Chủ nhật, ngày 06 tháng 10 năm 2024
07:31 (GMT +7)

Họ đã tham gia cuộc chiến như thế

Tôi lặng lẽ ngắm họ, mường tượng ra họ gần nửa thế kỷ trước. Nay dù tóc đã bạc, da đã chớm đồi mồi, nhưng ở họ vẫn toát lên vẻ hào hoa, chừng mực, đĩnh đạc của một nhà giáo. Trò chuyện với chúng tôi, kỷ niệm những ngày làm thầy trong Đội Thanh niên xung phong 91, nhất là ký ức với đồng nghiệp Hà Văn Ly, giáo viên Đại đội 915 đã hy sinh, lại có dịp trở về.

Tự tay lái ô tô đưa tôi đến nhà liệt sĩ Hà Văn Ly - người vừa là đồng môn, vừa là đồng nghiệp, đồng chí - ông Bảo Văn Lạc, giáo viên Đại đội 912, Đội Thanh niên xung phong chống Mỹ cứu nước 91 Bắc Thái kể cho tôi nghe về quãng ngày tuy ngắn nhưng thật khó quên khi ông làm thầy giáo trong đơn vị thanh niên xung phong (TNXP).

Để bạn đọc hiểu rõ hơn, chúng tôi ngược thời gian trở lại ngày 21 tháng 6 năm 1965, khi Thủ tướng Chính phủ ra Chỉ thị số 71, cho phép chính thức thành lập Đội TNXP chống Mỹ cứu nước (tập trung). Chỉ thị nêu: “Đội TNXP chống Mỹ cứu nước là một lực lượng lao động đặc biệt, được tổ chức và xây dựng trên 3 mặt: Sản xuất, chiến đấu, học tập”. Bác Hồ, trong một lần nghe Ban Bí thư Trung ương Đoàn báo cáo về tình hình tổ chức và hoạt động của lực lượng TNXP, đã căn dặn: “Thanh niên hăng hái đi làm là tốt, nhưng phải hết sức chú ý chăm lo giáo dục, sức khỏe, học tập văn hóa, kỹ thuật và đời sống vật chất, tinh thần của TNXP...”.

Từ quan điểm đó, ngày 24 tháng 9 năm 1965, Bộ Giáo dục đã ban hành công văn hướng dẫn việc học tập văn hóa trong các đội TNXP, xác định cụ thể: Trong 3 năm tại ngũ, cần mau chóng hoàn thành phổ cập cấp 1, tích cực phổ cập cấp 2, đồng thời thỏa mãn một phần yêu cầu học lên cấp 3 về một số bộ môn cho đội viên TNXP, sau khi hoàn thành nghĩa vụ sẽ được ưu tiên lựa chọn đưa vào các trường đào tạo công nhân, cán bộ kỹ thuật, đi học các trường trong và ngoài nước…

Cả nước lúc đó hình thành các Trường Bổ túc văn hóa là Đội TNXP, mỗi đại đội là một phân hiệu. Trách nhiệm của hiệu trưởng, hiệu phó, tổ giáo vụ, giáo viên chuyên trách, giáo viên bán chuyên trách, tổ chức thi lên lớp, thi tốt nghiệp, cấp kinh phí mua giấy bút, trả lương giáo viên… được Bộ Giáo dục quy định rất rõ. Vì thế, khi thành lập Đội TNXP 91, cũng đồng thời ra đời Trường Bổ túc văn hóa TNXP 91, Ty Giáo dục Bắc Thái cử về mỗi đại đội 1 giáo viên chuyên trách để dạy học cho TNXP.

Có mặt từ những ngày đầu thành lập Đội TNXP 91 đến khi kết thúc (1966-1975) là thầy giáo Nguyễn Đình Trân (Đại đội 914). Từ năm 1972 đến 1974, giáo viên cử về 4 đại đội gồm các anh: Lê Huy Lanh (Đại đội 911), Bảo Văn Lạc (Đại đội 912), Ma Đình Quốc (Đại đội 913) và Hà Văn Ly (Đại đội 915).

Ông Bảo Văn Lạc nguyên là Chủ tịch UBND huyện Phú Lương (Thái Nguyên), nguyên Bí thư Huyện ủy huyện Chợ Mới (Bắc Kạn). Nay ở tuổi 65 nhưng ông còn khỏe mạnh, tư duy mạch lạc, trí nhớ rành rẽ. Cho xe chạy chầm chậm, ông Lạc chỉ tay giới thiệu: Kia là nhà anh Hà Văn Ly, sau khi anh hy sinh, tôi nhiều lần đến thăm mẹ anh, cụ không nói được tiếng Kinh, có ai đến chơi là phải nhờ “phiên dịch”.

Thầy giáo Lê Huy Lanh và tập giáo án khi làm nhiệm vụ tại Đội TNXP 91
Thầy giáo Lê Huy Lanh và tập giáo án khi làm nhiệm vụ tại Đội TNXP 91

 

Quê ông Lạc ở huyện Chợ Mới. Ông kể: Tôi học hết lớp 7 thì về Thái Nguyên học Trung cấp Sư phạm, ban Xã hội. Năm 1972 vừa ra trường chúng tôi được Ty Giáo dục phân công dạy học tại Đội 91 TNXP. Tôi trở thành thầy giáo của Đại đội 912 khi mới 19 tuổi. Qua lời kể của ông Lạc, tôi mường tượng được khung cảnh dạy và học hết sức đặc biệt ngày ấy.

Thầy giáo Lạc là giáo viên chuyên trách có nhiệm vụ chọn ra những đội viên có trình độ khá, lập ra một đội ngũ giáo viên không chuyên khoảng 5 đến 6 người để dạy cho các đội viên khác có trình độ thấp hơn. “Chúng tôi lên thời khóa biểu, tổ chức lớp học, phân công người lên lớp. Trong đơn vị, người học cao dạy người học thấp, có người vừa là thầy vừa là trò. Việc học cũng hết sức “tùy cơ ứng biến”, có thể học buổi trưa hay buổi tối, bất kể lúc nào “hở” thời gian là học. T

ừng nhóm tập trung lại, bàn ghế không có thì kê vở lên đùi mà viết. Cần nhất là tấm bảng cho thầy giáo giảng bài, có khi là miếng giát giường, có khi là cái nong mượn được của nhà dân dựng lên. Ngoài thời gian soạn giáo án, chúng tôi cũng làm đường, gánh gạo, san lấp hố bom, bốc dỡ hàng… như mọi đội viên khác”. Ông Lạc kể cho tôi nghe về người bạn thuở thiếu thời của ông là thầy giáo Hà Văn Ly, người cùng đồng đội giải tỏa hàng tại ga Lưu Xá và hy sinh tối 24/12/1972.

“Ly quê ở xã Mai Lạp, huyện Bạch Thông, cùng lớp Trung cấp Sư phạm với tôi. Ly đẹp trai lắm, dáng người mảnh khảnh, thư sinh. Hoàn cảnh gia đình Ly rất đặc biệt, bố mất sớm, nhà một mẹ một con. Sau khi Ly mất, tôi có đến thăm bà mấy lần. Rồi bà chuyển đến ở với cháu và được bệnh viện huyện chăm sóc cho đến khi qua đời”.

Ông Lạc không quên những giây phút cuối cùng ở bên người bạn thân yêu: “Khi đưa lên khỏi hầm, Ly vẫn còn sống, được đưa vào cấp cứu tại Bệnh viện A. Khi tôi chạy vào viện, anh đã hôn mê. Đến tối ngày 25 thì Ly mất…”. Chúng tôi rưng rưng ngắm tấm Bằng Bà mẹ Việt Nam Anh hùng mang tên Mông Thị Chu “Đã có con độc nhất hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc”, do Chủ tịch nước ký tặng.

Tôi mường tượng những tháng ngày khó khăn vô cùng của người mẹ lòa khi không còn con để nương tựa, sống vò võ nơi góc rừng hoang vu. Nhưng tôi chợt ấm lòng khi biết những người còn sống đã thay anh Ly chăm sóc bà đến khi bà về bên kia cuộc đời. Những kỷ niệm về thầy giáo Ly cũng in đậm trong trí nhớ của thầy giáo Lê Huy Lanh, hiện là Chủ tịch Hội cựu TNXP tỉnh Thái Nguyên.

Ông Lanh kể: Tôi và Ly bằng tuổi nhau (sinh năm 1952), cùng gia nhập lực lượng TNXP một ngày. Tôi nhớ hôm trước ngày Ly hy sinh, chúng tôi có cuộc họp giáo viên toàn Đội. Hôm ấy tôi thấy Ly có vẻ tâm tư điều gì đó. Ngồi với nhau ở hành lang phòng họp, Ly buồn buồn kể về mẹ. Rằng hôm Ly lên đường, mẹ đi theo Ly ra chỗ tập trung, nhưng vì mẹ bị lòa không nhìn rõ đường nên Ly phải dìu mẹ về. Rồi mẹ lại níu theo tiễn con đi, cứ thế dùng dằng mãi, sau Ly phải nhờ một người cùng xóm đưa mẹ về mới dứt mà đi được.

***

Ông Lê Huy Lanh cho chúng tôi xem cuốn sổ phần thưởng do ông Vũ Xuân Lan, thay mặt Ban Chỉ huy Đội ký tên, đóng dấu “Thân tặng đồng chí Lê Huy Lanh đã đạt danh hiệu Tiên tiến trong 6 tháng đầu năm 1973”. Đó là “vật chứng” lưu lại một thời dạy và học đặc biệt của các đội viên TNXP.Quê ở vùng chiêm trũng thuộc xã Ngọc Lũ, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam (cũ), năm 1962 bố mẹ ông Lanh nghe theo tiếng gọi của Đảng đưa gia đình lên huyện Đại Từ (Bắc Thái) khai hoang phát triển kinh tế văn hóa miền núi.

Cũng từ đây, xã Phục Linh có thêm xóm người miền xuôi, có tên Ngọc Linh (kết hợp tên xã Ngọc Lũ và xã Phục Linh mà thành). Ông Lanh kể: Sau 7 năm lên vùng đất mới thì bố tôi mất. Nhà tôi có 6 anh chị em. Anh cả là bộ đội chống Pháp, chị hai đi xây dựng thủy điện Thác Bà (Yên Bái), anh thứ ba là bộ đội đánh Mỹ. Năm 1968 tôi được gọi vào học trường Trung cấp Sư phạm. Mẹ tôi sức khỏe không được tốt, có lần phải điều trị dài ngày ở Bệnh viện A (lúc đó sơ tán ở xã Vô Tranh, Phú Lương). Tôi đi bộ hơn 40 cây số từ trường về, nhìn cảnh nhà vách đất tiêu điều, sân phủ kín lá xoan rụng, đẩy cửa bước vào nhà mùi ẩm mốc hoang lạnh xộc lên mũi, tâm trạng tôi lúc đó thật buồn.

Tốt nghiệp trường Trung cấp Sư phạm, ông Lanh được phân công dạy học tại Trường Bổ túc văn hóa TNXP Đội 91. Đại đội 911 do ông phụ trách giảng dạy có hơn 100 người, trình độ văn hóa khá thấp, có người còn mù chữ. Thầy giáo Lanh khảo sát trình độ, chọn giáo viên bán chuyên trách, xếp học viên vào các lớp. Có lớp chỉ 5-6 người, có lớp 20 người. Các giáo viên nghiệp dư được thầy Lanh “tập huấn” về tác phong sư phạm, cách thức giảng dạy, 7 phương pháp được phổ thành thơ cho dễ nhớ: Thuyết trình, giảng giải, trực quan/ Giáo khoa, thí nghiệm, luyện ôn, bình bài.

Cũng như ông Lạc, ông Ly, ông Lanh luôn theo sát học viên. Lịch học và lịch làm việc rất khít, kỷ luật TNXP rất nghiêm khắc. Ai có nhu cầu đi đâu phải báo cáo từ Tiểu đội trưởng trở lên và đi theo tổ “tam tam”. Hầu hết các buổi tối đều dày lịch học tập hoặc sinh hoạt. Học mọi lúc mọi nơi. Theo trí nhớ của ông Lanh: Đơn vị đến chỗ nào là bộ phận hậu cần lo chỗ học ở đó. Giờ học “chính khóa” thì cánh cửa, tấm phản nằm biến thành bảng đen. Lúc học “ngoại khóa” thì mặt đất, viên gạch, hòn đá, thậm chí “đít” xe cải tiến cũng trở thành dụng cụ học tập. Thầy và trò vừa đào đất, khuân đá… vừa bình luận câu văn hay, giải phép tính khó.

Các kỳ thi được tổ chức riêng, Ty Giáo dục ra quyết định, đề thi được bảo mật chuyển đến và Trường dành hẳn thời gian cho học sinh thi rất bài bản, nghiêm túc. Trong 3 năm ở TNXP, có đội viên học được 4 lớp. Ông Lanh kể: Một học trò, cũng là đồng đội của tôi là anh Lưu Bá Phương, Đại đội trưởng Đại đội 911, khi nhập ngũ chỉ có trình độ lớp 3. Tôi kèm anh “sát sạt”, bắt anh phải học. Tôi phân tích: “Anh phải học lên nữa mới làm tốt được nhiệm vụ”. Được cái, anh Phương nghe tôi, chịu khó học hỏi lắm, khi xuất ngũ đã học hết lớp 7.

Giọng ông Lanh chùng xuống khi nhớ về những kỷ niệm với Đại đội trưởng Lưu Bá Phương: Đơn vị chúng tôi đóng quân ở đầu cầu Đa Phúc, cách nhà anh Phương (xã Hồng Tiến, huyện Phổ Yên) khoảng 4 km. Anh Phương là con độc nhất. Tranh thủ ngày nghỉ tôi và anh Phương thường về nhà giúp mẹ. Nhà tôi đã nghèo nhưng nhà anh Phương còn nghèo hơn nhiều. Túp nhà lợp rạ bị mưa bão hất mái, trơ hoang hoác, mùa rét mà bà cụ không có một tấm chăn đắp. Thấy hoàn cảnh nhà anh Phương như thế, tôi lên đặt vấn đề với Đội duyệt bán cho tôi 2 mảnh vỏ chăn, tôi mang biếu bà cụ. Mẹ anh Phương quý tôi lắm, có hôm bà đi bộ ra tận chỗ tôi mang cho túm khoai, bảo luộc mà ăn cho đỡ đói. Mãi hàng chục năm sau, anh em tôi vẫn đi lại với nhau đến khi anh Phương qua đời.

Do chịu học nên sau khi ra quân, anh Phương làm công tác Đảng ở Ty Xây dựng Bắc Thái.Tiếc rằng tôi không gặp được tất cả các giáo viên của Đội TNXP 91 ngày đó, những người thầy đặc biệt trong môi trường sư phạm đặc biệt. Họ đã sống mẫu mực và sẵn sàng hy sinh như những người lính quả cảm. Để đến bây giờ có dịp gặp lại, các đội viên TNXP vẫn trân trọng gọi họ là Thầy.

Ký. Ngọc Anh

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Đại đội 915 còn mãi với nước non (Tập 2)

Cuộc vận động sáng tác VHNT về Đại đội TNXP 915 1 năm trước

Đại đội 915 còn mãi với nước non (Tập 1)

Cuộc vận động sáng tác VHNT về Đại đội TNXP 915 1 năm trước

Phối hợp triển khai sáng tác văn học về Đại đội 915

Cuộc vận động sáng tác VHNT về Đại đội TNXP 915 2 năm trước

Tiếp tục tuyên truyền có điểm nhấn về Đại đội TNXP 915

Cuộc vận động sáng tác VHNT về Đại đội TNXP 915 5 năm trước

Những nụ cười vẫn sáng lên

Cuộc vận động sáng tác VHNT về Đại đội TNXP 915 5 năm trước

Nhật ký cô văn thư

Xem tin nổi bật 5 năm trước

Tiếng Acmonica trong gió

Xem tin nổi bật 5 năm trước