Thứ hai, ngày 14 tháng 10 năm 2024
13:18 (GMT +7)

Thế giới quan và nhân sinh quan của người Nùng ở vùng Đông Bắc

Dân tộc Nùng ở vùng Đông Bắc Việt Nam gồm nhiều nhóm như: Nùng An, Nùng Inh, Nùng Phàn Slình, Nùng Cháo... Tín ngưỡng của họ chịu nhiều ảnh hưởng của Đạo giáo, Phật giáo, Nho giáo, nhưng không phải là một tôn giáo nào chính thống. Nhờ có tầng lớp thầy Cúng, thầy Tào, Then, Pụt… họ am hiểu và dung hội những quan niệm phù hợp của cả ba giáo lý Nho, Phật, Lão và trở thành ý thức hệ về thế giới quan và nhân sinh quan, chi phối mạnh mẽ trong đời sống, xã hội của cư dân Nùng. 

Nghi lễ cấp sắc của người Nùng Phàn Slình ở xã Văn Lăng, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên
Nghi lễ cấp sắc của người Nùng Phàn Slình ở xã Văn Lăng, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên

Quan niệm về tín ngưỡng

Trong thế giới tâm linh, người Nùng luôn chịu sự chi phối bởi các lực lượng siêu nhiên, mà trong đó Ngọc Hoàng là đấng tối cao nhất. Việc trông coi con người ở dưới thế gian, Ngọc Hoàng giao cho các vị như Nam Tào, Bắc Đẩu, Hoa Vương Thánh Mẫu (mẹ Bjoóc) cùng các nàng tiên... Bắc Đẩu thì luôn theo dõi sự sống, tính mạng của con người. Nam Tào thì trông coi sổ tử, ai đoản thọ hay trường thọ. Hoa Vương Thánh Mẫu ngự ở trên trời thay mặt Ngọc Hoàng trực tiếp phân hoa xuống trần gian cho các cặp vợ chồng khi muốn sinh con cái.

Quan niệm về thế giới ba tầng của người Nùng rất rành mạch bao gồm cõi trời, cõi đất và cõi nhân gian. Ở đó, người làm Then - với tư cách là người thông quan được với thần linh đã đi lại được một cách dễ dàng từ cõi này sang cõi khác. Cõi trời trong Then được cụ thể hoá như là một hình ảnh lý tưởng của nhân gian, ngoài cung phủ nguy nga tráng lệ ra, cõi trời của Then cũng rất gần gũi với đời thường, đều có rừng rú, biển cả, sông ngòi, có ruộng, vườn, chợ búa... điều đó phản ánh sự nhận thức một cách hồn nhiên thô mộc trong thế giới quan của người Nùng. Ngoài ra, Then còn là sự cụ thể hóa quan niệm hồn linh giáo, tất cả các vị thần khi vào trong Then đều đã được hình tượng hóa như những nhân vật có thật. Ngoài Tổ Tiên, Tổ Sư là những nhân vật có thực đã khuất, các vị thần linh khác trong Then đều có những dáng vẻ riêng, nhiều vị được hiện lên qua phương thức nhập đồng trong các đám lẩu cấp sắc của Pụt, như Thổ Công, Táo Công, các tướng nghề...

Lễ Vật trong nghi lễ Vượt biển  “Khảm hải” trong nghi lễ Then “Tống quái nhập vong” ở xã Tràng Xá, huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên
Lễ Vật trong nghi lễ Vượt biển “Khảm hải” trong nghi lễ Then “Tống quái nhập vong” ở xã Tràng Xá, huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên

Do tín ngưỡng thờ đa thần, người Nùng thờ cúng Tổ tiên trong nhà, bàn thờ Tổ tiên có bài vị, lư hương và được đặt vào nơi trang trọng nhất. Ngoài ra, mỗi nhà còn thờ bà Mụ (mẹ Hoa - thần bảo hộ trẻ nhỏ), mẹ Cửa (thần trông nhà). Vào những ngày đầu tháng, ngày rằm họ thường đốt hương, ngày lễ, tết có cúng chè, rượu và các món ăn.

Người Nùng còn cúng ma sàn (pi thang sàn) và các cô hồn đầu ngõ vào dịp Tết Nguyên đán. Những gia đình cùng một dòng họ thì cùng chung một miếu thờ Thổ Công, Thổ Địa. Các thầy Tào, thầy Mo theo ý tưởng từ xưa họ có khả năng tiếp xúc với các loại ma thần nên được gọi là “cân thả hụng” (người mắt sáng), họ hành nghề cúng bái, cầu sự tốt lành cho người dân, vì thế họ được mọi người kính nể.

Hệ thống bàn thờ trong gia đình  thầy cúng người Nùng Phàn Slình ở xã xã Hoa Thám, Huyện Bình Gia, tỉnh Lạng Sơn
Hệ thống bàn thờ trong gia đình thầy cúng người Nùng Phàn Slình ở xã xã Hoa Thám, Huyện Bình Gia, tỉnh Lạng Sơn

Quan niệm về vũ trụ

Người Nùng quan niệm thế giới vũ trụ là một khoảng không gian bất tận và được chia thành ba cõi (ba tầng), cõi trời, cõi đất và cõi âm. Trong tưởng tượng của họ, ở cả ba cõi đều có con người sinh sống, chim muông, cây cối và trăm loài khác nhau và mối quan hệ ở mỗi cõi không giống nhau, tương ứng với mỗi cõi lại có những dạng thần linh, ma quỷ riêng. Sự hiểu biết, quan niệm về vũ trụ, mối liên hệ của cái chết và sự sống, sự gắn kết của Thiên - Địa - Nhân trong sự vận động của vũ trụ, quy luật nhân quả của nhân gian. Quan niệm này được thể hiện khá rõ trong cả truyền thuyết, thần thoại, lễ “Then khỏa quan” và tang ma.

Theo truyền thuyết và thần thoại, xưa kia trời và đất thông nhau, có người dưới trần gian và nhà trời có thể đi lại thăm nhau, cả 3 cõi ấy đều có đồng ruộng, cỏ cây và vạn vật giống trần gian. Chủ nhân của ba tầng đều có hình dáng giống nhau, đều do Bụt Cả Pụt Luông ở cõi trời tạo ra. Khi nhận thức của đồng bào nâng lên trình độ nhất định, phân hóa giai tầng trong xã hội định hình, người ta bắt đầu lý giải sự xa cách của trời và đất: “…Xưa kia loài người dưới trần gian ăn nhiều, tiêu hoá nhiều, chng bao lâu làm hôi thối cả mặt đất. Mùi phân bốc lên trời làm cho Bụt cả không chịu nổi, phải đưa trời lên caoRồi Bụt Cả sai cái mặt trời chiếu suốt ngày đêm để sấy khô mặt đất. Cả ngày đêm bị chiếu nóng, loài người ở trần gian không chịu được, họ đã chọn người bắn giỏi nhất ra bắn rơi 10 cái mặt trời, một cái bị thương, còn một mặt trời hoảng sợ phải chạy trốn sang bên kia biển, cõi đất trở nên tối tăm mịt mùng. Loài người cử vịt cõng gà trông ra biển gọi mặt trời trở lại, cõi đất lại sáng. Từ đó thành lệ, ban đêm hễ có gà trống gáy gọi, mặt trời lại mọc…”. Sự giải thích về vũ trụ trong truyện cổ dân gian, đã thấy xuất hiện hình ảnh đấu tranh sinh tồn, biết vận dụng quy luật tự nhiên vào cuộc sống.

Người Nùng còn giải thích cái chết của con người là do Ngọc Hoàng ban tặng:  Thời đó các loài vật già đều chết, duy chỉ có loài rắn lột xác trẻ lại nên mới có câu:“Rắn già lột xác, người chết bỏ quan quách đem chôn”. Vì muốn ưu đãi loài người ăn ở nhân nghĩa, biết khóc thương khi trời chết, nên trời phán ngược lại:“Người chết người lột xác, rắn chết bỏ quan quách đem chôn”. Vị thần nhận lệnh xuống trần gian đã truyền đạt sai lời của trời, nên người vẫn chết, rắn vẫn lột xác, vị thần này bị trời bắt hóa kiếp thành bọ hung, đời đời kiếp kiếp sống trong phân rác.

Người Nùng khi tiếp nhận lý thuyết của Đạo giáo, Phật giáo và Nho giáo, thì 3 tầng vũ trụ trở nên trật tự và phân định thứ bậc rõ ràng. Đứng đầu cõi trời là Ngọc Hoàng, bên cạnh có Nam Tào, Bắc Đẩu, Thái Thượng Lão Quân, Tam Thanh. Đó là những vị thần biểu hiện cho sức mạnh của tự nhiên: Sấm, sét, mây, mưa, sóng, gió... Những người phạm tội nặng, trời không dung đất không tha, thường bị Ngọc Hoàng sai Thiên Lôi đánh chết. Những người nhân hậu, hiệp nghĩa, chết đi linh hồn sẽ được siêu thoát lên trời, không phải lao động cực khổ mà vẫn hưởng sung sướng, chờ ngày đầu thai trở lại trần thế. Thêm vào đó họ còn đưa vào hệ thống thần linh của Đạo giáo những vị thần của nhà Phật Phật bà Quan âm”, bà Mụ… làm cho hệ thống các vị thần dễ dung hòa với xã hội Nùng.

Cách quan niệm và hình dung vũ trụ như điểm đỗ của linh hồn sau cái chết, thầy Tào có thể đưa linh hồn lên tầng trời. Tầng trời có Then đưa linh hồn tới niết bàn, nhưng phải nhờ cậy qua cửa Ngọc Hoàng. Lý giải cho thân phận con người rất phù hợp với tâm lý của đại chúng, nên được người Nùng tin theo, họ yên chí rằng, trong cuộc nhân sinh này, có cõi trời, cõi âm và cõi người và sẵn sàng giao cảm với các cõi vô hình ấy để an ủi số phận và củng cố niềm hy vọng. Trần gian (tầng giữa) là nơi ở của người và các loài vật. Nơi trần gian, con người tinh khôn nhất, được trời phú cho quyền sử dụng muôn vật để phục vụ cuộc sống. Tầng âm (mường âm) là tầng dưới lòng đất và dưới nước, do Diêm Vương thủy phủ cai quản, có 10 cửa ngục. Đây là nơi đầy đọa những kẻ tội lỗi nơi trần gian.

Quan niệm về vũ trụ của người Nùng gợi cho chúng ta thấy lịch sử đấu tranh gian khổ của con người với thiên nhiên, bảo tồn sự sống. Việc giải thích vũ trụ dựa theo quan niệm của Đạo giáo, Phật giáo và ý niệm dân gian, coi tầng trời là mơ ước, là điểm cư ngụ lý tưởng cho các linh hồn đã ảnh hưởng rất lớn đến quan niệm của người Nùng về vũ trụ.

Thầy Tào người Nùng Phàn Slình ở xã Hoa Thám, Huyện Bình Gia, tỉnh Lạng Sơn
Thầy Tào người Nùng Phàn Slình ở xã Hoa Thám, Huyện Bình Gia, tỉnh Lạng Sơn

Quan niệm về sự sống và cõi chết

Người Nùng quan niệm giữa sự sống và cõi chết như nhau, với quan niệm khi con người chết đi họ sẽ sang thế giới bên kia tiếp tục cuộc sống mới. Vì thế người Nùng thường chuẩn bị cho người chết mọi thứ cần thiết cho cuộc sống, sinh hoạt hàng ngày. Họ xem cái chết là trở về với cõi tiên, linh hồn về nơi thế giới khác. Thế giới hiện hữu mà con người đang sống gọi là trần gian, ở thế giới này, con người sống được là nhờ xác và hồn, khi xác và hồn gắn vào nhau, thì con người sống. Thế giới bên âm hay còn gọi là cõi chết, là thế giới dành cho phần hồn của mỗi người sau khi chết, thế giới thực tại (cõi sống) và thế giới âm (cõi chết).

Người Nùng cho rằng: Nếu con người  ăn ở lương thiện sẽ gặp lành, chết già (thai kẻ), chết nhẹ nhõm, không phải chịu đau đớn trước khi chết, tránh được ngục tù của Diêm Vương, được sum họp với Tổ tiên, sống cực lạc. Ngược lại, ăn ở bạc ác không chỉ bản thân bị báo ác (sống khổ, chết đau thương), mà con cháu đời sau cũng phải gánh chịu. Người nào có tội sẽ bị chết bất đắc kỳ tử (thai rà), phải mời thầy Tào làm ma, cầu linh hồn không quấy phá con cháu. Người sống ở trần gian không ai tránh được tội lỗi, khi chết, tùy theo tội lỗi nơi trần thế, Diêm Vương sẽ phán xét được đầu thai hay bị cực hình. Vì vậy, con cháu hiếu thảo phải nhờ thầy Tào cúng ma, phá ngục, rửa sạch tội lỗi, để linh hồn được siêu thoát lên trời. Người Nùng còn quan niệm cuộc sống của mỗi người ở trần gian sẽ quy định mức độ sung sướng của linh hồn sau khi chết ở cõi âm, những người đã cấp sắc làm thầy cúng, khi chết sẽ được làm quan.

Bộ đạo cụ hành nghề của thầy cúng người Nùng truyền thống gồm: Tranh thờ, sách cúng,trang phục, dấu ấn, trống, thanh la, não bạt…
Bộ đạo cụ hành nghề của thầy cúng người Nùng truyền thống gồm: Tranh thờ, sách cúng,trang phục, dấu ấn, trống, thanh la, não bạt…

Quan niệm về vạn vật hữu linh

Người Nùng quan niệm vũ trụ chia làm ba mường: Mường trời là thế giới thần tiên, mường người là mặt đất, mường âm là mường của những người sống trong lòng đất chỉ nhỏ bằng chiếc bình vôi. Vì vậy họ thờ cúng nhiều đối tượng như: Tổ tiên, Thổ Công, thần Rừng, thần Suối… Dưới sự chi phối của quan niệm vạn vật hữu linh, họ tin rằng thần linh có thể giúp đỡ con người vượt qua được nhiều khó khăn và đạt những ước mơ tốt đẹp trong cuộc sống như chữa khỏi bệnh tật, kéo dài tuổi thọ, hạnh phúc trong nhân duyên, sinh con đẻ cái.

Trong đời sống của họ đều tồn tại phổ biến tín ngưỡng vạn vật có linh hồn, hồn biến thành ma và có hai loại: ma lành và ma dữ.

Ma lành: bảo vệ cuộc sống cho con người, gồm có ma Tổ tiên, ma Nhà, ma Tam Thanh, Tam bảo, Thiên Lôi, Then, Bụt, Tiên, thần hộ mệnh (Nam Tào, Bắc Đẩu, Táo Quân), ma Hàm (Phật, Pháp, Tăng), ma Đất “Phỉ Din”, ma rừng “Phi Pá”, bà Mụ, bếp lửa “Phi Pỉnh Phầy”, ma Thổ Công “phi slấn”... Ở đình, đền, miếu (còn gọi là ma khách), thần Nông, Long Vương, Thuồng Luồng... Những loại ma lành đều có khả năng ban phúc hay trừng phạt người trần, gây ốm đau, dịch bệnh, lũ lụt, mất mùa nếu làm trái ý hoặc cúng bái không chu đáo. Một số loại ma núi, ma sông, suối, ma đồng ruộng bình thường không hại ai, nhưng nếu hồn người sa vào đó sẽ bị bắt, cần phải cầu cúng.

Cảnh lên đồng trong nghi lễ Then “Giải hạn” của Người Nùng Cháo ở  xã Lâu Thượng, huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên
Cảnh lên đồng trong nghi lễ Then “Giải hạn” của Người Nùng Cháo ở xã Lâu Thượng, huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên

Ma dữ “phi mệt phi nỳà”: là các loại ma chuyên gây hại cho con người, phá hoại mùa màng, gia súc. Đó là ma chết trẻ, chết bất đắc kỳ tử do tai nạn (phi slương), đánh nhau, bị giết: “Thai chang tông pên phi slương/ thai chang mường pền phi mệt”, ma đóiPhi Dác, ma gà Phi Cáy. Ma đuôi cộc (trẻ em chết vào giờ thiêng), ma trẻ con “Phi tý Phi eng”, ma ngũ quỷ “Ngậu quỷ Phi pjài” là loại ma nghịch ngợm hay trêu người. Ma hại người sống theo cách nhập vào hồn người, làm cho vía bỏ đi, khiến người bị ốm, hoặc chết bất đắc kỳ tử. Nếu ai bị ma này làm hại, nhất thiết phải mời thầy Tào cúng xua đuổi con ma mới khỏi được. Có lẽ vì quan niệm về ranh giới giữa ma lành và ma dữ chỉ mang tính tương đối, ma nào cũng có thể đem phúc hay gây hoạ cho con người. Người Nùng thường dành cả sự kính trọng và nỗi khiếp sợ.

Người Nùng chịu nhiều ảnh hưởng của Đạo giáo, Phật giáo, Nho giáo. Nhờ có tầng lớp thầy Cúng, thầy Tào, thầy Then, họ am hiểu và dung hội những quan niệm phù hợp của cả ba giáo lý: Nho, Phật, Lão, để vận hành thế giới quan và nhân sinh quan và trở thành ý thức hệ về vũ trụ quan và nhân sinh quan của mình. Họ hình dung ra vũ trụ không chỉ là thế giới xung quanh ta, mà bao gồm toàn bộ thiên nhiên, con người và sự vật trên 3 cõi, tương ứng với 3 tầng: trời, trần gian và âm phủ. Dần dần, người ta yên tâm tin rằng, trong cuộc nhân sinh này, có cõi trời, cõi âm và cõi người. Họ sẵn sàng giao cảm với các cõi vô hình ấy để an ủi số phận và củng cố niềm hy vọng. Sự giao cảm giữa con người với thế giới thần linh hội tụ cả triết lý của Đạo giáo, Nho giáo, Phật giáo và tín ngưỡng dân gian, tạo nên nét độc đáo trong đời sống tinh thần của cư dân Nùng vùng Đông Bắc Việt Nam.

Trần Văn Ái

1 đã tặng

1

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy