Thứ sáu, ngày 15 tháng 11 năm 2024
06:51 (GMT +7)

Thơ và lời bình: Em phơi nỗi buồn trên bậu cửa

Hơn một lần giặt áo cho anh

Em phơi nỗi buồn trên bậu cửa

Vết son đỏ thổi bùng…

Bão…

Lửa…

Anh quên chùi

Cháy rụi lòng em...

Anh vẫn về nhà bằng âu yếm cũ mèm

Em ngơ ngẩn đón anh bằng nụ cười người khác...

Thầm nghe lòng tan nát

Những niềm vui đánh lừa...

Có phải mình đã nguyện thề

Dù thế nào cũng để lại bão giông sau cánh cửa

Anh bảo đời ngoài kia lọc lừa tráo trở

Ngôi nhà mình dành nhen lửa yêu thương...

Giờ em chỉ muốn hét lên

Cho thỏa nỗi chán chường

Rồi băm vằm anh thành trăm ngàn mảnh vỡ

Xâu lại cùng dang dở

Xấu đẹp gì em biết với riêng em...

Nhưng em chỉ âm thầm khóc như một đứa hèn

Thương kiêu hãnh ngày xưa vụn vỡ

Phận đàn bà như miếng chanh cắt dở

Vắt kiệt mình chua lại xác xơ...

Em có thể làm gì hơn được nữa bây giờ

Tay trái tát anh thì tay phải em xoa đi đau đớn

Em hóa đá mình rồi

Sao sóng lòng vẫn gợn?

Đã bao lần em thức đợi bình minh

Rồi phơi nỗi buồn trên bậu cửa…

THÁI THUẬN MINH   

(Bài trong tập thơ “Đàn bà đo hạnh phúc trong quanh quẩn đàn ông”; Nxb. Hội Nhà văn, tháng 4/2016).

Bài thơ có nhan đề rất lạ: "Em phơi nỗi buồn lên bậu cửa". Người ta thường “phơi” một vật gì đó hữu hình (như phơi áo, phơi khăn...), ở đây, “em” đã làm một chuyện “ngược đời”: phơi “nỗi buồn” - phơi một thứ vô hình, vô ảnh; Phơi ở đâu? Phơi “lên bậu cửa” (chứ không phải phơi lên cây sào, lên bờ rào... như thường lệ). Có lẽ chính vì “lạ hóa” hình ảnh thơ như vậy nên bạn đọc dù vô tình đến đâu cũng phải dừng lại ngay từ nhan đề bài thơ để đặt câu hỏi: Vì sao người đàn bà này lại “phơi nỗi buồn” tại một nơi khác thường: “bậu cửa”?

Trong quan niệm dân gian bậu cửa là ranh giới giữa nhà ở và thế giới bên ngoài, nó vừa có tính năng ngăn cản bụi bẩn từ bên ngoài vào trong nhà, vừa có tính năng giữ để cho khí trong nhà không thoát ra ngoài được, tránh tài vận phát ra ngoài. Bậu cửa luôn nhắc nhở mỗi người trong nhà dù bôn ba bất cứ đâu, khi bước chân về đến bậu cửa thì mọi lo âu muộn phiền hãy gác bỏ bên ngoài, đừng đeo đẳng khiến nó làm rối loạn bầu không khí bình yên, trong lành của ngôi nhà. Bậu cửa cũng như căn nhà là nơi quen thuộc, tìm thấy hơi ấm tình thân, là nơi neo đậu, trú ẩn của đời người mỗi khi bão giông ập đến... Mang nỗi buồn phơi “lên bậu cửa” nhân vật trữ tình muốn chia sẻ điều gì? Nhan đề bài thơ đã gợi cho bạn đọc những ưu tư về cõi nhân sinh với nhiều trắc ẩn...

Tiếp đó, chỉnh thể bài thơ được kiến tạo gồm hai mươi chín câu thơ dài, ngắn khác nhau, khi gay gắt, dữ dội, lúc trầm ngâm, sâu lắng... tất cả như một tự sự trải lòng chân thành đầy đau đớn, xót xa nhưng cũng rất rắn rỏi, bản lĩnh của “em” - nhân vật trữ tình khi bão tố ập xuống ngôi nhà vốn tưởng bình yên, hạnh phúc của chị.

Trước tiên, “em” phát hiện "anh" - người đầu gối tay ấp, người sống chung mái nhà cùng mình đã thay lòng đổi dạ tự khi nào... Sự không chung thủy của “anh” hiển lộ qua vết son của người phụ nữ nào đó vương trên áo anh! Vết son đỏ thổi bùng…/Bão…Lửa…/Anh quên chùi/ Cháy rụi lòng em...

“Em” cảm thấy "bão" tràn về và "lửa" thiêu “rụi” tất cả những gì tưởng chừng là niềm tin yêu, hy vọng nhất, đất trời như vỡ vụn, giấc mơ hạnh phúc thoáng chốc như bị tiêu tan... Câu thơ ngắn, ngắt nhịp đột ngột tựa như sự hụt hẫng, nức nở của lòng người. Tiếp đó, nhân vật trữ tình đau đớn hồi tưởng, chị nhớ đến lời chồng từng chia sẻ: "Anh bảo đời ngoài kia lọc lừa tráo trở/ Ngôi nhà mình dành nhen lửa yêu thương...". Anh đã từng nói thế! Vậy mà, lẽ nào giờ đây chính trong ngôi nhà của mình hằng ngày sự "tráo trở " đó diễn ra thật bi hài trên sân khấu cuộc đời. Bị tổn thương sâu sắc, tâm trạng của “em” đã vô cùng "sốc" cảm thấy như bị "đánh lừa".

"Anh vẫn về nhà bằng âu yếm cũ mèm/ Em ngơ ngẩn đón anh bằng nụ cười người khác”.

Đến đây, trạng thái cảm xúc của “Em” không phải chỉ dừng lại ở mức "ghen tuông" hụt hẫng thường tình nữa mà là nỗi đau đớn, tức tưởi, uất ức vì bị phản bội.

Lòng người tan nát, muốn một lần "hét lên", muốn "băm vằm anh thành trăm ngàn mảnh vỡ"... âu đó cũng là tâm lý rất thật của người phụ nữ vốn tôn thờ sự thủy chung, đầy kiêu hãnh và tự trọng. Sau ba khổ thơ đầu, tiếp nối mạch tự sự của bài thơ, đến những khổ thơ sau chúng ta bắt gặp hình ảnh nhân vật trữ tình với vết thương lòng rỉ máu, đau đớn, dằn vặt nén chịu âm thầm. Nỗi đau nhức nhối không thể chia sẻ cùng ai có lúc như muốn tràn bờ. Theo lẽ thông thường, khi yêu thương nhường chỗ cho chán chường, tuyệt vọng, hận thù... rất có thể tiếp theo là sự mất phương hướng và dẫn đến hành vi tiêu cực, thậm chí là cái ác.

Cuộc sống và sự vô thường của nó luôn diễn biến bất ngờ và đặt ra nhiều sự lựa chọn. Xuyên suốt bài thơ này, dù trong mất mát, đau đớn, xót xa nhất nhân vật trữ tình đã luôn lựa chọn phần thiệt thòi cam chịu cho mình: "Xâu lại cùng dang dở/ Xấu đẹp gì em biết với riêng em... /Nhưng em chỉ âm thầm khóc.../Tay trái tát anh thì tay phải em xoa đi đau đớn"

Những suy nghĩ cho thấy một trái tim nhân hậu, bao dung, vị tha vô cùng... ở đây thiết nghĩ không phải là "hèn" mà sự ứng xử này chỉ có thể xuất hiện ở một người phụ nữ có quá trình nghiệm sinh sâu sắc, có đủ bình tĩnh, sự "an nhiên" trong thế giới nội tâm mới có thể buông bỏ mọi cay nghiệt, hận thù, nén lòng mình để ngày ngày "phơi nỗi buồn trên bậu cửa", sẵn sàng chủ động đón nhận những cú đau đớn do định mệnh mang tới... Từ đó, dám sống cao thượng và trách nhiệm, dám nghĩ cho người mình yêu và quan trọng hơn nữa là bởi chị đã thật sự biết Yêu Thương và biết gìn giữ cho riêng mình ngọn lửa Tình Yêu... cho dẫu cuộc đời nhiều khi không như mình ước vọng.

Bài thơ như lời thủ thỉ tâm tình chia sẻ... Câu chuyện riêng tư không mới, nhưng cái mới lạ, hấp dẫn của bài thơ chính là tác giả đã chân thành nói lên được tận cùng những cung bậc cảm xúc của mình (cũng có thể là của nhiều phụ nữ khác) trước bi kịch cuộc sống và tình yêu. Từ chuyện “Em phơi nỗi buồn lên bậu cửa”, chúng ta thấy phụ nữ nhiều khi tưởng mềm yếu mà lại rất bản lĩnh; sức chịu đựng và đức hy sinh khó có thể diễn đạt hết thành lời. Tình Yêu sẽ còn mãi mãi chỉ cần phụ nữ thật sự biết trân trọng, nâng niu Tình Yêu. Không có bất cứ một sự tổn thương nào có thể làm mất đi lòng nhân hậu, bao dung, đức vị tha vốn thuộc về căn tính của phụ nữ! Phải chăng đó chính là ẩn ngữ nhân văn sâu lắng sau lớp vỏ ngôn từ của bài thơ này?! Sự giản dị, chân thành bao giờ cũng tạo nên dư âm chạm tới trái tim bạn đọc - đó là một trong những căn tố để cảm xúc đời thường có thể thăng hoa thành cảm xúc Thơ; "Em phơi nỗi buồn lên bậu cửa” của Thái Thuận Minh là một bài thơ như thế.

Cao Thị Hồng

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Thơ và lời bình

Thơ 2 ngày trước

Thơ Khuất Bình Nguyên

Thơ 3 ngày trước

Thơ Như Bình

Thơ 4 ngày trước

Thơ Phùng Văn Khai

Thơ 5 ngày trước

Ừ thì

Thơ 1 tuần trước

Mảnh vườn của mẹ

Thơ 1 tuần trước

Ô cửa tháng Mười

Thơ 1 tuần trước