Thứ tư, ngày 08 tháng 05 năm 2024
19:04 (GMT +7)

Thơ nhại Văn nghệ sĩ Thái Nguyên

Văn nghệ sĩ Thái Nguyên vốn có truyền thống chế tác thơ nhại, thơ vui. Trong “kho tàng” thơ nhại văn nghệ Thái Nguyên, ngoài câu thơ… kinh điển “Thế là Hội có tiền tiêu/ Ước gì đất nước có nhiều Ngô Hai” ra đời là để ca ngợi một bí thư rất quan tâm đến văn nghệ là ông Ngô Hai đã được nhiều lần công bố trên các diễn đàn… mồm, thậm chí trong hội nghị, thì còn không ít những bài, những câu mang tính giễu nhại, tếu táo chỉ được “lưu hành nội bộ”.

Ví như mấy câu thơ được viết trong ngày 21/6 ngày nhà báo Việt Nam cách đây đã gần ba mươi năm của nhà báo Lê Thế Thành chẳng hạn. Đó là bài thơ mà theo tôi là để đời.     

Nội dung bài thơ miêu tả một buổi chúc mừng các nhà báo Văn nghệ Thái Nguyên:

Hoa tươi thì chất đầy bàn

Phong bì thỉnh thoảng mới ban vài đồng

Bà T cho kẹo gia công

Ông C có đến nhưng không cho gì.

(Sự thật thì tên người trong bài thơ không viết tắt nhưng để tránh nhạy cảm, người viết buộc phải có chút biên tập như vậy).

 Nghe bài thơ, đúng là mang vẻ rất “gay cấn”. Tuy nhiên, xin được hiểu theo hướng thân thiện, không ác ý.

Xin mạn phép có đôi lời bình luận thế này: Tất nhiên đến chúc mừng thì hoa phải “đầy bàn” rồi. Nhưng “phong bì thỉnh thoảng mới ban vài đồng” thì hoàn toàn tác giả không có ý kể xấu hoặc hám tiền mà chỉ được viết ra bằng phương pháp tếu táo, nhằm mục đích duy nhất là cho vui (chứ thực ra ngày ấy phong bì các cơ quan mang đến chúc mừng nhiều lắm). Hai câu cuối cũng vậy. Sự thực, kẹo bà T mang đến hôm ấy là một hộp kẹo Hải Hà rất xịn. Còn “Ông C có đến nhưng không cho gì” cũng là lối viết nhằm khai thác tiếng cười của độc giả mà thôi. Nói nôm na, đó là sự “bịa đặt đáng yêu” của tác giả. Nếu bài thơ này mà viết một cách đứng đắn theo lối… chủ nghĩa hiện thực thì chắc sẽ bị quên ngay từ lúc mới ra đời. Bài thơ còn đọng lại trong tâm trí mọi người chính là nhờ lối viết “bịa đặt đáng yêu” ấy, nhất là ở hai câu cuối. Rất may là cho đến nay, chẳng ai thấy phiền lòng hoặc phê phán gì tác giả.

Xin hầu chuyện tiếp. Có một bài thơ nhại ra đời vào khoảng năm 1996 hoặc 1997 gì đó nhưng đến nay nhiều người chưa quên. Đó là vào một ngày lễ cưới con một cán bộ lãnh đạo Hội Văn nghệ Bắc Thái nên tề tựu nhiều văn nghệ sĩ trong, ngoài tỉnh. Ngày ấy, Hội VHNT Bắc Thái đã thành lập được khoảng gần mười năm. Năm tháng ấy lại đang rộ lên chuyện chuẩn bị tách tỉnh Bắc Thái thành hai tỉnh Bắc Kạn và Thái Nguyên nên anh em văn nghệ sĩ cũng có phần tâm tư xao xuyến, bàn lên, tán xuống. Những năm này, không hiểu sao phong trào sáng tác của các tác giả Thái Nguyên có vẻ hơi trì trệ. Thực ra thì chuyện viết lách ở một địa phương lúc hăng say, lúc thụt lùi cũng là lẽ thường tình thôi.

Hôm ấy, trong đám tụ bạ, một người bỗng nhại theo bài thơ “Than đạo học” của Tú Xương, khởi xướng một câu:

Văn nghệ ngày nay đã chán rồi

Lê Thế Thành (vẫn là anh Thành. Văn nghệ sĩ xứ Thái này ai cũng biết, anh là chuyên gia bậc nhất về thơ nhại) lập tức tiếp luôn:

Mười người sáng tác chín người thôi

Chủ tịch Hội Hà Đức Toàn không ngần ngại, đọc luôn:

Bên trên chủ tịch ôm chai ngủ.

Tất nhiên lại có câu đế:

Bên dưới hội viên nhấp nhổm ngồi.

Có lẽ chủ tịch Hội Hà Đức Toàn, vẻ như đang bức xúc về chuyện năm ấy có một vị uỷ viên Ban Chấp hành viết đơn từ chức và một vài hội viên tuy không đơn từ nhưng bỏ sinh hoạt hội, nên tức cảnh sinh tình, xuất thần tung ra một cặp đối phải nói là tuyệt bút, chơi chữ đến hết chê:

Mấy em đèm đẹp xin ra hội

Mấy bà xâu xấu lại vào hôi (theo trường phái Bút Tre hôi nghĩa là hội)

Đến đây, không biết có phải Lê Thế Thành đang có ý đồ lên Bắc Kạn viết tiếp phần 2 truyện ngắn “Hoa hậu Bắc Kạn”, một truyện ngắn nổi tiếng của anh lúc bấy giờ không, mà bỗng tung ra một câu thơ chắc như đinh đóng… cây chuối:

Phen này ông quyết đi Bắc Kạn

Hà Đức Toàn lại lập tức tiếp ngay:

Ở chốn rừng xanh khối thứ xơi.

Mọi người ồ lên vì câu kết rất chuẩn. Đạt cả về từ ngữ, ý tứ, triết lý lẫn vần điệu. Nhưng riêng Nhà nghiên cứu văn học Hoàng Tuấn Cư thì xua xua tay:

- Đúng là câu kết quá hay, nhưng tôi đề nghị sửa một từ.

Nói rồi liền đọc:

Ở chốn rừng xanh khối thứ chơi.

Tôi gật gù. Đúng! “xơi” và “chơi” đều thuận vần như nhau, nhưng nghĩa thì có phần hơi xa nhau một chút. Có một thực tế là anh Hà Đức Toàn cũng như chúng tôi hồi ấy vì khá thiếu thốn về vật chất nên mọi ước mơ thường hướng vào cái sự ăn uống. Còn Hoàng Tuấn Cư ở Hà Nội, kinh tế khá giả nên coi “xơi” không bằng “chơi”.

Đắn đo mãi, cuối cùng, lấy tư cách người biên tập, tôi quyết định chọn từ “chơi”. Vì “chơi” nghĩa rộng hơn và bớt đi chút tâm hồn ăn uống. Anh Toàn cũng phải thừa nhận dùng từ “chơi” hay hơn.

Để kết thúc, tôi e hèm đọc lại toàn bài thơ một lần nữa:

Văn nghệ ngày nay đã chán rồi

Mười người vào Hội chín người thôi

Bên trên chủ tịch ôm chai ngủ

Bên dưới hội viên nhấp nhổm ngồi

Mấy cô đèm đẹp xin ra hội

Mấy bà xâu xấu lại vào hôi

Phen này ông quyết đi Bắc Kạn

Núi đỏ, rừng xanh khối thứ chơi

Bây giờ, những chuyện buồn vui, phức tạp của chuyện đi, ở trong ngày tách tỉnh mọi người đã quên lâu rồi nhưng có lẽ bài thất ngôn bát cú này chắc nhiều anh em văn nghệ sĩ còn nhớ.

Hải Yến

1 đã tặng

1

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy