Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024
16:30 (GMT +7)

Thuồng luồng trong văn hóa truyền thống Tày Nùng

VNTN - Thuồng luồng là loài thủy quái có sức mạnh và sự hung dữ bậc nhất trong quan niệm dân gian của nhiều tộc người ở Việt Nam. Các sách cũ gọi loài này là giao long. Thuồng luồng thường núp dưới các vực nước sâu để dâng nước đánh đắm thuyền bè qua lại mà bắt người ăn thịt. Trong văn hóa và tín ngưỡng Tày, Nùng, hình tượng thuồng luồng cũng chiếm tần suất xuất hiện khá lớn. Khác với các tộc người khác, thuồng luồng của người Tày, Nùng không chỉ với sự hung dữ mà còn có rất nhiều tính cách khác nhau. Thuồng luồng cũng có thế giới riêng với nhiều mối quan hệ như thế giới của con người. Những quan niệm này đã hình thành nên một hình tượng đặc sắc trong văn hóa truyền thống Tày, Nùng, mang nhiều giá trị về văn hóa, lịch sử.


Người Tày, Nùng mường tượng thuồng luồng có hình dạng con rắn khổng lồ, trên đầu có chiếc mào đỏ chói và dưới cằm cũng có mào rủ như mào gà trống. Trong ngôn ngữ Tày, Nùng, thuồng luồng được gọi là “tua ngược”. Thuồng luồng thường sống ở những vực nước sâu mà chục con sào chống xuống cũng không đến đáy. Đồng bào quan niệm, thuồng luồng là giống thủy quái có sức mạnh và hung dữ nhất cõi Thủy phủ. Vì thường xuất hiện ở những nơi đầu nguồn sông, suối hoặc nơi có vực nước dồi dào nên nó được coi là chủ của những mạch nước ngầm. Do nước có vai trò rất quan trọng trong sự tồn tại của con người nên thuồng luồng/ rắn lớn - chủ của nguồn nước - cũng là đối tượng được người Tày, Nùng tôn kính và thờ phụng nhiều hơn cả.

1. Thuồng luồng trong tín ngưỡng

Sự hiện diện của thuồng luồng trong hệ thống di tích, lễ hội

Trong đời sống tín ngưỡng của người Tày, Nùng, thuồng luồng có một vị trí quan trọng vì nó đứng đầu cả một cõi trong tam giới - cõi Thủy phủ. Đồng bào cho rằng, thuồng luồng là hiện thân của Long Vương và là chủ quản của một vùng nước. Những vực nước mà người ta đồn đại có thuồng luồng cư trú thường có nhiều hang động ngầm và những xoáy nước lớn, dễ dàng nuốt gọn những thuyền bè bất cẩn qua lại nên đồng bào cũng gán ghép một cách chủ quan nguyên nhân gây ra những tai nạn ấy là do thuồng luồng. Vì vậy nên người Tày, Nùng coi thuồng luồng có sức mạnh và sự hung bạo bậc nhất. Do đó khi nhắc đến thuồng luồng, ai cũng đều có tâm lý sợ hãi nhưng lại cũng có phần kính nể vì sức mạnh khủng khiếp. Vì tâm lý đó nên đồng bào tôn thuồng luồng thành thần linh và thường được thờ ở những ngôi miếu ven sông.

Ở những vùng ven các con sông, suối lớn của các tỉnh Việt Bắc, tục thờ thuồng luồng khá phổ biến. Có thể kể đến những di tích quan trọng của tín ngưỡng thờ thuồng luồng là đình Vằng Khắc, đền Kỳ Cùng (Lạng Sơn), miếu Long Vương (Cao Bằng),… Các di tích này đều có thần tích gắn liền với thần thuồng luồng và có môtip chung là, có ông bà làm nghề chài lưới đã cao tuổi mà không có con, một hôm ông chồng ra sông đánh cá và nhặt được quả trứng lạ. Sau đó, quả trứng này nở ra thuồng luồng con. Thuồng luồng con sau khi lớn lên thì được cha mẹ nuôi đem ra thả ở bờ sông rồi cảm hóa hoặc tiêu diệt những con thuồng luồng khác khiến cho bến sông được bình yên. Điều này cho thấy, thuồng luồng trong tâm khảm người Tày, Nùng không chỉ hung dữ mà còn tình nghĩa và rất sâu sắc.

Bên cạnh đó, hiện tượng thờ cái lỗ trong các di tích này cũng là nét đặc trưng trong tín ngưỡng thờ thuồng luồng. Theo truyền tụng của các cụ cao niên thì trước đây trong hậu cung ở đình Vằng Khắc, đền Kỳ Cùng và chùa Thả Và (Lạng Sơn) còn có cái hang rất sâu, nếu đổ trấu vào hang thì vài ngày sau, trấu sẽ nổi lên ở sông. Đồng bào cho rằng những chiếc hang này là do thuồng luồng đào. Do lo sợ thuồng luồng sẽ theo hang chui lên gây ảnh hưởng đến cuộc sống con người nên người ta dùng chiếc chảo gang cỡ lớn (chảo trâu) úp lên miệng hang để thuồng luồng không thể bò ra được.

Những di tích thờ thuồng luồng còn có lễ hội đặc trưng riêng làm phong phú thêm cho hệ thống lễ hội của người Tày, Nùng. Nếu cư dân Tày, Nùng ở thung lũng có lễ hội lồng tồng thì cư dân vùng ven sông nước lại có lễ hội phài lừa - đua bè. Ở tỉnh Lạng Sơn, có 2 lễ hội đua bè nổi tiếng là lễ hội đua bè xã Quốc Việt, huyện Tràng Định và lễ hội đua bè xã Hồng Phong, huyện Bình Gia. Bè để đua là bè được kết từ nhiều thân cây tre, có độ dài từ 10 đến 15m. Hoạt động đua bè trong lễ hội chính là mô phỏng hình tượng thuồng luồng bơi trên nước. Ngoài ý nghĩa mô phỏng hình tượng thuồng luồng, cuộc đua bè còn mang theo ý niệm cầu mong cho mưa thuận, gió hòa, nước canh tác đủ đầy để mùa màng bội thu, nhân khang vật thịnh.

Thuồng luồng với tư cách là chủ nguồn nước

Người Tày, Nùng ở nhiều nơi cũng gán cho thuồng luồng kiêm luôn việc làm mưa thay cho con rồng - tua luồng. Có thể thấy rõ nhất biểu hiện của niềm tin này là trường hợp những câu chuyện thần bí xung quanh đình Tùng Tày. Đình Tùng Tày tôn thờ sơn thần Quý Minh Đại Vương và được lập ở giữa bản Tùng Tày thuộc xã Tràng Phái, huyện Văn Quan, tỉnh Lạng Sơn. Nhân dân địa phương quan niệm đôi thuồng luồng này là quan văn, quan võ cận vệ của Quý Minh Đại Vương. Các cụ kể lại rằng những năm trước đây, khi đình Tùng Tày mở hội thường có một đôi rắn có mào (thuồng luồng) xuất hiện và trườn xung quanh tất cả các mâm lễ rồi biến mất. Cứ mỗi lần mở hội thì 3 ngày sau sẽ có mưa. Đặc biệt, khi hạn hán quá nặng, dân bản sẽ đem lễ vật ra đình để cầu xin thành hoàng và thần thuồng luồng ban mưa rồi gõ trống 3 hồi. Ngay sau lúc đó, trời sẽ đổ mưa và chỉ mưa duy nhất khu vực Tùng Tày. Câu chuyện này tuy mang nặng tính huyền hoặc nhưng cũng cho thấy việc thờ phụng thuồng luồng không còn đơn thuần chỉ là thờ phụng mạch nước đầu nguồn mà còn liên quan cả đến tín ngưỡng cầu mưa. Trong trường hợp này, thuồng luồng đã thay thế hẳn vai trò của con rồng. Có thể đây cũng là tàn dư của việc phụng thờ hình tượng rắn cổ xưa của người Tày, Nùng trước khi chịu ảnh hưởng việc thờ rồng của người Trung Quốc.

Thế giới loài người thông qua lăng kính thế giới thuồng luồng

Đồng bào Tày, Nùng quan niệm, những hang hốc nơi thuồng luồng cư trú là những bản làng, chợ phiên rất đông đúc và trù phú như thế giới con người. Nhiều người vẫn cho rằng, “chợ phiên” của thuồng luồng nằm ở vực nước Thả Và (thuộc xã Chi Lăng, huyện Tràng Định, tỉnh Lạng Sơn). Cứ mỗi ngày mùng 1 và 15 hàng tháng, chợ đều họp rất náo nhiệt và đông vui. Thậm chí thuồng luồng cư trú ở nhiều vực nước còn có mối quan hệ dòng họ với nhau. Ví dụ như ở huyện Tràng Định, tỉnh Lạng Sơn, đồng bào Tày, Nùng thường lưu truyền câu tục ngữ:

Pò mè dú Thả Và

Tai ta dú Slằng Cúm

Lan đăm dú Bủng Đeng

Lan đeng dú Bủng Mạ

Nghĩa là:

Cha mẹ (bên nội) ở Thả Và

Bên ngoại ở Slằng Cúm

Cháu nội ở Bủng Đeng

Cháu ngoại ở Bủng Mạ

Với cách xác định như vậy thì ta có thể hiểu, đồng bào quan niệm vực nước Thả Và, Slằng Cúm là cội nguồn “đất” tổ của thuồng luồng, còn các vực Bủng Đeng, Bủng Mạ là nơi thuồng luồng con, cháu đến để “sinh cơ, lập nghiệp”. Thông qua các mối quan hệ bên nội - bên ngoại, cháu nội - cháu ngoại của các vực nước này ta có thể thấy, thuồng luồng không chỉ có các mối quan hệ xã hội mà có cả quan hệ dòng họ. Có lẽ ngoài mục đích xác định những vực nước này có sự hiện diện của thuồng luồng thì câu tục ngữ này cũng là kinh nghiệm sông nước của đồng bào nơi đây. Vì đây là những vực nước sâu và có xoáy nước dễ gây tai nạn nên thông qua câu tục ngữ, có ý nhắc nhở thuyền bè qua lại cần chú ý. Như vậy thế giới của thuồng luồng đã được “xã hội hóa” với đủ tính cách như thế giới loài người. Đây cũng là sự phản ảnh sự nhận thức trong thế giới quan của người Tày, Nùng.

Lễ hội đua thuyền huyện Bình Gia, tỉnh Lạng Sơn nhằm tưởng nhớ thần thuồng luồng

Thuồng luồng không chỉ cư trú và sinh hoạt tại thế giới Thủy phủ của mình mà còn lên cả cõi trần gian của loài người để giao lưu, kết bạn, thậm chí là bắt người trần gian về làm chồng, làm vợ. Những chàng trai, cô gái thuồng luồng được đồng bào gọi là “báo ngược”, “slao ngược”. Đồng bào cho rằng thuồng luồng có phép biến hóa thần thông, có thể hóa thành người trần gian. Những chàng trai, cô gái do thuồng luồng hóa thành đều rất xinh đẹp, tài hoa. Tuy nhiên, có tài giỏi đến mấy thì thuồng luồng cũng không tài nào làm biến mất cái ngấn ở cổ (thuồng luồng đực thì ngấn đỏ, thuồng luồng cái thì ngấn trắng). Do vậy, chúng phải quàng chiếc khăn ở cổ để che đi dấu vết này. Vì thế, trước đây các cụ thường dặn thanh niên trai gái khi tìm bạn cần phải tránh những chàng trai, cô gái lạ mà quàng khăn ở cổ vì đó có thể là thuồng luồng.

Theo quan niệm nhà then, phu đò (sluông báo, sluông quan, sluông bjoóc) là hiện thân của những chàng trai thuồng luồng ở Thủy tề được nhà then mời lên để giúp chở quân binh và lễ vật vượt biển lớn lên cõi trên. Sở dĩ phải mời các thần thuồng luồng vì cõi nước mênh mông, nhiều mối hiểm nguy nên phải cần có những phu đò lực lưỡng và thông thạo các đường lối dưới nước như thuồng luồng thì mới có thể đưa lễ an toàn qua các thác nước trên biển. Thần thuồng luồng được mô tả trong then là những ông chồng chăm chỉ làm lụng nuôi vợ con nhưng cũng rất phong tình, khiến những bà vợ ở nhà phải ghen tuông. Ở đây ta thấy hình tượng thuồng luồng hiện ra một cách rất phong lưu và trữ tình chứ hoàn toàn không phải là loài quái vật hung dữ như ở các sự tích khác.

2. Thuồng luồng trong văn học dân gian Tày, Nùng

Trong văn học dân gian, hình tượng thuồng luồng chiếm số lượng khá lớn. Có thể phân loại chuyện thuồng luồng thành những dạng sau.

Vực nước Thả Và - nơi được cho là có thuồng luồng sinh sống

Huyền thoại về thuồng luồng có liên quan đến sự hình thành vùng đất

Câu chuyện tiêu biểu nhất cho dạng huyền thoại này chính là sự tích hồ Ba Bể được lưu truyền tại vùng Bắc Kạn. Truyện này đã được lưu lại trong sách Đại Nam nhất thống chí. Có thể kể tóm tắt như sau: Ngày xưa hồ Ba Bể thuộc xã Nam Mẫu là vùng núi non trùng điệp và bản làng đông đúc. Một năm nọ, khi dân làng đang tổ chức lễ hội Vô già thì từ đâu có một bà già ăn mày đến xin ăn. Trông bà già gớm ghiếc, ai cũng ghê sợ và lánh xa. Cuối cùng chỉ có mẹ con bà góa thương cụ nên đưa cụ về nhà ăn uống, nghỉ ngơi. Đến nửa đêm, bà góa mở rèm cửa ra xem thì không thấy bà cụ đâu mà chỉ thấy một con thuồng luồng to lớn nằm giữa nhà. Sáng hôm sau, thuồng luồng lại hóa thành hình dạng bà cụ. Bà cụ dặn mẹ con bà góa rằng, nếu trong xã có sự bất thường gì thì phải chạy đi càng xa càng tốt. Hội chưa xong được bao lâu thì tự nhiên có mạch nước phun lên giữa đồng. Ban đầu mạch nước chỉ nhỏ như miệng bát, sau dần sạt lở thành cái hồ khổng lồ. Khi ấy, mẹ con bà góa đã kịp chạy lên núi cao nên thoát chết. Khu vực bị sập thành ba chiếc hồ gọi là hồ Ba Bể. Người Tày, Nùng ở vùng này cũng có truyền thuyết tương tự để giải thích sự hình thành của hồ Ba Bể. Tuy nhiên, khác với sách Đại Nam nhất thống chí, việc cả vùng Nam Mẫu bị sập xuống thành hồ không phải là do đối xử tệ với bà lão mà là do ăn thịt mất con trâu của thuồng luồng đi lạc.

Từ sự tích hình thành hồ Ba Bể, ta có thể nhận thấy tín ngưỡng thờ thuồng luồng đã có từ rất lâu, không chỉ tồn tại trong phạm vi văn hóa Tày, Nùng mà đã được các sách vở triều đình ghi chép lại. Thông qua đó ta cũng khẳng định được thêm rằng, tín ngưỡng thờ thuồng luồng gắn chặt với tín ngưỡng thờ nước. Những địa danh có liên quan đến nước đều có sự hiện diện của thuồng luồng.

Huyền thoại thuồng luồng gắn với sự đấu tranh của con người với tự nhiên

Dạng truyện này được thể hiện rõ nhất trong thần tích các ngôi đền/ đình ven các con sông lớn ở vùng Việt Bắc. Trong đó, thuồng luồng là nhân vật tuy hung dữ, ác ôn nhưng được con người cảm hóa và trở nên lương thiện.

Tiêu biểu cho mô típ truyện thuồng luồng được con người cảm hóa là truyện bà góa ở Thông Hòe hay truyện sự tích miếu Long Vương Thông Hòe (Trùng Khánh, Cao Bằng). Truyện kể rằng hồi ấy có hai con thuồng luồng hung dữ đến sông Thông Hòe và gây nên nhiều sự tai hại cho nhân dân. Một hôm, có bà góa xúc tép ở bờ sông nhặt được một quả trứng kỳ lạ. Quả trứng nở ra một con thuồng luồng con. Bà lão rất quý mến và chăm sóc thuồng luồng cẩn thận. Đến khi thuồng luồng lớn, bà đem thả nó ra sông và gặp đôi thuồng luồng bố mẹ. Bà lão khuyên thuồng luồng hãy đi nơi khác kiếm ăn, đừng quấy nhiễu nhân dân nơi đây. Từ đó, bến sông không còn nạn thuồng luồng bắt người. Lòng nhân đức của con người đã cảm hóa được sự hung dữ của thuồng luồng, khiến thuồng luồng trở nên có nhân tính và từ đó, lại tiếp tục cảm hóa lại đồng loại của mình. Đó có lẽ cũng chính là tinh thần nhân văn cao cả của người Tày, Nùng trong ứng xử xã hội.

Bên cạnh truyện thuồng luồng nhận lòng nhân từ của loài người mà cảm hóa đồng loại thì còn có cả truyện thuồng luồng xả thân để bảo vệ con người. Tiêu biểu cho dạng truyện này là sự tích lễ hội đình Vằng Khắc (xã Vân Mộng, huyện Lộc Bình, Lạng Sơn). Truyện kể rằng một năm nọ, có một ông lão đánh cá bắt được một quả trứng lạ ở trên sông Kỳ Cùng và đem về cho gà ấp. Một thời gian sau, quả trứng nở ra một con thuồng luồng con. Ông lão rất yêu mến con thuồng luồng nên đã gắng công nuôi nó lớn. Đến khi thuồng luồng trưởng thành, ông đem nó ra vực Vằng Khắc thả. Sau đó, vì hiểu lầm nên cô con dâu của ông lão đã bị thuồng luồng bắt xuống thủy phủ làm vợ. Ông lão rất tức giận nhưng đó là duyên trời định nên ông đành cam chịu. Về sau, nhờ có công cứu bản làng khỏi nạn lũ lụt nên thuồng luồng được nhân dân lập đình Vằng Khắc để thờ phụng.

Ngoài những truyện cảm hóa thuồng luồng ra thì còn rất nhiều truyện con người chiến đấu với thuồng luồng để giữ gìn sự bình yên cho bản làng. Trong dạng này thì có truyền thuyết về Lý Vỹ được ghi lại trong sách Đại Nam nhất thống chí và truyện Cha và con ở Hữu Lũng (Lạng Sơn).

Trong sách Đại Nam nhất thống chí, phần viết về tỉnh Cao Bằng, khi nói đến núi Hiến Sơn, các tác giả có ghi lại truyện con gái của Lý Vỹ (châu Thạch Lâm) bị thuồng luồng bắt xuống vực sâu làm vợ. Sau đó Lý Vỹ dùng lửa thiêu đốt hang thuồng luồng để trả thù cho con. Câu chuyện Cha và con lưu truyền ở vùng Hữu Lũng, Lạng Sơn cũng có môtip người con gái bị thuồng luồng bắt xuống nước và người cha giết thuồng luồng trả thù cho con. Tuy nhiên, khác với cách dùng lửa để diệt thuồng luồng của Lý Vỹ, người cha trong truyện này lại tự mình rèn dao và chém sạch lũ thuồng luồng dưới suối.

Vừa ca ngợi tình thương con vô vàn của người cha, những câu chuyện này thể hiện tinh thần kiên cường, bất khuất của con người trong việc chế ngự tự nhiên. Thuồng luồng chính là nhân vật đại diện cho tự nhiên hung dữ bị con người khống chế và thậm chí là tiêu diệt…

Trong văn hóa truyền thống Tày, Nùng, thuồng luồng là loài thủy quái được hiện lên với nhiều quan niệm và tính cách khác nhau. Có khi thuồng luồng hiện ra là loài thủy tộc dữ tợn, sẵn sàng “ăn tươi nuốt sống” con người cả về nghĩa đen và nghĩa bóng. Nhưng cũng có khi, thuồng luồng lại hiện thành những tao nhân mặc khách tài ba, lịch sự. Trong cách tổ chức xã hội, thuồng luồng không giống như các quần thể sinh vật thông thường mà có ngôi thứ và quan hệ huyết thống rõ ràng. Do vậy có thể thấy rằng, hình tượng thuồng luồng cũng là sự phản ánh về thế giới quan của người Tày, Nùng.

Di tích đền Kỳ Cùng (Tp Lạng Sơn) gắn với sự tích thần sông Kỳ Cùng

(thuồng luồng) và Quan lớn Tuần Tranh

Tục thờ thuồng luồng là biểu hiện trung gian cho quá trình chuyển biến từ tục thờ rắn đến thờ rồng. Từ đó có thể thấy, thờ thuồng luồng là một trong những tục thờ mang tính cổ xưa của người Tày, Nùng trước khi chịu ảnh hưởng của văn hóa Hán. Kèm theo tục thờ này là hàng loạt các lễ hội, các thiết chế thờ phụng, các phong tục thờ cúng và nhất là các câu chuyện nửa hư nửa thực.

Bên cạnh sự phản ánh thế giới quan, thuồng luồng cũng là đại diện cho thế giới tự nhiên hà khắc, bí ẩn mà con người luôn khao khát giải mã, chiến thắng và chiếm hữu. Những câu chuyện về sự cảm hóa thuồng luồng, chiến thắng thuồng luồng thể hiện cho tinh thần kiên cường bất khuất song cũng rất khéo léo của con người trong công cuộc chiến đấu với tự nhiên. Ngoài ra, những câu chuyện về sự giáp mặt, gặp gỡ với thuồng luồng tuy chưa thể xác thực nhưng đó cũng là những kinh nghiệm sinh tồn để con người có thể tồn tại được với tự nhiên một cách thuận hòa.

Nguyễn Văn Bách

1 đã tặng

1

0

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy