Thơ Hoàng Xuân Tuyền: một sự khác biệt
(Mấy cảm nghĩ khi đọc tập thơ Tự Do của Hoàng Xuân Tuyền, NXB Hội Nhà văn, 2016)
VNTN - Tôi cảm thấy khó khăn, rất khó khăn khi gõ bàn phím ghi lại những cảm nghĩ của mình về tập thơ Tự Do của Hoàng Xuân Tuyền. Nó không giống những tập thơ, bài thơ tôi được tặng, được đọc bấy lâu nay. Xếp nó vào kiểu thơ nào đây? Triết luận hay Trữ tình? Châm biếm hay Hài hước? Đây là thơ hay không phải là thơ? Khó tìm được câu trả lời rành rọt cho những câu hỏi tôi tự đặt ra đấy. Hình như, thơ của Hoàng Xuân Tuyền ở tập thứ hai này trộn hòa tất cả những gì tôi vừa đặt câu hỏi. Cả nội dung và nghệ thuật đều có sự khác biệt với thơ thông thường; vì thế nó dễ làm cho người tiếp cận văn bản hoang mang, nghi ngại.
Khác biệt ngay với chính anh ở tập thơ Bến thời gian đầu tiên trình làng với sự hồn nhiên trong veo trong vắt thật dễ thương, dễ đọc như thế này: Hạt nắng run ngoài cửa sổ/Biết rằng mùa xuân lại về/Một năm vòng quay đã khép/Sau những ngày đông lê thê/Chắc ở miền xa…xa lắm…/Nghiêng trời những cánh én chao/ Chắc ở ngoài kia ngõ chợ/Nhấp nhô sắc đỏ hoa đào/Em giờ còn xa…xa lắm…/ Bao nhiêu vất vả lo toan/Năm mới mua gì biếu mẹ/Và em sắm gì cho con/Này những vần thơ tội nghiệp/Anh mang nào biết bao mùa/Dang dở ngày xuân đọc lại/ Run run giọt nắng trong mưa.
Kiểu thơ này dễ đến với nhiều người và đương nhiên cũng rất được chia sẻ, đồng cảm ở bạn đọc. Nếu như Hoàng Xuân Tuyền vẫn giữ nguyên cách viết vậy, theo tôi, vẫn có cái để nói về thơ anh nhưng sẽ không xuất hiện sự khác biệt đến ngỡ ngàng, lo âu và day trở như khi ta đọc kỹ càng tập Tự Do của anh. Tự do là gì? Tự do như thế nào? Với anh, với tôi, với đất nước, với nhân loại dường như là sự quan tâm của tác giả trong tập thơ này. Vấn đề tự do, dân chủ xuyên suốt cả tập thơ. Hay nói cách khác nó là cảm hứng chủ đạo, chất liệu chủ yếu để làm nên nội dung và nghệ thuật của tập thơ Tự Do.
Khái niệm tự do không còn lạ lẫm với nhân loại nữa. Đó là giá trị cao quý nhất, cơ bản nhất của xã hội loài người cần hoàn thiện. Một khái niệm mà có lẽ nhà chính trị nào cũng phải nhắc tới rất nhiều lần trong sự nghiệp của mình và với nhân dân thì không có khát khao nào cần thiết hơn tự do. Tự do cho mỗi người, tự do cho mọi người. Hồ Chí Minh khi viết Tuyên ngôn độc lập đã trích dẫn bản Tuyên ngôn độc lập của nước Mỹ năm 1776: Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc và bản Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền của Cách mạng Pháp năm 1791: Người ta sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi; và phải luôn được tự do và bình đẳng về quyền lợi. Với Nhật ký trong tù, thơ Hồ Chí Minh đã bay trên đôi cánh tự do để trở thành một tác phẩm văn học có giá trị trong nước và nhân loại. Trong không ít tác phẩm chính trị, báo chí và văn học Hồ Chí Minh đã nhắc tới tự do trong đó câu Không có gì quý hơn độc lập tự do đã trở thành chân lý của thời đại.
Viết về Tự do bằng thơ là một thách thức với Hoàng Xuân Tuyền, tôi nghĩ thế. Anh chọn thể thơ lục bát vốn đã thành khuôn mẫu về thể thức để diễn đạt tự do. Chọn cái ổn định, lề luật để biểu đạt cái tung hoàng, tưng tẩy. Thật là “quái”! Tự do cây - ngát hương xanh/Tự do ta - ngọt đầu cành chiêm bao./Tự do!Nào tự do nào!/Tự ta chọn, tự mình trao cho mình (Lục bát tự do). Khái niệm xã hội: Tự do đã được diễn đạt bằng những thi ảnh; tự do của cây là được tỏa ngát hương xanh giữa bao la đất trời, tự do của người như quả ngọt đầu cành. Cái quả ngọt đầu cành ấy với người này, với xã hội này nó vẫn chỉ là giấc mơ êm dịu nhưng với người khác, xã hội khác là hiện thực lộng lẫy. Xã hội tốt đẹp khi quyền tự do của mọi người được thực thi và bảo hiểm. Tuy nhiên, ý thức về tự do trước hết phải được gieo cấy, chăm sóc trong mỗi người để nó trở thành khát vọng cao đẹp dẫn dắt hành động của chúng ta. Từ chỗ nhận thức Đau khổ chi bằng mất tự do (Nhật ký trong tù) Hồ Chí Minh đã quyết lãnh đạo dân tộc Việt Nam đứng lên chống ách đô hộ của thực dân, đế quốc, phong kiến giành độc lập tự do cho Tổ quốc và nhân dân. Con người không có ý thức, khát vọng về tự do chắc chắn chẳng bao giờ được làm người tự do.
Tự do nhân loại. Tự do Tổ quốc. Tự do con người. Từ rộng đến hẹp. Từ lớn đến bé. Có mối liên hệ khăng khít không cưỡng lại được. Nội hàm của tự do là bất biến. Tự do của mỗi người là thước đo sự ưu việt của xã hội. Tôi nghĩ, rất khó cãi lại điều đó. Cho nên, đừng ai nhân danh cái này cái khác mà tước đoạt đi quyền sống cơ bản ấy của con người. Hoàng Xuân Tuyền thật sòng phẳng trong vấn đề này: Này những tay móc túi/hay những kẻ cướp đường:/cuộc sống dương gian/ mỗi người chỉ một/mỗi người riêng một Cái Tôi/thó đoạt của người ta/làm gì/thứ ấy/trả đi thôi (Phút bù giờ của cuộc chơi dương gian).
Ức triệu Cái Tôi làm nên thế giới đa sắc, đa dạng, đa chiều và đó chính là điều huyền diệu nhất của vũ trụ. Thật sự nhàm chán và vô cùng nhạt nhẽo khi muôn người như một. Cái Tôi trong thơ Hoàng Xuân Tuyền mang ý nghĩa xã hội học rất cao: -Cái Tôi/mỗi người tạo dựng/cuộc đời định danh/nào phải phần quà tài trợ/gói sẵn/tất tật/chia đều./Mất?/Thương ơi! (Phút bù giờ của cuộc chơi dương gian).
Đã rõ. Cái Tôi cần được thừa nhận và tôn trọng như một biểu hiện của văn minh nhân loại. Mọi sự áp chế, áp đặt lên Cái Tôi chân chính cần phải loại bỏ. Nếu không nó sẽ làm tổn hại và tiến tới hủy diệt cuộc sống nhân văn như nhà thơ Tố Hữu từng mơ ước: Người yêu người sống để yêu nhau (Gió lộng). Tình yêu nào chẳng bao hàm sự tôn trọng trong đó. Khi Cái Tôi không bị thó đoạt con người sẽ biết “lễ phép” với nhau hơn, tử tế là món quà phi xa xỉ của cuộc sống, có trong mỗi ngày.
Vì sao phải làm thế? Trước hết, vì chúng ta là con người, không ai không phải trầm luân đi qua bốn bước đời: Sinh - Lão - Bệnh - Tử và hơn thế nữa chúng ta là đồng bào máu mủ của nhau. Nỗi niềm đau đáu nằm ở đây như một nhắc nhở, cảnh báo, hy vọng từ thấm thía xa xót của người cầm bút: Thời gian/rồi gạt tất cả chúng ta khỏi ánh sáng/như bàn tay số phận/gạt những quân cờ/khỏi cuộc chơi/ Không gì mới./Dù thế nào ngày mỗi ngày vẫn nhớ:/Cha mẹ ta/Tiếng Việt ta/ Cho ta hồn vía thịt da làm người (Tiếng Việt tôi).
Khổ, là con người ta, loài người ta đâu phải lúc nào, đâu phải ai cũng tử tế, lương thiện, đàng hoàng, minh bạch. Cho nên chiến tranh, bạo lực, đàn áp, kìm kẹp, bưng bít, dối trá vẫn cứ xảy ra như một phần không thể lãng quên của cuộc sống.
Đây, kẻ thù của tự do: Kẽo kẹt thời gian/lăn lốc địa cầu./Chiến tranh có gì mới:/cuồng tín bịt mặt/xả đạn vào tiếng cười con trẻ/nhân danh hư vô/Hỏi chiến tranh có gì để mới/dù chưa cũ bao giờ. (Có gì mới).
Đây, tự do bị chà đạp: Đường bao xa, bỗng đâu chiều nổi gió/Cát bụi vây, cát bụi dập vùi ta/Xót xa hỡi, bày chi cơn đấu tố/Mình với nhau-cùng cát bụi thôi mà (Chiều cuồng)
Trong cuộc trò chuyện với cậu vàng, tác giả cũng tỏ ra khác biệt khi đem chuyện người ra bàn luận: cái giống người /đôi lúc cũng dở dại dở khôn/vàng ạ. (Này, cậu vàng…).
Không ai khôn mãi và cũng chẳng ai dại hết, thế mới là đời. Và con người trong tư cách Cái Tôi cũng dở dại dở khôn vậy thôi. Đấy chính là một cảm thông chia sẻ rất đời, chứa đựng sự độ lượng bình dị.
Tác giả chọn Prômêtê trong thần thoại Hy Lạp làm biểu tượng cho tự do là để khẳng định con đường gian nan đi đến khát vọng cao cả này. Đúng là gian nan thật con đường đi tới tự do. Tuy nhiên, đó là con đường duy nhất không thể thay đổi của nhân loại. Tự do sẽ được hoàn thiện ở những chế độ xã hội tiến bộ nhất khi biết coi con người là tinh hoa của vũ trụ: Trên đỉnh Côcadơ/Prômêtê chọn Tự Do. /Trói thân thể ta - xiềng xích/Thiêu thịt da ta - mặt trời/Vùi hơi thở ta - băng tuyết / Moi lá gan ta - ác điểu./ Tự Do/ ta lựa chọn:/Ngọn Lửa cho nhân gian. (Lựa chọn Prômêtê).
Góc nhìn cuộc sống được tác giả lựa chọn chủ yếu ở tinh thần phản biện. Đây thực sự là tác giả đã “tự làm khó” mình theo lối nghĩ thông thường. Tình huống như người đi trên dây vậy. Không giữ tốt thăng bằng, anh sẽ bị chao đảo ngã nghiêng và đối mặt với nguy cơ rớt ngã. Chiếc sào thăng bằng là gì nếu không phải là lòng yêu nước nồng nàn và trách nhiệm của một công dân, cao hơn nữa là của một trí thức trước tương lai của Tổ quốc, của nhân dân. Không còn lựa chọn nào khác, mỗi chúng ta phải “tuyên chiến” với kẻ thù của tự do, dân chủ. Muốn vậy phải thấu hiểu, tự do dân chủ là gì; hiểu đúng sẽ hành động đúng.
Sự độc quyền, độc đoán, độc diễn là cái dễ thấy nhất của sự mất dân chủ: Anh bỏ phiếu một mình, anh kiểm phiếu/Một mình anh thắng áp đảo anh rồi (Chủ trương vui).
Lấy gì để minh chứng chủ trương đúng hay sai? Kết quả thực tiễn! Không thể khăng khăng cho rằng chủ trương này đúng khi hàng nghìn cây xanh nhiều tuổi đã bị đốn hạ oan khuất trên đường phố Thủ đô và thay vào đó là những cây mỡ khai gian vàng tâm: Chiều ngơ ngẩn ngắm vàng tâm tức mỡ/Bóng xanh xưa, thôi thế đã thôi rồi/Chủ trương đúng, muôn năm, anh tin chứ/Ơi hàng cây oan khuất đã lìa đời (Chủ trương vui).
Thói nói dối làm gian đang phổ biến trong xã hội ta và nó là một trong những mối nguy lớn của đất nước. Thường cái điều xấu xa đó lại được giấu kín ẩn sâu trong những lớp vỏ “đàng hoàng”: Nói dối/hồn nhiên trịnh trọng/Làm gian/vô tư hoành tráng (Tuyệt kỹ).
Chủ nghĩa cá nhân, lợi ích nhóm đang diễn ra hàng ngày hàng giờ trên đất nước ta. Lòng tham vô độ đã chi phối tới nhận thức, hành vi, phẩm hạnh của một bộ phận không nhỏ cán bộ đảng viên có chức quyền. Vì tiền họ sẵn sàng đánh đổi hết kể cả sự yên bình, trong lành của đất nước. Như mụ vợ trong câu chuyện cổ tích “Ông lão đánh cá và con cá vàng”, họ bị ám ảnh chiếc máng lợn trong đầu: Biển đương sùi bọt mép/ Cá sợ bạc cả râu/Chỉ vì cái máng lợn/Mắc cạn ở trong đầu.(Biển ốm trong máng lợn sứt mẻ).
Thảm họa biển ở bốn tỉnh bắc miền Trung do Formosa Hà Tĩnh xả thải chất độc hại bắt đầu từ lòng tham của con người. Nỗi cơ cực thì nhân dân phải gánh chịu trong khi két tiền của kẻ bất lương cứ đầy lên. Trong tình hình này, thơ cứ điềm nhiên ngợi ca một chiều hay mơn man tình ái sẽ quá nhẫn tâm. Hoàng Xuân Tuyền đứng về phe nước mắt nhưng các bạn thấy đấy, cách diễn đạt đã khác biệt. Từ hiện tượng anh đi vào bản chất sự vật nhưng không phải bằng ngôn từ của triết học mà bằng hình ảnh thủ pháp của thi ca.
Tư duy vận hành trên đại lộ chắc chắn phải khác tư duy rảo bước đường làng. Thời hội nhập, toàn cầu hóa nghĩ và làm không thể giống thời tự cung, tự cấp. Biển cả khác ruộng đồng…Thế mà, vẫn còn không ít những nghênh ngang cản trở mang dấu ấn bảo thủ. Nguy hiểm hơn là bất chấp quy luật vận động. Hoàng Xuân Tuyền có hai bài thơ viết về vấn đề này khá hay là Đại lộ và Lẽ nào. Bằng lối nói ẩn dụ, pha chút hài hước hai bài thơ cho ta những suy ngẫm về xã hội thật ấn tượng:
-Píp píp/Kính bà trâu nguyên là đầu cơ nghiệp/Thưa ông trâu cựu chủ đạo kéo cày/Thế giới phẳng chúng mình cùng tiến bước/Lối văn minh không đi đứng thế này/Píp píp / Tai lá mít không thèm động đậy/Đít lồng bàn nguây nguẩy giăng ngang. (Đại lộ)
-Xe đạp chưa từng tập/xe máy không biết đi/hăng tiết vịt chơi tuốt mô tô bay./Chắc muốn thiên hạ lác mắt/Hẳn đầu óc có vấn đề gì. (Lẽ nào)
Con đường lưu manh hóa của gã Chí Phèo (nhân vật nổi tiếng trong truyện của Nam Cao) được hình thành và tiếp sức bởi một xã hội bất công sinh ra nhiều “cụ Bá”. Lẽ đời là vậy, xưa và nay đều thế, cái ác đẻ ra cái ác; sự lưu manh này sinh ra sự lưu manh khác như một cặp đôi cân xứng vậy: Thị Nở giờ xinh khắp lượt rồi /Muôn năm!Đau khướt Chí Phèo ơi!Hễ còn cụ Bá- còn anh Chí/Đôi lứa nào hơn đôi xứng đôi. (Viết ở làng Vũ Đại)
Hoàng Xuân Tuyền nhìn thẳng vào sự thật và bắt nó lộ diện ra ánh sáng đôi khi thật se sắt nghiệt ngã. Anh không muốn vòng vo nữa, hình như thế. Nói cái khiếm khuyết của dân tộc không phải là ghét bỏ nơi mình đã sinh ra và lớn lên mà muốn lay tỉnh, thúc giục cộng đồng biết vượt lên từ những thói quen trở ngại. Bởi trên trái đất này, có dân tộc nào hoàn thiện đâu. Chỉ có những dân tộc trở nên vĩ đại khi tìm hiểu, nắm bắt và vận dụng đúng những quy luật tự nhiên, xã hội vào hành trình tồn tại và phát triển của mình. Chàng Niu - tơn nhìn trái táo rơi rồi suy nghĩ đêm ngày hiện tượng này để tìm ra định luật vạn vật hấp dẫn chắc chắn khác biệt với gã Đại Lãn chờ sung: Nửa vòng trái đất bên kia/Người ta vắt tay lên trán / Hỏi:/-Vì sao táo rụng xuống đất/Mà không rụng vút lên trời?/Nửa vòng trái đất bên này/Người mình vắt tay lên trán/Hỏi: -Sung sẽ rụng chỗ nào nhỉ/Để miệng há trúng điểm rơi?/Khác biệt của bao khác biệt/Bắt đầu chỉ bấy nhiêu thôi. (Khác biệt) Chắc chắn sẽ có những dị ứng, không đồng thuận với cách diễn luận này. Điều đó cũng không có gì lạ. Thi ca mang trong nó nhiều hình thái, cung bậc và khi diễn đạt có hiệu quả đều có giá trị như nhau. Không ai coi thơ Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương… là dở khi tính phê phán xã hội trong đó rất cao. Chúng ta mặc định giá trị Nam quốc sơn hà, Bình Ngô đại cáo… bằng những căn cứ nội dung và nghệ thuật khác với Truyện Kiều hay Mời trầu…
Tôi không có ý định khen hay chê tập thơ Tự Do của Hoàng Xuân Tuyền theo kiểu mới hay cũ, hiện đại hay truyền thống. Tôi chỉ thấy nó khác biệt với thơ phổ biến hiện nay. Cả tập thơ chỉ có một vấn đề xuyên suốt, đó là tự do và dân chủ. Rất khó! Đòi hỏi người viết phải có một năng lượng không nhỏ kết tụ lại từ cảm xúc, tri thức, vốn sống, bản lĩnh và khả năng diễn đạt. Chẳng hiểu sao tôi thấy nhiều bài thơ trong tập có sức hút khi đọc, khá ám ảnh từ cái tên bài: Lục bát tự do; Phút bù giờ của cuộc chơi dương gian; Chủ trương vui; Ngày hoang; Rỗng; Khác biệt; Biển ốm trong máng lợn sứt mẻ; Tôi-một phần của đám đông ta… đến cấu trúc chặt chẽ, tới sự trộn hòa các yếu tố chính trị - xã hội, các tính chất của thơ như bi - hài, trữ tình -trào phúng, dân gian - hiện đại. Ta dễ dàng bắt gặp những thi ảnh độc đáo và câu thơ khá: căn nhà xưa/nhìn vạch nắng/đưa chiều đi/không gì cản nổi (Này, cậu vàng…); Ngày buông xám, phố phường ươm sắc xá /Xám trong ta và xám khắp nơi nơi/Cỏ cây hỡi:hãy xám lên mơn mởn/Chỉ chủ trương được xanh mướt trên đời (Chủ trương vui); Hỏi vạn kiếp lau muôn bờ Dịch Thủy-/những anh hồn tráng sĩ: Tần Thủy Hoàng chết rồi/bạo quyền có hết đâu?Giết Tần vương, rồi thì làm gì?/Gió hiu hiu hề…/Câu trả lời: trắng buốt bến sông mê. (Kinh Kha); Không tự chọn ghét, chẳng chọn yêu/Ấm lạnh, méo tròn - đâu quyền anh chọn/Thời gian chọn nốt cả mầu rêu (Đời cuội); Thung lũng loang đầm ánh trăng/Cho sói hát bài ca cũ/Câu hát thấm từ dòng sữa/Ấm nồng trong bầu máu loang (Tìm về thung lũng trăng)…
Chất nghĩ có nhiều trong tập thơ Tự Do. Nói thêm, nhưng nó không hề khô khan trần trụi mà thấm đầy xúc cảm của người viết. Hơi thơ, tiết tấu thơ đã nói lên điều đó. Nhịp thơ thường nhanh gấp như nhịp trái tim khi xúc động. Tôi cũng không khỏi day dứt trăn trở và có những suy ngẫm về quá khứ, hiện tại và tương lai của đất nước, của nhân loại khi đọc Hoàng Xuân Tuyền. Vậy nên, khi đọc thơ anh tôi đã gõ phím ghi lại những cảm nhận của mình. Không biết có nhận được đồng cảm, chia sẻ của ai khác không khi thơ Tuyền đang có những khác biệt một cách rõ ràng như thế.
Hà Nội, những ngày đầu năm dương 2017 cuối năm âm Bính Thân
Nguyễn Hữu Quý
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...