Thực thi Quyền của người khuyết tật: còn quá nhiều rào cản Nhân ngày Người khuyết tật Việt Nam 18/4
VNTN - Mặc dù đã bước sang năm thứ 3 Việt Nam phê chuẩn Công ước Liên hợp quốc về Quyền của người khuyết tật; hơn 6 năm, Luật người khuyết tật được ban hành đi vào đời sống nhưng trên thực tế việc thực thi Công ước và Luật tại Việt Nam nói chung và ở Thái Nguyên nói riêng vẫn còn nhiều bất cập. Chỉ đi vào 2 vấn đề là các công trình công cộng và giao thông trong tỉnh đã thấy vẫn còn quá nhiều “rào cản” đối với người khuyết tật.
Nhiều hạng mục nói “không” với người khuyết tật...
Tỉnh ta hiện có khoảng hơn 26.000 người khuyết tật, chiếm 2,3% dân số. Bản thân họ dù muốn vươn lên, hòa nhập với cộng đồng nhưng gặp không ít những rào cản, trong đó rào cản lớn nhất là việc tiếp cận các công trình công cộng và tham gia giao thông.
Tại hầu khắp địa bàn trong tỉnh, các công trình công cộng như bệnh viện, trường học, chung cư, UBND các xã phường, siêu thị,... đều không có hoặc có rất ít các hạng mục hỗ trợ lối đi cho người khuyết tật. Thậm chí nếu có lại thường nằm ở chỗ khuất, không có biển chỉ dẫn khiến người khuyết tật rất khó tìm thấy. Lối đi cho người khuyết tật đã ít, nhà vệ sinh cho các đối tượng này càng hiếm, trong khi các nhà vệ sinh thông thường không có tay vịn, hoặc diện tích không đủ rộng, lại thường có đường gờ cao chặn nước nên những người đi xe lăn không thể vào được.
“Hầu hết các cơ sở hạ tầng ở địa phương không có lối cho xe lăn lên cao, đứng trước những bậc cầu thang, người đi xe lăn như tôi phải nhờ người khênh lên rất vất vả. Có người sẵn sàng giúp nhưng cũng có người vô tình, thờ ơ. Những lúc như thế thực tủi không để đâu hết!”, anh Đào Anh Đạt (xóm 4, thị trấn Sông Cầu, TP. Thái Nguyên) buồn rầu tâm sự.
“Đến UBND, cơ sở y tế, các công trình văn hóa… người khuyết tật chúng tôi gặp không ít trở ngại vì không có đường tiếp cận. Đơn cử như việc đi khám bệnh tại bệnh viện phải làm nhiều thủ tục khác nhau, phải di chuyển qua nhiều phòng, nhiều tầng và nhiều khu vực, chúng tôi gặp khó khăn khi các lối đi tại bệnh viện chưa thật dễ dàng và phù hợp với người khuyết tật” - ông Phạm Gia Lộc, Chủ tịch Hội người khuyết tật thành phố Thái Nguyên chia sẻ.
Không chỉ các công trình hạ tầng mà ngay cả hệ thống giao thông công cộng hiện tại của tỉnh ta cũng không đáp ứng được nhu cầu đi lại của người khuyết tật, khiến họ gặp không ít khó khăn. Như vỉa hè không có đường cho xe lăn đi lên, nhiều chỗ gồ ghề, có nhiều gờ cao ngăn cách hoặc bị chiếm dụng khiến người khiếm thị không nhìn thấy đường và người khuyết tật phải dùng xe lăn rất khó đi lại.
Mỗi ngày phải đi chợ 1 lần, quãng đường ra chợ có hơn 200 mét mà anh Nguyễn Văn Tuấn (44 tuổi, tại cơ sở Tẩm quất Ước mơ xanh, đường Minh Cầu) bị khuyết tật về mắt vẫn phải đi xuống lòng đường đầy nguy hiểm thay vì đi trên vỉa hè. Anh cho biết: “Vỉa hè nhiều chỗ mấp mô, khó đi, nhiều vật cản trên đường như xe cộ dựng đỗ trước cửa quầy hàng, quán xá... buộc lòng mình phải đi xuống lòng đường. Nhưng dưới lòng đường ngoài việc xe cộ lưu thông đông đúc thì ô tô cũng dừng đỗ đầy hai bên đường, nên đi có một đoạn ngắn mà mình cứ phải lên lên xuống xuống liên tục.”
Đến cả loại hình dịch vụ thông dụng nhất như xe buýt cũng không hề thân thiện đối với người khuyết tật. Tại các điểm chờ xe buýt thường xây bậc cao, không có lối tiếp cận cho người khuyết tật. Các phương tiện xe buýt hầu hết đều không phù hợp cho người tàn tật sử dụng, như cửa xe hẹp, gầm xe cao, không có tay vịn, không có đường cho xe lăn đi lên...Vì thế họ phải cần đến sự trợ giúp của các nhân viên nhà xe hoặc các hành khách đi cùng mỗi khi lên xuống xe. Chính sự bất tiện này tạo ra không ít trở ngại với người khuyết tật khi mà không phải lúc nào họ cũng dễ dàng nhận được sự giúp đỡ mà thay vào đó là những cách hành xử thiếu văn hóa khiến họ bị tổn thương.
Tại các điểm đợi và lối lên xuống xe buýt ở TN đều không có lối lên xuống tiếp cận dành cho NKT.
...và nghịch lý chỗ “có” lại bỏ không
Bên cạnh việc thiếu thốn các công trình hạ tầng công cộng và giao thông cho người khuyết tật tiếp cận thì lại có một thực trạng đáng buồn là các hạng mục dành riêng cho đối tượng này nhiều nơi có lại không có người sử dụng, bị bỏ không, gây lãng phí.
Từ khi Bến xe khách Thái Nguyên còn ở vị trí cũ đã cải tạo các hạng mục cho người khuyết tật có thể tiếp cận, trong đó có khu nhà vệ sinh dành riêng cho đối tượng này. Tuy nhiên, hạng mục này hầu như bị bỏ không, không có người sử dụng. Đến nay, Bến xe khách mới được xây dựng vẫn có khu nhà vệ sinh dành riêng cho người khuyết tật nhưng thực tế sử dụng cũng chẳng khả quan hơn Bến xe cũ là mấy.
Cũng giống như Bến xe, chợ Thái (trung tâm thành phố Thái Nguyên) là một trong những nơi tập trung đông dân, có xây dựng lối đi dành riêng cho người khuyết tật. Nhưng hạng mục này hầu như không có bóng dáng người khuyết tật nào sử dụng. May chăng, thỉnh thoảng nó trở thành đường đi “hữu ích” của những chiếc xe kéo hàng lên xuống.
Tại sao lại có một nghịch lý chỗ “thiếu” vẫn kêu thiếu, chỗ “có” lại không có người sử dụng? Là bởi thực tế, việc đầu tư, quan tâm những hạng mục hỗ trợ cho người khuyết tật chưa đồng bộ, chỉ là chỗ có chỗ không. Người khuyết tật mỗi khi ra khỏi nhà không khỏi phấp phỏng lo âu, chán chường, bất lực khi có quá nhiều không gian công cộng không “nhớ” tới người khuyết tật mà dành lối đi riêng cho họ. Phần lớn họ phải phụ thuộc vào sự giúp đỡ của người thân hoặc những người xung quanh. Chính tâm lý phải phụ thuộc, làm phiền người khác khiến người khuyết tật ngại ra đường, chẳng dám đi đâu, khiến những hạng mục dành cho người khuyết tật không mấy có người sử dụng.
Quyền của người khuyết tật cần được đi vào đời sống
“Có thể tự mình đi lại, tự làm những việc trong khả năng mà không phải nhờ đến sự giúp đỡ của người khác khiến những người khuyết tật cảm thấy tự tin, rào cản ngăn cách với cộng đồng vì thế cũng dễ dàng xóa bỏ hơn. Đảng và Nhà nước ta cũng đã ban hành rất nhiều văn bản pháp lý, trong đó có nhiệm vụ xây dựng các công trình công cộng và giao thông cho người khuyết tật có thể tiếp cận, nhưng trên thực tế, dường như chúng chưa thật đi vào cuộc sống”, ông Tạ Xuân Tiếp, Trung tâm dạy nghề người tàn tật Thái Nguyên đánh giá.
Từ lâu, nước ta đã có hàng loạt những văn bản luật về quyền của người khuyết tật như: Pháp lệnh về người tàn tật (1998), Luật người khuyết tật (2010), Công ước của Liên hợp quốc về Quyền của Người khuyết tật (2014, Việt Nam phê chuẩn Công ước)… Ngày 10/04/2012, Chính phủ đã ban hành nghị định 28/2012/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật người khuyết tật. Nghị định cũng quy định rõ, đến năm 2015 có ít nhất 50% công trình là trụ sở làm việc của cơ quan nhà nước; nhà ga, bến xe, bến tàu; cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; cơ sở giáo dục, dạy nghề; công trình văn hóa, thể dục thể thao; nhà chung cư bảo đảm điều kiện tiếp cận đối với người khuyết tật. Tỷ lệ này đến năm 2017 là 75% và đến ngày 1/1/2020 là 100%.
Tại Thái Nguyên, ngày 21/02 vừa qua, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Công ước của Liên hợp quốc về Quyền của người khuyết tật. Trong đó, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan thực hiện rà soát, đánh giá khả năng tiếp cận của người khuyết tật với các công trình công cộng đã được xây dựng; đề xuất, kiến nghị các cơ quan, đơn vị có công trình không đáp ứng khả năng tiếp cận của người khuyết tật thực hiện sửa chữa, cải tạo cho phù hợp; hướng dẫn các cơ quan, đơn vị thực hiện xây dựng các trụ sở, công trình công cộng mới tuân thủ các quy định, quy chuẩn kỹ thuật để người khuyết tật được tiếp cận. UBND tỉnh cũng chỉ đạo Sở Giao thông vận tải tổ chức thực hiện hoạt động tiếp cận và tham gia giao thông đối với người khuyết tật. Triển khai thực hiện miễn, giảm giá vé, giá dịch vụ giao thông công cộng cho người khuyết tật.
Như vậy người khuyết tật có quyền được sử dụng các công trình và giao thông công cộng như những người bình thường khác một cách bình đẳng. Đó là quyền lợi chính đáng họ được hưởng chứ không phải do sự giúp đỡ hay ban ơn của xã hội. Việc người khuyết tật chưa được quan tâm đúng mức là do nhận thức của xã hội nói chung về quyền lợi của người khuyết tật chưa đầy đủ và còn nhiều hạn chế. Bản thân người khuyết tật cũng chưa nhận thức được quyền lợi của mình để đấu tranh đòi quyền lợi mà thay vào đó là tâm lý ngày một mặc cảm, tự ti, khó hòa nhập cộng đồng.
Do đó, trong thời gian tới, các cơ quan chức năng cần tăng cường tuyên truyền, nâng cao ý thức của mỗi người dân về quyền của người khuyết tật, có chế tài và giám sát chặt chẽ việc thực hiện các quy định về các quy chuẩn xây dựng và quyền bình đẳng giao thông cho đối tượng này… để quyền của người khuyết tật thực sự đi vào đời sống, chứ không chỉ tồn tại trên giấy.
Bích Hồng - Anh Tú
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...