Thứ sáu, ngày 20 tháng 09 năm 2024
05:08 (GMT +7)

Tròn vạnh niềm khát khao

VNTN - Tôi đã dừng lại khá lâu trên màn hình máy tính để ngắm khoảnh khắc “Phút quyết định” của Lê Huy (Hà Nội), được chụp trong Lễ hội vật cầu bùn ở Bắc Giang. Đó là một lát cắt mỏng trong cả ngàn bức ảnh đẹp, diễn tả về một hoạt động thể thao cổ truyền của người làng Vân.

So với nhiều những lễ hội cổ truyền khác mà người Việt Nam mới phục hồi, thì Vật cầu bùn (hay có người gọi “vật cầu đất”) ở làng Vân (Bắc Giang) được giới nhiếp ảnh đặc biệt chú ý. Mới qua vài lần tổ chức, nhưng những bức ảnh đẹp về hoạt động này đã lẳng lặng hiện diện ở khắp các salon ảnh trên toàn thế giới. Lễ hội không chỉ thu hút các tay máy trong cả nước, mà kì vừa qua (năm 2018) tôi còn thấy khá nhiều bạn ảnh là người nước ngoài đã đến đây.

 

Giới nhiếp ảnh đã khiến cho khoảnh sân hẹp trước ngôi đình nhỏ xíu ở làng Vân trở nên nổi tiếng. Một truyền thuyết được những tâm hồn ham hiểu biết vén mở: Gần ngàn năm xưa, có một lũ quỷ ẩn dật trong đầm lầy, luôn kéo đến ức hiếp dân làng. Bốn anh em họ Trương với tên tục là Hống - Hách - Lừng - Lẫy, đã theo Lý Bôn đánh giặc Lương, trong một lần ghé qua đã cảm thấu nỗi khổ của dân. Họ thấy rằng dùng sức mạnh để dẹp giặc thì dễ, nhưng dẹp quỷ thì thật khó khôn lường. Vì thế, bằng một lời thách đấu trên tinh thần thượng võ, bốn anh em đã dùng mưu để thu phục đám quỷ, khiến chúng phải tâm phục, khẩu phục.

Quả cầu trong ảnh của Lê Huy, là vật tượng trưng cho mặt trời. Theo quan niệm của người làng Vân xưa, thì chính mặt trời đã đem đến ngày và đêm, đem lại cả mưa thuận, gió hòa. Ông “mặt trời” của làng Vân được cất giữ như một bảo vật trong am thờ, nơi ấy chỉ những người được dân làng chỉ định mới có quyền lại gần chăm sóc và nhang khói… Người lạ và phụ nữ, tuyệt đối không được lai vãng. Có thông tin nói rằng quả cầu được làm bằng gỗ lim và nặng 20kg. Điều ấy hoàn toàn không đúng. Bởi không một ai biết chính xác quả cầu hiện diện ở đó từ bao giờ, nó “hình như” được làm từ gỗ mít và không ai dám đem cân lên, vì đơn giản: điều đó là “phạm Thượng”! Chỉ những trường hợp đặc biệt, quả cầu mới được “thỉnh ra”. Mỗi khi rước ra, rước vào - đều phải long trọng tế lễ.

Tôi đã đôi lần đến Lễ hội vật cầu bùn ở làng Vân, những bức ảnh chụp ở đây cũng đã cho tôi chút thành tích khi đi dự thi quốc tế. Nhưng tôi vẫn ghen với Lê Huy bởi một khuôn hình cô đọng, chắc nịch. Bức ảnh đã hút mắt người xem bởi sự độc đáo của bố cục; sự tương phản giữa to và nhỏ - khối cầu tròn đầy và cái hỏm miệng bé tin hin… Tôi chưa có cơ hội trải nghiệm cái “say” của những “Quân cầu”, nhưng hình dung rằng, nếu trước trận đấu tu một bát rượu làng Vân, thấy hương nếp trôi êm rần rần qua cuống họng; thấy khát vọng chiến thắng vốn ẩn sâu từ trong đường gân thớ thịt, giờ chợt bừng lên từ trong gan, trong ruột. Có thể sẽ trầy trật mãi, nhưng rồi cuối cùng cũng đẩy được “mặt trời” lên vời vợi cao… Cái miệng kia chắc kéo theo một tiếng thét thấu vọng đất trời! Nó thúc giục đồng đội, khiến trận đấu quyết liệt hơn, làm cho những tiếng reo cổ vũ của dân làng liên hồi không đứt mạch. Rồi chiến thắng, chắc chắn cũng sẽ làm bên thua cuộc hởi lòng, hởi dạ. Hào khí thể thao không chỉ làm liên kết giữa những dân tộc thân ái với nhau, mà ở đây nó còn làm cho cả quỷ thần cũng thân thiện với con người.

Lễ hội vật cầu bùn của làng Vân thu hút như chính mùi thơm từ rượu nếp cái hoa vàng, quyến rũ như vẻ óng ả của những cô thôn nữ gánh nước tưới lên lưng các “Quân cầu” đang quyết đấu trên sân bùn… Và chắc chắn vào năm sau, các “nhiếp sĩ” sẽ vẫn hội tụ ở đây, để chỉnh lại khuôn ngắm và săn đón những khoảnh khắc tuyệt vời như Lê Huy đã có được.

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy