Trí tuệ nhân tạo đang “thách thức” hội họa truyền thống?
VNTN - Năm 2013, Nghị định 113/2013/NĐ-CP của Chính phủ về hoạt động mỹ thuật là văn bản dưới luật quan trọng nhất chính thức công nhận sự hiện diện của các hình thức nghệ thuật đương đại như nghệ thuật trình diễn, nghệ thuật sắp đặt, nghệ thuật video, nghệ thuật đa phương tiện trong đời sống mỹ thuật ở Việt Nam với các quy định cụ thể hơn về chế tài kiểm duyệt, xin phép triển lãm. Nhưng, dù được xem là toàn diện và tương đối chặt chẽ thì Nghị định nói trên vẫn chưa thực sự đề cập đến những sản phẩm mỹ thuật được tạo nên từ trí tuệ nhân tạo (AI).
Hiện nay, vấn đề bản quyền đang được đặt ra vô cùng cấp bách trước những phiên đấu giá nghệ thuật tác phẩm của AI đang trở nên thường xuyên hơn, khiến giới phê bình mỹ thuật lo ngại về tương lai của hội hoạ truyền thống có thể sẽ bị nhấn chìm trước AI.
AI tạo ra cái nhìn mới, khác biệt…
Cách đây chừng 5, 10 năm, người yêu nghệ thuật trên khắp thế giới đã chính thức bị khoa học công nghệ chinh phục qua những sản phẩm âm nhạc, điện ảnh được ra đời từ sự trợ giúp, tham gia đắc lực của các robot tự hành và máy tính. Những sản phẩm âm nhạc hay những bộ phim điện ảnh này không chỉ đem đến cảm xúc mới lạ cho một món ăn tinh thần vốn quen thuộc, mà trong một chừng mực nhất định còn tạo ra những sản phẩm hoàn thiện hơn so với con người. Đối với những phim điện ảnh hành động như trong series phim truyền hình dài tập “Humans” nổi tiếng, những người máy "Synth" đã thực sự có ý thức, cảm xúc, biết đấu tranh cho cuộc sống của mình khi bị loài người ruồng bỏ. Ngay tại thời điểm đó, người ta đã kỳ vọng khoa học công nghệ, mà đỉnh cao là trí tuệ nhân tạo (viết tắt là AI) sử dụng các thuật toán đã được lập trình sẵn có thể dạy AI làm bất cứ điều gì con người mong muốn, trong đó có lĩnh vực nghệ thuật, nhằm đem đến cái nhìn đa chiều về bất kỳ một lĩnh vực cụ thể nào vốn là điểm yếu trong cách tiếp cận truyền thống. Sau điện ảnh, âm nhạc, đến hội họa chính thức rơi vào tầm ngắm của AI. Năm 2005 cuộc đấu giá tranh đầu tiên do AI thực hiện đã ra đời tại Mỹ, Pháp với mức giá khởi điểm và đấu giá thành công cho một tác phẩm của AI lên tới trên 400 nghìn USD (tương đương trên 10 tỷ VNĐ). Mức giá kỷ lục này, ngay lập tức đã tác động mạnh mẽ đến giới mỹ thuật nói riêng, công chúng yêu hội họa nói chung và buộc họ phải nhìn nhận lại quan niệm khi cho rằng hội họa là thánh địa mà AI không thể nào xâm lấn.
Bức tranh chân dung đầu tiên do AI vẽ được đấu giá
Không dừng lại ở những cuộc đấu giá tranh, những Dự án AI tên gọi "Nightmare Machine" do một số nhà nghiên cứu của Mỹ và Australia nhanh chóng ra đời. Tại những dự án này AI có thể tạo ra những bức ảnh kinh dị từ ảnh gốc nhờ vào các thuật toán deep learning. AI kết hợp những yếu tố làm con người sợ hãi vào bức tranh gốc, biến nó trở thành tác phẩm kinh dị đúng nghĩa. Hội họa đến thời điểm hiện tại đã buộc phải thừa nhận sự có mặt của AI và tạo ra hiệu ứng AI. Trước xu thế bất khả kháng này, không ít người tỏ ra lo lắng, liệu rằng nghệ thuật có còn là nghệ thuật nếu không tồn tại sức sáng tạo từ con người? Khi đó ngành mỹ thuật sẽ biến đổi theo hướng tiêu cực. Những bức tranh sẽ không còn phản ánh văn hóa của nhân loại nữa mà chỉ phản ánh những điều mà người mua muốn thấy, muốn xem. Hay nói cách khác, chúng được tạo ra chỉ vì tiền mà không mang khái niệm nghệ thuật nào hết.
Thách thức hội họa truyền thống?
Sự lo lắng thậm chí bi quan là trạng thái cảm xúc có thật của không ít họa sĩ và công chúng yêu hội họa truyền thống. Những phiên đấu giá thành công các tác phẩm nghệ thuật của AI cho thấy người ta đã chấp nhận dòng sản phẩm nghệ thuật ít được đầu tư về thời gian, trí tuệ và cảm xúc của con người. Những sản phẩm “nhân bản” vô hồn có mặt trong đời sống hội họa không phải là tín hiệu cho thấy đời sống văn hóa, tinh thần của người dân đang đi lên, mà chính là sự cáo chung cho nghệ thuật truyền thống, trong đó có hội họa đang dần trở thành một thứ trang trí hay gia vị cho món ăn theo trào lưu thời thượng. Giới họa sĩ truyền thống và công chúng yêu hội họa không sai khi lo lắng về sự lấn lướt của AI trong lĩnh vực hội họa nói riêng và nghệ thuật nói chung. Dù đây là những sản phẩm do con người thông qua máy móc để tạo ra, nhưng chiều sâu nghệ thuật, ngôn ngữ của cá nhân - chủ thể sáng tạo ra tác phẩm sẽ bị xóa nhòa, thậm chí bị đồng hóa.
Vẫn biết, sáng tác hội họa là một diễn trình lao động sáng tạo mang đậm dấu ấn cá nhân, tác phẩm gửi những thông điệp của họa sĩ đến với người xem thông qua các hình thức biểu đạt của ngôn ngữ hội họa. Những hiệu quả nghệ thuật ấy được thẩm thấu qua thị giác, phụ thuộc đáng kể ở tâm lý thị giác rất đa dạng của con người, nên các tác động từ tác phẩm hội họa vào sự thụ cảm của người thưởng thức thường không dễ lý giải. Quá trình triển khai bức vẽ không đơn thuần chỉ là quá trình tư duy, tìm ý tưởng và phong cách thể hiện mà còn có sự tác động không nhỏ của trạng thái cảm hứng trong sáng tác. Và để có những giây phút thăng hoa, xuất thần trong hoạt động sáng tác, người hoạ sĩ đã phải trau dồi, tiếp nhận những kỹ thuật, kỹ năng sống, trải nghiệm để có những thành công nhất định. Ngoài bệ đỡ trí tuệ, kiến thức văn hóa và những kiến thức học thuật, mỗi họa sĩ chân chính, thành danh còn có một động lực mạnh mẽ của các dạng tâm lý sáng tạo nghệ thuật, người nghệ sĩ là sản phẩm cụ thể, là hình ảnh của văn hóa, bộ mặt của xã hội, và đặc biệt là cái tôi khác biệt. Tất cả đều nhờ những yếu tố đã ngấm ngầm tác động một cách vô thức (hay khách quan) vào họ, là cái mà chúng ta gọi là chất liệu đầu vào không được kiểm soát, là các thành tố khách quan, cái vô thức bên trong, hay nói đúng hơn là điều kiện quan trọng quyết định đến xúc cảm - tình cảm của họa sĩ trong sáng tác nghệ thuật.
Mặc dù AI có thể tạo ra tác phẩm ngang tầm hoặc vượt bậc các nghệ sĩ hội họa, nhưng chúng sẽ không thể nào thay thế được bản tính riêng biệt của con người. Ngược lại, AI có thể và nên được xem như một công cụ để giúp con người hoàn thiện hơn nữa trong lĩnh vực nghệ thuật, cũng như những ngành nghề khác. Trong sáng tác không phải lúc nào họa sĩ cũng sẵn có ý tưởng cho bức tranh của mình. Có lúc họ phải nhờ một trạng thái bất chợt trên bức tranh để có nguồn cảm hứng mới. Hoàn cảnh đó thường ở những lúc cạn ý tưởng, ở đáy của một chuỗi sáng tác dài hơi. Hoặc ở trường hợp khác, một số họa sĩ có quan điểm sáng tác trực tiếp không dùng phác thảo, cho nên sự nương tựa vào tác động ngược lại của bức vẽ là thường xuyên. Từ trạng thái cảm hứng ấy mà trong nhiều trường hợp, tác phẩm hội họa có được những hiệu quả ngoài mong đợi của tác giả. Có thể là hiệu quả bất ngờ của kỹ thuật xử lý chất liệu, hiệu quả không gian hay chất cảm của riêng người vẽ… Đó là những điều mà AI không thể làm được. Chính vì vậy hội họa chân chính sẽ vẫn có chỗ đứng riêng và vẫn là lãnh địa bất khả kháng đối với AI.
Song nói đi thì cũng phải nói lại, việc AI xâm lấn vào lĩnh vực hội họa cũng nên được xem là một kênh tham chiếu để những người hoạt động trong lĩnh vực này nói riêng, nghệ thuật nói chung tự nhìn nhận lại mình và có định hướng hoạt động sáng tác nhất định cho tương lai, nếu không muốn AI thay thế.
Hiện nay đã có nhiều giảng viên mỹ thuật ứng dụng AI trong thử nghiệm sáng tạo, như làm phác thảo, xây dựng các giả định sáng tạo đa chất liệu, xử lý các tình huống kỹ thuật và nghệ thuật trong thực hiện tương tác và vẽ tranh hoành tráng, thiết kế các bố cục “chuẩn” từ AI để gợi ý cho người sáng tác lựa chọn ý tưởng tạo hình tốt nhất. Nhưng dù là vậy thì những khuyến cáo về tình trạng lạm dụng khoa học công nghệ trong lĩnh vực nghệ thuật vốn mang dấu ấn cá nhân cũng đã và đang được đặt ra để kiểm soát, khắc chế các công cụ thuộc AI. Trong đó nổi bật là vấn đề bản quyền. Nhiều tranh cãi đã nổ ra khi AI có thể nhân bản những bức tranh với tốc độ chóng mặt thay vì chỉ một tác phẩm duy nhất được sáng tác trong nhiều tháng, thậm chí nhiều năm của một họa sĩ, và không loại trừ cả việc chép tranh làm tranh giả. Người ta đã thẳng thắn đặt câu hỏi về bản quyền cho tác phẩm nghệ thuật của AI nên thuộc người lập trình cho AI hay cho máy tính. Và dù là trao cho ai thì những bức tranh do AI thực hiện, nhân bản sẽ khó có thể thực hiện được quyền bản quyền, bởi rất khó để có thể kiểm soát hết những lỗ hổng từ công nghệ thông tin, nhất là trong thời kỳ bùng nổ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Tranh phong cảnh do AI thực hiện
Tại Việt Nam, theo đại diện Cục Bản quyền tác giả (Bộ VHTT&DL), việc thực thi bản quyền tác giả trên môi trường số được áp dụng theo Thông tư liên tịch 07/2012/TTLT-BTTTT-BVHTTDL quy định rõ trách nhiệm của các nhà cung cấp dịch vụ trung gian trong việc bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan trên môi trường mạng Internet và mạng viễn thông (ISP). Theo đó các ISP có quyền thiết lập hệ thống giám sát, kiểm tra, xử lý các thông tin được đưa vào, lưu trữ và truyền đi trên mạng Internet, mạng viễn thông nhằm ngăn chặn các hành vi vi phạm quyền tác giả, quyền liên quan. Mặt khác, đơn phương từ chối cung cấp dịch vụ trái với các quy định của pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan.
Theo nhiều chuyên gia, dù hệ thống hành lang pháp lý đã tương đối hoàn thiện nhưng rõ ràng với tốc độ phát triển như vũ bão của công nghệ, với nhiều thử thách mới liên tục được đặt ra, đơn cử như sự gia tăng các sản phẩm trí tuệ nhân tạo thì công tác bảo vệ quyền tác giả, quyền liên quan vẫn còn phải đối phó và cần nghiên cứu để có thêm những giải pháp hữu hiệu.
Trúc Giang
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...