Thứ hai, ngày 20 tháng 05 năm 2024
15:29 (GMT +7)

Trò chơi Lày cỏ “Sái mạ”, nét độc đáo trong ngày Tết của người Nùng ở vùng Việt Bắc

Trò chơi Lày cỏ “Sái mạ” có nơi gọi là “Srại mạ” của người Nùng có nguồn gốc xuất phát từ Trung Quốc và được đồng bào các dân tộc thiểu số ở các tỉnh vùng Đông Bắc Việt Nam tiếp thu và sử dụng như là một trò chơi dân gian của mình. Trong đó có người Nùng cùng nhóm với dân tộc Choang bên kia biên giới khi di cư vào Việt Nam đã mang theo trò chơi này. “Sái mạ” từng được chơi trong mỗi dịp Tết Nguyên đán, trong nghi lễ và lễ hội... và được gìn giữ, lưu truyền cho đến tận ngày nay.

“Lày cỏ” trong những lúc vui chơi, nghỉ ngơi thư giãn của đồng bào dân tộc Nùng
“Lày cỏ” trong những lúc vui chơi, nghỉ ngơi thư giãn của đồng bào dân tộc Nùng

Trò chơi này được người Nùng sử dụng trong sinh hoạt cộng đồng cũng như trong Tết Nguyên đán, trong đám cưới, sinh nhật, mừng thọ, đầy tháng, vào nhà mới, Tết mùng 3/3… và nhiều hoạt động giao lưu khác. Trò chơi Lày cỏ chủ yếu là nam, lứa tuổi thanh niên trở lên hoặc trung niên tham gia chơi. Ngay cả các cụ già và ngày nay cả các thiếu nữ của tộc người Nùng cũng có thể tham gia, nhất là trong ngày Tết Nguyên đán và trong đám cưới.

Trò chơi Lày cỏ là trò chơi thi uống rượu trong các cuộc vui, nó có thể chơi trong lúc chờ ăn cỗ hoặc khi đã đã ăn xong. Trò chơi có ý nghĩa giúp cho mọi người dù đã quen hay không quen nhau đều có thể xích lại gần nhau giao lưu, trao đổi tình cảm, hỏi thăm, kết thân bạn bè “lạo tùng”. Nó vừa mang tính chất thi thố, vừa có tính giao lưu rất vui vẻ.

Khi chơi người nào thua thì phải uống một chén rượu gọi là “phạt” (cần slư kin lẩu). Tỷ số được chia đều ra 4 que đũa hoặc 4 que tăm tượng trưng cho kết quả. Mỗi lần thắng thì được lấy ra một que và có một người làm trọng tài đứng ra chứng kiến cuộc chơi. Trong cuộc chơi nếu trọng tài bắt sai một câu thì cũng bị phạt một chén rượu.

Cùng là nhóm ngôn ngữ Tày - Thái, nhưng do tính chất vùng miền gắn liền với sự giao thoa văn hóa nên người Nùng ở huyện Bình Gia, tỉnh Lạng Sơn và Người Nùng ở huyện Quảng Uyên, tỉnh Cao Bằng cũng có cách chơi Lày cỏ khác nhau.

Cách chơi Lày cỏ của người Nùng ở huyện Bình Gia, tỉnh Lạng Sơn

Đây là cách chơi đối kháng (một người chơi với một người) hoặc chơi theo phường (hội) mỗi bên từ 2 người trở lên đều được. Hai bên dùng các ngón tay (một bàn tay) để chơi và gọi tên bằng tiếng Nùng (gần giống như trò chơi oẳn tù tì). Người nào đoán được đối phương ra bao nhiêu ngón tay (để chủ động ra ngón tay của mình cho đúng ý định mà mình đoán trước) và gọi tên đúng thì bên đó thắng. Một lần thắng là thắng cả ván hoặc đặt 3 chiếc đũa bên nào lấy được 2 chiếc (thắng 2/3 thì thắng chung cuộc) và bên thua sẽ phải uống rượu. Có thể chơi hội, phường mỗi phường từ 2 người trở lên đánh theo vòng người cuối cùng của bên thua sẽ phải uống rượu…

Ví dụ: Hai người chơi vung tay cùng một nhịp, một người ra 3 ngón tay, người kia ra 1 ngón tay và người ra 3 ngón tay hô tiếng Nùng là “sê” hoặc “sê hổng sê” hoặc “sê tài phao”, ở đây “sê” sẽ là con số 4. Cách tính ở đây là cộng các ngón tay của hai người chơi lại sẽ bằng bốn. Khi đó người ra một ngón tay đồng thanh hô là “sê” thì hai người hòa nhau và tiếp tục chơi. Còn nếu người ra một ngón tay hô sai tên thì bị thua phải uống rượu. Người thắng là người ra ngón tay đúng và gọi đúng tổng ngón tay của cả đối phương và mình cùng đưa ra.

“Lày cỏ” không chỉ nam giới mà phụ nữ cũng tham gia, cho không khí ngày hội càng thêm vui tươi phấn khởi
“Lày cỏ” không chỉ nam giới mà phụ nữ cũng tham gia, cho không khí ngày hội càng thêm vui tươi phấn khởi

Trò chơi Lày cỏ của người Nùng ở huyện Quảng Uyên, tỉnh Cao Bằng

Cũng giống như cách chơi của người Nùng ở huyện Bình Gia, tỉnh Lạng Sơn, cách chơi Lày cỏ của người Nùng ở huyện Quảng Uyên, Cao Bằng do ảnh hưởng của người Tày bản địa, lại có cách chơi hô số ngẫu nhiên các số từ 1 đến 10 như sau:

Hai người chơi cùng đồng thanh hô một lúc và phải đưa ngón tay ra (ví dụ giơ hai ngón, ba ngón hay bao nhiêu ngón thì tùy), người nào đoán đúng thì người ấy thắng, cách nói như sau:

Đoán số 1: Nhất tiểm nhất, ất tỉm.

Đoán số 2: Nhỉ tảu, nhì tiểm, nhị mằn.

Đoán số 3: Sam tiểm, sam tắc tỉm

Đoán số 4: Xế tài phao, xế hổng xế.

Đoán số 5: (không đoán số 5 - có nơi chơi gọi phúc lằm môn, ửng tu).

Đoán số 6: Loọc váy loọc.

Đoán số 7: Chất hổng chêu.

Đoán số 8: Pét mả, pét hổng pét.

Đoán số 9: Cẩu xòng pha, cẩu tua.

Đoán số 10: Hói né, hói bát thêm.

Hòa nhau: Tùng xinh mả.

Chơi lại sau khi thắng hoặc thua: Hồi mạ.

Thực ra cách nói này tùy thuộc vào người chơi nói, miễn là nói sao cho người đối diện nghe được và hiểu được. Ai đoán đúng số ngón tay mà hai người chơi cùng đưa ra thì người đó thắng, nếu cả hai cùng đoán đúng thì cùng hô là “thủng xính” (hòa nhau) và chơi tiếp keo khác.

Trò chơi Lày cỏ rất hấp dẫn người chơi, có thể chơi hai người thách đấu xem ai bị uống rượu nhiều hay ít hơn theo quy định sẽ là người thắng cuộc. Ví dụ quy định một cuộc chơi là 10 chén rượu, người thắng chỉ phải uống 4 chén người thua phải uống 6 chén, nếu người chơi đoán giỏi thì sẽ không phải uống chén nào, người thua sẽ phải uống hết.

Cách chơi vòng tròn gồm đông người chơi. Ban đầu cũng là hai người ra ngón tay chơi, người đoán sai phải bị phạt một chén rượu và loại ra khỏi cuộc chơi để người khác vào chơi tiếp, cứ thế cả hai bên cứ người nào thua đều bị loại để người khác vào thay thế. Cuộc vui này nếu trong đám cưới, hoặc trong mừng thọ, sinh nhật có thể chơi thâu đêm đến sáng rất vui vẻ.

Lày cỏ được nâng lên thành trò chơi dân gian truyền thống của người Nùng ở Cao Bằng
Lày cỏ được nâng lên thành trò chơi dân gian truyền thống của người Nùng ở Cao Bằng

Trò chơi Lày cỏ “Sái mạ” cùng các trò chơi dân gian truyền thống của người  Nùng ở vùng Việt Bắc, đã từng thấm đẫm trong mỗi con người qua năm tháng của cuộc sống lao động chân tay, lao động trí óc, qua các mùa vụ: Xuân, Hạ, Thu, Đông… và nhất là mùa Xuân, mùa của lễ hội, mùa của trò chơi dân gian truyền thống, nó được nâng lên thành hội mang đậm màu sắc dân gian truyền thống và bản sắc văn hóa dân tộc. Trò chơi Lày cỏ “Sái mạ” góp phần làm cho bầu không khí thêm sôi động, đem đến những giờ phút giải trí thoải mái và đầy ắp tiếng cười, là nét độc đáo trong ngày Tết, trong các nghi lễ và lễ hội của người Nùng ở vùng Việt Bắc, trò chơi ấy vẫn còn nguyên giá trị cho tận ngày đến nay.

Việt Anh

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy