Tiếng hát Người khuyết tật tỉnh Thái Nguyên lần thứ 2: Những trái tim tràn đầy năng lượng sống
VNTN - Mang trong mình những khiếm khuyết, mắt không sáng, tay chân không lành lặn, tai chẳng thể nghe, miệng không thể nói…, nhưng họ đã thể hiện những màn ca múa bằng cảm thức trong sâu thẳm tâm hồn. Vốn không đặt nhiều kỳ vọng về chất lượng nghệ thuật của một sân chơi mang tính khích lệ tinh thần, “vui là chính”, song thực tế đã khiến chúng tôi bất ngờ, các tiết mục tham gia chương trình thực sự rất đáng xem.
Được sự chỉ đạo của UBND tỉnh, Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi tỉnh Thái Nguyên đã phối hợp với các đơn vị: Đài PT-TH Thái Nguyên, Công ty cổ phần phát triển báo chí truyền hình STV Việt Nam, Sở Lao động Thương binh và xã hội, Sở Văn hóa Thể thao & Du lịch tổ chức giao lưu Tiếng hát Người khuyết tật tỉnh Thái Nguyên lần thứ 2, năm 2017, diễn ra tại Trung tâm Văn hóa tỉnh ngày 28/11 vừa qua. Nói là đáng xem, bởi ở đó có sự kỹ lưỡng trong khâu chọn lựa tiết mục, sự tự tin thể hiện trên sân khấu với tinh thần thoải mái, hết mình đã tạo điểm cộng cho chương trình. 7 đoàn khuyết tật ở các huyện, thành thị trong tỉnh và Trường Giáo dục và hỗ trợ trẻ em thiệt thòi tỉnh Thái Nguyên đã đem đến gần 40 tiết mục ca múa, chủ yếu ở các thể loại đơn ca, song ca, tốp ca, độc tấu nhạc cụ dân tộc, với sự góp mặt của gần 100 diễn viên, nghệ sĩ không chuyên và tạo nên một bữa tiệc âm nhạc rất đa dạng, nhiều cảm xúc.
Đoàn Hội Người khuyết tật thành phố Thái Nguyên tham gia 5 tiết mục, với những ca khúc nằm lòng công chúng yêu âm nhạc như: “Tổ quốc gọi tên mình”, “Chút thư tình người lính biển”, “Tiếng hát giữa rừng Pác Bó”… Với những người khiếm thị, bại liệt, việc ra vào sân khấu đều phải có người dắt, đẩy xe giúp nên phần nào hạn chế về phong cách biểu diễn. Nhưng điều quan trọng nhất khiến chúng tôi ấn tượng là ở chất lượng giọng hát dạt dào tình cảm, khỏe khoắn, cách xử lý kỹ thuật thanh nhạc khá nhuần nhuyễn chẳng kém gì những nghệ sĩ chuyên nghiệp được học tập bài bản. Thể hiện một tiết mục hát chầu văn, ông Hà Đức Sinh (52 tuổi, xã Tân Cương) và các diễn viên trong đoàn đã góp phần tạo nên sự mới mẻ, đa dạng, khác biệt cho chương trình. Bị bại liệt từ nhỏ, ông Sinh đã có nhiều năm rong ruổi làm “nghệ sĩ đường phố” kiếm tiền nuôi con trai học đại học. Ông chia sẻ: cảm thấy rất vui và hạnh phúc khi được đến tham gia một sân chơi tinh thần, nhận sự quan tâm của các cấp chính quyền như thế này. Người khuyết tật cũng đầy tài năng và không ngừng nỗ lực rèn luyện, cống hiến. Không thể mang tầm chuyên nghiệp ra để so sánh, song chúng tôi đã hát bằng trái tim. Thân thể khuyết tật nhưng trái tim không bao giờ khuyết tật.
Hát Chầu văn “Tình mẹ” của Hội Người khuyết tật TP. Thái Nguyên
Giọng hát đầy nội lực của chị Nguyễn Bích Thuận, thuộc đoàn người khuyết tật huyện Đại Từ với ca khúc “Xa khơi” (Nguyễn Tài Tuệ) khiến người nghe đi từ ngạc nhiên đến nể phục. Những nốt cao vút trong trẻo, từng câu luyến, ngân, ngắt… được xử lý khá nhuyễn. Bị khiếm thị bẩm sinh, sống tại xã Phú Lạc, huyện Đại Từ, chị Thuận hiện đang là thành viên, tham gia công việc tình nguyện tại Trung tâm Giáo dục và đào tạo việc làm cho người khuyết tật Việt Nam. Chị thường đi biểu diễn ở các trường học, gây quỹ từ thiện giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn của trung tâm. Giọng cười giòn tan, nói năng hoạt bát, cởi mở, chị vui vẻ bộc bạch: Cũng nhờ có chút năng khiếu trời cho, rồi thường tập luyện nữa nên mới hát tốt được thế. Đi diễn nhiều rồi, song hôm nay vẫn xúc động lắm. Đến đây mình và nhiều anh chị em có hoàn cảnh không may mắn được thể hiện tài năng, qua lời ca tiếng hát mà thêm gần nhau hơn, được cộng đồng sẻ chia nhiều hơn. Cũng thấy thêm lạc quan, yêu đời.
Cặp đôi Ngọc Ánh - Bích Thuận (Đại Từ) thể hiện ca khúc “Thái Nguyên tình anh tình em”
Các tiết mục độc tấu đàn bầu, sáo trúc cũng không kém phần hấp dẫn bởi khả năng cảm thụ âm nhạc tốt. Diễn viên không chuyên, song tinh thần thì lại vô cùng chuyên nghiệp. Không phân biệt độ tuổi, già - trẻ - gái - trai, họ đều hết mình vui say hát ca. Dù rất hạn chế trong các thao tác biểu diễn, song không vì thế mà xuề xòa theo kiểu tham gia cho có, hay để hoàn thành nhiệm vụ. Người đàn ông bại liệt ngồi xe lăn hát “Con cò”, như muốn nói đến khát vọng được bay nhảy, khám phá thế giới thiên nhiên tươi đẹp quanh mình. Cô gái tuổi độ đôi mươi hát “Gặp nhau giữa rừng mơ” như nói lời mong ước yêu và được yêu, được sống với những xúc cảm của thanh xuân rực rỡ như bao cô gái trẻ bình thường. Màn tốp ca “Năm anh em trên một chiếc xe tăng” làm người xem xúc động khi những người khiếm thị thể hiện hào khí, tinh thần quả cảm của những người lính luôn sẵn sàng trước mưa bom bão đạn… Có người tuổi đã cao vẫn mải mê hát “Thơ tình của núi” dù dáng đứng không thể thẳng và bước đi không thể trụ vững một mình. Chàng trai trẻ Minh Đức (thị xã Phổ Yên) dù khiếm thị vẫn khuấy động sân khấu với “Sông Đakrông mùa xuân về” đầy chất lửa. Đoàn học sinh Trường Giáo dục và hỗ trợ trẻ em thiệt thòi tỉnh Thái Nguyên khiếm thính nhưng vẫn múa “Mùa xuân trên bản Mông” không chỉ đúng nhịp điệu, mà còn đẹp, có hồn, đều tăm tắp…
Mục đích đặt ra khi tổ chức chương trình, là nhằm động viên người khuyết tật có thêm ý chí, nghị lực vượt lên số phận, tự tin, đoàn kết và hướng tới cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn; đặc biệt là việc xây dựng đời sống văn hóa tinh thần và các hoạt động sáng tác, biểu diễn nghệ thuật của người khuyết tật, giúp họ hòa nhập xã hội. Ông Lê Đình Cường, Chủ tịch Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi tỉnh Thái Nguyên, bày tỏ sự hài lòng: đối với người khuyết tật, mục tiêu quan trọng không phải là lấy chất lượng nghệ thuật theo đúng nghĩa của nghệ thuật ca múa chuyên nghiệp làm mốc để đánh giá. Tuy nhiên, dù mang tính phong trào, xã hội rất cao, thì sự chuẩn bị kỹ lưỡng, chỉn chu của các đoàn và các diễn viên thật đáng nể. Hi vọng “những trái tim khát vọng” sẽ tiếp thêm sức mạnh để họ có được sự yêu đời, tin tưởng bản thân, tiếp tục khẳng định mình trong cuộc sống.
Chương trình nhiều dư vị, ấm áp những cảm xúc nao lòng và hơn hết là chất lượng nội dung tốt. Nhưng tiếc là dù rất đáng xem, thì khi công diễn vẫn khiêm tốn người xem. Có lẽ các đơn vị phối hợp tổ chức chưa tính đến việc kiếm tìm, lôi kéo khán giả. Ở một khía cạnh nào đó, người khuyết tật thể hiện tài năng cũng là thể hiện ý chí, nghị lực, khát vọng sống, tại sao không có được một lượng khán giả là học sinh, sinh viên đông đảo - đối tượng rất cần được truyền cảm hứng? Nếu mà chỉ diễn và xem với nhau thì cũng chẳng sao, nhưng tiếc, bởi “Những trái tim khát vọng” không chỉ là chủ đề của một cuộc giao lưu văn nghệ, mà qua đó còn truyền tải thông điệp về nhân sinh, khát vọng sống và nỗ lực cống hiến của những người kém may mắn đến cộng đồng, nó xứng đáng có được “đất sống” rộng rãi hơn thế. Mong rằng ở những kỳ giao lưu sau, BTC sẽ lưu tâm hơn, để trái tim những người khuyết tật có thể hòa chung nhịp đập với cộng đồng nhiều hơn nữa.
Những điều đến từ trái tim sẽ chạm đến trái tim. Chúng tôi đã cảm nhận điều đó sâu sắc hơn khi xem những người khuyết tật biểu diễn. Họ đã sống với những xúc cảm thật chân nhất, bằng nhịp đập trái tim tràn đầy năng lượng sống…
Kim Việt
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...