Tác phẩm tham dự Cuộc vận động sáng tác văn học, nghệ thuật về Đại đội TNXP 915
Tiếng Acmonica trong gió
Năm nào cũng vậy, cứ khoảng 27, 28 tháng chạp, khi hoa đào chúm chím nở hồng quanh xóm, dân làng náo nức đi chợ sắm sanh đón Tết, gia đình tôi lại chuẩn bị chút lễ lên Nhà tưởng niệm Liệt sĩ Thanh niên xung phong Đại đội 915 thắp hương cho anh Thanh. Mấy năm nay sức khỏe yếu, đi lại khó khăn, mẹ mới chịu ở nhà. Những lúc ngồi một mình, mẹ thường lần giở những kỉ vật ra lau chùi. Lau xong, mẹ ngồi bất động hàng giờ. Hai lần tiễn con đi, hai lần mái tóc bạc gió sương lại khóc cho hai mái đầu xanh lặng lẽ. “Các con đâu rồi? Thanh ơi! Minh ơi…”
Kí ức về những ngày hạnh phúc còn đủ cả bốn anh em lại ùa về.
Tôi nhớ như in chiều đông năm ấy, mẹ quẩy quả đôi quang gánh hớt hải bước thấp bước cao chạy về, tới đầu ngõ, nhìn thấy hai anh em tôi đang đánh khăng liền hỏi dồn dập:
- Thằng Thanh đâu, thằng Thanh đâu rồi! Hai đứa có biết nó đi đâu không?
Anh Minh hồn nhiên nhanh nhảu:
- Hình như anh theo mấy anh chị xóm bên đi khám bộ đội rồi mẹ ạ. Phen này mà trúng thì oai phải biết. Lớn lên con cũng muốn đi bộ đội.
Mẹ cau mày:
- Nó đã đến tuổi đâu, một tay xách nặng, chưa làm đã thở mà đòi xông pha nơi mũi tên hòn đạn…
Vừa lúc anh Thanh về nhà, vẻ mặt đầy thất vọng:
- Con về rồi đây! Mẹ đừng nói nữa, xấu hổ lắm, có phải muốn đi bộ đội là được đâu. Con trượt rồi. Sao mẹ sinh ra mấy anh em ai cũng khỏe mạnh mà con thì còi cọc thế. Anh bỏ dở câu nói lỡ. Hai mẹ con đứng lặng nhìn nhau, nước mắt lã chã.
Tính anh Thanh hiền lành hay nhường nhịn nên thường bị tụi tôi bắt nạt. Mẹ đánh đòn oan cũng không dám cãi vì sợ nếu biết, mẹ sẽ đánh các em đau hơn. Có chuyện gì anh cũng âm thầm chịu đựng một mình không hề than vãn. Mặc dù là con cả nhưng anh lại còi cọc nên sâu thẳm trong lòng, mẹ luôn dành cho anh nhiều tình cảm nhất.
***
Sau hôm ấy cả mẹ và anh không ai nhắc lại chuyện xung phong đi bộ đội nữa. Nhưng tôi biết, trong lòng anh luôn bứt rứt không yên. Làm thằng con trai 17 tuổi trong đầu nung nấu bao ý tưởng cao đẹp mà chưa thực hiện được nên anh hay buồn bực vô cớ. Nhìn bạn bè xung quanh lần lượt khoác ba lô lên đường, anh thấy chạnh lòng. Mỗi khi thấy anh mang kèn Acmonica ra đầu hồi thổi, biết anh buồn, mẹ chép miệng an ủi: “Không thể chiến đấu ngoài tiền tuyến thì ở lại làm hậu phương vững chắc cũng là yêu nước rồi, con ạ”.
Ở lại quê, anh trở thành phó Bí thư Đoàn thanh niên. Công việc làng xã bận rộn cũng khiến anh lạc quan vui vẻ ít nhiều. Ngày ngày cùng mọi người tham gia phong trào “Bèo hoa dâu”, rồi đi lấy cây điền thanh về ủ làm phân xanh để bón ruộng. Những ngày nông nhàn anh lại vận động thanh niên góp công cho lò gạch hợp tác xã. Rồi vào rừng chặt nứa, đan phên, lấy củi. Những ngày ấy, chiếc kèn Acmonica trở thành vật bất li thân của anh. Ở đâu có anh là ở đó vang rộn tiếng hát, tiếng cười. Vui nhất là các buổi tối anh cùng các em thiếu niên tập nghi thức, tập múa, hát. Trong giờ giải lao các em thường xúm quanh đòi nghe anh thổi kèn. Mặc dù người nhỏ bé nhưng làm bất cứ việc gì anh rất gương mẫu, tự giác và chăm chỉ nên ai cũng quý mến.
Tuổi mười bảy, mười tám bao mơ mộng. Là người hơi nhút nhát nên mọi tâm tư, tình cảm anh Thanh chỉ biết gửi trọn vào tiếng kèn. Mỗi khi anh đặt chiếc kèn lên môi, thổi những bài tình ca êm ái, mọi người thấy mây như ngừng trôi, nắng dịu hơn, bao mệt mỏi tan biến hết. Bao cô thôn nữ làng trên xóm dưới đã phải lòng tiếng kèn của anh. Trong buổi làm đồng các bà các mẹ vẫn hay đùa:
- Thằng Thanh không được vào bộ đội thì ở nhà lấy vợ đi, đừng để đám con gái ùn một hàng ở đằng sau kia kìa.
Những lúc ấy, mẹ tôi lại chép miệng thở dài: “Cháu nó yếu đuối, lại con nhà nghèo thì ai người ta lấy”.
Còn anh, mỗi khi có ai vô tình nhắc tới câu “không được vào bộ đội”, lòng anh lại như có kim châm. Tôi biết, trong sâu thẳm anh vẫn luôn nung nấu hi vọng về những mộng ước của mình. Mỗi lần nghe đài phát thanh kể về những chiến công vang dội hay bạn bè, người làng trên xóm dưới nhận được thư nơi tiền tuyến kể về những trận đánh khốc liệt mà hào hùng, mặt anh lại ngẩn ra, đứng ngồi không yên. Nỗi mặc cảm mình là kẻ vô dụng lại day trở trong lòng. Những lúc như thế anh lại ôm chiếc Acmonica ra sau vườn ngồi thổi cho vơi đi nỗi buồn.
Nhìn đôi vai bé nhỏ của anh rung lên theo tiếng kèn, tim mẹ lại nhói đau. Làm sao mà không thương được khi đứa con trai bé bỏng, ngoan hiền của mẹ lại luôn tự ti, mặc cảm vì chưa thực hiện được lý tưởng của tuổi trẻ chỉ vì không đủ sức khỏe. Anh có thể giấu nỗi đau của mình trong tiếng kèn, nhưng mẹ thì làm sao giấu nổi những giọt nước mắt lăn trên gò má đã có những vết chân chim.
***
Mấy tháng sau, khi ba anh em tôi đang tranh nhau cái mo tre ngồi quạt phành phạch thì mẹ hốt hoảng chạy về. Ngó một vòng thấy trống tuênh mẹ ngồi phịch xuống bậu cửa, mồ hôi lẫn nước mắt rơi ướt đầm vạt áo. Mẹ lặng lẽ khóc làm bọn tôi sợ cuống cuồng. Anh Minh lay lay vai mẹ khóc theo, giọng mếu máo:
- Mẹ ơi! Mẹ bị làm sao vậy?
Mẹ buông tiếng thở dài:
- Nó đi rồi, nó bỏ lò gạch đi từ sáng sớm giờ chưa về. Nó đi thật rồi…
Chiều chạng vạng tối anh về. Anh đứng trước mẹ giọng quả quyết:
- Con đã đủ tuổi nhưng vẫn không đủ sức khỏe đi bộ đội. Hôm nay con bỏ việc ở lò gạch rồi, con sẽ đi thanh niên xung phong. Làm thân con trai khi đất nước còn chiến tranh mà không thể cầm súng ra trận thì nhục lắm. Mẹ đừng cản con!
Nhìn ánh mắt quyết tâm sáng rực của anh, nước mắt mẹ ngắn dài. Thấy mẹ không ngăn cản mà chỉ khóc, anh hạ giọng thủ thỉ:
- Mẹ đừng lo, con gia nhập đội thanh niên xung phong trên tỉnh thôi. Sau mỗi đợt làm nhiệm vụ được nghỉ phép con lại về thăm nhà.
Sáng hôm sau mẹ dậy thật sớm đi chợ Mỏ Chè, vét hết những gì trong nhà có thể bán được, cộng với chút tiền dành dụm, mua một đôi lốp xe đạp mới cho anh. Chiếc xe đạp là cả gia tài của nhà tôi lúc bấy giờ. Mẹ bảo, có xe đạp để anh đi lại đỡ vất vả, có điều kiện tranh thủ về thăm nhà.
Đi được hai tuần thì anh về. Anh đạp xe ào vào sân. Chưa kịp hất chân chống anh đã tíu tít kể chuyện bạn bè mới cùng đơn vị, chuyện sửa đường, vận chuyển hàng hóa… Rồi anh rút kèn thổi cho chúng tôi nghe mấy bài mới học được.
- Mẹ yên tâm, ở trên ấy vất vả nhưng mà vui lắm. Trong đại đội đa số là nữ. Con tuy hơi yếu nhưng chăm chỉ, lúc giải lao lại thổi kèn nên mọi người đều yêu mến - Giọng anh đầy tự hào.
Anh như trở thành một con người khác, tự tin, khỏe khoắn, gặp ai cũng cười tít. Mẹ thấy yên tâm đôi phần.
Thỉnh thoảng anh được tranh thủ về một ngày, tối lại quay về đại đội. Lâu lâu không thấy anh về, mẹ lại ngóng. Có món gì ngon mẹ thường bảo chúng tôi: “Tụi bay từ từ hẵng ăn, chờ xem anh có về không?”.
Nhưng đận ấy, đến hơn tháng sau anh mới về, mặt gầy hốc hác. Anh nói vừa ra viện vì bị thương do sức ép của bom khi đang sửa đường chiến lược, được đơn vị cho nghỉ hẳn hai ngày. Mẹ cuống quýt sờ nắn khắp người anh, nước mắt lưng tròng.
Anh đi. Cả nhà tôi lại thấp thỏm chờ. Chờ lần về phép tiếp theo của anh.
Đêm đêm, mẹ vẫn giấu chúng tôi, âm thầm khóc. Hình như linh cảm của người mẹ luôn là nỗi bất an khi nghĩ tới dáng bé nhỏ gầy rộc của anh trong lần về phép ấy. Anh đi rồi, những giật mình, phấp phỏng âu lo đêm đêm lại trở về ám ảnh tâm trí mẹ.
Bác tôi thông báo con trai sắp cưới vợ. Vừa là anh em vừa là đồng đội nên anh tôi đã được đại đội sắp xếp cho về dự lễ cưới. Nhưng rồi tối ngày 23 tháng 12, toàn đại đội đột xuất nhận nhiệm vụ mới. Anh đã xin ở lại. Cả nhà tôi cứ chờ, chờ mãi…
Buổi sáng hôm ấy, nghe tin đêm Noel, bom Mỹ đánh ác liệt ở Gia Sàng, có rất nhiều người chết, lòng mẹ tôi nóng như lửa đốt. Mẹ bỏ dở buổi chợ tất tả chạy về.
Chị tôi đạp xe chở mẹ lên đơn vị tìm anh. Chị vừa đi vừa khóc, nước mắt rơi lã chã mà không dám nấc lên vì sợ mẹ lo.
Khi người đồng đội dẫn mẹ và chị tới khu nghĩa địa, nhìn những nấm mộ mới nguyên lô nhô, mắt mẹ nhòa đi. Mẹ bước từng bước như lê giữa những hàng chữ nghiêng nghiêng. Chút hi vọng mong manh vụt tắt, khi mắt mẹ chạm tấm bia khắc tên: “Liệt sỹ Lưu Xuân Thanh, hy sinh 24-12-1972”.
Chiều chạng vạng, mẹ vẫn lặng lẽ cào từng nắm đất đắp thêm lên mộ anh. Mẹ muốn đứa con bé nhỏ có phần hơi yếu đuối của mẹ phải luôn khỏe mạnh bằng bạn, bằng bè. Tận sẩm tối, mẹ vẫn ngồi ôm khư khư tấm bia khắc tên anh, mắt ngước nhìn lên vòm cây gần đó.
* * *
Đến tận hôm nay, mẹ tôi vẫn luôn kể lại cho các con các cháu trong nhà, rằng hôm ấy ngồi bên mộ anh, tai mẹ bỗng nghe văng vẳng tiếng Acmonica trong gió. Và mẹ quả quyết còn nhìn thấy cả bóng anh ngồi trên một cành cây cao, cặp mắt sáng như sao, ngước nhìn bà không chớp.
Các con tôi nghe bà kể, chỉ tủm tỉm cười. Chúng có vẻ hoài nghi những điều bà nói. Chỉ có tôi, gần năm mươi năm qua, vẫn luôn tin đó là sự thật.
Truyện ký. Hoàng Thao
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...