Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024
15:37 (GMT +7)

Thùng Săng mùa quýt chín

VNTN - A lô, Ngân hả? Chị Lan Na Phài đây. Quýt chín rộ rồi đấy, em còn ý định leo núi vào lũng không thế?

Cuộc gọi của chị Lan, một người dân hồn hậu của xóm Na Phài, xã Phú Thượng (Võ Nhai) mà tôi đã gặp trong chuyến tác nghiệp gần một năm trước. Lúc ấy, biết ở đây có một lũng quýt đẹp nhất nhì xã, tôi đã ấp ủ ý định phải “mục sở thị” khi quýt vào mùa. Cảm ơn chị Lan đã nhớ lời nhờ vả của tôi, để tôi được đến với Thùng Săng đúng hẹn.

Con đường trở nên gian nan hơn khi trên vai phải gánh nặng.


Trời vừa sáng, chúng tôi khởi hành từ thành phố Thái Nguyên ngược đường về phía huyện Bắc Sơn (Lạng Sơn) mà thẳng tiến. Cách UBND xã Phú Thượng, huyện Võ Nhai chừng gần 1km rẽ tay trái vào xóm Na Phài. Gửi xe vào nhà người dân ngay sát chân núi, chúng tôi nai nịt máy móc gọn gàng, để lại xe những thứ không cần thiết vì đã được nhắc nhở, đường đi vào lũng rất khó.

Ngoài những thiết bị phục vụ tác nghiệp, mỗi người chúng tôi chỉ cầm thêm một chai nước lọc, rồi hăm hở theo chân người dân đang trên đường vào lũng thu hái quýt. Con đường mòn cứ được một đoạn lại mất dạng, thay vào đó là những trảng đá lô nhô, có chỗ là những hòn đá to bằng nửa gian nhà, chỗ khác thì đá nhọn hoắt từng mỏm. Đường đi càng lúc càng khó, chẳng bao lâu sau chúng tôi đã bị tụt lại.

“Đi chậm và bước nhỏ thôi mới không bị mệt” - hai người ngang qua chúng tôi có ý tốt nhắc nhở. Chắc chỉ cần nhìn qua, họ đã nhận ra chúng tôi là dân “nghiệp dư” leo núi. Đang thong dong bước, tôi lại nghe tiếng ai đó gọi từ trên cao “Cô gái có cần trợ giúp không?” (sau đó tôi mới biết anh tên là Hùng, nhà cũng ở xóm Na Phài). Ngẩng đầu nhìn lên, phía trước mặt là một vách đá gần như dựng đứng, cao gấp ba, bốn lần chiều cao của tôi. Vừa dò tìm chỗ đặt chân cho vững, hai bàn tay lần bám theo các mỏm đá chìa ra, tôi cố gắng đu người leo lên và nhờ sự trợ giúp của người đàn ông vừa gọi hỏi tôi khi nãy.

Sau hơn hai tiếng đi bộ, chúng tôi đã đến được lũng Thùng Săng. Lũng núi đẹp và rộng nhất nhì trong số 13 lũng trồng quýt ở Phú Thượng. Trái ngược hoàn toàn với sự gập ghềnh hiểm trở của đường đi, Thùng Săng là lũng núi bằng phẳng với hơn một nghìn gốc quýt. Nhìn những chùm quýt sai lúc lỉu và hít hà mùi thơm ngọt ngào, bao cảm giác mệt mỏi dần tan biến hết. Những cây quýt đã ngót nghét hai mươi năm tuổi, xen lẫn trong đá. Cũng là quýt đấy thôi, song cảm giác được hái trực tiếp từ trên cây và thưởng thức nó lại có hương vị thật khác biệt. Dường như quýt ở đây đã quyện đủ mùi thơm của nắng và gió rừng, vị ngọt thanh của sương sớm trong lành.

Dọc đường đi, nhiều đoạn người dân phải dùng các thanh gỗ bắc lên các tảng đá để làm cầu vượt qua những hốc đá sâu.

Quýt ở lũng Thùng Săng thuộc quyền sở hữu của 3 gia đình. Một trong 3 chủ nhân đó là gia đình anh Chu Đức Thắng. Anh không biết những cây quýt này có từ bao giờ, chỉ nhớ từ khi học lớp Hai đã theo chân ông bà, bố mẹ vào Thùng Săng hái quýt. Mỗi cây quýt ở đây cao khoảng sáu, bảy mét. Muốn hái phải dùng thang bắc lên cây. Anh Thắng cho biết, bình quân mỗi cây quýt sẽ cho thu hoạch từ 60 - 100kg. Với giá bán đầu mùa là 15 nghìn đồng/kg và chính vụ như hiện nay là 12 nghìn đồng/kg (đối với quýt to, đẹp); quả nhỏ thì bán thấp hơn vài, ba giá. Quýt chỉ cần vận chuyển từ lũng về nhà là có thương lái đến tận nơi mua.

Chị Chu Thị Niên, chủ nhân của hơn 300 gốc quýt gần đó cho biết thêm: Quýt tuy là cây không phải chăm bón nhiều, nhưng phải phát quang cỏ và thăm nom thường xuyên, kịp thời phát hiện bệnh sâu đục thân để chữa trị. Nếu không cây quýt sẽ héo dần rồi chết mà không thể phục hồi được.

Bình quân mỗi vụ quýt chị Chu Thị Niên thu về được khoảng 10 tấn quả.

Tôi tò mò hỏi chị Niên, tại sao bà con lại phải vào tận lũng núi sâu, xa, đi lại vô cùng gian nan như thế này để trồng quýt mà không trồng nơi nào gần nhà. Chị Niên cười giải thích: Trồng thử ở khu vực bên ngoài gần nhà, cây không phát triển được và dần lụi hết. Nó ưa đất xen đá ở những lũng núi như thế này hơn.

Vì đường sá đi lại khó khăn, không thể sử dụng phương tiện nào ngoài đi bộ, nên người dân phải cả ngày ở trong lũng. Mỗi gia đình đều dựng một chiếc lán nhỏ để nghỉ trưa hoặc tá túc những khi mưa gió, có trang bị chăn màn, vài chiếc nồi, can đựng nước và vài ba chiếc bát cùng mắm muối có thể nấu ăn đơn giản. Trong lũng có một cái hang để lấy nước. Miệng hang to hơn chiếc nong sảy gạo, lòng hang thấp hơn mặt đất gần chục mét. Đường xuống hang khá dốc, tôi liên tục phải bám vào các mỏm đá hoặc búi cây dại. Vào bên trong, hang càng đi càng rộng, có điều đây là một cái hang cạn chứ không phải hang nước như tôi nghĩ.

- Hang cạn như này thì mọi người lấy nước ở đâu được? - tôi thắc mắc. Chị Niên chỉ cho tôi mấy chiếc thùng xốp đựng đầy nước trong vắt, phía trên nước vẫn đang tí tách rỏ xuống. Nhìn theo hướng nước rỏ vào thùng, thấy các nhũ đá nhẵn thín đang chắt chiu từng giọt nước từ trong khe đá.

Cũng như những người trồng quýt khác, với chị Niên việc phải ở lại trong rừng qua đêm không phải là hiếm. Chị bảo: Những năm đầu mới làm, còn trẻ mà phải ở lại trong rừng cũng sợ. Nhưng lâu dần thành quen, ở rừng quýt cũng như ở nhà. Vào những hôm trăng sáng có thể nhìn rõ từng đàn sóc chuyền cành ra ăn quýt. Nhiều lúc cũng thấy buồn chứ, nhưng chị lại cảm nhận được những phút giây tĩnh tại, bình yên quý giá.

Để hái được quýt, anh Chu Văn Thắng phải dùng một chiếc thang dài khoảng 5 - 6m.

Sau bữa cơm trưa, các đống quýt vàng ruộm sẽ được những người làm công việc gánh quýt thuê xếp vào từng chiếc thạ và vận chuyển. Mỗi cân quýt mang từ Thùng Săng ra đến bên ngoài, họ sẽ được trả công là 3 nghìn đồng. Nghĩ tới quãng đường xa xôi kia, tôi không tưởng tượng được với những gánh quýt nặng 30 - 40kg, họ phải gắng sức đến thế nào.

Sau khi nhặt quýt vào đầy hai thạ, chị Hà Thị Viện cẩn trọng dùng dây được buộc sẵn ở quai thạ chằng cố định vào hai đầu đòn gánh, phòng trường hợp quai thạ tuột ra. Nếu người dân chỗ tôi thường gánh bằng những đôi quang gánh dài đến tầm ngang đầu gối, thì gánh quýt của chị Viện và người dân ở đây gần như ngang với vai. Quang gánh có độ dài vừa phải sẽ giúp bớt được cảm giác nặng dồn ở hai vai, còn với quai thạ thì trọng lượng sẽ dồn trực tiếp lên vai. Dù nặng nhưng biết sao được, ở địa hình hiểm hóc như này, gánh thạ là thượng sách.

Đường xuống núi không ngờ còn gian nan hơn cả khi lên. Các cơ chân đã căng cứng, đường đổ dốc liên tục khiến chúng tôi có cảm giác bị chùn chân. Mười đầu ngón chân phải ghì chặt xuống đường, lại chịu sự tác động do trọng lượng cơ thể bị dồn về phía trước nên cảm giác khá đau. Theo chân chị Viện chừng ba mươi phút thì dừng nghỉ, chúng tôi thở dốc. Chị Viện lúc này mới mách nước: Ai cũng nghĩ đi rừng phải đi giày vải mới chắc chân, nhưng đi thế các đầu ngón chân sẽ đau không chịu được. Tôi nhìn sang chân chị, là đôi dép tổ ong. Đoán ý tôi, chị lên tiếng: Loại dép này rất bám đá, lại không làm đau ngón chân. Chỉ cần đeo thêm đôi tất dày chút thì nó sẽ trở thành số một để đi đường này.

Ngồi được một lát thì thấy vợ chồng anh Ma Văn Lầu, xóm Cây Hồng, xã Lâu Thượng cũng đi đến và dừng nghỉ. Gánh quýt của anh Lầu có vẻ nặng lắm, bao nhiêu cân thì tôi cũng không biết. Vợ anh không gánh mà gùi ở sau lưng. Chị bảo ở nhà gùi quen rồi, không gánh được. Trò chuyện thì biết, dù là người khỏe nhất cũng chỉ có thể gánh được hai chuyến mỗi ngày thôi. Với chị Viện thì hai gánh được chừng 70 - 80kg; còn vợ chồng anh Lầu thì khoảng 100 - 110kg. Những hôm gặp trời mưa đường đi lại khó khăn hơn, mỗi cân quýt sẽ được trả thêm khoảng một nghìn đồng tiền công. Còn mưa liên tục vài ngày thì sẽ không ai dám đi cả.

Nghĩ đến chuyện mưa gió, tôi buột miệng hỏi:

- Đường đi khó như này, có ai gặp sự cố đáng tiếc khi gánh quýt chưa?

- Có chứ, ngã là bình thường. Lắm khi gánh đến ngang đường ngã đổ cả gánh quýt. Trái lăn hết xuống khe đá không nhặt lại được. Có hôm ngã chân tay đau mấy ngày không đi lại được.

- Vậy còn những gánh quýt bị đổ các chị có phải đền không?

- Không. Chỉ không nhận được tiền công thôi, chứ các chủ vườn chẳng ai nỡ bắt đền cả.

Chúng tôi cùng nhau tiếp tục trở ra, vừa hay gặp một tốp quẩy thạ không đi từ ngoài vào để gánh quýt. Trong số đó có trưởng xóm Triệu Văn Hà. Ông thông tin thêm cho chúng tôi: Cả xóm Na Phài có khoảng 12ha trồng quýt. Do đặc điểm phân bố rải rác nên mỗi lũng núi chỉ có quýt của hai đến ba gia đình. Na Phài hiện có 79 hộ gia đình và 18 hộ trong số đó là trồng quýt. Tuy trồng quýt trong lũng núi rất vất vả, đi lại khó khăn nhưng thổ nhưỡng và khí hậu ở các lũng lại là lợi thế với giống cây này. Thực tế, các hộ trồng quýt tuy chưa phải đã giàu có nhưng năm nào cũng có nguồn thu khá từ việc thu hoạch quýt. Nhà nhiều cũng thu khoảng mười tấn quả mỗi vụ. Thu hoạch quýt trùng vào thời điểm cuối năm nên cũng giúp các hộ dân có được cái Tết tươm tất.

Đứng trên nản núi cao nhất dọc quãng đường đi, có thể nhìn thấy rõ sự hiểm trở của cung đường vào lũng. Phía xa kia, những gánh quýt chỉ như những chấm tròn màu vàng liên tục ẩn hiện, nhấp nhô. Kỳ diệu thay ở một nơi tưởng như chẳng có gì có thể chen chân được với đá, lại có thể có những vườn quýt mọng thơm, sai trĩu trịt. Ở nơi rặt đá, dốc hiểm trở tưởng chừng chỉ sóc mới có thể đi thì những người nông dân một nắng hai sương vẫn có thể quẩy những gánh quýt trĩu nặng. Đúng là: “Bàn tay ta làm nên tất cả/Có sức người sỏi đá cũng thành cơm”.

Kim Ngân - Mạnh Hùng

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Tâm sự Nghề giáo

Xem tin nổi bật 2 ngày trước