Thứ sáu, ngày 20 tháng 09 năm 2024
20:44 (GMT +7)

Tôn giáo Mỹ và nguồn tài chính của tôn giáo

VNTN - VNTN: Những ngày qua, dư luận sục sôi về việc chùa Ba Vàng (thành phố Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh) lợi dụng niềm tin và sự mê tín của dân chúng để trục lợi. Không chỉ có chùa Ba Vàng, người ta thấy điều bất cập này đã diễn ra từ rất lâu ở nhiều nơi, và các cơ quan chức năng còn lúng túng trong việc quản lý.

Nước Mỹ là cường quốc số 1 của thế giới và cũng là nơi phát triển nhất về đời sống tâm linh, vậy ở đất nước này hoạt động tôn giáo diễn ra như thế nào?

Tôn giáo Mỹ

Mỹ là một quốc gia kỳ lạ. Là cường quốc về kinh tế, quân sự, khoa học kỹ thuật, giáo dục và văn hóa, có ảnh hưởng to lớn đến đời sống xã hội của thế giới. Với lịch sử chỉ mới 300 năm nhưng đã trở thành một hiện tượng đặc biệt của lịch sử nhân loại. Thực tế đến thực dụng. Khoa học Mỹ đã nghiên cứu sâu đến mọi hiện tượng, mọi lĩnh vực của cuộc sống. Ấy thế nhưng Mỹ cũng là nơi phát triển nhất đời sống tâm linh. Đó là tôn giáo.

Sinh viên Đại học Harvard cầu nguyện trong nhà trường. (Ảnh: static.projects.iq.harvard.edu)

Một quốc gia có tới hơn 85% dân số là tín đồ, con chiên của tôn giáo. Từ lập quốc đến nay (1776), tất cả 45 đời Tổng thống đều là tín đồ, do các công dân cũng là tín đồ tôn giáo bầu nên. Chính phủ và Quốc hội, hai viện cũng vậy. Tuyệt đại đa số nghị sĩ, chính khách đều là tín đồ tôn giáo. Công dân Mỹ vừa là công dân nhà nước vừa là tín đồ của một tôn giáo. Họ tin vào Tổng thống do họ lựa chọn và đồng thời tin ở Chúa. Gần 2/3 công dân Mỹ cầu nguyện hằng ngày, gần một nửa tín đồ đến nhà thờ hàng tuần. Nước Mỹ rộng lớn mênh mông, vắt ngang từ Thái Bình Dương sang Đại Tây Dương với dân số gần 350 triệu dân, trên một lãnh thổ 9. 629. 091 km2. Đó là chưa nói đến người Mỹ có mặt trên 120 quốc gia, trên các chiến hạm khắp các đại dương và quân đội Mỹ đóng khắp nơi từ châu Âu đến châu Á, Trung Đông, châu Phi và châu Mỹ La tinh. Họ quan niệm ở đâu có bóng Chúa là ở đó có mặt người Mỹ. Một quốc gia phát triển nhất về văn minh vật chất cũng lại là nơi tôn giáo phát triển nhất. Đông nhất là Thiên Chúa giáo, Chính thống giáo, Hồi giáo, Do Thái giáo, Phật giáo… Tự do tôn giáo, đa nguyên tôn giáo, đã tạo nên nước Mỹ là một “Siêu thị Tôn giáo”. Với hơn 300.000 nhà thờ, giáo đường, chùa chiền…

Nơi đưa con người lên mặt trăng từ thế kỷ trước, đưa tàu vũ trụ lên sao Hỏa, sao Kim, cũng là nơi sản sinh ra nhân bản vô tính. Nghĩa là tất cả do con người sáng tạo ra chứ không phải thế giới do Đức Chúa Trời sinh ra trong 7 ngày và con người là do Adam và Eva tạo nên theo ý muốn của Chúa. Ấy vậy nhưng hơn một nửa (52%) các nhà khoa học Mỹ là tín đồ tôn giáo và tin vào Chúa. Số lượng này ở sinh viên còn đông hơn.

Hệ thống giáo dục Mỹ, ở bậc đại học có 52% trường, viện đại học và các trường cao đẳng dạy nghề và cao đẳng cộng đồng, phần lớn là do Tôn giáo lập nên. Những trường và Viện đại học danh tiếng như Harvard, Yale, Princeton… là của tôn giáo xây dựng. Bên cạnh đó là các trường đại học tôn giáo như 9 Trường Đại học mang tên Mary, 6 Trường Đại học mang tên Thánh John hàng năm đào tạo hàng nghìn sinh viên. Hệ thống các trường trung học và tiểu học hàng năm có đến 85% học sinh là do các trường của tôn giáo dạy dỗ.

Tôn giáo có mặt khắp nơi trên nước Mỹ, các tổ chức tôn giáo trong nhà máy, công trường, trong quân đội, bệnh viện, nhà ga, nhà trường, các tổ chức thanh thiếu niên. Việc phục vụ tôn giáo, bảo vệ môi trường, cứu trợ người nghèo… đều do giáo dân tự nguyện tham gia.

Hơn một nửa cử tri Mỹ thường xuyên tham gia các hoạt động tôn giáo từ cơ sở đến trung ương. Ở các thành phố lớn của Mỹ, đâu cũng có các tổ chức của tôn giáo hoạt động. Các hội từ thiện, các tổ chức bảo vệ môi trường, các tổ chức phục vụ lợi ích công cộng hoặc phục vụ xã hội… Các tổ chức này do giáo dân lập nên, tự quản hoạt động và tự giải tán khi đã hoàn thành nhiệm vụ. Trong văn hóa xã hội là những lễ hội tôn giáo, các festival tôn giáo, nơi đó những đoàn, những đội văn nghệ của tôn giáo hoạt động sôi nổi, rầm rộ khắp nước Mỹ.

Niềm tin vào tôn giáo không chỉ là của cá nhân, cộng đồng dân tộc từ các nơi khác di cư đến Mỹ mà là văn hóa, tư tưởng và tình cảm của người Mỹ. Hơn thế nữa, trong các diễn văn nhậm chức các Tổng thống Mỹ từ trước đến nay, ai cũng nhắc đến Chúa, cầu nguyện Chúa phù hộ cho nước Mỹ. Đồng đôla Mỹ, xương sống và là trụ cột của nền kinh tế Mỹ, có ảnh hưởng quyết định đến sức mạnh và vị thế của nước Mỹ trên thế giới có dòng chữ “IN GOD WE TRUST”- Chúng ta tin ở Đức Chúa. Quốc ca Mỹ cũng trân trọng lời ca Chúa phù hộ nước Mỹ.

Cả thế giới, không chỉ riêng nước Mỹ, từng gia đình, cá nhân hằng ngày sử dụng Computer và Network, Facebook, Google, Apple, Microsoft là sản phẩm của tín đồ tôn giáo Mỹ. Bill Gates và các cộng sự của ông là tín đồ của tôn giáo mới Scientologie. Thật có lý khi nói rằng “Mỗi sáng thức dậy, bạn mở máy tính đã thấy bóng Chúa trùm lên”.

Rõ ràng là trong mọi mặt của đời sống người Mỹ đều gắn bó mật thiết với tôn giáo. Nhưng ngay từ khi mới lập quốc, Hiến pháp Mỹ quy định: Nhà nước độc lập với tôn giáo.

Nguồn tài chính và kinh doanh của tôn giáo Mỹ

Tôn giáo và Nhà nước độc lập với nhau. Tôn giáo không tham gia bộ máy quản lý nhà nước và ngược lại. Tuy vậy, riêng về mặt tài chính thì được quản lý chặt chẽ bởi các đạo luật, yêu cầu minh bạch trong việc thu, chi của từng giáo đoàn, giáo phận và giáo hội. Những sai phạm bị xử lý rất nghiêm. Nhiều người lợi dụng tôn giáo để trục lợi đã bị vào tù.

Thực tế tôn giáo nào cũng vậy, lo lắng, chăm sóc phần hồn cho tín đồ là chính, là toàn bộ hoạt động của mỗi tôn giáo. Nhưng cũng một thực tế khác là ngày nay, trước lúc đi nhà thờ cầu nguyện, con chiên, tín đồ đã quan tâm đến các bản tin về kinh tế, thị trường chứng khoán, tỷ số Down John, tỷ giá hối đoái với giá dầu, giá vàng… trên thế giới. Ở Mỹ, tỷ giá cổ phiếu của các tập đoàn kinh tế thế giới không chỉ được giáo dân quan tâm mà còn là sự quan tâm của các chức sắc tôn giáo không kém các bài giảng giáo lý. Kinh tế của các giáo hội là vấn đề được các tôn giáo quan tâm đặc biệt. Công việc kinh doanh và làm tăng trưởng nhanh chóng tiềm năng tài chính là mối quan tâm hàng đầu của mỗi tôn giáo không kém phần quan trọng như phát triển giáo hội với niềm tin vào giáo lý. Ở Mỹ, các tổ chức tôn giáo gắn kết chặt chẽ với các nhà tư bản dù là thế tục hay tôn giáo. Đến lượt họ, bằng mọi cách tác động vào các tổ chức kinh tế, hoặc bằng vốn đầu tư, hoặc bằng hoạt động dịch vụ kể cả quảng cáo sản phẩm và thương hiệu trong các buổi lễ tôn giáo: cầu kinh, lễ rửa tội, cầu nguyện, thông qua các chức sắc tôn giáo. Và để đạt được mục tiêu này, sự phát triển “kỹ nghệ tôn giáo” trong nền kinh tế Mỹ là điều tất yếu.

Do lịch sử ra đời và phát triển của tôn giáo ở Mỹ, bản thân tôn giáo đã là một ngành công nghiệp không tốn nguyên liệu, không cần nhà máy, khu công nghiệp, không cần vốn đầu tư nhưng mang lại lợi nhuận kếch xù cho các giáo hội tôn giáo. Các hoạt động của các giáo phái, giáo hội đều có vấn đề liên quan đến kiếm tiền. Sự phát triển của công nghệ tin học, thông tin đại chúng, truyền hình, truyền thanh và vô tuyến truyền hình… như đã đề cập ở trên không chỉ nhanh chóng phát triển tôn giáo, tuyên truyền giáo lý, mở rộng tôn giáo đến tận hang cùng ngõ hẻm, tận vùng sâu, sa mạc hoang vu mà còn là những phương tiện vận động, quyên góp tài chính cho các giáo hội, giáo phái không phải bằng mê tín dị đoan để lừa đảo tín đồ như giải hạn, giải sao, cầu vong chuộc tội, oan gia trái chủ… Tín đồ tôn giáo Mỹ tìm sự an nhiên, thanh thản, bằng sự hối lỗi chứ không phải mê tín dị đoan mù quáng hay mặc cả, hối lộ thần thánh như ở những nước lạc hậu, kém phát triển.

Ở các nhà thờ, thánh đường, chùa chiền không có các hòm công đức, hòm giọt dầu mà nguồn tài chính quan trọng nhất của các giáo hội Mỹ là tiền quyên góp, là sự đóng góp tự nguyện của giáo dân.

“Tôn giáo như một cacten to lớn, thu hút hàng triệu tín đồ, cũng là khách hàng để đổi lấy một khoản tiền sinh lời hôm nay, người ta đưa anh đến Thiên đường, nước Chúa vào ngày mai. Khách hàng không ai có điều kiện để đối chiếu, so sánh, đòi tiền lại nếu không đáp ứng điều kiện khi “đầu tư tài chính” vào đó. Tất cả họ đều hiểu rằng, trước tiên cần đợi cái chết và sau đó mới đi tới vùng đất giàu có và hạnh phúc”1.

Và tín đồ các tôn giáo cứ tha hồ mà ném tiền vào đó. Họ lại là những người giàu có thì không biết bao nhiêu tiền là đủ để được lên thế giới cực lạc trong tương lai. Chỉ riêng năm 1971 các tổ chức tôn giáo đã nhận được 8,2 tỷ đôla ở những tấm lòng thành kính của các tín đồ các giáo phái dâng cúng.

Nhưng quyên góp chỉ mới là một phần tích lũy tài chính của giáo hội. Tất cả các giáo hội của các giáo phái tôn giáo ở Mỹ đều có các dịch vụ khác để thu tiền. Các liên hoan, lễ hội tôn giáo, tuy không bán vé nhưng khoản tiền quyên góp là rất lớn. Ở đó bán các bưu phẩm, tranh ảnh, tượng tôn giáo và kỷ niệm chương cũng như các lưu vật tôn giáo được bán đấu giá với số tiền không nhỏ, Kinh Thánh là tác phẩm in nhiều nhất và bán chạy nhất ở Mỹ. Hàng năm Kinh Thánh được in lại lên đến 9 triệu bản và bán hết. Tiền cho thuê bãi đỗ ô tô ở các trung tâm tôn giáo ở gần các giáo đường, nhà thờ cho tín đồ hành lễ, nhà ở, trụ sở làm việc, cho các công ty thuê làm nơi giao tiếp với khách hàng… cũng thu được nhiều. Nhiều bang còn có các trung tâm thương mại và cửa hàng cực kỳ sang trọng của tôn giáo, bán đủ mọi thứ, từ hàng điện tử, hàng công nghiệp đến thực phẩm và rau quả cho khách hàng mà phần đông là các tín đồ của giáo phái mình đến mua.

Nguồn tài chính của giáo hội ở Mỹ còn có nguồn thu khác là học phí tự nguyện của các trường tôn giáo như các chủng viện, các trường dòng, đại học Thần học. Hội đồng Quốc gia các giáo hội Mỹ năm 1973 có đưa ra con số 463.978 giáo sĩ và hàng nghìn người không phải là giáo sĩ nhưng cũng hoạt động cho tôn giáo với những cương vị khác nhau như làm công tác hành chính hay công nhân làm việc tự nguyện trong các xưởng in của giáo hội, làm việc trong các đảng phái tôn giáo, giáo xứ, giáo khu hay làm công tác từ thiện. Có đến 800.000 người có liên quan đến thu nhập trong các tổ chức tôn giáo ở Mỹ nhưng họ làm không công, không nhận tiền lương. Đó cũng là một nguồn thu tài chính khổng lồ cho giáo hội Mỹ.

Với số tiền thu được hàng năm như vậy, trước hết tài chính được sử dụng cho hoạt động tôn giáo, tu sửa và xây dựng mới giáo đường, nhà thờ, chùa… sau đó là đầu tư vào thị trường chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh và góp cổ phần vào các tập đoàn kinh tế. Trong các tập đoàn kinh tế lớn của Mỹ đều có cổ phần của tôn giáo, có số vốn lớn đến hàng trăm tỷ đôla.

Các tổ chức tôn giáo ở Mỹ, đến mười năm đầu thế kỷ XXI này đã có cổ phần trong nhiều công ty Mỹ và các tập đoàn kinh tế lớn của thế giới như công ty General Motors, hãng dầu Shell, Gulf Oil, International Business Machines (IBM)…và nhiều công ty khác với 44,5 tỷ đôla.

Nhà thờ St. James ở Seattle ngày 11 tháng 9 năm 2001. Nhà thờ chật kín người đến cầu nguyện sau vụ khủng bố. Và sau đó cũng rất nhiều người Mỹ đã đặt câu hỏi rằng: Vào ngày đó Chúa đang dạo chơi ở phương nào?

Chỉ tính riêng giáo hội Công giáo Mỹ đã là một giáo hội giàu có. Giá trị bất động sản xấp xỉ 45 tỷ đôla. Theo Richard Ginder cho biết: “Chúng tôi (giáo hội Công giáo Mỹ) có chi nhánh ở mọi nơi. Không ít hơn tài sản và bất động sản của các tập đoàn Standard Oil, A.T.T và United States Steel cộng lại2. Giáo hội Công giáo có tài sản tổng cộng xấp xỉ 80 tỷ đôla.

Nguồn tài chính khổng lồ của Giáo hội Mỹ có được nhờ phương pháp quản lý của Nhà nước dựa trên pháp luật và sự năng động của tôn giáo Mỹ.

Lê Thị Hạnh Liên

1: Bestik. A. Kinh doanh của Giáo hội. Tạp chí Hoa Kỳ: Kinh tế chính trị, tư tưởng, số 12, 1971

2: Theo Bello. N. Tạp chí Vatican. USA. NY. 1972.p23

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy