Tính cách người Nam Bộ
VNTN - Vào những năm 50 của thế kỷ trước, trong một tác phẩm của mình, học giả Nguyễn Hiến Lê đã kể về tính cách của người miền Nam, ông nói rằng ông kể câu chuyện ấy để đồng bào miền Bắc và miền Trung hiểu đồng bào miền Nam hơn - lúc ấy các miền còn rất cách biệt.
Miền Nam là vùng đất mới với lịch sử chỉ hơn 300 năm. So với lịch sử mấy nghìn năm của miền Bắc và trên 700 năm của miền Trung thì rất ngắn ngủi. Ngoại trừ những dân tộc bản địa lâu đời trên vùng đất Nam Bộ và người nước ngoài, còn lại gần như tất cả người Kinh đều có gốc gác từ miền Bắc xa nhất là từ khi những người Việt đầu tiên theo chân bà Ngọc Vạn vô xứ Đồng Nai những năm đầu thế kỷ 17. Tính cách nổi bật của người Nam Bộ chính là chất hào sảng.
Ảnh: Q.K
1. Tính cách người Nam Bộ hào sảng do đâu? Đã có nhiều nghiên cứu, nhiều cuốn sách giải mã tính cách đặc biệt này. Đa phần các nghiên cứu đều cho rằng Nam Bộ là vùng đất mới, vùng đất phì nhiêu. Những lưu dân người Việt trong cuộc thiên di tìm về vùng đất mới ở phương Nam những năm từ thế kỷ 17, 18 đã gặp vùng đất phì nhiêu này. Gia Định thành thông chí của Trịnh Hoài Đức viết: “Còn bầu, cá, rau rất nhiều thứ, không thể chép hết được. Tóm lại, các thứ rau đậu, dưa khoai, rau chỉ để ăn điểm tâm hay nấu món ăn mà thôi, chưa từng phơi khô, mài làm bột để trữ dùng trợ đói. Vì là người Gia Định ngày ba bữa đều ăn cơm cá, cháo gạo cũng ít ăn, huống chi là thứ khác, do thóc thừa thãi, hàng năm không mất mùa đói kém nên như thế”. Ở Nam Bộ xưa, nhiều khi không phải gieo trồng vẫn có lúa gạo để ăn, đó là lúa mọc tự nhiên, gọi là lúa ma, lúa trời. Cá tôm, rau củ ê hề, trái cây đủ loại, mùa nào thức ấy đủ cả. Thiên nhiên đã ưu đãi hào phóng cho vùng đất Nam Bộ, bởi vậy, tính cách hào sảng của người Nam Bộ có lẽ cũng được hình thành từ chính đặc điểm tự nhiên này.
Những lưu dân người Việt đến vùng đất này bắt đầu từ miền ngũ Quảng, đó là Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Đức (Thừa Thiên - Huế), Quảng Nam, Quảng Nghĩa (Ngãi) do sự khuyến khích của các chúa Nguyễn khi ấy. Đa phần trong số họ là những người có tư tưởng phóng khoáng, ít chịu sự câu thúc của lễ giáo phong kiến mà cụ thể là Nho giáo. Cá biệt, có những người “dọc ngang nào biết trên đầu có ai”. Vùng đất mới phì nhiêu nhiều sản vật, cộng với tính cách phóng khoáng đã tạo ra tính cách hào sảng của người Nam Bộ truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Có thể có những giải thích khác nhau nữa, nhưng tính cách hào sảng người Nam Bộ là thật và không phải bàn cãi.
2. Những bình nước mát miễn phí rất sạch sẽ và hợp vệ sinh đứng khiêm tốn ở các gốc cây bên đường là những hình ảnh phổ biến ở Sài Gòn. Những quầy hàng ai thừa thì cho, ai thiếu thì nhận xuất hiện ở nhiều nơi như Sài Gòn, Cần Thơ và đã xuất hiện ở Đồng Nai Tết đến, có cả những quầy gạo đã được đóng gói cẩn thận mỗi bịch 10 ki lô gam, ai cần thì lấy. Một chị mua bán ve chai (đồng nát) lấy một bịch rồi tần ngần ngỏ lời muốn xin một bịch nữa cho người bạn không có điều kiện đến và được vui vẻ chấp nhận. Họ thiếu nhưng không tham, lấy phần mình nhưng chỉ lấy đủ còn để phần cho người khác. Có những người mở tiệm sửa xe, bơm vá, sửa dép miễn phí cho người nghèo. Quán cơm 2.000 đồng của ông Nam Đồng -nguyên Tổng Biên tập Báo Pháp luật Thành phố Hồ Chí Minh đã được mở ra ở rất nhiều điểm khác nhau. Giá một phần cơm chỉ 2.000 đồng nhưng đảm bảo đầy đủ chất dinh dưỡng cần thiết và có đủ các món ăn. Chi phí để duy trì quán cơm này do nhiều rất nhiều người trong xã hội đóng góp. Công sức phục vụ do nhiều người tự nguyện đến làm, trong đó có rất nhiều sinh viên, học sinh. Khách hàng cũng rất đa dạng và có cả những người nổi tiếng thường xuyên là thực khách của quán.
Có lẽ không có nơi nào như ở Nam Bộ, trong mua bán, ở cái thời mà người ta gọi những người làm nghề buôn bán là con buôn, thì người Nam Bộ gọi họ là bạn hàng. Một chục ở miền Nam không bao giờ là 10 mà thường 12, 14, 15 và có khi lên đến 18.
Một câu chuyện đã gây “sốt” cộng đồng mạng, một người ăn trộm một bộ phận của xe hơi. Bị truy đuổi anh ta nhảy xuống kinh (kênh). Rất nhiều người đứng trên bờ tìm cách tóm cổ và anh ta không thể leo lên bờ. Sau đó vì lạnh cóng không chịu nổi, anh ta phải tự trèo lên. Nhìn thấy bộ dạng rúm ró của anh ta vì lạnh, những người chỉ mấy phút trước đó còn vô cùng tức giận với hành vi ăn cắp của anh ta đã ngay lập tức mủi lòng nên đã ngăn không cho người khác hành hung người ăn trộm. Một người đàn ông đứng gần đó đã cởi áo khoác cho anh ta để chống lạnh.
Có lẽ tính cách thoải mái của người Nam bộ như vậy nên nhiều đám tang hát hò inh ỏi. Những người ở miền Bắc có lẽ nghe chuyện này cảm thấy kỳ dị, nhưng ở Nam Bộ đó là chuyện bình thường. Nghe hát hò thâu đêm suốt sáng thì đó chưa hẳn là đám cưới mà là… đám tang. Tất nhiên đã có nhiều lý giải về hiện tượng này song nhiều người Nam Bộ cho rằng xưa kia những gia đình thường ở cách rất xa nhau, không may có người nằm xuống đã buồn lắm rồi, vì vậy đến đám tang người ta phải hát lên cho khỏi buồn. Đó cũng là một cách giải thích…
Đa số người Nam bộ nếu không theo tôn giáo khác thì đều theo Phật giáo hoặc có tín ngưỡng Phật giáo. Vì vậy họ tin vào nhân quả nên luôn giữ gìn. Nhiều ngôi chùa ở miền Nam, nhất là Biên Hòa, Sài Gòn có những dịp rất đông nhưng hầu như rất trật tự và không xảy ra chen lấn. Giày dép để ngoài cửa và cũng không bao giờ mất hay thất lạc. Đặc biệt, ở Nam bộ vô cùng hiếm nếu không muốn nói là không có tình trạng cướp lộc ở chùa.
3. Tôi đi dạy ở Đại học Trà Vinh, buổi trưa ra quán trước cổng trường ăn cơm. Vào một quán ăn thấy vắng khách và chủ quán chưa dọn dẹp chu đáo. Tôi có ý chê trách quán chưa hợp vệ sinh lắm. Chủ quán cười “cầu tài” nhìn tôi rất dễ thương và nói “thầy qua bên kia ăn đở (đỡ)”. Không phải họ biết tôi là thày giáo mà đối với người dân miệt (vùng) này, thấy ai ăn vận hơi lịch sự một chút đều gọi là thày. Nói rồi họ dẫn tôi sang tận bên quán ở bên kia đường.
Ở Biên Hòa, có một chú đã 79 tuổi nhưng vẫn làm nghề đổ rác thuê cho các gia đình. Gặp chú, tôi hỏi tháng làm được bao nhiêu, chú cười nói được trên 3 triệu. Tôi hỏi giá cả hiện nay mà tháng trên 3 triệu đồng chú sống sao nổi. Ông cười rất sảng khoái: dư xài. Cũng trên xe đò từ miền Tây về Sài Gòn trong một lần đi dạy, có một gì lên xe bán bánh tét. Thấy thương, tôi mua mấy đòn ủng hộ, hỏi bán như vầy liệu có đủ ăn, gì cười rất vui: dư xài. Đa số người Nam Bộ là thế, có sao nói vậy. Khi xuống xe, gì nhất quyết bắt lái xe và phụ xe cầm vài đòn (cái) bánh tét ăn lấy thảo, mặc cho nhà xe cương quyết không chịu nhận.
Ông cụ thân sinh ra tôi cứ chiều lội bộ khoảng gần cây số đi chơi cờ với các cụ bạn. Khoảng 5 giờ ông lại lội bộ về. Đa phần lượt về ông vẫy xe xin đi nhờ và gần như đều có người dừng lại chở ông (tất nhiên ông luôn đem theo nón bảo hiểm). Rất nhiều người dù không đi cùng hướng về với cụ nhưng đều đưa cụ về đến nơi rồi mới quay lại. Nhiều lần ông xin đi nhờ xe, nói rất rõ là xin đi nhờ và đều được đáp ứng. Ngồi sau xe rồi cụ mới hỏi người cho đi nhờ đi làm hay đi đâu về. Câu trả lời mà cụ nhận được là: con chạy xe ôm. Chạy xem ôm mà người khác xin đi nhờ cũng sẵn sàng chở không “ý kiến ý cò”. Thông thường mỗi lần như vậy cụ đều trả tiền với lý do ông cho tiền uống cà phê, chứ không phải trả tiền xe ôm.
Cốt cách người Việt dù ở vùng miền nào cũng đều có những nét tương đồng. Nói về tính cách người Nam Bộ mà như trong bài viết này mới chỉ là “cưỡi máy bay xem hoa”. Nêu lên những tính cách đặc trưng, tốt đẹp của người Nam Bộ cũng là cách giúp người Việt ở mọi vùng miền hiểu nhau hơn để hướng tới một nền văn hóa văn minh, nhân bản.
Vũ Trung Kiên
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...