Trước thềm năm học mới
VNTN- Năm học mới 2023 - 2024 đang đến gần, mặc dù vẫn còn đó những vất vả của thầy cô, những trăn trở của phụ huynh, song tất cả đã sẵn sàng cho ngày tựu trường.
Tiếp tục thực hiện chương trình GDPT 2018
Năm học này, ngành Giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) tiếp tục triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông (GDPT) 2018 đối với lớp 1, lớp 2, lớp 3, lớp 4 cấp tiểu học; lớp 6, lớp 7, lớp 8 cấp trung học cơ sở; lớp 10 và lớp 11 cấp trung học phổ thông. Đồng thời, tiếp tục thực hiện nội dung dạy học lớp 5, lớp 9, lớp 12 chương trình GDPT 2006 theo hướng tinh giản, phù hợp và tiếp cận Chương trình GDPT 2018.
Cùng với cả nước, đây là năm thứ 4 tỉnh Thái Nguyên thực hiện chương trình GDPT 2018. Những thành quả bước đầu là không thể phủ nhận, song trên thực tế vẫn còn những băn khoăn, trăn trở, lo lắng của các bậc phụ huynh, của học sinh và của cả chính thầy cô giáo đối với những đổi mới trong cách dạy và học hiện nay.
3 năm qua, có thể thấy tỉnh Thái Nguyên đã rất chủ động trong thực hiện chương trình giáo dục mới. Cụ thể, HĐND tỉnh đã ban hành các chương trình, đề án, chính sách để thực hiện chương trình GDPT 2018, đặc biệt là chương trình phát triển giáo dục đào tạo giai đoạn 2021- 2025; Đề án về tăng cường cơ sở vật chất cho các cơ sở giáo dục giai đoạn 2021 - 2025; Đề án phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn đến 2030.
Đồng thời, tỉnh cũng đã ban hành kế hoạch thực hiện chương trình GDPT 2018, ban hành các tiêu chí lựa chọn sách giáo khoa phổ thông, thành lập các hội đồng lựa chọn sách giáo khoa phổ thông, thành lập Ban Biên soạn nội dung tài liệu giáo dục địa phương…
Theo các nhà quản lý giáo dục, yêu cầu lớn nhất của chương trình GDPT 2018 là thay đổi cách dạy và học từ chủ yếu trang bị kiến thức là chính sang phát triển toàn diện năng lực, phẩm chất người học. Những năng lực, phẩm chất đó phải được cụ thể hoá trong từng môn học, cấp học. Học sinh không chỉ làm chủ được kiến thức phổ thông, mà phải biết vận dụng kiến thức, kỹ năng vào đời sống thực tế.
Ưu điểm của phương pháp dạy và học mới là rất rõ ràng, tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực, việc triển khai chương trình GDPT 2018 trên địa bàn tỉnh ta vẫn còn gặp phải nhiều khó khăn trong thực tế.
Trong chương trình mới, giáo viên phải dạy tích hợp các môn khoa học tự nhiên, trong khi đó hầu hết giáo viên chưa được đào tạo liên môn, vẫn chủ yếu dạy đơn môn dẫn tới các trường gặp khó trong việc sắp xếp thời khoá biểu.
Bên cạnh đó, ở cấp THPT, khi học sinh phải chọn tổ hợp bộ môn để học dẫn đến thay đổi cơ cấu giáo viên. Có thể tổ hợp môn này cần nhiều giáo viên, tổ hợp môn khác lại cần ít giờ học hơn. Đặc biệt, với việc học theo tổ hợp môn của chương trình GDPT mới thì các trường hợp học sinh vì lý do nào đó phải chuyển trường cũng sẽ nảy sinh không ít khó khăn, do các trường có các tổ hợp bộ môn khác nhau…
Đây cũng là một trong những nội dung nhận được sự quan tâm và lo lắng của rất đông phụ huynh. Có con năm nay bước vào THPT, là người luôn quan tâm và theo sát tình hình học tập của các con trong từng năm học, song chị Nguyễn Thị Thu Hương, phường Chùa Hang, TP. Thái Nguyên vẫn không khỏi lo lắng khi không biết định hướng con lựa chọn tổ hợp môn học nào để đăng ký khi năm học mới bắt đầu.
Chị Hương bộc bạch: Điều tôi lo nhất là con chưa biểu hiện có khả năng nổi trội ở môn nào. Như chị của cháu năm nay vào đại học thì cũng phải đến năm lớp 11 mới quyết định chọn được khối thi cho mình và đầu tư công sức học vào đó nhiều hơn. Giờ đăng ký theo tổ hợp môn thế này, lỡ một thời gian sau các cháu muốn có sự lựa chọn khác cũng là điều vô cùng bất lợi.
Một khó khăn khác không thể không tính đến đó là, do quy mô trường lớp tăng lên hàng năm, trong khi đó lại phải thực hiện chủ trương tinh giản biên chế cho nên việc thiếu giáo viên vẫn xảy ra.
Tìm lời giải cho bài toán thiếu giáo viên
Trên thực tế, trong nhiều năm trở lại đây, một trong những nỗi lo thường trực của hầu hết các địa phương trong cả nước trong đó có Thái Nguyên trước thềm năm học mới là tình trạng thiếu giáo viên. Năm học 2023 - 2024, cả nước đang cần thêm hơn 118.000 giáo viên.
Đối với tỉnh Thái Nguyên, nhu cầu về bổ sung biên chế sự nghiệp GD&ĐT vẫn đang rất lớn. Theo quy định hàng năm tỉnh phải tinh giản 470 biên chế sự nghiệp GD&ĐT. Trong khi đó, quy mô trường lớp, học sinh liên tục tăng, các trường thành lập mới không được bổ sung biên chế dẫn đến tình trạng quá tải học sinh, không bố trí đủ giáo viên đứng lớp theo định mức quy định
Mặc dù, năm 2022 trung ương đã giao bổ sung cho tỉnh 1.157 biên chế. Thế nhưng, số lượng biên chế được giao bổ sung chỉ đáp ứng một phần nhu cầu. Toàn tỉnh hiện cần được bổ sung khoảng hơn 4.200 biên chế trong ngành GD&ĐT.
Để tháo gỡ phần nào khó khăn này, trong những năm qua, tỉnh Thái Nguyễn đã có chính sách hỗ trợ kinh phí thực hiện chế độ chính sách đối với lao động hợp đồng làm giáo viên trong các trường mầm non, phổ thông công lập và nhân viên làm nhiệm vụ nấu ăn trong các trường mầm non công lập trên địa bàn tỉnh.
Đặc biệt, ngay trước thềm năm học mới 2023 - 2024, ngày 31/8 vừa qua, tại kỳ họp chuyên đề, HĐND tỉnh Thái Nguyên đã kịp thời ban hành nghị quyết về việc nâng mức hỗ trợ kinh phí đối với các trường mầm non, phổ thông công lập thuộc tỉnh.
Cụ thể, một định mức khoán giáo viên mầm non (nhà trẻ, mẫu giáo) đang được hỗ trợ là 4,9 triệu đồng/tháng được điều chỉnh nâng lên là 5.904 nghìn đồng/tháng; một định mức khoán giáo viên cấp tiểu học đang được hỗ trợ 5,5 triệu đồng/tháng được nâng lên 6.588 nghìn đồng/tháng; một định mức khoán giáo viên cấp THCS và THPT được hỗ trợ 5,3 triệu đồng/tháng được điều chỉnh nâng lên 6.372 nghìn đồng/tháng; một định mức khoán nấu ăn được hỗ trợ 3,5 triệu đồng/tháng được điều chỉnh nâng lên 4.068 nghìn đồng/tháng.
Nghị quyết này ra đời sẽ góp phần khắc phục tình trạng thiếu biên chế hiện nay; đồng thời tháo gỡ được khó khăn cho các đơn vị về nhu cầu lao động nhân viên nấu ăn trong các nhà trường, giúp các nhà trường bảo đảm được hoạt động thường xuyên, giảm áp lực dạy vượt giờ đối với giáo viên (do được thuê khoán thêm người, thỉnh giảng…), theo đó chất lượng giáo dục được bảo đảm hơn.
Riêng với chính sách này, trong những năm qua, tỉnh đã bố trí trên 1.700 tỷ đồng để khuê, khoán giáo viên giảng dạy trong các cơ sở công lập và nấu ăn trong các cơ sở mầm non. Song song với đó, Sở GD&ĐT đã phối hợp với UBND cấp huyện thực hiện thêm một số giải pháp khác để đáp ứng được việc giảng dạy của giáo viên như sắp xếp, sáp nhập lại các điểm trường, hình thành các trường liên cấp sau sáp nhật và sáp nhập cả những trường cùng cấp với nhau. Bố trí giáo viên dậy liên trường để đảm bảo ở đâu có học sinh ở đó có giáo viên.
Ưu tiên cho học sinh vùng khó
Với phương châm "Dành mọi điều tốt đẹp nhất cho học sinh", nhất là học sinh ở những nơi có điều kiện kinh tế khó khăn, đồng thời để thu hẹp khoảng cách chất lượng giáo dục giữa vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền múi với những vùng có điều kiện kinh tế xã hội phát triển hơn, tỉnh Thái Nguyên đã ban hành nhiều chính sách đặc thù cho khu vực đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Đơn cử như việc quy định học phí. Hiện nay học phí trên địa bàn tỉnh được chia làm 3 mức. Trong đó, mức dành cho học sinh vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi là thấp nhất. Cùng với đó, tỉnh đã dành nhiều nguồn lực, tăng cường đầu tư cơ sở vật chất thiết bị dạy học cho khu vực có điều kiện kinh tế khó khăn. Chỉ tính riêng từ năm 2015 - 2022, khu vực này được đầu tư, cải tạo, xây dựng và mua sắm thiết bị với số tiền trên 260 tỷ đồng.
Đồng thời, ưu tiên hơn trong công tác tập huấn giáo viên (về số lượng cũng như chuyên đề đặc thù). Ngoài ra, Sở cũng chỉ đạo các phòng GD&ĐT ở những vùng có điều kiện thuận lợi hơn giúp đỡ về chuyên môn nghiệp vụ thiết bị dạy học, sách giáp khoa với các trường ở nơi có điều kiện kinh tế khó khăn…
Điều này sẽ đặc biệt có ý nghĩa bởi, song song với yêu cầu của sự đổi mới trong cách dạy và học là yêu cầu cao của chương trình về đổi mới cơ sở vật chất trường lớp học. Trong khi đó, dù đã rất nỗ lực, nhưng một số cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh vẫn chưa thể đáp ứng được yêu cầu đặt ra, đặc biệt với các phòng học bộ môn...
Khó khăn, trăn trở dù vẫn còn đó, song hy vọng rằng với sự quan tâm và đầu tư xứng đáng cho sự nghiệp “trồng người” của các cấp uỷ, chính quyền; sự tận tâm và trách nhiệm của các thày cô giáo; sự vào cuộc chủ động và tích cực từ phía gia đình; sự nỗ lực của các em học sinh… năm học 2023 - 2024 sẽ là năm học có dấu ấn của thật nhiều thành tựu.
Tất cả đã sẵn sàng chờ đón tiếng trống khai trường chào năm học mới.
Kim Ngân
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...