Thời gian làm việc trong tập quán người Việt
Thời gian qua, một trong những vấn đề thu hút sự quan tâm của dư luận là đề xuất về việc thay đổi thời gian làm việc dành cho các đơn vị hành chính sự nghiệp trên cả nước. Nhiều phương án đưa ra và những phương án khả thi nhất trình Quốc hội dù đã được sửa chữa đến phút chót, xong vẫn không tránh khỏi ồn ào tranh cãi. Thay đổi giờ giấc để thích ứng với xu thế thời đại hay duy trì nếp cũ và tôn trọng sự tự quyết của các địa phương? Trong cuộc tranh luận ấy, người ta nhắc nhiều đến tập quán văn hóa. Bài viết xin mạo muội bàn về thời gian làm việc trong tập quán của người Việt, hi vọng góp một tiếng nói để tương lai chúng ta lựa chọn được khung giờ làm việc hợp lý nhất.
Từ sự ứng phó với khí hậu…
Việc điều chỉnh giờ làm việc thu hút sự quan tâm bởi đây không chỉ là một quy định hành chính mà nó thực sự là một tập quán văn hóa, xuất phát từ điều kiện tự nhiên kéo theo nhiều thói quen, tập tính, phong cách sống, lối ứng xử văn hóa của con người. So với các quốc gia trên thế giới, đặc biệt là các quốc gia phương Tây, người Việt Nam bắt đầu công việc từ rất sớm (hơn 7 giờ sáng), nghỉ trưa dài (khoảng hơn 2 tiếng theo quy định và hơn 3 tiếng trên thực tế) và kết thúc công việc không quá muộn (thường trước 5 giờ chiều). Đó là sự lựa chọn phù hợp với môi trường sinh thái tự nhiên của cư dân gốc nông nghiệp vành đai khí hậu nhiệt đới.
Thời tiết nóng ẩm, mưa nhiều đem đến cho nước ta môi trường sinh thái lý tưởng để phát triển nông nghiệp trồng trọt, biến Việt Nam thành vương quốc của lúa ngô, hoa trái hay được mệnh danh là “nền văn minh thực vật”, “bếp ăn thế giới”… Tuy nhiên, khí hậu nắng nóng cũng mang đến cho người lao động đầy nhọc nhằn. Không khó để tìm trong kho tàng ca dao, tục ngữ và thơ văn những câu nói miêu tả cái gay gắt của nắng gió Việt Nam: “Cày đồng đang buổi ban trưa/ Mồ hồi thánh thót như mưa ruộng cày” (Ca dao); “Những trưa tháng sáu/ Nước như ai nấu/ Chết cả cá cờ/ Cua ngoi lên bờ/ Mẹ em xuống cấy” (Trần Đăng Khoa).
Người Việt đang dần làm quen với thời gian làm việc quy định nghiêm ngặt trong các khu công nghiệp Ảnh: P.V
Lao động và sinh sống trong điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, buộc con người phải thích nghi theo hướng ứng phó với nó, bằng tập quán sinh hoạt hàng ngày. Người Việt “lấy vợ hiền hòa làm nhà hướng Nam” để tránh “quay mặt” vào “ông trời” trong khung giời nắng lửa. Cách ăn, cách mặc của chúng ta đều có những cân nhắc sao cho phù hợp với thời tiết: ăn nhiều rau, nhiều nước, ít dầu mỡ, ưu tiên món luộc và yêu thích các món canh chua. Trang phục truyền thống của người Kinh cũng như hầu hết các dân tộc thiểu số đều thiên về sự đơn giản, ít tầng lớp, sử dụng nguyên liệu thoáng mát, xu hướng quần áo cộc - rộng, tóc buộc cao, đi dép lê hoặc để chân trần… Theo nguyên tắc ấy, hoạt động lao động sản xuất cũng được tính toán sao cho hạn chế tối đa việc đối diện với ánh nắng: đi làm sớm khi chưa có mặt trời, kết thúc công việc buổi sáng khi mặt trời lên cao, tránh ra ngoài giữa trưa và trở về nhà khi chập choạng.
…Đến tâm thức và tập quán
Trong tâm niệm của người nông dân, “sáng chày sáng chật” là lúc bình minh vừa hé. Tỉnh dậy hay đi chợ lúc bảy rưỡi, tám giờ đã bị nhắc nhở là làm biếng, ngủ trưa, chợ trưa rau héo. Chợ quê truyền thống họp từ gà gáy tinh sương, trong khi các trung tâm thương mại hiện đại thường đợi đến 9 giờ mới bắt đầu mở cửa. Dẫu việc nhà nông tất bật nhưng hầu hết mọi người đều được trở về nhà khi chiều tà, sẩm tối. Chính vì thế, lúc “gà lên chuồng” người ta nhất định khước từ công việc: trẻ con học cố giờ ấy bị mắng là “sái”, dễ học dốt, người lớn chờ đến giờ chiều mới đem việc ra làm bị coi là không biết tính toán “Ngày thì đi chơi, tối lặn mặt trời đổ thóc vào xay”. Và bởi tâm thức hướng về gia đình lúc mặt trời xuống núi, nên lòng người hay bâng khuâng nhớ nhà khi bóng chiều bảng lảng: “Gác mái, ngư ông về viễn phố/ Gõ sừng, mục tử lại cô thôn/ Ngàn mai gió cuốn chim bay mỏi/ Rặng liễu sương xa khách bước dồn” (Bà huyện Thanh Quan).
Thời gian biểu nghề nông trở thành tiền đề hình thành những tập quán văn hóa khác, trước hết là thói quen “ăn sáng kiểu Việt”. Ngày nay, khoa học chứng minh, bữa sáng quan trọng nhất trong ngày, hãy “ăn sáng như một ông hoàng”. Người phương Tây rất đầu tư cho bữa sáng, với một thực đơn đa dạng, hàm lượng dinh dưỡng dồi dào và thời gian đủ để thảnh thơi thưởng thức (vì họ bắt đầu giờ làm việc rất muộn, khoảng 9 giờ sáng). Ngược lại, bữa sáng của chúng ta luôn được coi là một bữa phụ. Nó tương đối nghèo nàn về dinh dưỡng khi chỉ có một món “lót dạ”, không đảm bảo sự hấp dẫn, vệ sinh (ăn mì gói, cơm nguội hoặc ăn tạm ngoài đường). Và đặc biệt, tâm lý ăn đôi khi đầy áp lực. Điều này có thể kiểm chứng dễ dàng khi bạn ra đường buổi sáng, thấy dường như góc phố nào cũng có hình ảnh một chị nhân viên vội vàng đút miếng xôi vào miệng, một em nhỏ nuốt lấy nuốt để miếng bánh khi người mẹ liên tục thúc giục bên tai. Không có thời gian chế biến, nên ngày nay, người Việt có xu hướng lựa chọn bữa sáng đường phố. Và vì thế, có một thực tế đầy mâu thuẫn là, mặc dù bữa sáng của chúng ta khó đạt tiêu chuẩn về chất lượng nhưng Việt Nam lại là một trong những quốc gia có “bữa sáng giá trị” nhất thế giới, xét về giá cả, khi nó chiếm một tỷ lệ khá cao so với mức thu nhập (bữa sáng với phở và một ly cà phê, trà sữa, đồ tráng miệng có thể lên tới 70 ngàn đồng, chiếm gần 1/3 thu nhập bình quân của nhân viên văn phòng).
Trong vành đai khí hậu nhiệt đới, buổi trưa được coi là thời gian ngừng nghỉ của vạn vật. Giống như một số quốc gia trong khu vực, người Việt có tập quán ngủ trưa. Khung giờ Ngọ, các gia đình dừng mọi hoạt động đồng áng, tranh thủ ăn cơm rồi lên giường chợp mắt hay ngả lưng dưới gốc đa, quán nước ven đường. Người lớn không có chỗ ngủ trưa bị xem là lếch thếch, vạ vật; trẻ con trốn ngủ trưa bị đánh đòn, không như nhiều quốc gia phương Tây, nơi lịch học ở nhà trường có thể kéo dài tới 12 rưỡi. Người ta tin rằng, buổi trưa cũng là giờ quan hành, quan bắt, nếu không có việc bất khả kháng thì nên ra khỏi nhà, càng không nên “vô duyên” làm phiền người khác. Theo các nhà khoa học, tập quán ngủ trưa là một thói quen có lợi của người phương Đông, đảm bảo cho sự phục hồi hoạt động của não bộ. Tuy nhiên, điều này chỉ xảy ra với một giấc ngủ ngắn, quãng 30 phút (mà dân gian gọi bằng một từ rất hay: chợp mắt). Ngược lại, những giấc trưa quá đà thường đem đến sự uể oải, lờ đờ suốt buổi chiều. Hơn thế nữa, thời gian nghỉ trưa quá dài của người Việt dễ dẫn đến thói quen nhậu nhẹt, sa đà, thậm chí đủ cho cả những… cuộc tình vụng trộm. Nắm được tập quán ấy, một số công ty nước ngoài đưa ra nguyên tắc để hạn chế thói quen ngủ trưa đã hình thành như một phản xạ của công nhân viên Việt Nam như thiết kế ghế nghỉ có vách ngăn (tránh tình trạng “ngả lưng”), cung cấp cà phê miễn phí, thậm chí lắp camera để kịp thời nhận biết biểu hiện gương mặt lờ đờ của người lao động…
Thời gian biểu lao động của người Việt có độ chênh nhất định so với xu hướng chung trên thế giới. Nó ít nhiều mang đến những bất cập, nhất là trong bối cảnh hội nhập. Nhưng điều chỉnh giờ học cho con trẻ, giờ làm cho người lớn cũng là bài toán không dễ giải quyết bởi sự ràng buộc lẫn nhau giữa một loạt các yếu tố chi phối tập quán sinh sống và lao động hàng ngàn năm. Vậy nên, trước khi chờ đợt một quyết sách hợp lý (mà chắc chắn không thể làm hài lòng tất cả mọi người), mỗi chúng ta nên tự điều chỉnh thói quen của chính mình, để mỗi giờ làm việc đều mang ý nghĩa lao động thực sự, dẫu là sáng sớm, giữa trưa hay sẩm tối…
Suối Linh
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...