Tình cảm của Bác Hồ đối với lực lượng vũ trang trong Di chúc
Đã có rất nhiều công trình khoa học nghiên cứu, giới thiệu về Di chúc của Bác Hồ như là một đối tượng khoa học. Càng nghiên cứu chúng ta càng phát hiện ra những điều kỳ lạ, cuốn hút và hấp dẫn của Bản Di chúc, có thể nói là vô cùng, vô tận ở mọi khía cạnh, cả nội dung và hình thức.
Bản di chúc viết tay của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nguồn danviet.vn
Chúng ta có bản Di chúc Bác Hồ viết năm 1965 ( có xác nhận của Bí thứ Thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Lê Duẩn và chữ ký ở góc trái bản đánh máy) và các bản bổ sung vào các năm 1968 (2 bản), 1969 và Bản Di chúc công bố năm 1969 ở Lễ tang của Bác. Bản này được xem như chính thức. Như vậy là thực tế có 5 bản.
Đọc kỹ các bản này có nhiều vấn đề trùng nhau, được Bác viết lại cho đầy đủ, cho kỹ nhưng cũng có nhiều vấn đế mà các bản khác không có mà do Bác bổ sung thêm “ viết lại cho rõ”. Về hình thức các bản năm 1965, 1968 (2 bản), 1969 là bản nháp, viết tay, được Bác sửa chữa, tẩy xóa; bản 1965 do chính Bác đánh máy, bản cuối cùng, đọc ở Lễ tang Bác là bản in được tổng hợp, điều chỉnh và sắp xếp lại từ các bản trước. Các bản nháp được viết với các kiểu chữ và màu mực khác nhau, ở những thời điểm khác nhau, có khi chỉ là dấu chấm, phẩy hay âm vị ngôn ngữ xứ Nghệ được điều chỉnh lại cho đúng ngôn ngữ phổ thông...
Ở góc độ tình cảm, chúng ta thấy tình cảm bao la của Bác đối với mọi thành phần xã hội từ thanh thiếu niên đến cụ già, từ Đảng viên đến người ngoài Đảng, từ nông dân đến công nhân, từ những người ở dưới đáy của xã hội cũ như gái điếm, đến cờ bạc, buôn lậu, từ các cháu thiếu niên trong nước đến thanh thiếu niên thế giới...
Trong Di chúc, Bác đã dành một phần lớn tình cảm của mình cho Lực lượng vũ trang Nhân dân “Trung với nước, hiếu với dân”(1), là tổ chức do Bác khai sinh, huấn luyện, giáo dục đã trở thành lực lượng chủ yếu giành thắng lợi trong sự nghiệp giành độc lập và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam.
Lực lượng vũ trang nhân dân là: Quân đội nhân dân, gồm bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, bộ đội biên phòng, có lực lượng thường trực và lực lượng dự bị động viên. Trong đó, bộ đội chủ lực là thành phần nòng cốt gồm lực lượng cơ động của các quân đoàn, quân chủng, binh chủng, bộ đội chủ lực của quân khu và bộ đội chuyên môn kỹ thuật. Bộ đội địa phương là lực lượng cơ động tác chiến chủ yếu trên địa bàn địa phương, cùng với dân quân tự vệ làm nòng cốt của chiến tranh nhân dân tại địa phương. Bên cạnh đó là bộ đội Biên phòng. Quân đội nhân dân Việt Nam, là lực lượng chính của lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam với sứ mệnh: “Vì độc lập tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội, vì hạnh phúc của nhân dân”.
Bác Hồ với các cháu Thiếu sinh quân tại ATK Việt Bắc, năm 1950. Ảnh tư liệu lịch sử.
Khi Bác thành lập quân đội ta, chỉ có 34 chiến sỹ (trong đó có một nữ) với mấy khẩu súng kíp cổ lỗ sĩ. Ngày nay Lực lượng vũ tranh nhân dân đã có các binh chủng hùng mạnh là Lục quân, Hải quân, Phòng không Không quân, Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển, Tác chiến Không gian mạng và Bảo vệ Lăng Hồ Chí Minh.
Bác Hồ là người đặt tên Quân đội nhân dân Việt Nam viết tắt là "Quân đội nhân dân". Bác cho rằng đây là quân đội "từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu, vì nhân dân phục vụ". Quân đội nhân dân đã qua các tên gọi, qua các thời kỳː
Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân (tháng 12 năm 1944); Việt Nam Giải phóng quân (tháng 5 năm 1945); Vệ quốc đoàn (tháng 9 năm 1945); Quân đội Quốc gia Việt Nam (tháng 5 năm 1946); Quân đội nhân dân Việt Nam (từ năm 1950, chính thức từ tháng 9 năm 1954) đến nay.
Người anh hùng dân tộc vĩ đại Hồ Chí Minh không có được may mắn như những anh hùng dân tộc khác như Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Quang Trung... cầm quân ra trận. Các vị này đã có sẵn một vương triều với quân đội hùng mạnh. Bác Hồ không có gì cả. Đối địch với Bác là quân đội của đế quốc Pháp, triều đình phong kiến thối nát với quân đội phản dân hại nước và phát xít Nhật.
Được thành lập ngày 22 tháng 12 năm 1944, đến nay đội quân của Bác Hồ đã chiến đấu và chiến thắng các quân đội của các chính thể, các tổ chức như: Pháp, Anh, Mỹ, Nhật, Trung Quốc, “Quốc gia Việt Nam” và “Việt Nam Cộng hòa”, quân đội các nước đồng minh với Mỹ trong cuộc chiến tranh xâm lược Viêt Nam (1954 - 1975) là Hàn Quốc, Thái Lan, Philippine, Úc, New Zealand, quân đội Vương quốc Lào, Campuchia Dân chủ (Khơme Đỏ), tổ chức FULRO. Thế kỷ XXI, Quân đội nhân dân Việt Nam đã tham gia quân đội Liên hợp quốc bảo về hòa bình ở nhiều nước.
Trong gần một thế kỷ (1947 - 2022) chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, Quân đội ta đã có 20 vị tướng được tặng, truy tặng Huân chương Sao Vàng, 113 đơn vị và 34 tướng lĩnh được trao Huân chương Hồ Chí Minh, 807 đơn vị hoặc quân nhân được trao Huân chương Độc Lập... 3.738 đơn vị được tuyên dương Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân; 1.286 quân nhân được tuyên dương Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân (trong đó có 160 anh hùng là nữ và 163 anh hùng là người dân tộc thiểu số). Có 1 anh hùng là người nước ngoài (ông Nguyễn Văn Lập, tên khai sinh là Kostas Sarantidis, người Hy Lạp).
Quân đội nhân dân Viêt Nam với những chiến công hiển hách được nhân dân ta yêu mến và ngay cả kẻ thù cũng kính nể. Trung tá Pháp Marcel Bigeard, người đã tham gia chiến đấu ở Đông Dương suốt 9 năm, trực tiếp tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ (sau này là Bộ trưởng Quốc phòng Pháp) đã nói: "Tôi đã thấy họ khởi sự từ những khẩu súng bất kỳ như súng săn và sau đó, tháng này qua tháng khác, họ được tổ chức thành những nhóm nhỏ, rồi từ các nhóm nhỏ thành trung đội, từ các trung đội lên đại đội, từ đại đội lên tiểu đoàn và lữ đoàn và cuối cùng là thành các sư đoàn đủ quân. Tôi đã thấy tất cả những điều này và tôi có thể nói với các vị rằng họ đã trở thành những người lính bộ binh vĩ đại nhất trên thế giới. Những người lính dẻo dai này có thể đi bộ 50 km trong đêm tối bằng sức của một bát cơm, trên những đôi giày ba-ta và hát vang trên đường ra trận. Theo quan điểm của tôi, họ đã trở thành những người lính bộ binh ngoại hạng và họ đã đánh bại được chúng ta [quân đội Pháp]"(2). Và thiếu tá đặc nhiệm Mỹ Charles A. Beckwith, từng chiến đấu ở Việt Nam đã ca ngợi và mơ ước: "Tôi sẵn sàng đánh đổi mọi thứ để có được 200 người lính như họ. Họ là những người lính giỏi nhất mà tôi từng thấy. Họ tận tâm và thuộc loại cừ khôi. Tôi chưa từng thấy lính nào giỏi như họ" (3).
Chính vì vậy mà Di chúc, bản thứ 2, tháng 5 năm 1968 Bác viết:
“Đối với những người đã dũng cảm hy sinh một phần xương máu của mình (cán bộ, binh sĩ, dân quân, du kích, thanh niên xung phong…), Đảng, Chính phủ và đồng bào phải tìm mọi cách làm cho họ có nơi ăn chốn ở yên ổn, đồng thời phải mở những lớp dạy nghề thích hợp với mỗi người để họ có thể dần dần “tự lực cánh sinh”.
Đối với các liệt sĩ, mỗi địa phương (thành phố, làng xã) cần xây dựng vườn hoa và bia kỷ niệm ghi sự hy sinh anh dũng của các liệt sĩ, để đời đời giáo dục tinh thần yêu nước cho nhân dân ta.
Đối với cha mẹ, vợ con (của thương binh và liệt sĩ) mà thiếu sức lao động và túng thiếu, thì chính quyền địa phương (nếu ở nông thôn thì chính quyền xã cùng hợp tác nông nghiệp) phải giúp đỡ họ có công việc làm ăn thích hợp, quyết không để họ bị đói rét.
Những chiến sĩ trẻ tuổi trong các lực lượng vũ trang nhân dân và thanh niên xung phong đều đã được rèn luyện trong chiến đấu và đều tỏ ra dũng cảm. Đảng và Chính phủ cần chọn một số ưu tú nhất, cho các cháu ấy đi học thêm các ngành, các nghề, để đào tạo thành những cán bộ và công nhân có kỹ thuật giỏi, tư tưởng tốt, lập trường cách mạng vững chắc. Đó là đội quân chủ lực trong công cuộc xây dựng thăng lợi chủ nghĩa xã hội ở nước ta”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm Lớp đào tạo cán bộ mật mã “Lê Lai” tại rừng Bản Cọ, xóm Yên Thông, xã Bình Yên, huyện Định Hoá. Ảnh tư liệu lịch sử.
Với 24 dòng, 268 chữ so với Về vệc riêng của Bác chỉ viết có 79 chữ thì mới thấy tấm lòng của Bác, sự quan tâm của Bác đối với Quân đội nhân dân Việt Nam sâu nặng biết ngần nào..
Trước hết Bác quan tâm đầy đủ, cụ thể đến “ Những người đã hy sinh một phần xương máu của mình: “cán bộ, binh sĩ, dân quân, du kích, thanh niên xung phong…”, quan tâm đến đời sống, nơi ăn ở nghề nghiệp của họ sau chiến tranh. Tiếp đó là liệt sỹ, “mỗi địa phương (thành phố, làng xã) cần xây dựng vườn hoa và bia kỷ niệm ghi sự hy sinh anh dũng của các liệt sĩ” không chỉ để ghi nhớ công ơn của họ mà còn là để “đời đời giáo dục tinh thần yêu nước cho nhân dân ta”.
Bác không quên cha mẹ, vợ con của thương binh và liệt sĩ: “…mà thiếu sức lao động và túng thiếu thì phải giúp đỡ họ có công việc làm ăn thích hợp, quyết không để họ bị đói rét”. Sau cùng là đối với những chiến sĩ trẻ tuổi: “Đảng và Chính phủ cần chọn một số ưu tú nhất, cho các cháu ấy đi học thêm các ngành, các nghề, để đào tạo thành những cán bộ và công nhân có kỹ thuật giỏi, tư tưởng tốt, lập trường cách mạng vững chắc”.
Như vậy là tất cả các thành phần của quân đội, kể cả gia đình họ đều được Bác quan tâm, chăm sóc không chỉ tình cảm thương yêu mà cả hành động cụ thể, thực tế, để đền ơn đáp nghĩa của Bác. Cuối Di chúc Bác còn nhắc lại: “Cuối cùng, tôi để lại muôn vàn tình thân yêu cho toàn dân, toàn Đảng, cho toàn thể bộ đội, cho các cháu thanh niên và nhi đồng”.
Di chúc là một thể loại văn học như Chiếu, Biểu, Phú, Đối, Kệ, Kinh, Bia... Trong lịch sử nước ta và thế giới đã có vô số Di chúc của các danh nhân, nhân vật lịch sử để lại cho các thế hệ đời sau nhưng chưa có bản Di chúc nào có nội dung phong phú và đầy đủ như Di chúc của Bác Hồ.
----------------
(1) Thêu trên lá cờ Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng cho Trường Võ bị Trần Quốc Tuấn năm 1946.
(2) Phim tài liệu: Việt Nam, cuộc chiến tranh mười ngàn ngày. Michael McLair. Tập 1.
(3) https://nongnghiep.vn/bo-phim-the-vietnam-war--cam-nhan-cua-mot-nguoi-trong-cuoc-d206916.html
Lê Thị Hạnh Liên
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...