Thú vị -giếng bậc thang Ấn Độ
VNTN - Hiếm có công trình nào lại kỳ lạ và hoành tráng như giếng bậc thang Ấn Độ. Là nơi chứa nước, chúng cũng là mê cung của những bậc thang, cột kèo, lâu đài với nhiều hành lang, gian phòng để mọi người nghỉ ngơi - thư giãn, vui chơi trong lúc lấy nước. Vì không giống hồ ao chỉ cần vài bước sẽ tới mặt nước, ở đây phải lên xuống hàng trăm bậc đá do lòng giếng sâu, trung bình từ 20 đến 30 m.
Giếng Nahargarh Baoli
Những cái giếng đầu tiên như vậy đã ra đời ở Ấn Độ ít nhất từ 2.650 năm trước tại các vùng khô cằn, nhất là hai bang Gujarat và Rajasthan nằm phía tây bắc. Ở hai bang này, trời lúc nào cũng hạn. Để có nước, người dân phải đào giếng mỗi lúc một sâu như một cái hố không đáy. Công việc cực nhọc nên nhằm dưỡng sức, dân gian đã xây quanh lòng giếng những hành lang nghỉ tạm. Dưới sự che chắn của mái bằng, mái vòm, nhiệt độ dưới giếng cũng giảm hẳn so với mặt đất mấy độ, thành thử không khí mát dịu. Từ chỗ chỉ lấy nước, ai nấy còn kéo tới giếng tụ tập, văn nghệ, thực hiện lễ nghi tôn giáo, khiến nó trở thành một ngôi đền tráng lệ và sôi động, không kém cung đình.
Vào năm 1864, khi thăm một cái giếng của Ấn Độ, nhà thám hiểm nổi tiếng thế giới Louis Rousselet, người Pháp phải thốt lên rằng: Có một mặt nước mênh mông, trên đó nở đầy hoa sen, và hàng nghìn con thủy cầm tung tăng. Ngay trên bờ cũng thấy nhiều người qua lại, tắm gội và xa xa là rừng cây xanh tươi. Thoạt nghe, sẽ tưởng đó là một cái hồ, song thực tế lại là một giếng cổ to bằng một hồ lớn. Vì sự thoáng đãng - trữ tình, có không ít vua chúa đã xây dựng giếng bậc thang để làm nơi nghỉ hè cho mình. Các gia đình giàu có cũng dùng giếng vì mục đích tương tự, biến chúng thành một ốc đảo tấp nập giữa sa mạc. Thành phố nào, làng xã nào cũng đào giếng. Chỉ tính riêng tại miền Tây Ấn Độ, đã có hơn 3.000 giếng cổ, ngoài ra là những giếng mới mang tên gọi khác nhau, từ baoli đến baori, baudi, barav, bavadi, kalyani, pushkarani, vav...
Giếng Chand Baori Rajasthan
Tựu chung, một giếng bậc thang thường cao từ năm đến mười tầng. Ở đáy, nơi tận cùng dòng nước sẽ có hình vuông, chữ nhật hoặc hình chữ L và được xây vòng quanh thành những bức tường - hành lang lượn tròn như một cái xi lanh. Mùa khô, dễ dàng nhận thấy điều ấy vì nước thấu đáy, nhưng mùa mưa, nước ngập các gian phòng và tầng lầu thì khó quan sát. Nối với mặt nước là một hệ thống bậc thang cực kỳ công phu, có dạng xoắn ốc hoặc chữ chi, chạy rích rắc từ dưới lên trên, và thông với các gian phòng bao la bằng đá, gạch, sỏi trạm trổ tinh xảo nhiều mảng phù điêu, tượng đài. Ở những giếng sơ khai có thể không thấy trang trí diêm dúa, song các bức tường sẽ được sơn vẽ nhiều màu và họa tiết sặc sỡ. Vì sự cao lớn, hun hút và đan xen phức tạp, giếng bậc thang được xem như một dinh thự chọc trời và mê lộ dưới lòng đất. Một khi vào đó, bạn sẽ bị choáng ngợp, không bứt ra nổi. Từ độ sâu hai tầng của giếng, mọi người đã bước vào một thế giới khác, huống chi là dăm, bảy tầng lồng lộng. Khắp nơi là các khoảng trống tĩnh lặng, bóng đổ huyền ảo, rất thích hợp cho việc nghỉ dưỡng và hoạt động tâm linh. Vì thế, giếng bậc thang còn là tirtha, ranh giới giữa trời và đất, giữa những thứ thiêng liêng thần thánh lẫn dung dị, phàm tục. Đây luôn là trung tâm của mọi sinh hoạt xã hội, gồm cả hội hè, cúng tế, chợ búa lẫn tá túc. Mỗi du khách hay đoàn hành hương, xe thồ qua đây muốn dừng chân tránh nắng, lấy nước đều phải trả lệ phí.
Nhộn nhịp suốt 500 năm, nếu chỉ tính từ thời Mughal, thì đến thời thực dân Anh chiếm đóng Ấn Độ, do lo ngại về vấn đề vệ sinh nước sạch, nên nhiều cái giếng bậc thang đã bị đóng cửa. Cộng vào đó vì sự ăn mòn - phá hoại, nhiều công trình đã hoang tàn, và tính đến cái giếng cổ xây dựng cuối cùng ở Ấn Độ năm 1903, hiện giờ chỉ còn hơn 1.000 giếng cổ khá nguyên vẹn, song vẫn là những công trình uy nghi, đẹp mắt. Một số cái vẫn được dùng để lấy nước, số còn lại làm bể bơi và bộ máy điều hòa khí hậu trong vùng.
Giếng Helical Vav
Gujarat, bang cực tây Ấn Độ, là một nơi hãy gìn giữ được nhiều giếng bậc thang cổ và mỹ lệ nhất cả nước. Trong đó lâu đời và lộng lẫy nhất là giếng Rani Ki Vav, còn gọi giếng Hoàng hậu, vào năm 2014 đã được UNESCO công nhận là Di sản của nhân loại. Tọa lạc ở thị trấn Patan, kinh đô triều đại Chaulukya, nó được hoàng hậu Udayamati xây dựng năm 1050 để tưởng nhớ người chồng quá cố là quốc vương Bhima I. Vốn có bảy tầng, theo kiến trúc đền đài Hindu Solanki quay về hướng đông, nhưng đến nay công trình chỉ còn năm tầng, sâu 27 m, dài 64 m và rộng 20 m. Bên trong chứa hàng trăm cây cột bằng đá trạm trổ tinh xảo với nhiều mảng phù điêu và 800 pho tượng hấp dẫn, mà đặc biệt là hai tầng cuối khắc họa phong phú các vị thần Hindu như thần sét Indra, thần lửa Agni, tiên mây Apsara, rồi thần Shiva, Brahma, Visnu và 10 hóa thân của ngài, bao gồm một hóa thân là Đức Phật. Hoành tráng như vậy song vì nằm cạnh một dòng sông dữ dội, cái giếng đã bị nhấn chìm và lãng quên suốt tám thế kỷ, trước khi lộ thiên năm 1980.
Đặc sắc không kém là giếng nước Adalaj Vav ở Gandhinagar- Ahmedabad. Ra đời năm 1499, đây là một công trình xinh đẹp, gắn liền với một câu chuyện bi thương đầu thời Mughal. Chuyện kể rằng, vua của thành Dandai Desh là Rana Veer Singh dự định xây một giếng nước để dân chúng bớt phải đi xa nặng nhọc. Công trình đang dang dở thì thành bị tấn công bởi một vị vua vùng lân cận là quốc vương Mahmud Begada, người Muslim bấy giờ đang muốn bành trướng lãnh thổ. Trong cuộc chiến, Rana Veer Singh đã tử trận, và để lại Rudabai, một người vợ trẻ. Sau khi chiếm thành, thấy nàng, tân vương đã si mê và hỏi nàng làm thê tử. Biết rằng không thể cự tuyệt, Rudabai đành đồng ý, nhưng ra điều kiện Begada phải hoàn thiện cho xong cái giếng, giúp người dân có nước dùng. Chiều người đẹp, nhà vua đã tức tốc sai thợ xây giếng, và không chỉ mang một phong cách trang trí Hindu giếng còn kết hợp cả phong thái Jain và Islam, với nhiều tượng thần và hoa lá Hồi giáo. Công trình gồm năm tầng, hình bát giác và ba cửa ở ba hướng nam, đông, tây.
Từ tầng ba trở đi, xuất hiện nhiều trang trí hình voi, chim, cá, dây hoa, phụ nữ đang đun sữa, trang điểm, nhảy múa, và đặc biệt có một nơi trạm trổ bình nước trường sinh Ami Khumbor, cây giữ sự sống Kalp Vrisa và vẽ tranh tường chín hành tinh Navagraha trong vũ trụ ảnh hưởng đến dân sinh. Tuy nhiên, khi công trình khánh thành, Rudabai đã bất ngờ nhảy xuống giếng, tự vẫn để giữ lòng chung thủy. Tên của nàng sau đó được đặt cho giếng, và mới đây đổi thành Adalaj theo địa danh hành chính.
Tuy không phải ở cực tây như Gujarat, song Rajasthan cũng nóng đổ lửa và còn có nhiều giếng nhất cả nước. Đa số giếng nổi tiếng đều tập trung ở Rajasthan. Và lớn nhất, đi vào phim ảnh Bollywood lẫn Hollywood là giếng Chand Baori ở làng Abhaneri, Jaipur. Trước khi là giếng làng, nó cũng là giếng hoàng gia do vua Maharaja Chanda kiến thiết, làm một đền thờ nữ thần vui vẻ và hạnh phúc Harshat Mata. Đền ra đời vào khoảng thế kỷ IX, X, tức là còn sớm hơn cả giếng Rani Ki Vav 100 năm, và có kiến trúc lên tới 13 tầng, sâu và hùng vĩ nhất Ấn Độ. Cụ thể, nó là một tòa nhà hình chữ nhật, bốn mặt, cao 30 m, trong đó một mặt là đại đền, và ba mặt kia gồm những bậc thang nối tiếp trùng điệp, gồm 3.500 bậc được xếp theo kiểu hình kim tự tháp lên xuống, và khi chập đôi thì thành con sóng, và cứ khoảng vài chục nấc lại có một con đường phẳng cho nghỉ chân. Công trình được làm từ sa thạch nên có màu sắc nâu đỏ bắt mắt, ngoài ra là những vòm cổng hình cánh hoa và cột trổ hình voi và rắn đỡ mái vừa mạnh mẽ, vừa uyển chuyển. Vì sự đồ sộ, chỉ cần đi một vòng từ mặt đất xuống dưới giếng đã mất cả ngày.
Giếng Agrasen Ki Baoli cũng là một cảnh đẹp ngoạn mục lọt trong nhiều cuốn sách du lịch, và công trình đại diện của Hailey - New Dehli, cũng như kiến trúc Bắc Ấn thế kỷ XII. Điểm thu hút của nó là một chiều sâu đến 30 m, dài 60 m và rộng 15 m, cùng bốn tầng nhà với cả trăm vòm cửa, cổng hình cánh sen tao nhã. Vì sen tượng trưng cho sự thanh tịnh và hạnh phúc, nên nơi này lúc nào cũng đông người tới tọa thiền và hò hẹn. Ai nấy đều thích dạo bước trên 103 bậc đá đỏ để tới mặt nước trong xanh của giếng. Ngoài ngắm hình của những vòm cửa soi vào mặt nước, nhiều người còn thấy bóng dáng của những nhà cửa hiện đại quanh đường Hailey.
Vào thế kỷ XV, đế chế Vijayanagara mà kinh đô ở Hampi đã từng là một cường quốc mạnh nhất thế giới. Thế nhưng, nước này cũng phải đối mặt với hạn hán, và đào rất nhiều cái giếng và hiện giờ trở thành quần thể di sản, và ấn tượng nhất là giếng - bể nước Hampi Pushkarini nằm tại Karnataka hôm nay. Tại sao nói nó là bể vì giống như đế chế La Mã, nước cũng được dẫn vào nhờ một con kênh nối với các nguồn nước khác, nhưng đó không phải là sông suối mà là những ao hồ của các đền thờ Hindu kế cận. Dưới sự hỗ trợ của ao hồ, giếng nhỏ, Hampi Pushkarini có thể nuôi sống người dân trong 10 năm. Về kiến trúc, nó cũng có hình vuông như giếng Chand Baori nhưng bằng diệp thạch - đá đen tạo nấc ở cả ba phía kim tự tháp, cho phép bước trực tiếp từ trên xuống dưới, thay vì đi chéo. Thời gian qua lại cũng rất ngắn vì giếng chỉ có năm bậc dài 20,7 m, 16,1 m, 12,6 m, 9,2 m và 6,9 m. Ở mỗi bậc cũng có các kim tự tháp chia bước, và tổng cộng là 36 bước, cho múc nước cực nhanh.
Lấy cảm hứng từ một nhà tắm Thổ Nhĩ Kỳ, vào năm 1730 trong thời hoàng đế Farrukh Siyar, một tù trưởng ở Haryana đã làm ra một giếng bậc thang kết hợp cùng một nhà tắm nổi tiếng là giếng Baoli Ghaus Ali Shah, mang tên ông. Công trình có bốn tầng, hình bát giác, bằng đá, gạch, vôi và có một bể nhỏ hình tròn nằm ở chính giữa, đóng vai trò như một đài phun và những bục dài xung quanh là chỗ tựa lưng và kỳ cọ. Trên khu vực tắm là các hành lang, gồm các khu nghỉ ngơi, vui chơi và buôn bán. Thời Mughal, phụ nữ quý tộc vẫn thường từ cung điện Sheesh Mahal theo đường hầm đến đây tắm. Song đường hầm này từ thế kỷ XIX đã bị bịt lại, và giếng nước cũng thôi hoạt động. Hôm nay, đây là nơi ngắm cảnh, đùa nghịch của đông đảo các bạn trẻ và du khách đến từ thủ đô.
Chu Mạnh Cường Sưu tầm và biên dịch
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...