Tình yêu tay ba trong Truyện Kiều
VNTN - Tình yêu giữa Thúy Kiều và Kim Trọng đã làm bao nhiêu người say sưa ca ngợi, đề cao, thậm chí được nêu lên như một tấm gương tuyệt đẹp mẫu mực cho tình yêu đôi lứa. Đọc kỹ Truyện Kiều ta thấy hình như cụ Nguyễn Du không có ý ấy. Có lẽ Cụ chỉ mượn câu chuyện tình của đôi trai (Kim Trọng chẳng có gì là Tài) gái sắc ấy để nói chuyện khác của Cụ. Bài viết này chưa bàn về câu chuyện phía sau, chỉ dừng lại ở mối tình tay ba này.
Trong Truyện Kiều, Nguyễn Du đã để cho Thúy Kiều bắt đầu cuộc đời mình bằng những vần thơ đẹp nhất, xúc động nhất trong khi gặp Kim Trọng. Cái buổi đi tảo mộ, tiết Thanh minh "Gặp tuần đố lá thỏa lòng tìm hoa" ấy, đó là cơ hội cho Kim Trọng, chàng trai mới lớn "Phong tư tài mạo tót vời/ Vào trong phong nhã ra ngoài hào hoa" ấy, nghĩa là anh chàng thanh niên đẹp trai, "Văn chương nết đất thông minh tính trời" con nhà gia giáo ấy đã gặp hai chị em Kiều, con nhà khuê các. Cả ba đều là những người ra đời và lớn lên trong gia đình nền nếp của xã hội, đã gặp gỡ và yêu nhau.
“Xuân lan, thu cúc mặn mà cả hai
Tranh minh họa. Nguồn Internet
Từ cái nhìn đầu tiên ấy, dù mới thoáng qua, với bản năng của người con gái là e thẹn, và bản năng tình cảm của người con gái tuổi yêu là rụt rè, nhất là trong cảnh "Một vùng như thể cây quỳnh, cành dao". Nhưng là người xa lạ thì bất cứ cô con gái nào cũng sẽ đĩnh đạc ra chào bạn của em trai mình chứ việc gì phải “e lệ”, phải “nép vào dưới hoa” nếu không có rung động tình cảm, không có ý tứ gì? Nhưng lúc đó Nguyễn Du đã để cho hai người con gái cùng để ý đến Kim Trọng, rung động trước Kim Trọng. Và chính vì vậy Nguyễn Du viết "Hai Kiều e lệ nép vào dưới hoa" chứ không phải "Thúy Kiều e lệ" hay "Thúy Vân e lệ". Dù viết như thế này vẫn bảo đảm cho câu thơ 8 chữ (bát) đúng và hay. Đứng trước hai người đẹp ấy, chàng thiếu niên mới lớn đã rạo rực ngọn lửa tình nhưng vẫn sợ sệt, không dám bộc lộ ra.
Nguyễn Du viết: "Người quốc sắc kẻ thiên tài". "Kẻ thiên tài" ở đây là Kim Trọng, "người quốc sắc" là ai? Nguyễn Du không khẳng định là chị hay là em. Lâu nay ta vẫn cho rằng "Người quốc sắc, kẻ thiên tài/ Tình trong như đã mặt ngoài còn e" là nói về tình cảm giữa Thúy Kiều và Kim Trọng. Nhưng xét trên văn bản và hoàn cảnh cụ thể, khẳng định như vậy là không đúng. Chỉ có thể thấy anh chàng Kim Trọng đã ngây ngất trước hai Kiều đến nỗi "Chập chờn cơn tỉnh cơn mê", đến nỗi "Rốn ngồi chẳng tiện dứt về chỉn khôn"… Rồi thì chàng Kim Trọng cũng phải về khi bóng tà buổi chiều đang đến, để xảy ra cảnh "Khách đà lên ngựa người còn ghé theo". Đến đây càng không thể khẳng định là ai trong hai nàng Kiều yêu Kim Trọng. Nguyễn Du không viết "Khách đà lên ngựa, Kiều còn ghé theo". Viết như vậy hợp vần, vần bằng cho câu thơ lục bát, không sai vần, hay, nhưng nhà thơ vĩ đại của chúng ta lại dùng danh từ chung "người". Người có thể là Thúy Kiều, có thể là Thúy Vân. Cả hai, e ấp ngượng ngùng "ghé" nhìn theo Kim Trọng khi chàng lên ngựa chia tay, chứ đâu có phải chỉ một mình Thúy Kiều "ghé theo". Từ câu "Chàng Kim từ lại thư song/ Nỗi nàng canh cánh bên lòng biếng khuây", viết về tâm trạng của Kim Trọng sau buổi gặp gỡ ấy, Nguyễn Du vẫn viết là “nỗi nàng” - một danh từ chung, chỉ người con gái nói chung, tức ông không chỉ rõ là nàng nào. Ông không khẳng định "Nỗi Kiều canh cánh…" trong lòng Kim Trọng. Ông diễn tả nỗi lòng và tâm trạng của anh chàng mới bước vào tình yêu, thổn thức, chờ đợi, thấp thỏm: "Mặt tơ tưởng mặt lòng ngao ngán lòng", nhưng là tơ tưởng mặt ai thì không rõ… "Hương gây mùi nhớ" - Hương thơm trong vườn "gây" mùi nhớ nhung. Vậy là nhớ mùi của Thúy Kiều hay Thuý Vân? Không rõ. Để rồi "Bâng khuâng nhớ cảnh nhớ người". Nhớ người nào không rõ…? Vừa yêu vừa nhớ bâng khuâng, nhưng trong trạng thái chưa rạch ròi nên anh chàng mới tìm cách "Xăm xăm đè nẻo Lam Kiều lần sang" để gặp cho được - không phải chỉ để gặp Thúy Kiều mà còn là để gặp Thúy Vân nữa chứ. Đến câu 286, anh chàng si tình sau khi tỏ ra thông minh, lấy cớ thuê nhà của nhà Ngô Việt thương gia "Phòng không để đó người xa chưa về" để ở trọ học, nhưng vẫn "Tịt mù nào thấy bóng hồng vào ra". Chờ không thấy bóng hồng (danh từ chung chỉ con gái, đàn bà) chứ có phải là chờ bóng Kiều đâu…
Kim Trọng chỉ có chờ đợi ở bên nhà hàng xóm để rồi dịp may ngẫu nhiên xảy ra "Cách tường phải buổi êm trời/ Dưới đào dường có bóng người thướt tha". Lại vẫn là "bóng người" - một danh từ chung chứ không phải là "bóng Kiều thướt tha". Nghĩa là Kim Trọng vẫn chưa biết là bóng ai, Thúy Kiều hay Thúy Vân? Chỉ có "Hương còn thơm nức người đà vắng tanh". Hương ai chàng vẫn chưa biết. Rồi bất ngờ "Trên đào nhác thấy một cành kim thoa", Kim Trọng vẫn không biết là kim thoa của ai đánh mất. Chàng tự hỏi mình: "Này trong khuê các đâu mà đến đây/ Ngẫm âu người ấy báu này". Có lẽ của "báu" này là của "người ấy" mà không biết người ấy là Kiều hay Vân.
"Kẻ nhìn" (Kim Trọng), rõ mặt (Thúy Kiều), người (Thúy Kiều), e (lệ) cúi đầu, và Kim Trọng "Dừng chân gạn chút niềm tây gọi là" mới có cuộc nói chuyện riêng đầu tiên với Thúy Kiều.
Bởi sau cái buổi đi chơi xuân "Thanh minh trong tiết tháng ba" ấy, nàng cũng đã có cảm tình, nàng cũng đã có tình có ý với cái chàng thanh niên "Phong tư tài mạo tuyệt vời" ấy, với người "phong nhã", "hào hoa", trong lòng nàng đã có bóng dáng của Kim Trọng, chẳng qua là chưa có dịp gặp lại, không có cơ hội gặp lại mà thôi. Cho nên khi nghe chị kể lại chuyện tình của mình, cũng là vì nghĩa, em giúp chị trả nợ tình, nhưng nếu chỉ vì nghĩa thì không đủ đảm bảo cho Thúy Vân cùng Kim Trọng về sau có một gia đình hạnh phúc "Một cây cù mộc một sân quế hòe”. Cái quan trọng nhất ngoài nghĩa với chị mình là nàng cũng có yêu Kim Trọng nên nàng đã dễ dàng nhận lời chị ủy thác cho. Chuyện tình cảm, chuyện con tim chứ không phải chuyện nợ nần vật chất để Thúy Vân phải chỉ "vì nghĩa", vì trách nhiệm mà trả nợ thay chị. Nếu quả thật Thúy Vân không yêu Kim Trọng, nàng đã không "nép vào dưới hoa" khi Kim Trọng đến, không phải là "người còn ghé theo" khi Kim Trọng chia tay hai tháng trước thì có trói cổ nàng xích lại nàng cũng không dễ dàng nhận lời yêu Kim Trọng đến vậy. Và cũng nhờ vậy mà chỉ 6 tháng sau ngày Thúy Kiều đau đớn kêu lên: "Ôi Kim Lang hỡi Kim Lang/ Thôi thôi thiếp đã phụ chàng từ đây", khi Kim Trọng đi Liêu Dương hộ tang chú trở về, Thúy Vân đã “lên xe hoa” với Kim Trọng. Và chàng Kim đón Vương Ông Vương Bà về phụng dưỡng là đón bố mẹ vợ mình (chứ không phải như nhiều người ca ngợi hành động này của Kim Trọng là chưa cưới Thúy Kiều đã đón ông bà họ Vương về phụng dưỡng).
Chính vì Thúy Vân và Kim Trọng có tình yêu với nhau nên họ đã có một gia đình đầm ấm, hạnh phúc: "Người yểu điệu, kẻ văn chương/ Trai tài gái sắc xuân đương vừa thì"... Thời gian trôi đi, gia đình hạnh phúc nhưng Vân cũng biết chồng mình vẫn yêu chị mình. Có sao đâu, cuộc đời là vậy, chưa một lần nàng thắc mắc, chưa bao giờ nàng ghen. Bởi bản tính hiền lành, bởi nghĩa với chị, chứ thực ra "Chồng chung chưa dễ ai chiều cho ai". Trong mối tình tay ba này, nàng bị động, nhưng do hoàn cảnh mà trở thành chủ động.
“Nọ chàng Kim đó là người ngày xưa”.
Lê Đình Cúc
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...