Thói “học phiệt” từ đâu ra?
VNTN - Tính tôn ti trật tự của người Việt bên cạnh những mặt tốt như sự đoàn kết tính cộng đồng cũng có những mặt trái như: tâm lý gia trưởng, địa phương, cục bộ… Và điều này là rào cản rất lớn trong quá trình hội nhập cũng như trong nghiên cứu khoa học của nước ta. Phạm vi bài viết này chỉ xin bàn về thói học phiệt đã từ lâu tồn tại như một “căn bệnh” của rất nhiều người ở môi trường làm nghiên cứu khoa học ở Việt Nam.
Trước tiên xin giải thích qua về danh từ học phiệt. Danh từ này là một từ Hán Việt, có lẽ do ta tự tạo ra vì trong từ điển Hán không thấy có. Trong từ điển Hán chỉ có các từ: quân phiệt và tài phiệt. Người dùng từ học phiệt đầu tiên tôi đọc thấy trong bài báo của học giả Phan Khôi từ những năm đầu thế kỷ 20. Vậy có thể do cụ đặt ra vì cụ là người tinh thông cả Hán học, Tây học và am hiểu sâu sắc tiếng Việt. Vậy nghĩa của học phiệt là gì? Học thì ai cũng quen rồi. Chỉ còn phiệt nghĩa là gì? Từ điển Hán định nghĩa, dịch ra là: Chỉ một nhân vật hoặc tập đoàn có địa vị chi phối đặc biệt về một mặt nào đó trong xã hội. (Cấu tạo chữ Hán theo kiểu ''hội ý'' gồm chữ môn (cửa) chùm lên chữ phạt (chặt, đốn). Chắc ngụ ý ai vào cửa, ta cũng hạ gục ngay?).
Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Vậy học phiệt là một người hoặc nhóm người cậy có quyền thế, địa vị, bằng cấp, học vấn hơn người, tự coi ý kiến nhận định của mình về một vấn đề cụ thể nào đó trong học thuật, trong khoa học là chân lý, không coi ai ra gì và phủ nhận những ý kiến của người khác đã vạch ra chỗ sai sót trong nhận định đó. Ngôn ngữ dân gian gọi là “cả vú lấp miệng em'”, hoặc nói theo “chữ” là “mục hạ vô nhân”!
Vậy thói xấu gọi là học phiệt khá phổ biến trong không khí phản biện học thuật ở nước ta do đâu mà có?
Theo suy nghĩ của tôi nó bắt nguồn từ lối sống theo trật tự tôn ty, trên dưới của người Việt, và điều này được quy định cụ thể ở hệ thống danh từ nhân xưng của tiếng Việt là: ông, bà, chú bác, cô dì, anh em... trong dòng tộc, nhằm để xác định cụ thể, vị trí, mối quan hệ thân thích của từng cá nhân trong hệ thống gia tộc. Điều này đã trở thành phong tục, lễ nghĩa của nước ta từ xưa. Hệ thống danh từ xác định quan hệ thân sơ trong gia tộc này phát huy ảnh hưởng ra quan hệ xã hội rộng lớn, khi tổ chức nhà nước phong kiến ra đời theo từng dòng họ thống trị xã hội. Ảnh hưởng sâu đậm đến mức, mọi người mang cách xưng hô trong gia tộc ra cả quan hệ không hề thân thuộc ngoài xã hội(!) Những danh từ như cụ, ông bà, chú bác, cô cậu, anh em được mang ra xưng hô trong quan hệ xã hội, làm luôn chức năng của đại từ nhân xưng gồm ba ngôi (thứ nhất - thứ hai - thứ ba). Dùng quen thuộc đến mức nếu không được học hành đến nơi đến chốn để hiểu về ngôn ngữ nói chung hay tiếng Việt nói riêng, hầu hết người dân không phân biệt được hệ thống từ xưng hô trong tiếng Việt lúc nào đóng vai là danh từ, lúc nào là đại từ nhân xưng! Trong gia tộc, thì từ lúc tập nói, đứa trẻ đã được ông bà cha mẹ dạy cho cách xưng hô theo vai vế như vậy trong gia tộc cho đứa trẻ. Cách xưng hô này là cố định không thể thay đổi với từng cá thể trong gia tộc. Nhưng ngoài xã hội thì không định trước như vậy. Tiếng nước ngoài đều phải có đại từ nhân xưng cho các “ngôi”. Ở tiếng Việt dùng luôn những danh từ xưng hô có sẵn trong hệ thống gia tộc làm chức năng này. Vì vậy người trẻ thì tự mình nhìn người đứng trước mặt mình (tức ngôi thứ hai) khi gặp, hoặc quan hệ, áng xem tùy theo tuổi tác già hơn mình hay trẻ hơn, là nam hay nữ, mà tự chọn cho mình từ xưng hô theo ngôi thứ trên dưới cho hợp lý (Chẳng là theo lễ nghĩa của ta, người trẻ phải chào hỏi trước người hơn tuổi mình). Người già cũng tự làm như vậy.
Kể ra cách xưng hô theo lối mượn các danh từ chỉ ngôi thứ trong gia tộc kiêm luôn chức năng đại từ nhân xưng ngoài xã hội vô tình làm xóa nhòa ranh giới họ hàng gia tộc với người xa lạ, tạo ra không khí, tình cảm thân thuộc gần gũi trong cơ quan hoặc môi trường giao tiếp giữa mọi người với nhau ngoài xã hội. Tuy nhiên, nó cũng lại tạo ra tâm lý mặc cảm trên dưới thiếu bình đẳng trong gia tộc vào không khí làm việc tập thể ở cơ quan nhà nước hoặc các đơn vị kinh doanh sản xuất, ngoài xã hội. Người lãnh đạo trong cơ quan mang tâm lý và thái độ gia trưởng trong gia tộc để đối xử với cấp dưới và nhân viên của mình. Trong sản xuất kinh doanh cũng vậy. Thủ trưởng hay người có tuổi tác, có địa vị, có bằng cấp, tự cho mình là người tài giỏi hơn người về các mặt và khó mà thừa nhận tiếng nói của kẻ dưới, khi người đó không có địa vị, quyền thế, bằng cấp, hoặc nổi tiếng như mình. Họ tự coi ý kiến hoặc quan điểm của mình là chân lý. Đó chính là "phép" độc quyền chân lý. Thậm chí còn lên mặt tỏ ra coi thường mọi người, coi thường quần chúng. Thói sống gia trưởng từ trong gia tộc đã trở thành nếp sống ở cơ quan công quyền, và ở cả các đoàn thể và mọi tổ chức xã hội, ở mọi nơi mọi lúc. Thái độ sống đó trong học thuật gọi đó là học phiệt. Lớp người trẻ tuổi do sống trong không khí xưng hô theo trật tự tôn ti trên dưới như vậy, dần cũng quen với tâm lí phục tùng, thậm chí trở nên tự ti, thiếu tự tin và tự trọng, còn sùng bái cả những điều không đáng sùng bái, đến mức coi là thần tượng, mong mình dựa ''bóng'' để được ăn theo... Đây chính là mặt tiêu cực làm cho người Việt ta quen với không khí bất bình đẳng, chịu nhẫn nhục khi kẻ có thế lực áp chế. Quan hệ xã hội như vậy, không thể phát huy được sức sáng tạo của mọi người làm hạn chế những tài năng! Vì thế nó kìm hãm sự phát triển mọi mặt của xã hội.
Để loại dần thói học phiệt trong học thuật và nói rộng ra là thói độc quyền chân lý trong các lĩnh vực khác ở xã hội ta, đương nhiên là phải xây dựng và tổ chức một xã hội thật sự dân chủ tự do và bình đẳng. Nhưng trước tiên cần làm ngay một việc tưởng như nhỏ, nhưng theo chủ quan của người viết là cần làm và cũng dễ dàng là: Nhà nước nên quy định ngay cách xưng hô về đại từ nhân xưng ở các cơ quan công quyền đầu tiên, để tạo dần thói quen ngoài xã hội, gây tâm lý bình đẳng cho mọi người nhất là cho tuổi trẻ - lớp người còn có cơ hội cống hiến sức lực và tài năng cho đất nước lâu dài. Để họ thấy rõ vị trí của họ là bình đẳng, không mặc cảm lép vế tuổi tác, tự tin phát huy óc sáng tạo, tìm ra những sáng kiến, phát mính mới, cống hiến cho đất nước. Cụ thể hiện nay, có thể vẫn giữ ngôi hai (người trực tiếp đối diện với mình) xưng hô theo tuổi tác (cụ, ông, bà, bác, anh, chị...); người đứng đầu cơ quan gọi là thủ trưởng như vẫn quen gọi. Riêng ngôi thứ nhất chỉ dùng một từ tôi cho cá nhân và chúng tôi cho tập thể, để thể hiện sự bình đẳng.
Thái A
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...