Thứ bảy, ngày 21 tháng 09 năm 2024
17:56 (GMT +7)

Thi hoa hậu và các “thảm họa ứng xử”

VNTN - Với sự ra đời của cuộc thi Hoa hậu Pháp (1920), Hoa hậu Mỹ (1921), Sắc đẹp Quốc tế (1926), lịch sử đấu trường nhan sắc thế giới đã có tuổi đời gần 100 năm. Trong suốt nửa chặng đường đầu tiên, sân chơi của các người đẹp gặp phải làn sóng phản đối dữ dội với luồng ý kiến cho rằng, những phần thi hình thể hạ thấp giá trị của nữ giới, biến họ thành trò giải trí. Thậm chí, ngay tại cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ 1970, nhóm phản đối còn ném bột mì lên sân khấu để lên tiếng “bảo vệ nữ quyền”. Trước dư luận ấy, phần Ứng xử được đưa vào kết cấu cuộc thi nhằm thể hiện ý nghĩa: phụ nữ không chỉ là món đồ trang trí mà còn đại diện cho nhân cách, trí tuệ. Đây cũng là tiêu chí cuối cùng để “so bó đũa chọn cột cờ” khi mà những người đẹp nhất bước chân vào chặng nước rút.

Trả lời một phút, tiếng để ngàn năm

Thông thường, phần Ứng xử luôn được đặt ở vị trí cuối cùng, sau khi các người đẹp lần lượt đi qua “bể lọc” là rất nhiều nội dung thi đấu trước và trong đêm chung kết. Trước áp lực tâm lý nặng nề, không ít hoa hậu đã hoàn thành xuất sắc phần thi của mình. Một số người đẹp “lưu danh” sử sách với ứng xử thông minh như hoa hậu Ấn Độ Lara Dutta, hoa hậu Trung Quốc Trác Linh, hoa hậu Angola Leila Lopes …

 Trong lịch sử đấu trường nhan sắc Việt Nam, chúng ta cũng không ít lần chứng kiến sự sắc sảo của những người đẹp. Nguyễn Ngọc Lan Khuê cũng xứng đáng được ghi danh vào lịch sử những người đẹp ứng xử thông minh khi nói về “điều mà bạn muốn thay đổi trong quá khứ”. Hoặc dù không giành được vương miện Hoa hậu Việt Nam vào năm 2004, song Trịnh Chân Trân đã để lại những ấn tượng sâu sắc trong lòng khán giả với phần ứng xử trí tuệ mà tin rằng, ngay cả trong trạng thái tâm lý bình thường, không phải ai cũng có được: "Thế giới của ngày hôm qua và cả thế giới ngày hôm nay đều có những điều bất ổn. Dù trực tiếp hay gián tiếp, chúng ta cũng đang phải gánh chịu sự bất ổn đó. Thật khó khăn để có thể ngăn chặn mọi chuyện sẽ xảy đến trong tương lai, cũng như khắc phục những gì đã thuộc về quá khứ. Với những bất ổn đến do ngoại cảnh như bệnh tật, thiên tai, chúng ta cùng nhau tìm cách phòng ngừa và khắc phục. Nhưng sự bất ổn đến do con người như bạo lực, khủng bố, thì chỉ còn cách hãy sống với nhau có trách nhiệm hơn. Chỉ có như vậy, thế giới của ngày mai mới là thế giới hòa bình".

Bên cạnh những ứng xử xuất sắc, vô vàn “thảm họa” mà các người đẹp để lại sau các cuộc thi từ nhỏ đến lớn trên khắp hành tinh. Nổi tiếng nhất có lẽ là trường hợp của người đẹp Caitlin Upton trong cuộc thi Hoa hậu Teen Mỹ. Caitlin Upton nhận được câu hỏi: “Hiện nay, có tới 20% người Mỹ không thể chỉ ra được vị trí của nước Mỹ trên bản đồ. Bạn giải thích vì sao lại có chuyện này?” Câu trả lời “bất ngờ” của cô đã làm mọi người trên khán đài và trước màn ảnh sửng sốt:“Cá nhân tôi tin người Mỹ không làm được điều này là bởi vì… một vài người không có bản đồ. Và… tôi tin rằng, nền giáo dục của đất nước chúng ta, cũng giống ở Nam Phi và… Iraq, và mọi nơi khác. Và tôi tin rằng họ… nên, giáo dục Mỹ nên giúp đỡ người Mỹ, Nam Phi, Iraq và các quốc gia châu Á khác, để phát triển một tương lai cho chúng ta…”. Sau phần ứng xử tệ hại, cô đã phải sống trong những tháng ngày đen tối, thậm chí từng có ý định tìm đến cái chết.

Ở Việt Nam, câu trả lời của người đẹp Phan Thị Thu Phương với chi tiết: “Em muốn người Trung Quốc hãy mở giàn khoan đó ra, và để cho đất nước Việt Nam của em ngày càng xinh đẹp hơn" là một ví dụ “kinh điển”. Trước đó 15 năm, phần ứng xử “dài nhất trong lịch sử” của Vũ Thúy Vy, cũng từng được đưa vào chương trình Gặp nhau cuối tuần để lấy tiếng cười của khán giả. Nhiều bộc bạch “thật thà” cũng bị dư luận đem ra mổ xẻ như Lâm Thị Thúy:  “…Có thể các khán giả thấy mắc cười nhưng em nghĩ, khi mình cho đi mà không nhận lại được một ít thì mình sẽ cảm thấy buồn và day dứt lắm đó"... Ngay cả hoa hậu Nguyễn Cao Kỳ Duyên cũng chưa làm hài lòng khán giả với phần trả lời cũ mòn và sáo rỗng về “đức hy sinh của những người phụ nữ khi tiễn chồng con ra mặt trận” bởi đã từ lâu, người ta không còn coi sự hy sinh của phụ nữ như một phẩm chất đáng phát huy nữa.

Thành bại không chỉ ở người đẹp

Là đám đông tiếp nhận, công chúng có thể mặc sức tán dương hay mổ xẻ thí sinh trên sân khấu, song khách quan mà nói, có rất nhiều lí do khiến vinh quang hay thảm hoạ ứng xử đôi khi phụ thuộc vào yếu tố may mắn.

Thứ nhất, không thể không cảm thông cho các người đẹp khi họ phải đối mặt với một áp lực tâm lý nặng nề. Chúng ta run rẩy khi phát biểu trước một dúm người thì đừng trách các thí sinh lúng túng khi đứng trước hàng triệu khán giả theo dõi trực tiếp, nhất là khi họ gần như không có đến 10 giây để suy nghĩ. Hầu hết các người đẹp phải trả lời ngay sau khi nhận được câu hỏi và họ chỉ biết “kéo dài thời gian” với một câu duy nhất: “Lời đầu tiên em xin gửi lời chào…”.

Thứ 2, chúng ta không thể đòi hỏi câu trả lời mới lạ khi hết năm này qua năm khác, những câu hỏi cứ lặp đi lặp lại với công thức cũ mòn: Vì sao bạn xứng đáng trở thành hoa hậu? Nếu chiến thắng trong buổi tối hôm nay, em sẽ làm gì? Theo bạn, phụ nữ hiện đại cần hội tụ những yếu tố nào?... Các giám khảo Việt Nam cũng thường xuyên lặp lại câu hỏi trong các cuộc thi Quốc tế. Đạo diễn Lê Hoàng hỏi người đẹp Quỳnh Châu tại cuộc thi Hoa khôi Áo dài 2016: “Nếu chỉ còn một ngày để sống không cần nguyên tắc, em sẽ làm gì?” Đây là câu hỏi nổi tiếng trong cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ 1997 dành cho Hoa hậu Mỹ Brook Mahealani Lee. Nhà nhân trắc học Lê Diệp Linh hỏi một thí sinh trong vòng chung kết Hoa hậu Việt Nam 2014: “Cuộc sống của ai dễ dàng hơn: phụ nữ hay nam giới” giống 100% câu hỏi đã đem về vương miện cho Hoa hậu hoàn vũ Thế giới Dayana Mendoza (2008). Hoa hậu Nguyễn Ngọc Lan Khuê với câu trả lời rất xuất sắc về “điều muốn thay đổi trong quá khứ” cũng đã từng xuất hiện trong nhiều cuộc thi Quốc tế. Thiết nghĩ, trí tuệ không chỉ nằm ở người trả lời mà nó còn nằm ở người ra đề bài. Chỉ 5 đến 7 câu hỏi chuẩn bị trước nhiều tháng mà không có được sự sáng tạo, thông minh và văn hóa thì lỗi lớn thuộc về Ban Tổ chức.

Ba người đẹp đăng quang cuộc thi  Hoa hậu Việt Nam 2016 (ảnh Tiền Phong)

Một câu trả lời được coi là “lên tiên” hay “xuống vực” còn phụ thuộc vào phông văn hóa của người tiếp nhận. Đó là lí do vì sao, cô Brook Mahealani Lee chọn “ăn tất cả mọi thứ trên thế giới đến 2 lần nếu chỉ được sống một ngày không nguyên tắc” ghi tên vào danh sách những câu trả lời hay nhất lịch sử, thì cô Quỳnh Châu của Việt Nam lại bị gọi là tầm thường. Trong khi người phương Tây trọng tiêu chí hài hước thì người Việt lại theo hướng “quan phương”. Tại cuộc thi Hoa hậu Hoàn Vũ 1969 với câu hỏi “Một vài ngày sắp tới, con người sẽ đặt chân lên mặt trăng. Nếu người đàn ông vừa từ mặt trăng trở về đến thăm đất nước bạn, bạn sẽ làm gì để chào đón anh ấy?”, hoa hậu Philippin Gloria Diaz giành vương miện với câu trả lời: “Thì chắc sẽ y hệt như điều tôi đang làm. Tôi nghĩ anh ta đã ở trên mặt trăng lâu quá. Nếu anh ấy đến thăm đất nước của tôi có nghĩa là muốn tìm một quang cảnh nào đó khác hơn ở mặt trăng, tôi đoán thế”. 50 năm sau, các người đẹp của chúng ta cũng chưa dám đùa giỡn như vậy và rất có thể, nếu cô Gloria thi đấu ở Việt Nam, cô sẽ bị loại bởi một câu trả lời “nhí nhố”.

Một ví dụ khác là câu chuyện Ban Tổ chức cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2015 “cách tân” với phần thi Ứng xử thực hiện trên clip, trong đó có một câu hỏi khá lạ tai: “Nếu được ví tính cách của mình với một con vật, bạn giống con vật nào?”. Rất nhiều người đẹp bị cười chê khi nhận mình giống “con chó”. Văn hóa Việt coi chó là loại động vật thấp kém, dốt nát, song điều này khác với hầu hết các quốc gia trên thế giới. Chính vì vậy, người viết cho rằng, nếu nhìn bằng lăng kính văn hóa phổ biến của nhân loại, việc hoa hậu nhận mình giống con cún không đáng cười mà sự thiếu sót nằm ở phía người ra đề. Đáng ra, Ban Tổ chức nên lựa chọn một câu hỏi phù hợp phông văn hóa Việt, tránh tạo ra những phản ứng trái chiều.

Các cuộc thi sắc đẹp ngày một nhiều hơn, đầu tư kỹ lưỡng hơn đáp ứng thị hiếu ngày một cao của công chúng. Một trong những sự đầu tư ấy sẽ được thể hiện trong phần thi ứng xử. Ban tổ chức cuộc thi Hoa hậu Việt Nam lần đầu tiên phát động cuộc thi “Đặt câu hỏi cho thí sinh” - đó là một sự sáng tạo. Nhiều người đẹp Việt Nam gần đây thể hiện kiến thức tốt và khả năng nói tiếng Anh lưu loát - đó là sự nỗ lực. Với những sáng tạo và nỗ lực ấy, chắc chắn nhiều hoa hậu của chúng ta sẽ làm được như Á hậu Hoàn vũ thế giới Thúy Vân: thông minh và tỏa sáng trên đấu trường sắc đẹp Quốc tế.

Suối Linh

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy