Thứ bảy, ngày 21 tháng 09 năm 2024
00:30 (GMT +7)

“Tôm rừng”, món ăn độc đáo của người dân xứ Lạng

Nhắc đến ẩm thực Lạng Sơn, nhiều người biết đến món ăn nổi tiếng như: khâu nhục, vịt quay, thịt lợn quay… Nhưng còn có một món ăn dân dã mang hương vị núi rừng của người Tày, Nùng ở một số vùng miền núi, đó là món “tôm rừng”. Tuy là món ăn lạ, ngon và giá thành của nó cũng khá cao (hơn 300.000 nghìn/kg), nhưng món ăn này vẫn chưa được nhiều người biết tới, bởi nguyên liệu món ăn này khá khó kiếm. “Tôm rừng” sống ở trong rừng rậm, để bắt chúng lại tùy thuộc theo mùa.

Những cơn mưa rào tháng 6, tháng 7 âm lịch khiến núi rừng thêm ẩm ướt. Đấy cũng là lúc người Nùng quê tôi lên núi trồng khàu tày (cây ngô), cũng lúc này nhiều người còn tranh thủ vào rừng sâu săn ong mật và đặc biệt là để bắt “tôm rừng”.

Rừng núi Lạng Sơn. Ảnh: Đ.T

“Tôm rừng”, nghe cái tên, nhiều người sẽ nghĩ ngay đến loài sinh vật giáp xác sống ở dưới nước, vậy mà “tôm rừng” quê tôi lại sống ở trên cạn. Thực ra gọi là “tôm rừng” là bởi loài này có hình dáng khá giống với loài tôm nhưng lại thuộc dòng côn trùng. “Tôm rừng” có kích thước nhỏ, con nào to chỉ bằng ngón tay út của người lớn. Và loài này có đôi chân tựa như con cào cào. Toàn thân có màu xám trong, hơi nhàn nhạt. Đầu tôm rừng nhỏ như con tôm nhưng lại ít râu hơn. Và có lẽ chính từ hình dáng kỳ dị cùng thói quen ưa sống ở những nơi có khí hậu ẩm ướt, cây cối rậm rạp, hay trú trong hốc cây to mà chỉ trong rừng sâu mới có bởi vậy, người ta mới gắn cho chúng cái tên khá lạ “tôm rừng”. Theo các cụ già người Nùng, “tôm rừng” theo tiếng Nùng sẽ đọc là con cùng đống, cùng là tôm, đống là rừng.

Ngôn ngữ dân tộc xa xưa rất ít khi được ghi chép lại rõ ràng, cho nên người dân nghe thế nào thì nói như vậy rồi truyền lại cho thế hệ sau. Và cũng từ lời kể của các bậc cao niên thì loại tôm này có từ lâu. Ngày xưa các cụ truyền lại bảo ăn được thì ăn, một số người ăn không quen, còn bị dị ứng. Theo kinh nghiệm, nếu ai ăn được món trứng kiến thì sẽ ăn được món này. Chính vì vậy “tôm rừng” dù là món khoái khẩu nhưng khá lạ và độc đáo, cũng kén người ăn.

“Tôm rừng” có bốn mùa trong năm nhưng có nhiều vào khoảng tháng sáu, tháng bảy âm lịch. Không ngờ cái thời tiết khắc nghiệt, nắng mưa bất chợt loại sinh vật nhỏ bé này lại xuất hiện rất nhiều. Theo kinh nghiệm của người săn bắt thì tôm rừng thường chỉ sống trong hốc cây, cây nào to tôm càng có nhiều, đặc biệt là cây ở rừng sâu. Và thực tế hiện nay những khu rừng gần làng, “tôm rừng” còn khá ít. Có lẽ do điều kiện sinh sống và số lượng người dân đi bắt tôm ngày càng nhiều nên “tôm rừng” giảm đi đáng kể. Để bắt được “tôm rừng” người làng phải đi khá xa, có khi vượt đồi, núi cả quãng đường khoảng 10km mới tới những khu rừng sâu heo hút, rậm rạp. Tại đây có nhiều cây có hốc to và một số cây “tôm rừng” bám dày đặc, từ gốc đến thân cây. Nhìn từ xa đám tôm như một tổ ong khổng lồ.

Loài “tôm rừng” rất khôn, chúng biết có người đến gần là thi nhau chạy trốn. Khi ấy người bắt tôm tay cầm vợt (dụng cụ này thường được làm từ tấm lưới cũ buộc đầu vào một cành cây thành vòng tròn) và nhẹ nhàng tiến gần đám tôm, rồi bất ngờ chụp vợt lên thân cây, đàn tôm sẽ dính trong lưới và người bắt chỉ việc tóm lấy bỏ vào túi. Thường thường, mỗi tổ “tôm rừng” cũng không bắt được nhiều, bởi “tôm rừng” chạy rất nhanh nên mỗi lần cũng chỉ được khoảng mươi con. Khi “tôm rừng” đã chạy vào hang thì sẽ trốn tịt ở trong đó, nhất định không chịu thò đầu ra ngoài. Lúc đấy người bắt tôm phải lấy cành cây luồn vào trong mà nhẹ nhàng lùa đuổi chúng ra. Một người luồn cành cây, một người chờ sẵn thấy chúng thò ra là phải chộp ngay lấy. Sau khoảng vài tiếng, người bắt tôm cũng được khá nhiều. Qua một ngày đi rừng, dù khá mệt mỏi nhưng được hưởng không khí trong lành và đặc biệt được tận tay bắt những con “tôm rừng”, cảm giác thật sự thú vị.

Tôm rừng sau khi bắt được muốn chế thành món ăn phải cẩn thận nhặt bỏ đầu rồi rửa sạch. Món tôm rừng ngon nhất vẫn là rang với lá gừng, lá chanh, có người còn rang với lá mắc mật. Khi rang tôm, đặt chảo lên bếp củi, đợi chảo nóng già và cho thêm chút mỡ. Sau đó lấy lá gừng thái nhỏ rang qua cho thơm, rồi vớt lá gừng ra cho khỏi cháy. Đến bước này mới cho tôm rừng vào và nêm thêm chút muối, mắm, mì chính, đảo đều. Tùy chế độ ăn của từng người mà nêm gia vị sao cho vừa phải. Đảo tôm cho đến khi màu tôm chuyển sang màu vàng hơi ngả màu nâu đỏ thì hoàn thành. Cuối cùng, lấy tôm ra đĩa và rắc một chút lá gừng vừa rang lên. Món tôm khi đó dậy lên mùi thơm ngây ngất pha chút bùi bùi không thể nào cưỡng lại được. Mùi tôm quyện với lá gừng vương chút khói của bếp củi đã mang lại nét đặc trưng dân dã của món ăn miền núi. Nếu như “tôm rừng” mà nấu với bếp gas thì chắc chắn sẽ mất đi hương vị của núi rừng.

“Tôm rừng” trong hốc cây

“Tôm rừng” còn ăn với cơm nóng. Và còn tuyệt hơn nữa khi nó có mặt trên bàn nhậu của những người dân miền núi chân chất, mộc mạc. Ngồi bên hiên nhà thêm một chút rượu men lá cùng đĩa “tôm rừng” thì cánh đàn ông có thể say sưa cả ngày được. Trong không gian thoáng đãng của núi rừng họ rì rầm chuyện cấy lúa, làm nương, trồng ngô, trồng sắn…

Ngày xưa hoàn cảnh khó khăn nhà nào cũng thiếu thức ăn. Trong làng kéo nhau đi bắt từng con tôm, con tép, đào từng củ sắn, củ mài… để ăn cho qua ngày. Bây giờ xã hội đã phát triển, có rất nhiều đồ ăn ở ngoài chợ, ngoài phố, trong siêu thị. Nhưng “tôm rừng” vẫn là món ngon nhiều người tìm kiếm. Đến mùa “tôm rừng” người trong xóm núi lại đi săn tôm bán để kiếm chút tiền chi trả cho sinh hoạt hàng ngày, hoặc nhớ hương vị của nó, thì chế biến cải thiện cho bữa ăn của gia đình thêm phong phú.

Tôm rừng ngày càng cạn kiệt. Tôi vẫn nhớ hương vị đậm đà ấy. Vị bùi vị béo giòn tan trong miệng. Gắp miếng tôm, nhấp thêm chút rượu nồng người ta như thầm cảm ơn núi rừng đã ban cho thức quà đặc biệt này.

Trước nạn săn bắt, phá rừng, “tôm rừng” ngày nay đã không còn nhiều nữa, người dân quê tôi bảo: Bây giờ con “tôm rừng” chưa kịp “bỏ vú mẹ” đã bị lên đĩa nhậu. Buồn thay!

Nông Thập

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy