Thứ sáu, ngày 20 tháng 09 năm 2024
13:52 (GMT +7)

Thú vui ngày Tết của người Huế

VNTN - Là Kinh đô cuối cùng của cả nước nên Huế vẫn còn lưu giữ nhiều phong tục trong việc đón Tết, ăn Tết, chơi Tết. Đến Huế du Xuân đón Tết, du khách sẽ thấu hiểu được điều này.

Vài nét về Tết Huế

Hiện tại, Tết Huế vừa mang đậm bản sắc của ngày Tết cổ truyền dân tộc, vừa mang dấu ấn riêng của văn hóa Huế, con người Huế. Ngày xưa, Huế có hai hình thức Tết, đó là Tết dân gian và Tết cung đình. Nay hình thức Tết cung đình không còn tồn tại nhưng hình thức Tết dân gian vẫn được người dân Cố đô giữ gìn. Chính vì vậy những lễ nghi trong Tết Huế thường được người Huế chú trọng, duy trì thực hiện rất trang nghiêm, bài bản và có phần cầu kỳ như cúng ông Táo, cúng tổ nghề, cúng tất niên, lễ lên nêu, rước ông bà về ăn Tết, cúng giao thừa… Bên cạnh đó, nét văn hóa truyền thống Tết đặc trưng của Huế không thể tìm thấy ở bất cứ vùng miền nào là hoa giấy Thanh Tiên.

Tết ở Huế do đó thú vui chơi cũng lắm, địa điểm du xuân cũng nhiều. Vào những ngày Tết, vạn vật đâm chồi nảy lộc, hoa nở rộ đủ sắc màu làm cho những ngôi chùa Huế như chốn bồng lai tiên cảnh. Du khách ngoài việc đi chùa để cầu sức khỏe, may mắn và làm ăn thịnh vượng còn có thể tham quan cảnh trí của chùa ngày xuân, thưởng thức trà bánh, xin chữ đầu năm. Một số ngôi chùa du khách nên đến viếng thăm ở Huế ngày Tết là chùa Thiên Mụ, chùa Từ Đàm, chùa Diệu Đế, chùa Huyền Không Sơn Thượng…

Ngoài ra, từ mồng Một Tết cho đến Rằm Tháng Giêng, ở tỉnh Thừa Thiên - Huế có hàng loạt lễ hội như: lễ hội đu tiên ở xã Điền Hòa (huyện Phong Điền) và thị trấn Sịa (huyện Quảng Điền); lễ hội cầu ngư ở thị trấn Lăng Cô (huyện Phú Lộc) và ở thị trấn Thuận An (huyện Phú Vang); hội vật làng Sình (huyện Phú Vang) và lễ hội vật làng Thủ Lễ (huyện Quảng Điền); lễ hội đền Huyền Trân ở phường An Tây (thành phố Huế)…

Mở chợ chơi Tết

Trước năm 1945, ở Huế có chợ Gia Lạc mở trong ba ngày Tết. Chợ được Định Viễn Công Nguyễn Phúc Bính (1797-1863), hoàng tử thứ sáu của vua Gia Long, thành lập vào Tết Nguyên Đán Bính Tuất (1826) dưới thời vua Minh Mạng. Cái tên Gia Lạc có nghĩa là “Tăng thêm niềm vui”. Ban đầu chợ chỉ dành cho hoàng thân quốc thích và quan lại nhưng về sau mở rộng cho cả dân thường đến tham gia vui chơi. Như vậy có thể thấy Định Viễn Công là người có công làm cho Tết Huế vui hơn vì đã sáng lập nên một cái chợ mang tính chất “vui chơi” mở trong những ngày Tết. Bởi thường vào ngày Tết thì chợ búa đều đóng cửa vì người dân ai cũng phải lo thăm hỏi, chúc Tết lẫn nhau.

Vậy chợ Gia Lạc có gì thú vị? Theo tài liệu cũ cho biết, người ở vùng chợ Dinh, phố cổ Gia Hội hiện nay đi chợ Gia Lạc là để có dịp bói đò nhân năm mới vì phải qua sông. Nếu khi đến bến mà đò đang neo đợi, nghĩa là sẽ được thong dong trong năm mới. Ngược lại khi đến bến mà đò sang sông, ấy là điềm báo sẽ lận đận trong năm ấy.

Và lệ thường người đi phiên chợ Gia Lạc mồng 1 Tết luôn mua một trái cau, một ngọn trầu với mong muốn sẽ an bình trong năm mới. Trầu ở chợ Gia Lạc là trầu hương rất thơm, lá lục. Cau ở chợ là cau làng Nam Phổ, nổi tiếng ngon ngọt ở xứ Huế. Cau trầu ở đây được người Huế đặc biệt chuộng dù giá cao hơn cau trầu vùng khác.

Sau đó người đi chợ Gia Lạc mới mua hàng hóa của chợ theo sở thích. Hàng hóa mua bán trong chợ khá phong phú như chén bát, ly cốc, áo quần, trang sức, hoa tươi, rau củ quả... Đặc biệt là các đặc sản của Huế như phấn nụ, hoa giấy Thanh Tiên, bánh canh Nam Phổ; bánh bèo, nậm, lọc, ít, ram, ướt, khoái… Trẻ con thì mua tượng bà Trưng cưỡi voi, ông Trạng cầm quạt, gà đất, lung tung ngũ sắc, tò he, kẹo cau, kẹo gừng… Chợ Gia Lạc còn thu hút đông đảo người đi chơi Tết nhờ hàng loạt trò chơi thú vị như hò giã gạo, bài chòi, bài vụ, bầu cua, ném vòng vịt, leo cột mỡ, đu tiên, kéo co, vật võ…

Định Viễn Công lại phát động thi nấu bún bò giò chả ngay tại chợ Gia Lạc, đầu bếp nào giành giải nhất thì nhận được 4 chữ: “thập toàn, ngũ đắc”. Thập toàn là điểm hoàn thiện hoàn mỹ của món đặc sản chốn kinh kỳ: ngon lành, thơm tho, ngọt ngào, đậm đà, tinh khiết, bổ dưỡng, bắt mắt, giỏi chọn, rành nấu, khéo bày. Ngũ đắc là 5 yếu tố: ai cũng biết được, mua được, ăn được, chế biến được, tìm được nguyên vật liệu ngay tại địa phương mình.

Do đó, người ta đến chợ Gia Lạc không phải vì nhu cầu mua bán mà vì đây là thói quen đẹp đã có từ lâu đời. Họ lấy sự vui vẻ, lấy việc cầu may làm chính nên ai nấy đều ăn mặc chỉnh tề, sang trọng, đặc biệt là việc đi lại, nói năng trao đổi với nhau đều ý tứ, lịch thiệp. Họ không tranh luận, không to tiếng như các phiên chợ trong năm. Bởi tại nơi đây dân nông thôn giao lưu với dân thành thị, giới quý tộc gặp gỡ giới bình dân. Hai bên đều có chung niềm vui là du xuân đón Tết.

 

Hội bài chòi ngày Tết của làng Thanh Thủy Chánh, xã Thủy Thanh, huyện Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên - Huế.

Phiên chợ Gia Lạc được duy trì đến năm 1945, tức là gần cả trăm năm sau khi Định Viễn Công mất. Năm 2002, nghệ nhân Hồ Thị Hoàng Anh đã tái hiện chợ Gia Lạc tại khuôn viên Trường Đại học Munchen (CHLB Đức), sau đó chợ được tái hiện trong dạ tiệc cuối năm tại Le Lieu Unique (Pháp). Vào ngày 15-2-2012, lần đầu tiên kể từ năm 1945, phiên chợ Gia Lạc Tết Huế xưa được phục dựng trên tầng thượng tòa nhà Sailing (thành phố Hồ Chí Minh) do bà Hồ Thị Hoàng Anh thực hiện.

Hội bài chòi ngày Tết

Từ cầu ngói Thanh Toàn nhìn sang phía bên kia con hói Thanh Thủy là chợ của làng Thanh Thủy Chánh, xã Thủy Thanh, huyện Hương Thủy. Vào dịp Tết, sức hút của ngôi chợ lại đến từ thú vui bài chòi đã được bảo tồn hàng trăm năm nay. Đặc biệt là từ sau khi nghệ thuật bài chòi Trung Bộ của Việt Nam được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại vào năm 2017 thì lượng du khách đổ về ngày càng đông hơn.

Gọi là bài chòi bởi người chơi ngồi trong các chòi bằng cỏ tranh và tre. Mỗi hội bài chòi gồm có 11 chòi, 5 chòi đặt hai bên, 1 chòi ở giữa, còn phía trên là bàn điều khiển. Nhắc đến trò chơi này không thể không nhắc đến người hô thai (thường là 1 nam 1 nữ). Đôi khi người chơi tưởng là đúng nhưng thực tế lại sai vì ngươi hô thai đã thay đổi câu rao một cách linh hoạt. Do đó, người hô thai là cội nguồn của sự hấp dẫn của nghệ thuật bài chòi.

Như vậy, điểm thú vị của hội bài chòi chợ quê cạnh cầu ngói Thanh Toàn là các em nhỏ đã được biết đến một thú chơi giải trí lành mạnh và thuần Việt; các cụ già thì được sống lại thời đại mình với những câu rao đậm chất làng quê Việt Nam ngày xưa; và các bạn trẻ yêu nhau có thể ngồi chung một chòi để cùng giúp nhau giải mã các câu rao của người hô thai khiến tình cảm càng được vun đắp, mặn nồng thêm.

NGUYỄN VĂN TOÀN

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy