Thứ sáu, ngày 20 tháng 09 năm 2024
17:38 (GMT +7)

Thực trạng nền phê bình nhiếp ảnh hiện nay

VNTN - Du nhập vào Việt Nam từ năm 1869, nhiếp ảnh phát triển nặng theo hướng tự phát. Từ chỗ hoạt động mang tính “tài tử”, nay nhờ tiến bộ của khoa học kĩ thuật, phong trào chơi ảnh nở rộ tràn khắp mọi tầng lớp dân cư. Nếu coi nhiếp ảnh là một loại hình nghệ thuật, thì điều tất yếu phải có một lực lượng chuyên sâu nghiên cứu lý luận và phê bình theo kịp với trào lưu của thời đại.


Phê bình nhiếp ảnh ở Việt Nam là mới, mới bởi ngành nghệ thuật này phát triển muộn hơn so với mỹ thuật và các ngành văn học nghệ thuật khác. Những bài lý luận có tính học thuật cao chủ yếu được dịch từ nước ngoài. Xưa kia thường sau mỗi cuộc triển lãm, Ban Tổ chức phân công người có trách nhiệm viết phê bình (nhiều khi như lược lại bản thành tích mà BTC đọc hôm khai mạc). Ít thấy có những bài viết phân tích sâu để định hướng cho người sáng tác, và đặc biệt chưa đủ hướng dẫn cho người xem những cách thức để thưởng thức một tác phẩm nhiếp ảnh nghệ thuật. Cũng không ít bài sa đà, cảm tính, biến việc phê bình thành chê bai, hoặc bình luận thái quá. Việc sáng tác và phê bình không được giới chuyên môn nhận định, đánh giá kịp thời sẽ khiến người xem bối rối, thậm chí nghi ngờ khả năng thẩm mỹ của cá nhân, lâu dần khiến họ không muốn đến những phòng triển lãm nữa.

Nếu chúng ta có một môi trường phê bình lành mạnh thì mỗi khi có một tác phẩm xuất sắc ra đời sẽ có nhiều nhà lý luận tìm hiểu và bình phẩm. Có thể xuôi chiều hoặc trái chiều nhưng qua tranh luận trong sáng và thẳng thắn, sẽ tạo ra nhiều gợi mở bổ ích cho quá trình sáng tác và thưởng thức…

Với sự tiến bộ và phát triển không ngừng của công nghệ hôm nay, những phương tiện ghi hình ngày một hoàn thiện và dễ sử dụng. Bởi vậy tính đại chúng rộng khắp hơn. Trước kia nhà nhiếp ảnh muốn tạo ra được một bức ảnh phải trải qua nhiều công đoạn phức tạp khác nhau, nên không dễ học. Hôm nay những việc mang tính kỹ thuật thuần túy đã được tự động hóa. Cùng với đó, các phần mềm hỗ trợ giúp hoàn thiện một bức ảnh ngày càng dễ sử dụng.

Những nhà nhiếp ảnh, đặc biệt các nhà phê bình nhiếp ảnh luôn phải thích ứng với hoàn cảnh mới. Nếu mười năm trước, cả huyện cũng chỉ có vài trăm chiếc máy ảnh hoạt động thì nay do được tích hợp hoàn hảo với chiếc máy điện thoại di động, thì trên địa bàn đó phải kể đến hàng vạn những thiết bị có khả năng ghi hình. Số lượng người chơi ảnh bởi vậy cũng tương ứng tăng theo. Và trình độ “xem ảnh” của người dân cũng đã khác. Những bình luận về nhiếp ảnh (nếu có), không phải lúc nào cũng được người xem ảnh tán đồng.

Xem một bức ảnh, nghĩ về nó, rồi phân tích diễn giải, đó không hề là việc đơn giản. Với mục đích làm tăng sự hiểu biết, triển khai những lý luận…, những bài viết có cảm xúc về một tác phẩm nhiếp ảnh đơn lẻ, hay về một cuộc triển lãm hiếm khi xuất hiện ở Việt Nam. Điều đó như đã nói lên rằng giữa người chụp và người phê bình vẫn còn một khoảng cách chưa thấu hiểu nhau. Điều đáng buồn là người chụp có ý thụ động không diễn giải, có tác giả còn bỏ ngỏ công việc đó cho người xem, như thả một câu hỏi thách đố mọi người… Cảm nhận nhiếp ảnh thông qua quan sát. Những thứ ta thấy trên khung có thể là hình ảnh mang nội dung trực tiếp, có thể chỉ là một biểu tượng mang tính khái niệm, khiến người quan sát phải tư duy thì mới biết được nội dung mà nhà nhiếp ảnh muốn biểu đạt.

Nhà lý luận phê bình lại diễn giải bằng bút pháp hoặc ngôn ngữ theo quan niệm chủ quan của mình. Sẽ thật tuyệt vời khi nó đồng điệu. Song sẽ là “thảm họa” nếu nó mâu thuẫn với nhau.

Một thực tại nữa hiện vẫn còn duy trì ở Việt Nam, là các cuộc thi thường có những chủ đề giống nhau như: “Đất nước con người Việt Nam hôm nay”; “Việt Nam đổi mới và hội nhập”; “Quê hương đổi mới”… Rồi những cuộc thi mang chủ đề “tự do” đã góp phần làm rối môi trường lý luận phê bình. Bởi khi phân tích, chẳng ai có thể so sánh một tác phẩm ảnh phong cảnh với một tác phẩm ảnh chân dung. Một bức ảnh về thiên nhiên hoang dã, nó cũng có giá trị riêng biệt, lẽ ra phải đứng độc lập, nhưng lại bị so sánh (đối chọi) với một tác phẩm ảnh về sinh hoạt đời thường…

Cứ liên tiếp một điệp khúc ca ngợi, khiến người sáng tác cảm giác như không còn cửa cho những tác phẩm mang tính phản biện xuất hiện trong các phòng triển lãm. Lâu dần thành nền nếp, những thói quen đã biến một hoạt động lẽ ra rất năng động thành khuôn sáo, khô cứng. Và hậu quả là cứ sau ngày khai mạc, người xem ảnh vắng hắt hiu. Và quả thật, những người làm công tác phê bình cũng không còn cảm hứng để tìm hiểu về những mô típ cứ luôn lặp lại hết năm này sang năm khác… Điều không thể thiếu cho một nhà phê bình là lòng dũng cảm. Họ biết luôn phải đối diện với sự “xa lánh” của bạn bè mình - là những người sáng tác. Chưa nói đến việc họ phải đương đầu với cả ban tổ chức cuộc thi và lề lối xưa cũ về cảm quan nghệ thuật, cũng như những vấn đề “tế nhị” thậm chí chẳng liên quan đến nhiếp ảnh.

Thêm nữa, những bình phẩm cho các tác phẩm nhiếp ảnh hiện nay nhiều khi  gợn chút khó chịu với độc giả bởi sự ca ngợi thái quá về tác giả. Trong khi người xem lại muốn đối diện với chính tác phẩm của họ, tò mò xem trong mỗi khuôn hình có diễn tả nên được điều gì đó hay không… Điều mà nhiều nhà lý luận phê bình nhiếp ảnh ít để ý đến, là mỗi một thể loại nhiếp ảnh đều có một lượng khán giả riêng. Người xem ảnh cũng tự tạo cho mình một ưu tiên, khi người thì thích mảng ảnh chân dung, người kia lại mê mẩn với đề tài phong cảnh…

Trong những năm gần đây, dường như lý luận nhiếp ảnh đang đi vào con đường… bế tắc, khi mà công nghệ số ngày càng lấn sâu vào việc sáng tạo nhiếp ảnh. Người ta thấy ở đâu cũng xuất hiện ảnh đẹp, trơn tru và sạch sẽ, vậy mà người xem lại thấy lạ lẫm khi đứng trước chính bức ảnh chụp ngôi nhà của mình. Cái sân vốn hẹp giờ lại được cần rộng ra; bình thường thì lá rụng khắp nơi, này sạch bóng như công viên thành thị. Cái thực bị bóp méo chỉ làm vừa lòng người “đồng bóng” chứ không khiến kẻ trong cuộc trân trọng. Những “tác phẩm” kiểu ấy giờ tràn lan trong các cuộc triển lãm. Và những nhà lý luận phê bình đến đó như lạc vào một vườn hoa, mà không muốn hái một bông nào. Nếu không may gặp ông trưởng ban tổ chức đem rượu đến chúc, thì cũng không dám đứng lâu vì sợ lỡ lời “chê” cái đẹp của họ…

Có thể nói mảng lý luận phê bình nhiếp ảnh ở Việt Nam vẫn gần như còn bỏ ngỏ. Trong đội ngũ xấp xỉ một ngàn hội viên Hội NSNA Việt Nam, số người ít nhiều đã thử làm công tác lý luận phê bình cũng chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Song đại đa số họ đã nhanh chóng quay về nghiệp cầm máy sáng tác ảnh. Họ không mặn mà một phần do không chịu được sức ép tâm lý, dù phê bình chính là con đường ngắn nhất để kết nối người sáng tạo và người xem ảnh, nhưng trong con mắt nhiều người thì những nhà lý luận phê bình như tầng lớp “ăn theo”.

Khi những nhà phê bình dám công khai suy nghĩ của bản thân về một tác phầm nào đó. Bằng ngôn từ, họ khao khát được san sẻ cảm xúc với độc giả. Những cảm xúc ấy nếu không được giãi bày, nó sẽ trôi tuột đi. Thì người đọc bởi thế cũng nên đại lượng với mạch suy nghĩ của họ, dù nó có thể chưa hoàn hảo. Cũng có thể chỉ là nhất thời. Song phải chăng chính sự thiếu hoàn hảo, hình như đã làm cho nghệ thuật sống động hơn!

Vũ Kim Khoa

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy