Thứ ba, ngày 17 tháng 09 năm 2024
02:09 (GMT +7)
Cuộc vận động sáng tác văn học nghệ thuật về Đại đội TNXP 915

Trong ký ức của bà

Các anh ơi!...Các em ơi!...Đài ơi!... Bom…Lửa…lửa cháy kìa!

Bà chồm dậy, hai bàn tay cào liên hồi lên tấm ga trải trên giường bệnh. Hai gò má giàn giụa nước mắt. Cái dây chuyền dịch văng ra ngoài. Tôi hốt hoảng ôm vội lấy bà, mếu máo gọi:

- Bà…bà ơi!...Bà làm sao thế? Bác sỹ…Bác sỹ !...Bác sỹ ơi!...

Bác sỹ trực vội vã chạy sang. Bà tôi vẫn kêu gào. Tiếng bà gọi nghe đau đớn đến tột cùng: “Đài ơi...Đài ơi!…Em…Em…Ở… đâu?”. Rồi bà gục xuống.

Sau mũi tiêm của bác sỹ bà tôi mệt mỏi thiếp đi. Ông bác sỹ quay sang nói với tôi:

- Đây là một hiện tượng hồi lại ký ức của não bộ. Bà cháu chắc đã phải trải qua những ký ức rất đau buồn. Mà bà cháu làm nghề gì nhỉ?

Tôi kéo tấm chăn lên ngang bụng bà, ngước nhìn bác sỹ.

- Dạ, cháu cũng không rõ ngày trước bà cháu làm nghề gì, nhưng thấy bà cháu có một bộ quần áo mà lúc nào cũng nằm trong ba lô, chắc có liên quan đến nghề nghiệp của bà, trên ngực áo có viết dòng chữ “C 915” bằng màu xanh đã nhạt. Bà cháu bảo, ngày xưa chị em trong đơn vị của bà rất thích dùng cuống lá trầu không viết tên và đơn vị của mình lên áo như thế.

Ông bác sỹ như giật mình rồi lẩm bẩm:

- C 915! Nghĩa là Đại đội Thanh niên xung phong 915. Đúng rồi…Đúng rồi!

Ông bỗng đứng thẳng nhìn bà tôi đang thiêm thiếp trên giường bệnh bằng ánh mắt kính trọng, rồi quay sang nói với tôi:

- Bà cháu chắc là một thanh niên xung phong của đại đội 915 thuộc Đội 91. Chú được nghe kể lại vào đêm 24 tháng 12 năm 1972, sáu mươi chiến sỹ thanh niên xung phong của đại đội 915 đã anh dũng hy sinh dưới mưa bom B52 của Mỹ, trong khi cả đại đội đang làm nhiệm vụ ở Ga Lưu Xá. Bà cháu chắc đã chứng kiến giây phút đau thương ấy. Sự đau đớn giằng xé đến tột cùng vừa rồi của bà chắc là sự trở lại từ ký ức.

* * *

- Bà Xuân hôm nay khỏe hơn nhiều rồi nhỉ. Gớm hôm qua bà mê sảng làm cô cháu gái khóc hết nước mắt - Bà bệnh nhân nằm bên cạnh vui vẻ nói.

Bà tôi cười nhưng ánh mắt bà vẫn buồn thăm thẳm. Tôi nắm tay bà khẽ nói:

- Bà ơi! Cháu đưa bà ra công viên bệnh viện cho thoáng bà nhé.

Tôi ngồi bên bà trên chiếc ghế đá. Mặt trời cuối hè đang khuất dần sau dãy nhà cao tầng. Nắm bàn tay bà, tôi rụt rè hỏi:

- Bà ơi! Đài là ai mà cháu thấy trong mơ bà gọi tên nhiều thế ạ?

Mắt bà vẫn nhìn về chân trời xa, khẽ nói:

- Cô Đài là một đồng đội của bà. Ngày ấy, cô Đài mới mười tám tuổi cũng bằng tuổi cháu bây giờ. Một đồng đội mà cả cuộc đời này bà không sao quên được.

Tôi ngồi sát vào bà:

-Bà ơi! Bà kể về cô Đài cho cháu nghe đi.

Bà vuốt nhẹ mái tóc tôi. Nhưng nhìn ánh mắt lạc đi, tôi đoán hình như bà ngỡ mình đang vuốt lên mái tóc bà Đài năm nào. Bà kể bằng một giọng buồn…

…Cả đại đội hối hả vận chuyển gạo và nhu yếu phẩm lên xe ô tô. Những tấm lưng thon thả tròn lẳn của tuổi mười tám đôi mươi cong oằn ướt đẫm mồ hôi. Những tiếng thở dốc. Những bước chân nện thình thịch trên mặt đất. Mệt là thế nhưng đâu đó vẫn vẳng lên tiếng cười rúc rích. Từ cuối kho hàng có tiếng nói vọng ra:

- Bật “đài” lên đi Đài ơi!

Nhảy tót lên thùng xe đứng chon von trên bao gạo, Đài lấy giọng:

- Đây là đài tiếng nói 915 phát đi từ xe gạo.

Cả đoàn tàu đậu trên đường ray như rung lên vì những tiếng cười. Hai má Đài ửng đỏ, đôi mắt mở to trong veo. Đài là thế. Chẳng ai thấy nó buồn bao giờ, mệt đến mấy nó vẫn cười vẫn nói. Không biết có phải từ bé Đài đã cùng mẹ lên rừng, thường hú gọi người thân, vui cùng gió núi hay sao mà nó có giọng hát vang và hay đến thế. Mỗi lần làm việc, nghe tiếng hát của Đài mọi mệt nhọc như tan đi tất cả. Vì thế, đại đội gọi nó là cái “Đài” không cần pin.

- Này Đài ơi! Tên thật của mày là gì đấy? Mày hay nói hay hát nên người ta gọi mày là “đài” chứ gì.

Tiếng cười lại rung lên. Tiếng cười chưa dứt, Đài đã vội cãi:

- Không, em tên là Đài thật mà. Nông Thị Đài.

- Bao nhiêu cái tên đẹp không đặt lại đặt tên là Đài?

- Em cũng hỏi mé em thế thì mé em kể là: Ngày trước có một đoàn địa chất đến bản em thăm dò cái gì ấy, trong đoàn có một bác có cái hộp hình chữ nhật, cái hộp ấy biết nói, biết hát, biết cả thông báo tin chiến thắng ở chiến trường, nơi anh cả em đang chiến đấu. Mẹ em thích lắm hỏi đấy là cái gì bác ấy bảo đấy là cái đài. Từ ngày ấy mẹ ước có được một cái đài, thế rồi lúc sinh em, mẹ đặt tên là Đài. Cả tiểu đội lại cười muốn rụng rời chân tay. Một người huơ huơ tay:

- Nó bịa đấy! Tên lí lịch của nó không phải là Đài đâu.

Đài cười nghiêng ngả:

- Cái chị này. Đài 915 phát sóng thì phải tin chứ!

Cứ cười, cứ tếu táo, quay đi quay lại toa hàng đã trống trơn.

Chiều hôm ấy, đi gánh đá đắp hai bên đường sắt về, không biết Đài kiếm ở đâu một mũ đầy hoa bưởi. Nó kiếm cái nồi đun một nồi nước hoa bưởi bê ra gốc cây xà cừ đầu nhà rồi quay ra gọi:

- Chị Xuân ơi! Chị ra gội đầu với em, gội đầu bằng nước hoa bưởi vừa thơm lại vừa mượt tóc.

Gội đầu xong hai chị em thả tóc hóng gió. Xuân ngồi lặng nhìn Đài đưa hai bàn tay tung tung mái tóc, bỗng một cảm giác nghẹn ngào trào lên. Cái tuổi mười tám mười chín của Đài lẽ ra đang được ngồi trên giảng đường đại học chứ đâu phải oằn mình dưới sức nặng của những hòm đạn, bao gạo, căng mình trong tiếng gầm rú của máy bay địch, tiếng xé trời của bom rơi. Xuân thấy thương Đài đến nao lòng. Đưa tay lên vai, Xuân kéo Đài ngả vào ngực hỏi thì thầm:

- Em đã yêu chưa?

- Dạ chúng em cũng vừa mới… thì anh ấy lên đường ra mặt trận còn em thì đang ở đây, thế còn chị?

- Chị có rồi, yêu nhau được một năm thì anh ấy cũng ra nặt trận.

- Được ở bên nhau một năm cơ ạ. Anh chị sướng thế. Chị kể về tình yêu của chị cho em nghe đi.

Xuân thực sự bối rối, biết kể gì cho Đài bây giờ. Đang lúng túng thì thật may là Đài lại lên tiếng:

- Hôm chia tay chị có khóc không? Em nghe nói chia tay mà nước mắt rơi nhiều tức là người đi mà lòng ở lại đấy.

Rồi Đài lại luyến thoắng:

- Chị đã hôn chưa?

- Cái con bé này - Xuân đấm nhẹ vào lưng Đài.

Đài vừa nũng nịu vừa như năn nỉ:

- Chị kể đi. Nụ hôn của người con trai nó như thế nào, chị?

- Vậy là em chưa hôn?

Đài vô tư:

- Thật mà! Chưa một lần, thật mà. Hôm chia tay chúng em chỉ nắm tay nhau đi dọc con suối cùng nghe tiếng nước chảy thôi.

- Nhưng chị biết nói với em thế nào nhỉ? Khi anh ấy đặt nụ hôn lên môi chị, chị chỉ thấy mình như tan ra, bay lên hòa vào ánh trăng. Đài ơi! Chị nhớ anh ấy quá.

Hai chị em ngồi dựa vào nhau. Đôi mắt Đài lấp lánh hai dòng nước mắt dưới ánh trăng đầu tuần. Thì ra, không phải Đài lúc nào cũng vui vẻ ca hát và không biết buồn như chị em trong đại đội tưởng.

Mấy ngày hôm sau, vừa có tiếng hô giải lao, Đài đã đặt đôi quang sọt xuống chạy đến kéo tuột Xuân ra một góc thì thầm:

- E…Em biết cái cảm giác “ấy” rồi nhé.

Ngơ ngác chưa hiểu Đài nói gì thì nó ghé sát vào tai Xuân:

- Nụ hôn…Nụ hôn…ý mà.

Kỉ luật của Đội ngày ấy rất nghiêm. Những quan hệ nam nữ là điều cấm kị. Nghe Đài nói, Xuân quắc mắt:

- Chết! Với ai?...

Khuôn mặt Đài rạng rỡ, ánh mắt chứa chan hạnh phúc.

- Đêm qua anh ấy về và chúng em hôn nhau trong… giấc mơ.

Xuân thấy nghẹn đắng, nước mắt trào ra. Thật may là Đài còn đang hạnh phúc với nụ hôn trong mơ mà không nhìn thấy đôi mắt nhòa ướt của Xuân.

Cuối năm ấy, để cắt đứt sự viện trợ vào mặt trận phía Nam, giặc Mỹ điên cuồng bắn phá miền Bắc, máy bay B52 trút bom xuống Hà nội, Hải Phòng và đặc biệt là những nơi tập kết hàng hóa của hậu phương. Đại đội Thanh niên xung phong 915 nhận nhiệm vụ vận chuyển toàn bộ hàng hóa vào nơi tập kết đề phòng máy bay địch đến oanh tạc.

Trận địa chìm trong cái lạnh giữa đông nhưng lưng áo ai cũng ướt mồ hôi. Cả đại đội đã thấm mệt, bỗng từ giữa sân ga vang lên tiếng hát “Đi dưới trời khuya sao đêm lấp lánh. Tiếng hát ai vang động cây rừng. Phải chăng em cô gái mở đường? Không thấy mặt người chỉ nghe tiếng hát. Ơi nhưng cô con gái đang ngày đêm mở đường, hỏi em bao nhiêu tuổi mà sức em phi thường?”. Tất cả cùng ồ lên vui vẻ, như trút được sức nặng của những bao gạo đầy căng. Mọi người nhận ra đó là tiếng hát của Đài.

- Hay quá Đài ơi. Hát nữa đi. Lúc nào bọn máy bay B52 đến mày phải hát thật to để thằng phi công nó mải nghe hát, quên mất thả bom.

Cả đại đội đẫm trong tiếng cười.

- Đài ơi! Sắp hết “pin” chưa? Cho một bài nữa đi.

- Hết làm sao được. Các chị nghe nhé: “Nếu ai bỏ chầu cau, xin u trớ nhận lời đấy nhé. Thời chiến bây giờ, lấy chồng cũng như là không”.

Đám con gái cười ré lên, khoái chí. Mấy đứa hô to:

- Đàn ông ra chiến trường hết rồi, chẳng ai đến nhà mày bỏ trầu đâu mà mày phải dặn u.

Tiếng cười chưa dứt thì từ phía cửa ga một tiếng hô như thét:

- Đồng chí nào…đứa nào vừa hát xuyên tạc láo lếu đấy?

Cả đám im bặt. Có tiếng thì thầm: “Chết rồi! Đại đội trưởng”.

Đài xanh le mắt, chạy tụt lại núp sau lưng Xuân. Tiếng Đại đội trưởng nói như quát:

- Cô Đài phải không? Cô ra đây. Đại đội sinh hoạt tại chỗ 5 phút.

Đài rụt rè bước ra. Vừa nhìn thấy Đài, Đại đội trưởng đã mắng té tát:

- Lập trường tư tưởng của cô thế hả? Cô định xuyên tạc bài hát làm dao động tư tưởng chị em phải không? Ngay bây giờ cô về lán thu xếp quân tư trang về quê! Ở đây chúng tôi không cần những người tư tưởng không thông như cô. Tư tưởng không thông vác cái lông không nổi, hiểu không?

Nghe hai tiếng “về quê”, Đài bỗng bật khóc nức nở. Nó khóc như đứa trẻ bị mẹ đánh đòn. Đài mếu máo:

- Đại…Đại…thủ trưởng ơi! Đừng bắt em về quê. Em biết lỗi rồi. Từ giờ em không hát xuyên tạc nữa.

Cả đại đội xúm lại, xin cho Đài được ở lại. Có lẽ tiếng khóc nức nở của Đài chạm đến lòng trắc ẩn của Đại đội trưởng. Ông quay sang Xuân:

- Thôi được. Tôi giao cô Đài cho Tiểu đội trưởng Xuân giám sát. Lần sau tôi mà còn nghe thấy hát xuyên tạc nữa thì đừng có trách.

Cả đại đội cùng reo lên sung sướng. Đài vội nhảy lên bao gạo hồn nhiên hát vang: “Cuộc đời vẫn đẹp sao tình yêu vẫn đẹp sao dù đạn bom man rợ thét gào”. Nó hát mà hai gò má còn nhòe nước mắt…

Kể đến đây tôi thấy bà ngừng lại, cổ họng cố nuốt khan. Tôi quay sang hỏi bà:

- Bà ơi, cháu thấy các cô làm việc vất vả nặng nhọc lại nguy hiểm thế, chắc là lương phải cao lắm bà nhỉ?

Bà không trả lời tôi mà ngước nhìn về phía mặt trời đang khuất dần. Hoàng hôn cuối mùa hạ nhuốm trong mắt bà một nỗi buồn thăm thẳm. Bà khẽ thở dài, kể tiếp…

Sau tiếng hát của Đài, toàn đại đội lại say sưa làm việc.

Bỗng tiếng máy bay như xé toang bầu trời.

- Tất cả xuống hầm! Tiếng đại đội trưởng hô vang.

Trong ánh chớp bom, Xuân nhìn thấy Đại đội trưởng đẩy cái Đài vào phía trong hầm. Xuân còn nghe rõ tiếng ông:

- Các em nhỏ vào trong đi. Ở ngoài nguy hiểm lắm.

Mặt đất bỗng như lật úp, nghiêng ngả, đen kịt. Chỉ vài phút, cả khu vực sân ga trở lên im lặng. Im lặng đến rùng rợn. Hình như lâu lắm, Xuân mới lơ mơ mở được mắt, quờ quạng bóng đêm trong một tâm trạng nửa mơ nửa tỉnh. Có cái gì như tiếng cười rúc rích…Có cái gì như tiếng khóc nức nở của cái Đài đòi ở lại… Có cái gì như tiếng nổ, như những tia chớp… Rồi tất cả lại chìm vào bóng tối. Xuân cố mở mắt, định chồm dậy nhưng ngực đau nhói, trĩu nặng. Giờ thì Xuân hiểu chuyện gì đã xảy ra. Xuân nằm vật xuống, thét lên đau đớn:

- Đại đội trưởng ơi!... Các em ơi!...Đài ơi!

Bốn bề yên lặng đến thê lương.

Bà đột ngột ngừng kể, lặng lẽ lau nước mắt. Đôi vai bà run lên. Tôi khẽ ôm lấy bà, không dám hỏi gì thêm. Một lát, bà bỗng nói trong vô thức:

- Sao bà lại còn sống cơ chứ. Sáng hôm sau khi tỉnh lại ở bệnh viện bà mới biết căn hầm trú ẩn của đại đội đã bị bom B52 đánh trúng, sáu mươi đồng đội của bà đã mãi mãi ra đi.

* * *

Tôi còn đang mơ màng trên cái giường gấp đặt cạnh giường bệnh của bà, thì nghe tiếng bà gọi:

- Dậy đi cháu.

Hôm nay bà vui khỏe đến lạ thường. Bác sỹ cũng không hiểu được sao bà khỏe lại nhanh đến thế, điều này chỉ có một mình tôi hiểu. Chiều hôm qua có mấy chú ở tỉnh đến mời bà sáng nay đến dự lễ khánh thành tượng đại tưởng niệm sáu mươi liệt sỹ thanh niên xung phong đại đội 915.

Đứng trước đài tưởng niệm, đôi mắt ướt nhòe, bà thầm gọi:

- Đại đội trưởng ơi!...Các em ơi!...Đài ơi!...Thế là đồng đội mình lại được ở bên nhau rồi.

Mải tưởng tượng lại quang cảnh căn hầm bị bom năm xưa, quay lại, không thấy bà đâu, tôi vội chạy đi tìm thì thấy bà đang đứng bên tấm bia đá khắc tên sáu mươi liệt sỹ. Bàn tay gầy guộc của bà run run lần lần từng cái tên đồng đội trong một tâm trạng xúc động. Tôi vội đến bên, nắm tay bà an ủi:

- Bà ơi! Thôi bà đừng quá đau buồn nữa, cũng đã hơn bốn mươi năm rồi.

Bà quay lại nhìn tôi mỉm cười:

- Bà có buồn đâu. Bà đang vui lắm cháu ạ. Chỉ tiếc một điều, đồng đội của bà ở đây rất nhiều người nhưng chỉ còn lại những dòng tên…

- Bà ơi! Tất cả đồng đội của bà vẫn đang sống cùng nhân dân và Tổ quốc, xương thịt họ đã hòa vào đất nước, vào mỗi nhành cây ngọn cỏ, mỗi con đường, mỗi công trình, nhà máy. Hồn của họ giờ đã hóa hồn Tổ quốc - Không hiểu sao mà lúc ấy tôi lại nói được những câu ra vẻ người lớn đến thế.

Nhưng tôi cảm giác bà không để ý đến những câu nói hoa mỹ ấy của tôi. Mắt bà dõi vào xa vắng. Thì ra bà đang lắng nghe tiếng hát vọng ra từ một chiếc loa phóng thanh. Một ca sĩ nổi tiếng đang hát một ca khúc ca ngợi thanh niên xung phong: “…Ơi nhưng cô con gái đang ngày đêm mở đường, hỏi em bao nhiêu tuổi mà sức em phi thường?...”

Bất chợt, bà quay lại nói với tôi bằng một giọng trầm buồn:

- Ngày xưa bà Đài cũng hát hay như thế đấy cháu ạ.

Tôi chưa được nghe bà Đài hát bao giờ, nhưng nhìn ánh mắt bà chan chứa niềm tự hào, tôi tin là bà không nói quá.

Truyện ngắn. Đào Nguyên Hải

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Đại đội 915 còn mãi với nước non (Tập 2)

Cuộc vận động sáng tác VHNT về Đại đội TNXP 915 1 năm trước

Đại đội 915 còn mãi với nước non (Tập 1)

Cuộc vận động sáng tác VHNT về Đại đội TNXP 915 1 năm trước

Phối hợp triển khai sáng tác văn học về Đại đội 915

Cuộc vận động sáng tác VHNT về Đại đội TNXP 915 2 năm trước

Tiếp tục tuyên truyền có điểm nhấn về Đại đội TNXP 915

Cuộc vận động sáng tác VHNT về Đại đội TNXP 915 5 năm trước

Những nụ cười vẫn sáng lên

Cuộc vận động sáng tác VHNT về Đại đội TNXP 915 5 năm trước

Họ đã tham gia cuộc chiến như thế

Cuộc vận động sáng tác VHNT về Đại đội TNXP 915 5 năm trước

Nhật ký cô văn thư

Xem tin nổi bật 5 năm trước