản sắc. Mặt khác, chúng ta tự hào là đất nước có “phong trào nhiếp ảnh”, “cường quốc nhiếp ảnh”, nhưng xét đến nền công nghiệp còn èo uột, phải nhập khẩu từ chiếc chân chống đến cái loa che nắng, thì việc sản xuất ra một thiết bị ghi hình có độ cơ khí chính xác, tinh vi để chia nhỏ một tích tắc đồng hồ thành 1/30, 1/125 hay 1/5000 có lẽ còn mờ mịt trong mơ ước của ngành cơ khí luyện kim…

“Bình minh trên thác Mưa Rơi” tác giả Trần Đoàn Huy (Thái Nguyên)

Quay lại chuyện chiếc flycam. Thông thường, người chơi và sở hữu nó luôn phải bận tâm đến các vấn đề thuần chất kĩ thuật, để cho chuyến bay được an toàn, rồi mới có thể xoay xỏa, hòng chụp ra những tấm hình mình ưng ý… Tóm lại, để không thành kẻ “tưới xăng đốt nhà”, thì người sử dụng flycam phải bỏ rất nhiều thời gian, công sức mà học hỏi. Mà phàm khi thạo thứ này thì lại lơ đễnh thứ kia. Khi các tay máy trẻ giỏi giang đang chú tâm để ganh đua nhau “phơi đêm” và bay lượn bên mép sông, khe núi tìm những hình ảnh mới lạ; thì cơ hội chợt thênh thang cho những nghệ sĩ bảo thủ, chỉ có cái máy cổ với vài ba khẩu nối chụp macro. Họ có đủ thời gian thanh thản đợi nắng, ngồi nhâm nhi cà phê, ngắm cô người mẫu má đang rần rần đỏ… Cuộc sống vốn luôn được tự nhiên kéo về thế cân bằng, “kẻ xay lúa thì khỏi phải ẵm em”. Người chơi cao tay phải biết nhường. Lớp trẻ năng nổ “ăn” giải phong cảnh, cánh già “nẫng” giải chân dung. Bộ ảnh treo và đoạt giải ban tổ chức luôn đặt trong thế cân đối của các chủ đề khác nhau. Đội trẻ mạnh mẽ gửi ba ngàn ảnh, nhưng Ban tổ chức chọn lấy hai chục tấm. Nhóm “cổ hủ” gửi có ba trăm, nhưng lại được chọn lấy mười lăm tấm. Tỉ lệ 20/3000 với 15/300, xác suất cho nhóm nào cao hơn(?)! Mọi người nghĩ sao mặc lòng, tôi chỉ mong sao “ông nhà nước” hủy mọi rào cấm kị, để cho có thật đông người thỏa trí sáng tạo với flycam. Còn tôi xin tự nguyện đứng tịt lại dưới mặt đất, cũng một phần do keo kiệt không dám sắm thiết bị, một phần tránh được cho đầu óc không bị lộn phèo cùng “cánh ruồi rơi”!!…

Vũ Kim Khoa

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy