Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024
00:51 (GMT +7)

Theo dấu người bảo vệ Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh (Kì 2)

 (Kỳ I)

VNTN - Bà Nông Thị Trưng (Nông Thị Bày) - người con gái Tày được Già Thu đặt tên hồi hoạt động bí mật ở Pác Bó, sau hòa bình lập lại 1954 là Chánh án Tòa án Nhân dân tỉnh Cao Bằng, kể lại trong cuốn “Những ngày sống gần Bác Hồ”, (Hồi ký cách mạng của chị Nông Thị Trưng, Nxb Dân tộc Việt Bắc, 1966, trang 38,39): ý thức tiết kiệm và tình thương yêu cán bộ của Bác Hồ thấm vào anh Lộc. Thứ gì ngon lành của đồng bào các nơi gửi biếu Bác, tôi không bao giờ thấy Bác ăn một mình cả. Bác bảo anh Lộc để dành cẩn thận, khi đồng chí nào đi công tác về mệt, Bác lại đem ra thết anh em ăn. Hồi đó, Bác rất gầy, nhưng Bác không sống vì bản thân mình, không ăn ngon khi anh em còn phải ăn khổ. Dân quanh vùng Pác Bó hồi ấy đều ăn ngô cả. Thấy Bác gầy yếu, các đồng chí rất thương; Anh Lộc nấu ăn và bảo vệ cơ quan, muốn ưu tiên mua gạo nấu riêng để Bác ăn. Bác bảo:

- Các chú không được làm thế, nhân dân ăn gì ta ăn nấy. Các chú làm cách mạng cứu nước, tôi cũng làm cách mạng cứu nước và giải phóng dân tộc khỏi ách nô lệ…Nhân dân ta còn đang đói khổ, phải ăn củ mài, củ “pá pẩu”, các chú ăn độn, ăn ngô, tôi cũng chỉ được ăn như các chú thôi…

Anh Lộc cho biết không bao giờ Bác nấu ăn riêng cả. Dù lúc nào cũng có sẵn các thứ đồng bào ủng hộ, Bác chỉ thết các anh em ăn thôi…

Ý thức cần kiệm của Bác, ăn ngày hôm nay, biết lo cho ngày mai, biết lo cho cuộc sống của tập thể, đã thấm sâu vào anh Lộc, người quản gia của Bác truyền sang các cán bộ đoàn thể Việt Minh…

Từ lời phát biểu của nhân chứng lịch sử trong phim “Bác Hồ ở Chiến khu” do Báo Thái Nguyên điện tử sản xuất, tôi tìm gặp bà Hoàng Thị Hoa (tên khai sinh là Hoàng Thị Lần), 93 tuổi (2013), người dân tộc Nùng, vợ ông Hoàng Văn Súng (tức Hoàng La Thanh) đảng viên Chi bộ Pác Bó, từ năm 1940 (trước khi đồng chí Nguyễn ái Quốc về nước), sau là chiến sĩ Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân ngày đầu thành lập (22/12/1944), nhà ở bản Cốc Chủ (làng Pác Bó), được em rể là Lê Quảng Ba (vợ là Hoàng Thị Đào, em gái La Thanh), đưa Già Thu (tức Nguyễn ái Quốc) đến nhà ở, làm việc ba ngày, Người đặt tên cho bà là Hoàng Thị Hoa và chỉ thị chọn, đặt trạm giao thông liên lạc tại nhà bà Hoa hồi 1941 - 1945. Hiện bà Hoa sống với con trai ở phường Hoàng Văn Thụ, thành phố Thái Nguyên. Bà nhớ như in hồi Bác Hồ ở hang Cốc Bó, cách nhà La Thanh trên 200m, thiếu thốn trăm bề. Phạm Văn Lộc thạo cả tiếng Trung Quốc, tiếng Tày, sống chan hòa nên dân rất quý mến. Khi Bác Hồ chủ trì Hội nghị lần thứ 8 của Trung ương Đảng, từ ngày 10 đến 19/5/1941 ở Khuổi Nặm, về dự có đồng chí Trường Chinh, Hoàng Văn  Thụ, Hoàng Quốc Việt, Phùng Chí Kiên cùng các đại biểu của Bắc Kỳ, Trung Kỳ và đại biểu hoạt động ở hải ngoại. Nhà Hoàng La Thanh - Hoàng Thị Hoa trở thành trạm đón tiếp, phục vụ đại biểu…

Anh Lộc phụ trách hậu cần, cùng vợ chồng bà Hoa và đảng viên Pác Bó phối hợp với lực lượng canh gác bảo vệ, lo ăn, ngủ, nghỉ cho các đại biểu trong suốt thời gian Hội nghị, trong điều kiện hoạt động bí mật, dưới tai mắt của mật thám, việt gian, sự kiểm soát, đàn áp khủng bố của bộ máy cai trị hà khắc của thực dân Pháp và phong kiến tay sai từ châu xuống xã, tổng, bản. Việc lo lương thực, thực phẩm, nấu ăn, phục vụ ngủ, nghỉ cho nhiều đại biểu dự Hội nghị hết sức khó khăn. Nhưng với sự tháo vát của Phạm Văn Lộc, bà Hoàng Thị Hoa - Hoàng La Thanh và cả tổ hậu cần Pác Bó đã bảo vệ, phục vụ an toàn tuyệt đối để Hội nghị Trung ương thành công tốt đẹp.

Đó chẳng đã là một chiến công thầm lặng đó sao?

Tôi đã cùng đoàn Ban quản lý Khu di tích Lịch sử - Sinh thái ATK Định Hóa, Thái Nguyên đưa người cán bộ lão thành cách mạng 93 tuổi, 71 năm tuổi Đảng (2014) cùng người con gái bà là chị Hoàng Thị Sèn, nguyên cán bộ giảng dạy trường Đại học Sư phạm - Đại học Thái Nguyên trở về quê nhà ở xóm Cốc Chủ, khu Di tích Lịch sử Pác Bó. Bà Hoa, đưa chúng tôi thăm di tích nhà cũ của bà, nơi đặt trạm giao thông Trung ương theo Chỉ thị của Bác Hồ từ năm (1941 - 1945), là nơi đón tiếp, lo ăn nghỉ cho các đồng chí Đại biểu dự Hội nghị Trung ương 8 (tháng 5/1941) ở Khuổi Nặm. Bà Hoa cho biết bà đã giao lại nhà cho Bộ phận quản lý Di tích Pác Bó, từ năm 1961, nay chỉ còn nền, tấm biển công nhận Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia, gắn vào vách núi ngay đường vào cửa hang ghi dấu cụ Thu Sơn từng đến ở, làm việc những ngày đầu về nước (1941).

Không khí Tổng khởi nghĩa dâng trào khắp núi rừng Việt Bắc, Bác quyết định chuyển cơ quan về xuôi, gần Hà Nội để tiện liên lạc với Trung ương Đảng và lãnh đạo Tổng khởi nghĩa cướp chính quyền.

Thắp hương trước bia tưởng niệm Liệt sĩ Phạm Văn Lộc tại Khuôn Tát, xã Phú Đình, 

huyện Định Hóa (17/8/2014)

 

Ngày 4/5/1945, Hồ Chí Minh cùng Đoàn 25 người (tiểu đội bảo vệ 12 người), có Phạm Văn Lộc rời Pác Bó, Hà Quảng về Tân Trào... Đến 21/5/1945, Bác đến đình Hồng Thái, về nhà ông Nguyễn Tiến Sự, chủ nhiệm Việt Minh xã Tân Trào, Phạm Văn Lộc được Bác Hồ cử sang phụ trách công binh xưởng ở Tuyên Quang, còn Người lên ở, làm việc tại lán Nà Lừa, lãnh đạo tổng khởi nghĩa tháng 8/1945...

Trước lúc rời Tân Trào về Hà Nội, Hồ Chí Minh - Chủ tịch ủy ban giải phóng dân tộc (tức Chính phủ lâm thời) căn dặn các đồng chí Phạm Văn Đồng, Hoàng Văn Hoan, Trần Thị Minh Châu, Triệu Hồng Thắng… ở lại củng cố căn cứ địa Việt Bắc: “Biết đâu ta còn quay lại đây nhờ cậy đồng bào lần nữa”. Người căn dặn đồng chí Lộc: “Chú hiểu biết về cơ khí, ở lại xây dựng công binh xưởng, rồi có ngày sẽ cần đến”. Với tầm nhìn chiến lược Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tiên lượng sớm muộn gì, Đảng, Chính phủ sẽ phải trở lại Tân Trào, căn cứ địa Việt Bắc để kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, việc xây dựng, củng cố căn cứ địa là vấn đề tối cần thiết. Người đã tin tưởng giao nhiệm vụ khó khăn này cho người cận vệ thân tín của mình và một số đồng chí tin cậy.

Ngày 2/9/1945 tại Quảng trường Ba Đình, Người đọc Tuyên ngôn độc lập, khai sinh Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Nhiều đồng chí hoạt động cách mạng từ trước Tổng khởi nghĩa tháng 8/1945 được Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh giao đảm đương các cương vị lãnh đạo xứng đáng. Đồng chí Phạm Văn Lộc kể từ 1928 đến Tổng khởi nghĩa tháng 8/1945, là 17 năm hoạt động cách mạng, chủ yếu giúp việc, bảo vệ Nguyễn ái Quốc - Hồ Chí Minh đến khi nước nhà độc lập, Phạm Văn Lộc vẫn không mảy may đòi hỏi quyền lợi cho bản thân, không nề hà bất cứ nhiệm vụ gì cách mạng và Bác Hồ giao phó...

Đúng như nhận định của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trước hành động xâm lược của Thực dân Pháp, bùng nổ toàn quốc kháng chiến (19/12/1946). Các huyện Định Hóa, Phú Lương, Đại Từ, Võ Nhai (Thái Nguyên), cùng các huyện Chợ Đồn (Bắc Cạn), Sơn Dương, Yên Sơn, Chiêm Hoá (Tuyên Quang) trở thành An Toàn Khu (ATK) Trung ương - nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh, Trung ương Đảng, Chính phủ ở, làm việc lãnh đạo cuộc kháng chiến bảo vệ độc lập dân tộc... Phạm Văn Lộc đang phụ trách binh công xưởng ở Tuyên Quang (1945 - 1947) được gọi về ATK Định Hóa làm nhiệm vụ bảo vệ, giúp việc Chủ tịch Hồ Chí Minh ở CQ 41 (mật danh của Phủ Chủ tịch) để biểu thị quyết tâm kháng chiến và nhắc nhở cán bộ chiến sĩ đồng lòng quyết tâm  Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt tên cho các cán bộ, chiến sĩ, bảo vệ, phục vụ, giúp việc Người theo khẩu hiệu: Trường, Kỳ, Kháng, Chiến, Nhất, Định, Thắng, Lợi và Đồng, Tâm, Trung, Dũng; Kiên, Quyết, Cần, Kiệm, Liêm. Đồng chí Lộc mang tên Đồng (tức đồng lòng, đồng tâm, đồng chí).

Ngày 20/5/1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng các chiến sĩ bảo vệ, giúp việc đến đồi Khau Tý, xã Điềm Mặc, ATK Định Hóa, đặt Phủ Chủ tịch trong rừng kháng chiến nép mình dưới tán đa cổ thụ có con suối Đình chảy quanh.

Anh Đồng (Phạm Văn Lộc) và chị Thường (tức Trần Thị Thái), vợ đồng chí Hoàng Hữu Kháng được điều về cùng 8 cán bộ, chiến sĩ làm công tác bảo vệ, phục vụ, dân vận cho Văn phòng Phủ Chủ tịch. Trước nguy cơ chiến sự lan rộng do quân viễn chinh Pháp chuẩn bị đánh lên cơ quan đầu não của Chính phủ Hồ Chí Minh ở Việt Bắc, Bác làm việc trắng đêm. Anh Đồng cùng anh em tận tình làm việc phục vụ công tác, chăm lo cho sức khỏe của Người, nuôi gà lấy trứng, thả đàn vịt ở suối Đình, trồng mướp…Trong khó khăn, gian khổ ấy, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có đủ sức khỏe lãnh đạo, chỉ đạo kháng chiến, tại Khau Tý, Người sáng tác bài thơ “Cảnh khuya”:

Đêm khuya nhân lúc quan hoài

Lên câu thơ thẩn “chờ ai họa vần”

Tiếng suối trong như tiếng hát xa, 

Trăng lồng cổ thụ, bóng lồng hoa. 

Cảnh khuya như vẽ, người chưa ngủ, 

Chưa ngủ vì lo nỗi nước nhà.

Nước nhà đương gặp lúc gay go

Trăm việc ngàn công đều phải lo

Giúp đỡ nhờ anh em gắng sức

Sức nhiều thắng lợi lại càng to.

Cũng tại nơi đây, Hồ Chí Minh đã hoàn thành tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc”, cuốn cẩm nang gối đầu giường của cán bộ, đảng viên trong kháng chiến đến nay vẫn còn nguyên giá trị và mang tính thời sự.

Ngày 7/10/1947, quân viễn chinh Pháp bao vây đánh lên Căn cứ địa Việt Bắc. Ngày 15/10/1947, sau khi Hồ Chủ tịch chủ trì Hội nghị Ban thường vụ Trung ương Đảng ra chỉ thị Phá tan cuộc tấn công mùa đông của giặc Pháp, anh Đồng cùng các chiến sĩ Cơ quan 41 bảo vệ Người được đồng chí Chu Văn Tấn đưa đường di chuyển qua La Hiên sang làng Vang (xã Liên Minh) ATK Trung ương tại huyện Võ Nhai, Thái Nguyên để lãnh đạo cuộc chiến đấu phá tan cuộc bao vây, tấn công Căn cứ địa Việt Bắc của thực dân Pháp.

Theo dấu Hồ Chí Minh và Phạm Văn Lộc ở ATK Việt Bắc - Thái Nguyên, tôi gặp bà Nguyễn Thị Thành, 84 tuổi, xóm Làng Vang, xã Liên Minh. Bà vẫn nhớ hồi tháng 10/1947 Bác Hồ cùng các anh Kỳ, Thắng, Chiến, Đồng, Tâm… đã đến ở nhà bà, khi ấy bà mới 16 tuổi. Bố bà là ông Nguyễn Văn Đắc, một đảng viên cốt cán đã nhường nhà cho cơ quan, sau hai tuần Bác mới chuyển ra ở, làm việc tại Rõng Là Ghè, mẹ bà và bà được giúp anh Đồng xay ngô, xay đậu tương, nhặt rau, làm gà, phục vụ Bác và cơ quan. Mỗi khi có khách lại gõ vào mõ tre để báo hiệu, anh Đồng ra nhận lương thực, thực phẩm do cán bộ xã và hậu cần trung ương cung cấp… Anh Đồng nấu nướng nhanh, tính cẩn thận, làm cái gì cũng đến nơi, đến chốn. Bà Thành nhấn mạnh, cơ quan Bác di chuyển trước khi giặc Pháp nhảy dù xuống Võ Nhai, anh Đồng còn xuống nhà nhắc ông Đắc và gia đình là Bác Hồ dặn phải ngay lập tức cất giấu tài sản ra rừng, sơ tán người, gia súc tản cư vào rừng, tránh giặc càn đến…

Sau đó cơ quan Bác di chuyển về Bình Trung, Nghĩa Tá (ATK Chợ Đồn, tỉnh Bắc Cạn giáp ranh với Định Hóa), trở về Khuôn Tát, xã Phú Đình (ATK) Định Hóa dưới chân núi Hồng. Sốt rét, bệnh đường ruột, khí hậu khắc nghiệt đã quật ngã Phạm Văn Lộc tại căn lán bên bờ khe suối Khuôn Tát (ngày 3/5/1948). Bác Hồ không ngăn được dòng lệ. Anh em trong Văn phòng Phủ Chủ tịch đau buồn chôn cất đồng chí Lộc bên sườn đồi suối Khuôn Tát, xã Phú Đình, ATK Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên.

Sáng 19/5/1948, anh em bảo vệ, phục vụ, giúp việc Bác Hồ ở Khuôn Tát, ATK Định Hóa sửa soạn từ tối hôm trước để chúc thọ Bác. Anh em hái một bó hoa rừng, chờ sẵn, khi Bác bước từ căn gác nhỏ nhà sàn xuống, anh em chạy lại xếp hàng ngang trước mặt, một đồng chí nhanh nhẹn chúc Bác: “Nhân dịp sinh nhật Bác, chúng cháu kính chúc Bác mạnh khỏe, sống lâu”.

Cầm bó hoa rừng anh em trao tặng, Bác rưng rưng nước mắt: “Bác cám ơn các chú, Bác nhờ các chú đem bó hoa này đặt lên mộ chú Lộc cho Bác”. Anh em ai cũng chảy nước mắt vì thương nhớ người đồng chí và vì cả tình cảm của Bác. Sau khi mang bó hoa rừng ra viếng mộ đồng chí Lộc, trở về quây quần dưới căn lán nhà sàn, Bác kể cho anh em nghe về đồng chí Phạm Văn Lộc người nhỏ nhắn, thông minh, nhanh nhẹn, hay cười, không ngại khó khăn gian khổ, làm công việc tưởng chừng như nhỏ bé, giản dị mà lại có sự cống hiến lớn lao. Anh em càng xúc động khi kết thúc câu chuyện, Bác nói: “Chú Đồng làm nhiệm vụ nấu ăn cho Bác và cho các chú, không phải vì chú ấy không có năng lực, ngược lại chú ấy rất có khả năng, có thể đảm đương nhiều công việc quan trọng. Nhưng do tổ chức tin tưởng phân công cho chú ấy nấu ăn cho Bác và các chú, nên chú vui vẻ làm và làm việc gì cũng đến nơi đến chốn”. (Bảo tàng Hồ Chí Minh, Đặc san Thông tin Tư liệu số đặc biệt về ATK Định Hóa, Thái Nguyên (38), tháng 1/2013, Tiến Linh, Chuyện về người đầu bếp đầu tiên của Bác Hồ, trang 62). Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có lời nhận xét chứa chan tình cảm về Phạm Văn Lộc - người đảng viên tận tụy, từng vào sinh, ra tử với Người trên những nẻo đường hoạt động cách mạng từ Thái Lan - Trung Quốc - Căn cứ địa Cao - Bắc - Lạng - ATK Định Hóa. Lễ mừng sinh nhật của Chủ tịch Hồ Chí Minh trở thành buổi Bác dạy anh em giúp việc, bảo vệ về tấm gương của người cộng sản chân chính, mẫu mực và vô cùng giản dị, gần gũi Phạm Văn Lộc (Nguyễn Văn Ty, tức Đồng).

Từ chỗ đặt bia tưởng niệm đồng chí Phạm Văn Lộc, chúng tôi vào xóm Khuôn Tát thăm bà Ma Thị Dụ, dân tộc Tày, nay đã 83 tuổi, hiện sống ở bên địa điểm di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Khuôn Tát (1948 - 1949),  với dấu tích nền lán, giếng nước, vườn rau, bên sườn núi thuộc xã Phú Đình, huyện Định Hóa, bà có khuôn mặt tròn phúc hậu, giọng nhỏ nhẹ, còn rất minh mẫn. Bà Dụ nhớ lại thủa thiếu nữ 16 tuổi, nép bên nhà, chứng kiến bố mẹ cùng ông Ké sau này mới biết là Bác Hồ cùng các anh Vũ Kỳ, Triệu Hồng Thắng, Tạ Quang Chiến... đưa quan tài bằng gỗ về, tự tay khâm liệm, an táng anh Phạm Văn Lộc bên khe suối Khuôn Tát (1948).

Ghi nhớ công lao của đồng chí Phạm Văn Lộc, thực hiện lời dặn dò của đồng chí Vũ Kỳ, dưới sự chủ trì của TS Chu Đức Tính, Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh; được sự chung tay của nhiều tổ chức, cá nhân trong đó có Bảo tàng Thái Nguyên, Ban quản lý Khu di tích Quốc gia đặc biệt ATK Định Hóa, phần mộ của đồng chí Nguyễn Văn Lộc đã được tìm thấy và dựng bia ghi công vào tháng 5 năm 2013. Trên bia có ghi: “Đồng chí Phạm Văn Lộc là một cán bộ trung thành, tận tụy, liêm khiết, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được Đảng giao phó, một tấm gương trung thành với Đảng, suốt đời làm việc cho Đảng, không tính toán cá nhân, đòi hỏi địa vị.

Đồng chí Phạm Văn Lộc xứng đáng với nhận xét của Bác Hồ ngày 19/5/1948: “Trong lúc khó khăn gian khổ, làm việc không nề hà, đến lúc nước nhà độc lập cũng không mảy may đòi hưởng thụ”.

Đồng chí Phạm Văn Lộc là một tấm gương sáng ngời của người chiến sĩ cách mạng, hiến dâng cả cuộc đời cho sự nghiệp giải phóng dân tộc và bảo vệ độc lập, tự do của Tổ quốc”.

Đồng Khắc Thọ

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Tâm sự Nghề giáo

Xem tin nổi bật 1 ngày trước