Thứ sáu, ngày 03 tháng 05 năm 2024
07:33 (GMT +7)

Thơ lục bát Phan Thái

VNTN - Tôi chưa có dịp để thân với anh. Chỉ biết anh qua thơ. Anh giấu mình trong thơ và cũng tự bộc lộ mình qua những câu thơ gánh gồng hoài niệm và mang vác ân tình. Men làng ám vào hồn anh, vào thơ anh, thơm phảng phất. Anh chịu ơn làng, chịu ơn cái gốc rễ quê kiểng của mình. Thơ anh là tri ân điều đó. Tôi cứ băn khoăn khi cố tìm cho lục bát của anh một lời tựa, thì hình như là nó đây: Chắp tay bái lạy cánh đồng!

Một mình gọi nhớ thành tên

Phan Thái làm thơ từ nhỏ nhưng độc giả chỉ thực sự biết đến Phan Thái khi anh đã ở độ nắng quái của hoàng hôn tuổi tác. Anh viết hối hả như để trả nợ thời gian, trả nợ ân tình. Mấy năm gần đây, Phan Thái đột ngột chuyển sang lĩnh vực văn xuôi. Vài năm mà có đến ba, bốn tiểu thuyết và khá nhiều truyện ngắn. Mặc dù bút lực của anh dồi dào, song tôi nghĩ, anh có duyên hơn ở thơ. Và trong thơ, anh có duyên ở thể lục bát. Một thể dễ làm khó hay.

Lục bát Phan Thái là lục bát làng. Nó dân dã, bình dị như làng. Nó thuần nhất một thứ tình cảm trong veo đến hồn nhiên. Ở đó, chất chồng những mảnh kí ức như những đám mây lang thang, rồi một ngày hội tụ để mà mưa. Mưa trong thơ Phan Thái là phức hợp của mồ hôi và nước mắt tưới lên luống cày, đẫm những nhọc nhằn của mẹ. Phan Thái dẫn dụ người đọc về một miền kí ức mà anh gọi tên là Làng. Ngập những rơm vàng quẩn bước chân, chật những rơm rạ ngập đồng. Men làng ngai ngái một nỗi niềm cổ xưa cố hữu. Người thơ ấy mải mê với ước vọng: Về gom những thứ hơn vàng/ Ta tìm ta giữa bóng làng hanh heo! Nhớ quê như một ám ảnh thường trực trong tâm thức nhà thơ: Xa quê đã bấy nhiêu ngày/ Đêm đêm nỗi nhớ trong đầy giếng quê. Đơn giản là vì, về quê đối với Phan Thái đồng nghĩa với việc hành hương tìm lại chính mình. Ở đó, sự lam lũ trở thành bản sắc, cái nghèo làm nên truyền thống, yêu thương là gia bảo truyền đời. Về với làng là hành trình trở về với cái ngày xưa, mà dư âm của nó là men say, mật ngọt: Ngày xưa nào biết thẹn thùng/ Tiếng cười va ánh trăng rung cả làng. Với Phan Thái, ngày xưa là một kho báu mà tấm bản đồ định vị kho báu ấy, cần một độ lùi thời gian đời người, mới dần hiển lộ. Ta cảm nhận được những khoái cảm hồn nhiên của nhà thơ, trong phút giây thư thái: Mắc câu thơ dưới hiên đình/ Anh ngồi nghe chuyện chúng mình ngày xưa. Với Phan Thái, chạm vào đâu cũng là chạm vào kỉ niệm: Lối xưa cạn luống rau cần/ Chiều hoa nắng rụng đầy sân ngỡ ngàng. Đến nỗi, không kìm lòng được, nhà thơ phải thốt lên, phải tự phô mình, ít nhất là để khoe cái căn cốt chân quê của mình: Ngày xưa ơi nhớ ta không/ Ta là con của nâu sồng rạ rơm. Ý thức được nguồn cội cũng chính là sự tự ý thức về trách nhiệm của bản thân nhà thơ, là động lực để vượt qua những thăng trầm, đa đoan của kiếp người: Buồn vui theo dọc kiếp người/ Ru ta xóm mạc vẫn lời tre pheo! Đến nỗi  Mồ hôi làng mặn vào tôi/ Nén nhang giỗ họ xa rồi vẫn thơm!

Vịn lời ru mẹ để không lấm mình

Phan Thái viết nhiều về mẹ, nhiều đến cảm giác nỗi nhớ quê trong anh đồng nhất với nỗi nhớ về mẹ. Mặc dầu, hình bóng người mẹ ấy chỉ còn trong hoài niệm lãng du sương khói, khó mà hình dung được một cách vẹn toàn về gương mặt, vóc dáng, tuổi tác…, tất cả được tách ra từ những lát cắt của tâm trạng. Chỉ biết, đó là một người mẹ lam lũ, bận rộn đến độ không có lấy một phút giây thư thái, kể cả những dịp nông nhàn, những khi chiều tối, những lúc trăng lên: Quanh năm cấy hái giần sàng/ Còng lưng mẹ quẩy nắng vàng gió mưa. Công việc đồng áng chỉ một phần, phần còn lại của cái tất bật ấy là thuộc về tính cách, là thói quen đã ăn sâu vào máu: Quê nghèo tất bật nghề nông/ Mẹ ta cũng áo nâu sồng nón mê.

Người mẹ của Phan Thái cũng giống như bao bà mẹ nông thôn Việt Nam khác, hy sinh như là một phẩm chất bình dị mà cao cả của họ; yêu chồng, thương con, không băn khoăn so bì, không mảy may đong đếm: Từ trong điệu lý đi ra/ Bao bà mẹ cũng như là mẹ tôi/ Miếng trầu cay chát lên môi/ Nuôi con bằng giọt mồ hôi của lòng/ Vấn khăn lầm lụi chờ chồng/ Trăng mài nhẫy nhịp gánh gồng lệch vai.

Và cũng như bao bà mẹ kinh qua chiến tranh, người mẹ ấy chỉ biết làm quen với nỗi nhớ chồng, làm bạn với sự cô đơn vò võ: Những năm bom đạn đợi chờ/ Mẹ như cánh hạc lội bờ sông quê. Rồi cũng như rất nhiều bà mẹ khác, mẹ giấu giếm nỗi đau, nỗi khát khao hoang hoải của người thiếu phụ chờ chồng, rồi lại một mình gói kín: Giấu bao đêm rạc khuya dài/ Mẹ vò võ, khói nhang hoai bóng gầy.

Phan Thái, bằng sự nhạy cảm thi sĩ và lòng hiếu thảo, hiểu rõ hơn ai hết những vất vả cực nhọc mà người mẹ phải kinh qua, những xót xa đau đớn mà người mẹ phải chịu đựng: Bước ngang trong đục lở bồi/ Liêu xiêu mẹ cấy mồ hôi vào mùa.

Anh muốn thơ mình là liều thuốc trường sinh cho người mẹ mà anh hằng yêu quí và cảm phục. Phải yêu mẹ lắm, phải quan sát kĩ mới có thể nhận ra điều này: Nụ cười mẹ gột rêu giong/ Ngày lăn qua tấc lưng còng thành trăng!

Đây là một trong những câu hay nhất của nhà thơ viết về mẹ. Có lẽ phải quá nửa cuộc đời, qua rất nhiều những trải nghiệm ngọt bùi cay đắng, mới đủ đằm để viết lên những câu thơ đầy sâu sắc và giàu tính nhân văn đến thế.

Bao năm xa mẹ, xa quê đi đánh giặc, nổi chìm trong cuộc mưu sinh, nhà thơ muốn có thời gian để bù đắp cho mẹ, như một sự báo hiếu, mà cách thức phổ thông nhất là đón mẹ ra thành phố để tiện bề chăm lo, phụng dưỡng. Song cũng như bao bà mẹ khác, chất quê mùa rơm rạ đã thâm căn, sự bận rộn trở thành nhu cầu tự thân, bổn phận với tổ tiên trở thành ý thức. Nhà thơ nhận ra điều đó bằng những quan sát tinh tế qua sự tần tảo vô thức của người mẹ: Chải đầu mái tóc thì thưa/ Lại lau nhà, dẫu biết vừa mới lau/ Bần thần xếp chén, nhặt rau/ Cứ ngong ngóng, chỉ mong mau đến chiều.

Đi qua khói lửa chiến tranh, đi qua những truân chuyên của cuộc đời, nhà thơ chiêm nghiệm được một điều: Không có nơi nào bình yên hơn mái nhà của mẹ, không có sự thanh thản nào lớn hơn khi ở bên mẹ và không có một bài học nào giản dị mà sâu sắc hơn những lời ru của mẹ, để rồi anh đúc kết thành một triết lí: Cuộc đời còn lắm bão giông/ Vịn lời ru mẹ để không lấm mình.

Ta về thưa với cổng làng…

Có một điều mà thường phải khi có tuổi về già, người ta mới nhận ra và mới đau đáu, đó là khát vọng hồi quê. Lá nào rồi cũng rụng về cội. Con người dầu có bôn ba ngang dọc suốt cuộc đời rồi cũng đến lúc phải dừng chân. Ở chặng dừng chân cuối cùng, như con thuyền cần một bến bờ để neo, con người ta hay hướng về quê hương, về nơi chôn nhau cắt rốn. Đó có thể là cuộc hành hương bằng hoài niệm, một cuộc viễn du của kí ức, nhưng nó thật đẹp và thật thánh thiện. Ở đó, ta cứ thênh thênh bộc lộ mình với những niềm vui không cần giấu giếm, với những ý nghĩ không cần ngụy trang.

Càng trải đời, càng vấp ngã, Phan Thái càng khát khao được hồi quê, khát khao một sự yên bình, vô tư lự: Đi ngang trong đục bọt bèo/ Bao đêm khát mảnh trăng treo đầu làng. Anh nhận ra một sự gọi mời da diết và đăm đắm: Đi qua cái thuở dại khờ/ Mới hay gió thổn thức bờ sông quê. Anh nhận ra nỗi khát khao thôi thúc của ước vọng trở về với cuộc sống phóng khoáng, thoát ra khỏi cái thế giới tù túng, chật hẹp nơi phố thị: Dại khôn cá chậu chim lồng/ Khát đêm ngập gió vắt đồng lên vai/ Mót quên thập thững phố dài/ Buồn cay mắt nắng, trăng hoai bóng gầy.

Nhà thơ cũng phần nào ý thức được sự phôi phai của mình, cuộc sống mưu sinh ép ta vào những khuôn khổ, hình thành nên những thói quen: Bao năm đằng đẵng phố xa/ Quen nghe mưa quất rát nhà mái tôn. Nhà thơ cũng phần nào nhận ra rằng, cái gốc rễ căn cốt quê kiểng của mình, hình như không phù hợp với chốn thị thành. Vậy nên, nhà thơ đành phải thú nhận: Ta đi buôn gió thì hời/ Bán khôn thì lỗ, lắm lời thị phi.

Vậy nên, hồi quê chính là phương cách để nhà thơ tìm lại mình, trở lại là mình: Trở về mót nắng cầu ao/ Hong câu thơ, trộn ta vào tiếng quê! Những năm tháng xa quê nhà thơ đã kịp nhận ra, mới thấm thía một điều: Xa quê ngần ấy năm dài/ Mơ cay khói bếp, đầy vai hương đồng.

Như một mặc định, đằng sau cổng làng là sự bon chen cám dỗ. Hồi quê và bước qua cái cổng làng ấy là bước về một thế giới của tình cảm, thế giới của niềm tin và sự chân thành. Nhận thức được điều đó cũng là lúc nhà thơ thiên về triết lí. Những triết lí bình dị, sâu sắc mà thấm thía: Phố quê ngan ngát men đồng/ Quên lời hát chắc ta không là mình.

Thấp cao cốt chính là mình

Có cảm giác, lục bát Phan Thái như cô gái quê mặt mộc, không điểm phấn tô son, không điệu đà trang phục. Anh là mình trong lục bát của mình. Mạnh là đấy mà yếu cũng ở đấy. Hình như Phan Thái cũng chẳng cần mảy may mà nghĩ, lục bát là con dao hai lưỡi, nó kê cao nhà thơ nhưng cũng sẵn sàng hất ngã nhà thơ. Tôi không cho rằng, lục bát Phan Thái là một mạo hiểm của trò chơi chữ nghĩa. Đơn giản, nhu cầu làm thơ, nhu cầu trang trải lòng mình gọi lục bát đến cho anh. Phan Thái là một trong số ít những người làm thơ Thái Nguyên không gắn với môi trường học thuật văn chương. Anh là một người lính khá rõ trong tác phong và là một người thợ khá rõ trong viết lách. Anh tự tách mình ra khỏi địa hạt của thơ là sự ý thức nhưng anh lại sáng tác thơ bằng bản năng.

Trước khi Phan Thái làm thơ lục bát, thi đàn Việt Nam đã chứng kiến rất nhiều những thi nhân được người đời tôn sùng như những ông vua ở thể loại này. Thậm chí, người ta còn nói vống lên rằng họ được trao y bát từ cụ Nguyễn Du để làm thơ lục bát. Hai cái tên trong làng thơ hiện đại được người đời biết đến khá rõ là Nguyễn Bính và Nguyễn Duy, rồi mấy năm trước đây là Đồng Đức Bốn. Xét trong làng lục bát, Phan Thái có vẻ ít có cơ hội, nhưng xét trong thơ Thái Nguyên thì cũng khó có ai làm lục bát tốt hơn anh.

Đọc lục bát Phan Thái, cảm giác đầu tiên là những khoái cảm hết sức thú vị về tâm tình quê hương, làng mạc được trải ra bằng gan bằng ruột, đọc lên thấy gần gũi và đáng yêu lạ lùng. Có điều, nếu đọc cả mấy chục bài thơ thì nhận ra, cái vốn từ vựng mà Phan Thái dùng cũng có giới hạn nhất định, mà theo tôi, chỉ dăm bảy chục chữ là cùng. Phan Thái hay ở khả năng thiết lập từ mới và khả năng cấu tạo vần điệu. Cái này anh không được học, chỉ là năng khiếu bẩm sinh nên thơ anh không có cái lọc lõi, tinh ranh của một thứ thơ được chỉn chu, gọt rũa. Nó bày ra như hạt lúa củ khoai.

Nỗ lực né tránh sự lặp lại chính bản thân mình khiến Phan Thái sa vào gượng ép và sáo mòn. Có không ít câu mà đọc lên chỉ thấy nhấp nhánh ánh xạ của từ ngữ được mạ kền. Nó thiếu cái đằm sâu của sự chân thực. Chẳng hạn, anh viết: Phố chiều ai mắc nón mê/ Mùa xưa hanh hánh ngợp lề tre pheo! Hoặc: Dáng con đò nhẫy mồ hôi/ Sông thau tháu giọt chiều vồi vội tan… Nghe cứ bóng bẩy, đỏm dáng thế nào, như gã quê mùa diện comlê, cavát. Được thôi, nhưng có điều không phải để đi chơi phố mà đi làm đồng, thì nó quyết là không hợp.

Rất may là thơ anh có những thăng hoa ở cả hai thái cực: hoặc là hứng chí bột phát, hoặc là từng trải chiêm nghiệm. Vô hình chung, nó lại tạo dựng nên những triết lí không ý thức của nhà thơ, an nhiên thư thái nhưng không kém phần sâu sắc, thâm trầm. Chẳng hạn như khi anh chiêm nghiệm: Một đời ta chảy như sông/ Dẫu trong đục, cứ nhẹ không là mình. Và đây là một câu thơ tài hoa, mang đầy đủ ấn tượng Phan Thái: Ly cà phê ngái men làng/ Ta ngồi nhấp cả tiếng quang quác gà.

Nếu chọn một bài thơ thành công hơn cả của Phan Thái, tôi sẽ chọn bài Tản mạn bên làng. Một bài thơ tứ không mới nhưng khó viết, và Phan Thái đã viết hay. Dụ như những câu thơ: Về làng nhang nhác người dưng/ Lơ ngơ chẳng biết nên mừng hay lo/ Mom sông thưa thớt cánh cò/ Trâu nằm nghếch gió co ro nhai chiều…

Không có ý định tạo nên những dấu ấn, tính anh vốn thế. Nhưng tôi tin, lục bát Phan Thái sẽ là một món khoái khẩu không chỉ đối với những người yêu thơ Thái Nguyên. Và tôi tin, Phan Thái còn dấn thân và tiến xa hơn trên đường thơ lục bát.

Nguyễn Kiến Thọ

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy