Thứ năm, ngày 19 tháng 09 năm 2024
23:05 (GMT +7)

Tiếng thở buồn bên những trang sách cổ

VNTN - “Mở mắt ra lửa rừng rực trên mái, tôi chỉ kịp ôm cái ti vi chạy xuống sàn. Quay lại định cứu sách thì lửa phủ kín lán rồi. Cháy hết. Gà vịt còn cháy...”. Trong ánh sáng lờ mờ của cái lán tre nhỏ ông già 83 tuổi lần bàn tay nhăn nheo quanh mặt sàn tìm kiếm vật gì. Rồi như chợt tỉnh ông thở dài và bắt đầu kể về câu chuyện sưu tầm, dịch sách Nôm Tày.


Sinh ra và lớn lên trên bản Tày Na Mẩy, xã Yên Trạch (Phú Lương) ông Nguyễn Đình Nguyệt sớm đam mê với những cuốn sách cổ ghi lại văn hóa và phong tục tập quán bằng chữ Nôm Tày. Ông sưu tầm, đọc, dịch, ghi chép và ước mơ sẽ in ấn, xuất bản các tập sách ông dịch để truyền nét văn hoá đặc trưng của người Tày cho con cháu. Nhưng dự định và công sức mấy chục năm trời bỗng chốc ra tro. Năm 2011, trong một trận hỏa hoạn, ngọn lửa tai ác đã thiêu rụi ngôi lán nhỏ bên rừng trong đó có hơn 40 cuốn sách cổ.

Nhớ chữ cổ, ông Nguyệt phải đọc sách như thế này

Có duyên với chữ cổ

Để sưu tầm và có thể dịch các cuốn sách Nôm Tày cổ, trước hết phải biết chữ Hán vì chữ Nôm Tày được người Tày sáng tạo từ chữ Hán, hơn thế phải có một niềm đam mê. Hai thứ đó ông Nguyệt đều có cả. Khi kể về điều này ông Nguyệt vui sướng như đứa trẻ. Ông khoe, nếu không bị cháy, ông đã dịch được gần 200 câu hát lượn, then và 14 bài văn cúng đặc trưng trong đám cưới truyền thống, gần 250 trang sách về nghi lễ cấp sắc và nghi lễ kỳ yên và một số truyện cổ của người Tày.

Sinh năm 1932, ngay từ nhỏ ông Nguyệt đã rất sáng dạ. Dù là gia đình nông dân nhưng bố ông luôn thích con cái mình được học hành. Lặn lội về tận Nam Định bố ông đã mời được cụ Nho Lượng về dạy chữ cho 4 con trai và mấy thanh niên trong bản. Cậu bé Nguyệt lúc đó bé nhất lớp vì mới 9 tuổi nhưng lại là người say mê học và nhớ chữ nhanh nhất. Sau 2 năm ông đã thuộc lòng 10 cuốn sách cổ: Tam Tự Kinh, Vấn Đáp, sơ học… Ở bản có ông thợ làm súng cũng biết chữ Hán. Ông Nho Lượng và ông thợ súng ganh tài bẻ nhẽ nhau chữ nghĩa, rồi đánh nhau, thế là thày Nho Lượng cũng bỏ lớp, “tháo trường” luôn. Nhưng cũng từ đây những con chữ vuông vức thú vị đã lôi cuốn ông Nguyệt khám phá và là cái gốc để ông học tiếng Nôm Tày thuận lợi.

Vài năm sau ông Nguyệt được đi học chữ quốc ngữ và học những kiến thức phổ thông ở trường Ôn Lương cách nhà hơn chục km. 8 năm học, ông ở trọ đúng nhà thày cúng. Thấy ông biết chữ Hán, ông thày cúng đã nhờ ông viết sớ. Thế là cứ sáng đi học chiều về ông lại viết mấy tờ sớ. Viết nhiều thành quen ông viết khá nhanh và đẹp thỉnh thoảng ông cũng được viết cả những bài cúng. Ông thày cúng đi đám về được đồ lễ và thịt lại chia cho ông. Năm 1955 học hết lớp 9 ở trường cấp III Lương Ngọc Quyến ông Nguyệt đi làm thầy giáo tại trường cấp II Chợ Đồn (Bắc Kạn), 4 năm sau thì chuyển về dạy ở Định Hóa. Thời gian này do trường thiếu giáo viên môn văn, ông Nguyệt  được cử đi học lớp bổ túc sư phạm văn tại Hà Nội. Được đào tạo những kiến thức về văn chương và được gặp, giao lưu cùng một số bạn học cùng các chuyên gia nghiên cứu về chữ Nôm cổ như Giáo sư Bùi Văn Nguyên, thầy Hoàng Quyết… khiến ông Nguyệt ngộ càng ra nhiều điều hay từ những cuốn sách Nôm Tày cổ. Từ đây, nếu có thời gian ông bắt đầu sưu tầm và dịch sách Nôm- Tày. Nâng niu cuốn sách thâm đen, nhàu nhĩ ông thổ lộ: “Lúc nhỏ đọc truyện Tày cổ tôi chỉ thấy lôi cuốn và xúc động nhưng từ khi học văn tôi mới hiểu giá trị của những cuốn sách đó. Sách người Tày: sách truyện, sách thuốc, sách cúng…còn nhiều cái quí lắm!”.

Sau mấy năm công tác trên Định Hoá, ông Nguyệt về làm Hiệu trưởng Trường cấp II Yên Trạch. Được vài năm, thời kỳ bao cấp khó khăn, nhà đông con ông xin nghỉ việc về làm ruộng nuôi gia đình.

Ông Nguyệt còn tự làm những sản phẩm thủ công của người Tày

Thực hiện ước mơ

Từ khi về nghỉ, công việc nhà nông đầu tắt mặt tối, lúc làm ruộng lúc chăn lợn, chăn bò nhưng lại cho ông cái nhìn thực tế. Ông thấy, lớp trẻ ngày càng thờ ơ với kiến thức văn hóa cổ và những người hiểu biết cùng những cuốn sách cổ thì cứ dần mất đi. Có những đám ma con cháu thường đốt sách theo người chết luôn vì họ coi vậy là “đi” nhẹ nhàng mát mẻ và cũng đỡ vướng nhà. Nhiều lần thấy tụi trẻ xé sách cổ để nhồi vào nòng súng kíp bắn chơi (sách làm bằng giấy dó rất mềm và dai) ông Nguyệt xót lắm. Cứ hở thời gian là ông Nguyệt thực hiện tâm nguyện sưu tầm, đọc và dịch sách cổ. Công việc đã vất vả, nhiều người bảo ông lẩn thẩn nhưng cũng có người thông cảm, có sách các cụ để lại liền mang cho ông.

 Vậy là tối tối trên phiên liếp nhà sàn ông Nguyệt thường loay hoay với những quyển sách. Ông tra từ điển, viết và dịch chữ Nôm Tày cổ ra tiếng Tày, ra tiếng phổ thông. Thấy ông dịch tốt, các nghệ nhân hát then ở Định Hoá, Bắc Cạn cũng tìm đến nhờ dịch để họ phục hồi những làn điệu then cổ.

Các con đã trưởng thành, năm 2005 ông Nguyệt quyết định rủ bà Hạnh- vợ ông ra ở ngoài lán canh cá bằng tre nứa nằm chon von trong sườn núi. Chiếc lán nhỏ bằng hai cái chuồng bò cách ngôi nhà lớn vài con dốc, ở đây ông bà vừa canh ao cá vừa tăng gia, dưỡng già và cũng để ông có thời gian yên tĩnh bên những con chữ.

Biết bà mê dân ca, những câu hát then, điệu lượn sau khi dịch xong ông Nguyêt lại gẩy đàn tính ngâm nga cho bà nghe, cao hứng có khi hai ông bà cùng hát. Nhắc lại điều này bà Hạnh đã 79 tuổi kể lại giọng đầy thương cảm: “Cũng vất vả, bỏ cả việc mà đi sưu tầm đấy. Tôi thì kệ thấy ông làm được cứ làm thôi…”. Bà Hạnh cho biết thêm, những điệu lượn cổ, then cổ của người Tày như lượn thương (dành cho những đôi trai gái yêu nhau), then bách nhẫn (nói về trăm điều nhẫn, khuyên con người phải biết sống nhẫn nhịn)… sau khi ông dịch xong những điệu hát này, thỉnh thoảng trong các đám cưới ở quê, các cụ ông, cụ bà trong xóm vẫn ngâm nga thích thú.

Nói về nội dung những tác phẩm dịch ông Nguyệt giảng giải tỉ mỉ say sưa y như cái thời ông làm thày giáo: Truyện “ Lưu Đài  Hán Xuân” là  cuốn sách gối đầu giường của người Tày nói về đạo đức, tình mẫu tử, tình vợ chồng… Qua câu chuyện tình yêu của đôi trai gái các cụ muốn răn đời, để dạy cách đối nhân xử thế. Người Tày có nhiều truyện hay như truyện “Trương Hán”, “Đinh Chi”…

 Sưu tầm và dịch khá nhiều nhưng ông Nguyệt tâm đắc nhất là cuốn “Sự tích về giặc cờ đen” của ông Nho Lượng. Theo ông Nguyệt quyển sách đó quý giá vô cùng vì nó như một cuốn sử kể về sự tàn phá và tội ác của giặc cờ đen (tàn quân của Thái Bình thiên quốc) sang xâm lược nước ta cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX và sự anh dũng quả cảm của nhân dân Thái Nguyên và nhiều vùng khác đứng lên chiến đấu bảo vệ Tổ quốc. Cuốn truyện này do ông Nho Lượng sưu tầm tài liệu cổ và đã viết ra, năm 2006 ông Nguyệt dịch liên tục gần 10 ngày mới xong và may mắn nó vẫn còn giữ được.

Vui buồn với sách cổ

Nhìn ngôi lán đơn sơ ven rừng với vật dụng sinh hoạt hầu như chả có gì ngoài bộ ấm chén, nồi niêu bát đũa và chiếc ti vi đã hỏng, chắc hẳn nhiều người ái ngại nhưng với ông bà Nguyệt thì lại quan niệm khác. Nhìn ông bà quấn quýt như đôi chim cu sống rất lạc quan giữa rừng cây yên tĩnh chắc nhiều người phải ước ao và ngộ ra điều đơn giản: hạnh phúc vốn rất đơn sơ và bình dị. Sống gần gũi với thiên nhiên ông bà tự chăn nuôi gần trăm con gà, rau, măng tự trồng, một tháng ông Nguyệt được Nhà nước trợ cấp thêm gần hai trăm nghìn, cuộc sống với ông bà vậy đã rất thoải mái. Từ ngày vào đây hàng ngày ông Nguyệt gối đầu cao lên cái mon (Chiếc gối làm bằng tre) đọc sách. Bà thì làm xước cọ (chẻ nan cây cọ), rảnh rỗi ông lại đan lờ đánh cua đánh cá, mỗi phiên chợ bán cũng được vài trăm ngàn, con cháu thỉnh thoảng lại cho tiền, tiêu rủng rỉnh chả hết. Không khí trong lành, tâm lý thoải mái sức khỏe cũng tốt. Ở chiếc lán này ông đã từng mở lớp dạy chữ Hán cho người thân quen. Lớp có hơn chục người. Tháng học bốn buổi, học cả ngày, buổi trưa bà thổi cơm phục vụ thày và trò, vậy mà chỉ được hơn năm trò cứ rơi rụng dần, đến lúc tốt nghiệp chỉ có 1-2 người biết cái chữ.

Từ ngày đống sách cháy ông Nguyệt buồn hẳn. Gần đây mắt ông còn bị kéo màng, xuống Viện mắt ở ngã ba Mỏ Bạch rồi vào tận Sài Gòn chữa cũng không khỏi, giờ muốn xem chữ ông phải dí cái đen pin nhỏ soi từng tí một, mà cũng chỉ xem cho vui đỡ nhớ chữ cổ.

Tuổi già thì mắt mờ cũng là điều tất yếu nhưng điều khiến ông Nguyệt không yên cái bụng là tụi trẻ ngày càng thờ ơ với vốn văn hóa của cha ông. Phong tục tập quán cũng mai một rất nhiều, chuyện kính nhường cha mẹ, ông bà cũng không còn theo nếp. Lối sống hiện đại cúng giỗ tổ tông cũng làm đơn giản mà pha tạp lăng nhăng. Ngay con cháu ông cũng chả ai biết tiếng. Không biết tiếng làm sao biết đọc, biết cái nguồn gốc tổ tông, biết cúng giỗ… “Chúng nó mở nhạc Tây ình ình suốt ngày, bảo nó cũng không tắt. Thỉnh thoảng con cháu và tụi trẻ trong bản vẫn nhờ tôi xem ngày, tháng. Tôi khuyên chúng học chúng bảo, khó không thể học được. Tôi hỏi, sao chúng mày uống rượu, hút thuốc giỏi hơn ông mà lại không học được, chúng chả nói gì”- Ông Nguyệt thở dài kể. Bà Nguyệt cũng góp chuyện: “Chúng nó bây giờ còn biết gì. Dân ca dân tộc Tày, hát lượn, điệu phong slư… cũng chả biết nữa rồi. Giờ ở đây chỉ thỉnh thoảng có người già còn biết chút”.

Ông Nguyệt còn cho biết thêm, hồi còn khỏe ông làm ở Hội Người cao tuổi ông đã có ý kiến lên xã, phải sưu tầm và lưu giữ văn hóa cổ nhưng không ai nghe ông. Giá mà ông có chiếc máy ghi âm thì tiện. Nhiều điệu then, bài văn đám cưới, điệu lượn ông vẫn thuộc, ông hát vào đấy,  người già nào còn thuộc cũng hát vào đấy thì còn giữ được.

Quý sách là vậy nhưng suốt cuộc nói chuyện ông Nguyệt cứ ngỏ ý cho tôi mượn những cuốn sách cổ còn lại: “Nếu anh cần thì anh cứ lấy đi… khi nào rỗi mang trả tôi…Bây giờ tôi cũng già, sách có để lại cũng chả ai đọc. Bọn trẻ chả yêu sách vở người Tày đâu, chỉ thích đi làm gỗ lấy tiền thôi…”.

Điệu phong slư ông ngâm nga như vướng nghẹn đứt quãng khô khốc. Ông thẫn thờ mân mê cây đàn tính đã hỏng giọng buồn thiu, yếu ớt: “Tiếc quá chả biết lúc nào có thể khôi phục được…”.

Quang Khải

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Chùm thơ dự thi của Trần Huy Minh Phương

Cuộc thi sáng tác văn học 7 năm trước

Đánh thức mùa Vu lan

Cuộc thi sáng tác văn học 8 năm trước

Nguyên bản và bản sao

Cuộc thi sáng tác văn học 8 năm trước

Lam Điểu

Cuộc thi sáng tác văn học 8 năm trước

Tựa bóng ca dao

Cuộc thi sáng tác văn học 8 năm trước

Kỳ tích ở Khe Cạn

Cuộc thi sáng tác văn học 8 năm trước