Những nụ cười vẫn sáng lên
Anh em ơi, đồng đội ta ơi
Mình chạy trên cánh đồng mới gặt
Rạ mềm quá, chân trần mát lạnh
Gạo mới giã thơm mùi cối đá
Pá chờ mình bên nồi cơm ngon
Ăn, ăn đi cơm vừa chín tới
Gà núi nấu canh gừng
Thêm chút rượu say say
Ngà ngà hồn bay về núi…
(Trường ca “Ngọc trong núi” - Minh Hằng)
Có lẽ không ở đâu như trên mảnh đất này, mệnh lệnh của Tổ quốc trong trái tim mỗi người, lớn hơn cả sức hủy diệt của đạn bom, bất chấp mọi kẻ thù bạo ngược. Hàng triệu người con ưu tú đã thể hiện lời tuyên thệ với Tổ quốc bằng chính máu xương của mình. Nấm mồ mang trái tim của họ bất tử với non sông.
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, những tấm gương hy sinh vì Độc lập - Tự do đã trở thành biểu tượng cao đẹp của chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong thời đại mới. Ngay trên mảnh đất Thái Nguyên, các lực lượng vũ trang và nhân dân các dân tộc trong tỉnh, tiếp nối truyền thống quê hương “Thủ đô kháng chiến, Thủ đô gió ngàn” vùng ATK Việt Bắc, đã lao động và chiến đấu quên mình góp phần chi viện sức người, sức của cho tiền tuyến. Trong đó có hàng ngàn thanh niên xung phong, những người “đâu cần thanh niên có, việc gì khó có thanh niên (1). Họ đã cống hiến tuổi thanh xuân và cả máu xương của mình như những người lính ở phía sau trận tuyến.
Cách đây gần 70 năm, vào giữa tháng 7 năm 1950, tại Núi Hồng, Đại Từ (Thái Nguyên), Bác Hồ sáng lập lực lượng thanh niên xung phong (TNXP) đầu tiên. Trong số 225 đội viên của cả nước có những chàng trai cô gái tuổi đôi mươi đến từ các huyện Định Hóa, Phú Bình, Phổ Yên (Thái Nguyên). Họ mở đầu cho phong trào TNXP, trở thành biểu tượng của những người “đào núi và lấp biển, quyết chí ắt làm nên”(2). Họ vượt qua lửa đạn đưa thương binh về hậu phương, chịu đói chịu rét, nằm lán ngủ hang… cùng bộ đội làm nên chiến dịch Biên giới (tháng 9 năm 1950).
Trong những ngôi nhà mái rạ ở làng quê hẻo lánh, bao chàng trai cô gái lớn lên từ củ khoai, củ sắn, từ dòng sữa thơm thảo của bà mẹ nghèo Thái Nguyên sẵn sàng lên đường phục vụ Tổ quốc. Công việc ngổn ngang chờ những bàn tay trẻ trung. Họ có mặt ở khắp các ngả đường lên Tây Bắc, tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ, làm nhiệm vụ trên đất bạn Thượng Lào, tiếp quản Thủ đô, xây dựng lò cao Gang Thép, sơ tán máy móc. Nào mở đường, sửa chữa cầu cống, bến phà, làm lán trại; nào bốc xếp hàng hóa, tham gia chiến dịch… Lời kêu gọi của Tổ quốc luôn được đáp lại nhanh và mạnh từ lực lượng TNXP. Mồ hôi và máu của họ đã góp phần làm nên lịch sử vẻ vang cho dân tộc.
Từng có một con đường mang tên “Hạnh phúc” nối thị xã Hà Giang qua cao nguyên đá Đồng Văn đến Mèo Vạc mù xa. Gần 200 km đường vắt vẻo lơ lửng, một bên vách đá tai mèo dựng đứng, một bên vực sâu thăm thẳm và dòng sông Nho Quế nước xanh rợn người, được làm nên bởi hàng nghìn bàn tay TNXP chăm chỉ. Những cái tên như Cổng trời Quản Bạ, Cán Tỷ; dốc Tráng Kìm, Pải Lủng, Mã Pì Lèng… đầy thâm u nói lên mức độ hiểm nguy họ đã trải qua. Từ năm 1960 đến 1965, hơn một trăm TNXP Thái Nguyên cùng hàng nghìn TNXP đến từ mọi miền Tổ quốc đã treo mình trên vách núi, dùng choòng, búa… đục cậy từng mẩu đá, mở đường lên cổng trời Cán Tỷ và từ Pải Lủng đi qua dốc Mã Pì Lèng. Từng tấc đường chúng ta đi hôm nay thấm mồ hôi, nước mắt và máu biết bao TNXP. Đến giờ, nhiều người còn nhắc đến những đội viên TNXP đã hy sinh tại cung đường này: Anh Vũ Cao Vận (quê Trực Ninh, Nam Định), khi đang đục đá tra mìn ở dốc Pải Lủng thì núi lở, đá lăn đè lên người khiến anh hy sinh; anh Đào Ngọc Phẩm (quê Mỹ Yên, Đại Từ) vì cứu một người dân có nguy cơ lăn xuống vực mà anh trượt chân rơi xuống…
Biết là gian khổ, biết là có thể hy sinh tính mạng, nhưng tâm thế “đâu cần thanh niên có” luôn trực chờ trong ý thức các đoàn viên thanh niên, để rồi khi tỉnh Bắc Thái quyết định thành lập Đội TNXP chống Mỹ cứu nước, đã có hàng nghìn lá đơn tình nguyện tham gia và 628 TNXP đủ tiêu chuẩn đã được chọn (vượt 28 so với chỉ tiêu). Ngày 18 tháng 1 năm 1966 đi vào lịch sử TNXP Bắc Thái, khi Đội TNXP 91 ra đời, con em nhân dân các huyện Phổ Yên, Đồng Hỷ, Phú Bình được biên chế vào 4 đại đội: 911, 912, 913, 914.
Cựu TNXP Trần Thị Kim Quy - hiện là Phó Chủ tịch Thường trực Hội Cựu TNXP tỉnh Thái Nguyên - là một trong 628 đội viên đầu tiên của Đội 91. Như nhiều thiếu nữ ra đi từ làng quê nghèo, chị trưởng thành nhanh chóng trong môi trường “thép” của TNXP. Chị kể chúng tôi nghe công việc đầu tiên của chị và các đội viên khác là hành quân lên Na Rì (Bắc Kạn). Lúc đó, con đường nhỏ xíu dài 60km vắt qua đèo Áng Toòng từ thị xã Bắc Kạn vào Na Rì chỉ có thể đi bộ hoặc cưỡi ngựa. Nhiệm vụ của các TNXP cùng lực lượng công nhân, dân công là hạ độ dốc, cắt cua, mở rộng mặt đường cho xe ô tô chạy, phục vụ yêu cầu quốc phòng và phát triển kinh tế. Này xà beng, cuốc và xẻng; này choòng đá, xe cút kít và bàn tay rớm máu. Đá tai mèo hay cây rừng rậm rạp, vực hun hút hay hổ dữ gầm gào. Những ngày đông giá nước đóng băng trên cây trắng xóa, ăn chưa đủ no, mặc chưa đủ ấm, nhưng “sức ta đã quyết, lòng ta đã bền”(3), sức trẻ và trái tim có lửa đã san phẳng gian nan.
Các chàng trai, cô gái Đội TNXP 91 trưởng thành nhanh chóng cùng cung đường mới. Ngày chia tay Na Rì, có người ứa nước mắt khi thấy dân bản ào ra sờ nắn, lạ lẫm ngắm chiếc ô tô, thật thà tâm sự: “Giờ bà con không phải luồn lách cây rừng để đi như con hươu, con nai, con lợn rừng nữa rồi…”.
Quả là “đâu cần thanh niên có”, các Đại đội TNXP thuộc Đội 91 liên tục nhận nhiệm vụ: Mở đường mới, xây dựng trận địa, bốc dỡ hàng hóa, bảo vệ kho hàng. Màu áo TNXP trở nên thân quen trong mắt nhân dân. Họ lặn sông xếp đá làm ngầm, họ thay thế pháo thủ bắn trả máy bay địch, họ đặt cống xây cầu, họ tải thương cứu chữa thương binh... Họ, biểu tượng của phong trào Thanh niên ba sẵn sàng(4) một thời sôi nổi.
Cuộc chiến tranh do đế quốc Mỹ gây ra cho nhân dân ta ngày càng ác liệt, Tổ quốc lại gọi những người con của mình lên đường cứu nước. Đại đội 915 ra đời tháng 6 năm 1972 trong hoàn cảnh như thế. 102 cán bộ, đội viên Đại đội 915 tuổi đời còn rất trẻ, hầu hết 17 - 18, một số chưa tròn 16 tuổi, phần lớn là người dân tộc Tày, Nùng, Sán Dìu... Nhiều người chưa biết đọc, biết viết và nói tiếng Kinh chưa thạo thuộc các huyện, thành thị tỉnh Bắc Thái (nay là tỉnh Thái Nguyên và Bắc Kạn). Về sống trong “đại gia đình” TNXP Đội 91, họ nhanh chóng làm quen môi trường mới, những người bạn mới, công việc mới. Bàn tay tra hạt tỉa bắp, bàn tay cầm cuốc cầm rìu, bàn chân lội suối leo núi giờ san đường lấp hố bom; đôi tai quen nghe tiếng chim rừng hót ríu ran nay buộc phải nghe tiếng máy bay gầm rú, tiếng rít của đạn bom, tiếng kêu than của chết chóc.
Với nhiệm vụ sửa chữa đường và bốc xếp hàng hóa chi viện cho chiến trường miền Nam, các chị, các anh lao vào cuộc chiến với trái tim “chứa mặt trời đỏ rực, khao khát những chân trời”(5) vô tư và tình nguyện dâng hiến tuổi thanh xuân của mình cho đất nước. Năm tháng ấy, mồ hôi các chị các anh mặn vào từng mét đường, màu áo lẫn trong đất bụi, khói bom. Dưới bom đạn khốc liệt, các đội viên Đại đội 915 vẫn vững vàng bám trụ trên các vị trí trọng yếu với tinh thần “Sống anh dũng bám đường, chết kiên cường dũng cảm”.
Chắc chắn trên thế giới, hiếm có lực lượng bán vũ trang nào quy tụ những người trẻ có ý thức tổ chức kỷ luật và đầy tinh thần trách nhiệm như lực lượng TNXP Việt Nam. Những mục tiêu, lý tưởng của tuổi trẻ là lẽ sống cao đẹp các đội viên rèn luyện cống hiến. Không phải ngẫu nhiên mà nhiều người mới tham gia lớp học bổ túc văn hóa của Đại đội, dù chưa thuộc hết mặt chữ cái, họ đã thuộc các bài hát cách mạng và những bài thơ yêu nước. Phong trào thanh niên “Ba sẵn sàng” với nội dung: “Sẵn sàng đi bất cứ đâu, làm bất cứ việc gì khi Tổ quốc cần” được họ thể hiện bằng bản lĩnh và những hành động quả cảm.
Trong khi tất cả cảng biển, cửa sông bị ngư lôi Mỹ phong tỏa, quốc lộ 16A là tuyến giao thông huyết mạch tiếp nhận hàng hóa viện trợ của nước bạn, máy bay Mỹ phát hiện và thường xuyên ném bom đánh phá. Tinh thần “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược” đã biến các chàng trai, cô gái còn “trẻ người non dạ” thành những người mang hoài bão lớn lao, được tôi luyện “cứng rắn như thép như gang”. Mỗi lần có báo động, các đội viên vẫn bình tĩnh hướng dẫn phương tiện vận tải vào nơi sơ tán. Máy bay dội bom, trú ẩn trong những căn hầm sơ sài, họ bình tĩnh theo dõi tọa độ đánh dấu các loạt bom nổ chậm. Chưa tan hết khói bom họ đã lao ra mặt đường san lấp. Bất kể ngày đêm, khi có tình huống cần xử lý, các đội viên đều có mặt trên đường để đảm bảo thông tuyến. Ngày mưa, nhiều đoạn ngầm nước ngập sâu, các chị các anh dầm mình trong nước làm cọc tiêu cho xe qua. Nhiều bữa cơm dã chiến được tổ chức ngay trên trọng điểm chỉ với cơm nắm muối vừng.
Ngày 13/9, mới hơn ba tháng thành lập, một tiểu đội bị trúng bom tại xã Linh Sơn, 01 chị hy sinh và 08 người bị thương. Trước những mất mát hy sinh trên mặt trận hậu phương, các chị các anh không một ai nhụt chí. Họ biết gồng mình lên biến đau thương thành sức mạnh, biết đối mặt với cái chết bằng niềm lạc quan, tin yêu.
Bà Nguyễn Thị Nhung, cựu Bí thư Chi đoàn thanh niên Đại đội 915, một trong 7 người còn sống sót từ đống đổ nát của căn hầm oan nghiệt đêm 24/12 kể lại: Đoàn viên thanh niên trong chi đoàn đều rất trẻ, có người thực sự chỉ mới 15 tuổi như chị Triệu Thị Nhình, quê ở thôn Nà Chuông, xã Nông Thượng, thành phố Bắc Kạn. Quân số chủ yếu là người dân tộc ở các bản nhỏ hẻo lánh, lạ lẫm với môi trường phải rèn luyện và tuân thủ theo nề nếp, tác phong mang tính kỷ luật chặt chẽ. Trong điều kiện Đại đội chia thành từng bộ phận ở trọ nhà dân, chi đoàn lập thành các nhóm giúp đỡ nhau học tiếng Kinh, kèm nhau học chữ và nắm bắt diễn biến tư tưởng của đoàn viên thanh niên. Các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao được tổ chức thường xuyên tạo không khí vui tươi, lành mạnh trong đơn vị... Chính vì vậy, thời gian máy bay Mỹ ném bom đánh phá ác liệt, làng mạc dọc tuyến đường tan hoang, nhiều bộ đội và dân thường thiệt mạng, ngay cả Đại đội cũng có đội viên hy sinh, nhưng đoàn viên thanh niên trong chi đoàn không một ai dao động.
Trên mảnh đất xã Linh Sơn, nơi Đại đội 915 đóng quân, ký ức về Đại đội được nhiều nhân chứng kể lại với sự cảm phục, trân trọng. Bà Nguyễn Thị Phương, nguyên Chủ tịch Ủy ban Hành chính xã, nhà cũng có một tiểu đội nữ ở trọ, chia sẻ: Năm tháng ấy đã lùi xa, tới giờ tôi vẫn không thể quên. Các cô cậu đội viên trẻ lắm, người Kinh, người Tày… vui vẻ như anh em một nhà. Bom đạn ác liệt không làm họ sợ hãi. Họ vào đời với tâm thế cùng cha anh đánh giặc cứu nước. Khu xóm này Đại đội đóng quân trước khi đi làm nhiệm vụ tại ga Lưu Xá. Tiểu đội nữ ở nhà tôi do cô Nguyễn Thị Nguyên, quê ở huyện Phú Bình làm tiểu đội trưởng, trận bom ấy tiểu đội hy sinh gần hết, cô Nguyên cũng hy sinh. Nhiều bận nhớ về Đại đội, tôi lại nghe như đâu đây tiếng cười đùa cất lên…!
Giữa những ngày gian nan khốc liệt, sức sống của Đại đội 915 vẫn như mầm cây xanh non bật chồi lên. Những “tiếng hát át tiếng bom” không chỉ trong các buổi sinh hoạt văn nghệ của Đại đội, mà còn ngân vang trong các tiểu đội giữa giờ giải lao bên miệng hố bom trên mọi cung đường. Tiếng cười của các chị, các anh thực sự làm ấm lòng những người lính hành quân ra tiền tuyến.
Không có những số liệu xác định đôi bàn tay của các đội viên TNXP đã đào đắp san lấp bao nhiêu khối đất đá, đôi vai bé nhỏ của họ đã mang vác, bốc xếp bao nhiêu tấn hàng hóa…. 12 ngày đêm cuối năm 1972 (từ 18 - 29/12), đế quốc Mỹ mở cuộc tập kích đường không chiến lược, đem máy bay B52 ném bom phá hoại miền Bắc. Thành phố Thái Nguyên cũng là một trong những địa phương Mỹ ném bom hủy diệt. Nhiều nhà máy, trụ sở cơ quan, trường học, bệnh viện, khu dân cư bị phá hủy, hàng trăm dân thường bị giết hại. Trong những ngày rực lửa ấy, ngọn lửa của ý chí kiên cường từ trái tim mỗi đội viên TNXP được thắp lên sáng hơn bao giờ hết. Đối diện cái chết và thử thách cam go, toàn bộ quân số của Đại đội 915 đều có mặt, sẵn sàng hy sinh vì Tổ quốc.
Buổi tối Giáng Sinh năm 1972 định mệnh, 60 cán bộ, đội viên TNXP ra đi mãi mãi khi đang làm nhiệm vụ bốc xếp hàng ở ga Lưu Xá (thành phố Thái Nguyên). Đó cũng là tổn thất lớn nhất của lực lượng thanh niên xung phong Việt Nam thời kỳ chống Mỹ cứu nước. Trong số những người hy sinh, có hai đội viên chỉ mới 16 tuổi, cùng quê Bắc Kạn: Chị Tô Thị Phùng, thôn Bản Cưa, xã Phong Huân, huyện Chợ Đồn. Chị Hoàng Thị Hạo, thôn Nà Khuổi, xã Thượng Giáo, huyện Ba Bể.
Hành động anh dũng và sự kiện bi tráng trong đêm Noel của Đại đội 915, Đội 91 TNXP Bắc Thái trở thành khúc tráng ca bất tử trường tồn cùng đất nước.
Ghi nhận tinh thần chiến đấu anh dũng và những thành tích xuất sắc của Đại đội 915 trong kháng chiến chống Mỹ, tháng 12/2009, Nhà nước đã phong tặng danh hiệu cao quý Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân cho đơn vị. Nơi lưu danh các TNXP Đại đội 915 hy sinh tại khu vực Lưu Xá, phường Gia Sàng, thành phố Thái Nguyên được công nhận là Di tích lịch sử quốc gia.
Năm nay, Thái Nguyên làm nhiều việc lớn hơn hướng về người đã khuất và người còn sống. Từ đầu năm, các đồng chí lãnh đạo tỉnh đã thống nhất chương trình kỷ niệm và tri ân những liệt sĩ TNXP Bắc Thái hy sinh đêm Noel 1972 bằng những công việc thiết thực. Các cuộc họp, phân công nhiệm vụ, những chuyến đi thăm hỏi thân nhân các liệt sĩ và những TNXP Đại đội 915 còn sống được tổ chức. Hai cuốn sách về lịch sử và về văn học nghệ thuật được tổ chức thực hiện công phu, sẽ là những tài liệu đầy đủ, chính xác, sinh động nhất từ trước đến nay về Đại đội 915 Anh hùng. Khu Di tích lịch sử quốc gia, địa điểm ghi dấu nơi các anh chị hy sinh được điều chỉnh mở rộng gấp 4 lần trước đây, kết nối với không gian Đền Túc Duyên thanh tịnh cách đó không xa càng làm cho mỗi người hiểu thêm về mảnh đất linh thiêng này. Lãnh đạo và nhân dân Thái Nguyên mong muốn nơi đây không chỉ dựng lên một đài cao bằng gạch, xi măng hay cốt thép; không chỉ hiển hiện sự trân quý bằng lầu chuông, lầu khánh, tam quan hay nghi môn tứ trụ… mà mãi mãi là “địa chỉ đỏ” trong sự nghiệp xây dựng truyền thống cách mạng cho thế hệ hôm nay và mai sau; nhất là xây lên trong lòng người một tượng đài ơn nhớ những con người dù mất đi nhưng“cuộc đời chưa bao giờ yên nghỉ”(5).
***
Trong nhà bia tưởng niệm, bên những nhành hoa trắng, dòng tên cán bộ đội viên hy sinh lấp lánh như những bông hoa nắng. Giữa tiếng chuông ngân và làn khói nhang hư ảo, hình ảnh các chị, các anh lại hiện về, những gương mặt hồn nhiên thật trẻ và nụ cười vẫn sáng lên.
Tùy bút. Thái Hằng
---------
Chú thích:
(1,2): Lời dạy của Hồ Chủ tịch.
(3,4) Phong trào Thanh niên ba sẵn sàng được Thành đoàn Hà Nội khởi xướng tháng 8-1964. Ba sẵn sàng gồm: Sẵn sàng chiến đấu, chiến đấu dũng cảm; Sẵn sàng gia nhập các lực lượng vũ trang; Sẵn sàng đi bất cứ nơi đâu, làm bất cứ việc gì mà Tổ quốc cần đến.
(5) Ý thơ của Nguyễn Khoa Điềm.
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...