Thứ sáu, ngày 20 tháng 09 năm 2024
07:12 (GMT +7)

Tranh lụa chuyển mình khởi sắc

VNTN - Mỹ thuật Việt Nam đã khởi sự từ những bức tranh lụa với cái tên Nguyễn Phan Chánh, sau nữa là Mộng Bích, Lê Kim Bạch, Nguyễn Thụ… Dòng tranh có sức hút lớn với các họa sĩ, nhưng cũng có lúc tưởng như bị lãng quên. Gần đây, những nỗ lực khám phá, làm mới tranh lụa của các họa sĩ trẻ đang tạo sự khởi sắc mạnh mẽ cho dòng tranh này. 

Thời cổ đại, khi con người muốn ghi lại điều gì đó, duy nhất chỉ có hai chất liệu phổ biến là tre và lụa. Ngoài ra, người ta còn khắc chữ trên mai rùa, trên xương, đồ đồng, viết trên da và vải thô. Tranh và chữ vốn cùng nguồn gốc, vì thế công cụ để vẽ tranh cũng là công cụ để viết chữ. Những bức tranh lụa đầu tiên được tìm thấy ở Trung Quốc vào thời Tam Quốc Lục Triều thế kỷ thứ III sau Công nguyên, và dĩ nhiên tranh lụa có thể được vẽ trước đó nhiều, nhưng lụa không phải là chất liệu bền theo thời gian, nên khó lưu giữ.

Xưa kia, tranh lụa cổ thường được vẽ trực tiếp trên lụa khô, muốn lưu giữ tranh lụa, người ta dùng màu tự nhiên, không bồi và chỉ thỉnh thoảng mới giở ra xem, đó là cách để có thể lưu giữ trong một nghìn năm. Dần dần, nghề sao chép tranh và chữ cổ hình thành. Dưới chế độ phong kiến, cứ sau vài trăm năm, triều đình lại cho sao chép lại những bức họa và sách cổ.

Sức hút của tranh lụa

Ở Việt Nam, từ năm 1930 đến nay, tranh lụa Việt Nam được sáng tạo với tinh thần độc lập của người họa sĩ, sự kết hợp một cách tự nhiên nghệ thuật phương Tây với nghệ thuật phương Đông. Họa sĩ đầu tiên vẽ tranh lụa là Nguyễn Phan Chánh, người được biết sớm nhất ở châu Âu. Những họa sĩ cùng lớp với Nguyễn Phan Chánh như Mai Thứ, Lê Phổ tuy sống ở Pháp nhưng vẫn vẽ tranh lụa và nổi tiếng tại phương Tây về tranh lụa đượm hương sắc Việt Nam. Các họa sĩ có tên tuổi Tô Ngọc Vân, Trần Văn Cẩn, Trần Bình Lộc, Lương Xuân Nhị, Nguyễn Tuờng Lân, Nguyễn Tiến Chung, Lê Văn Đệ... mỗi người mỗi vẻ làm giàu có thêm nghệ thuật tranh lụa Việt Nam.

 

Tác phẩm “Đi tìm dòng sông” của họa sĩ Vũ Đình Tuấn

Cùng với sự phát triển của mỹ thuật hiện đại Việt Nam, nghệ thuật vẽ lụa đã trải qua các giai đoạn: Trước năm 1945, họa sĩ đi tìm cái đẹp trong sự bình yên tĩnh lặng của một thế giới đã khép lại; sau năm 1945, nghệ sĩ đi tìm cái đẹp trong sự tương phản sôi động của một thế giới đang sinh thành kể cả ngoại giới và nội giới. Trần Văn Cẩn mở đầu cho giai đoạn mới của tranh lụa ở bức “Con đọc bầm nghe” với tạo hình góc cạnh, tình cảm không khép kín mà có giao lưu giữa các nhân vật. Phan Thông trong bức “Hành quân mưa xôn xao, ý nhị theo ngọn bút linh lợi, bố cục bất đối xứng. Họa sĩ Tạ Thúc Bình với cái nhìn dân dã, hồn nhiên nhiệt thành đã đưa “Ngày hội mừng thắng lợi cải cách ruộng đất” lên lụa. Linh Chi vẽ các cô gái dân tộc ít người miền núi chất phác, tự trọng; màu sắc quyện chặt vào nhau. Trần Đông Lương chuyên về các thiếu nữ thành phố duyên dáng, thanh lịch trong tấm áo dài làm tôn thân hình căng đầy sức trẻ. Nguyễn Thụ làm thơ bằng tranh lụa, ở mỗi bức thành đạt là một bài tứ tuyệt. Thanh Châu lại bộc lộ một tạng chất lực lưỡng, căng thẳng. Các nữ họa sĩ Giáng Hương, Thanh Ngọc, Mộng Bích, Minh Mỹ... bắt gặp ở lụa thể chất phù hợp với những rung cảm nghệ thuật ngọt ngào, đằm thắm. Với khí lực mạnh mẽ, nét phạt bút tạo hình rắn rỏi, nữ họa sĩ Kim Bạch đã để lại một phong cách riêng, ghi đậm nét trong lịch sử mỹ thuật nước nhà.

 Từ cuối thập niên 80, các họa sĩ trẻ vẽ tranh lụa ngày càng đông, nguời ta nhận thấy có nhiều dấu hiệu cách tân đáng mừng. Không có khuôn phép nào mặc định cho việc vẽ tranh lụa. Các họa sĩ thường vẽ theo kinh nghiệm riêng; nếu trước kia vẽ lụa phải dùng màu trầm (chủ yếu sắc nâu đen, nâu vàng…) thì sau này các họa sĩ đổi mới sáng tạo hơn, họ vẽ với hòa sắc tươi sáng, táo bạo khi sử dụng các gam màu đối chọi. Nếu tranh sơn dầu, sơn mài có thể quét đắp sơn phủ kín mặt nền (support) vải hay gỗ thì ở tranh lụa họa sĩ không lấp mặt nền, cho dù vẽ màu lên khắp mặt tranh nhưng vẫn giữ được thể chất mịn màng, óng ả của lụa; vẫn giữ nguyên các thớ lụa tạo cảm giác như nhuộm từng sợi tơ để dệt thành bức tranh, góp phần tăng biểu cảm cho bức tranh.

Như vậy, nếu dùng lụa làm mặt nền đơn thuần như vải hay gỗ trong thể loại tranh sơn dầu, sơn mài thì không ai xếp tranh lụa thành một thể loại riêng. Ở Trung Quốc từ trước Công nguyên, các họa gia đã vẽ màu sắc hay thủy mặc lên lụa bởi vì khi đó chưa tìm ra giấy. Lụa lúc đó chỉ dùng làm mặt nền tranh thuần túy, nên họa phẩm thường được ghi chú rõ là tranh thủy mặc trên lụa hay thủy mặc trên giấy, cũng như ở phương Tây ghi sơn dầu trên vải hay sơn dầu trên gỗ. Với những thay đổi về nội dung và kỹ thuật biểu hiện, có nhiều bước tiến trong xử lý ánh sáng, hòa sắc. Tuy có lúc loại hình này không có nhiều họa sĩ theo đuổi, nhưng qua thời gian, nó vẫn được khẳng định là một chất liệu hội họa độc đáo, mang đậm nét văn hóa Á Đông. Tiếp nối thành công của các thế hệ đi trước, những năm gần đây, một số họa sĩ trẻ đã dày công sáng tác, tìm tòi trong nghệ thuật vẽ lụa, đưa hơi thở cuộc sống đương đại vào tranh lụa thành công.

Không chỉ bền bỉ tồn tại và hòa cùng dòng chảy mỹ thuật nước nhà, tranh lụa Việt gần đây còn bay xa và lan tỏa trên trường quốc tế. Triển lãm “Tranh lụa và sản phẩm lụa Việt Nam” diễn ra cuối tháng 9/2017 tại TP. Oakland, bang California (Mỹ). Triển lãm này đã giới thiệu tới công chúng quốc tế 40 tác phẩm tranh lụa khắc họa thiên nhiên, cuộc sống con người vùng cao, nông thôn và miền núi với vẻ đẹp bình dị, mộc mạc, trong trẻo mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam... của 29 họa sĩ vẽ lụa tiêu biểu ở nước ta. Qua đó, triển lãm đã kết nối, tăng cường sự hiểu biết, giới thiệu nghệ thuật và hình ảnh đất nước, con người Việt Nam tới bạn bè quốc tế.

Tương lai khởi sắc

Chỉ cần gõ từ khóa “Tranh lụa Việt Nam” trên Google, bạn sẽ nhận được vô số những “nhận định”: “Tranh lụa suy vong”, “Thời kỳ cáo chung của tranh lụa”, “Còn ai tha thiết với lụa”, “Nỗi đau của tranh lụa Việt Nam”… Đúng! đã có một thời gian khá dài, tranh lụa Việt Nam tưởng như bị lãng quên, bởi một chất liệu “khó tính” - khó bảo quản; đề tài thì quá quen thuộc như: Phong cảnh, tĩnh vật, thiếu nữ áo dài, thiếu nữ miền núi, sinh hoạt miền núi, làng chài… Lối vẽ hầu như cũng không có gì thay đổi, vẫn tả kể, êm đềm mờ nhạt.

Với mục đích chấn hưng nghệ thuật vẽ tranh lụa Việt Nam, đặc biệt để thu hút sự quan tâm của các họa sĩ trẻ, Vụ Mỹ thuật và Nhiếp ảnh, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tổ chức triển lãm chuyên đề tranh lụa Việt Nam 2007, để giới mỹ thuật cùng nhìn nhận lực lượng, đánh giá chất lượng và các vấn đề đặt ra nhằm thúc đẩy tranh lụa phát triển. Theo họa sĩ Lê Quốc Bảo, nếu không muốn giậm chân tại chỗ, tụt hậu so với tranh sơn dầu, sơn mài, tranh lụa cần có sự mở rộng về nội dung, cách tân về hình thức và chất liệu, cũng như mở rộng đường biên nghệ thuật mới mong thể hiện được nhịp điệu cuộc sống thời đại thế kỷ XXI.

Khắc phục những hạn chế của tranh lụa Việt Nam, các họa sĩ trẻ phần lớn đã tìm tòi sáng tạo, thay đổi từ đề tài đến lối bố cục và cả kỹ thuật. Các chủ đề quen nhàm như phong cảnh, tĩnh vật, thiếu nữ, làng chài… dường như ít được lặp lại. Theo cách truyền thống, họa sĩ vẽ tranh lụa trước khi lồng vào khung kính tranh được bồi lớp giấy mặt sau để tấm lụa không bị xô xéo. Hồ dán tự chế từ bột gạo cho thêm chút phèn chua để chống mốc. Tuy vậy, chỉ qua vài mùa mưa nồm tranh đã bị thâm lại và mốc, dần dần mủn nát. Để tranh lụa không bị mốc, thay vì kỹ thuật bồi tranh bằng hồ gạo, họa sĩ dùng keo sữa ATM pha loãng hoặc không biểu không bồi. Chất màu vẽ lụa ngoài thuốc nước (màu nước) một số họa sĩ đi tìm Acrylic vẽ trên lụa, với gam màu rực rỡ, đối chọi, đường nét bố cục mạnh mẽ; có họa sĩ đã sử dụng tempera (màu keo làm bằng một chất màu trộn với lòng đỏ hoặc lòng trắng trứng và nước) vẽ không rửa để giữ được sắc thái tươi rực của màu. Một số họa sĩ vẽ lụa còn trộn cả bột điệp hay dán bạc - vàng lên mặt sau tranh lụa... nhằm tìm ra những khả năng biểu đạt mới lạ của lụa, như bức “Làm cỏ lúa xuân” của Lê Anh Vân; hay tranh vẽ lụa có phối hợp màu nước và tempera của Đỗ Phấn; phối hợp màu nước với bột điệp của Nguyễn Thụ...

 

 

Bức tranh lụa “Em bé cho chim ăn” của danh họa Nguyễn Phan Chánh 

Gần đây, một thế hệ họa sỹ trẻ có trong mình khát vọng khai mở những khả năng tận cùng của chất liệu, kết hợp nhuần nhuyễn giữa truyền thống và hiện đại, với sự đột phá trong tư duy tạo hình và kỹ thuật thể hiện đã tạo nên các bức tranh có sức hấp dẫn, lôi cuốn mạnh mẽ. Không ít tác phẩm đạt đến trình độ cao của học thuật, biểu cảm tinh tế, xử lý nhuần nhuyễn các cung bậc ngôn ngữ, khai thác triệt để đặc tính trong suốt và xuyên thấu của nền lụa. Họa sĩ Vũ Đình Tuấn (giảng viên trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam) cho rằng: “… Thực chất mình phải hiểu nhuộm lụa chỉ là một trong những kỹ thuật vẽ lụa. Vẽ lụa chỉ có một yêu cầu là phải trong, không được phép đục và cặn. Các kỹ thuật khác đều có thể sử dụng, miễn là nó phục vụ cho nhu cầu thẩm mỹ và tạo hình của mình. Với lối vẽ rất ke (cứng) rành mạch về đường nét nhưng vẫn mềm mại, tinh tế trong chuyển đổi màu sắc, sự điêu luyện của kỹ thuật luôn cần một sự tinh tế của cảm xúc kết nối, để người xem đứng trước mỗi bức tranh như đứng trước khoảnh khắc và thấy sự cân bằng trong mỗi khoảnh khắc ấy”. Vũ Đình Tuấn đã chứng minh một cách thuyết phục về quan điểm vẽ lụa hiện đại thông qua tác phẩm của mình như: “Đi tìm dòng sông” (78x160cm), “Con công đang yêu” (78x210cm), “Một ngày trong veo” (78x210 cm)...

Trên thị trường tranh quốc tế, các bức tranh đạt kỷ lục đấu giá của các tác giả Việt Nam thường rơi vào tranh lụa. Gần đây nhất là bức tranh “Thiếu nữ cầm quạt” của họa sĩ Nguyễn Nam Sơn đã được nhà đấu giá Aguettes (Pháp) bán với giá gần 12 tỷ đồng. Trước đó, bức tranh “Em bé cho chim ăn” của danh họa vẽ lụa Nguyễn Phan Chánh đã được đấu giá Christie’s Hong Kong (Trung Quốc) bán cho một nhà sưu tầm người Việt với mức gần 20 tỷ đồng. Vị thế của tranh Việt trên trường quốc tế đang được chính các họa sĩ vẽ tranh lụa góp phần khẳng định. Do vậy, với tranh lụa Việt Nam, nhiều người có quyền hy vọng về một tương lai sáng lạn của mỹ thuật nước nhà sẽ khởi sắc, đi lên và góp tiếng nói chung với nền mỹ thuật thế giới.

Gia Bảy

 

 

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy