Chủ nhật, ngày 05 tháng 05 năm 2024
08:34 (GMT +7)

Thầy Lê Huy Lanh và đồng nghiệp

Tôi quen biết ông đã khá lâu, từ ngày ông còn là hiệu trưởng trường cấp 2 xã Hà Thượng (Đại Từ). Dân Hà Thượng chúng tôi kính trọng và yêu mến ông, từ em nhỏ cho đến người già đều gọi ông bằng cái tên đơn giản và thân thiết là “Thầy Lanh” hay “Thầy giáo Lanh”. Thầy Lê Huy Lanh mấy chục năm gắn bó với trường Hà Thượng, vậy mà mãi sau này tôi mới biết ông không phải là một giáo viên bình thường, mà từng là thầy giáo giảng dạy văn hóa trong Đội 91, Thanh niên xung phong (TNXP) Bắc Thái với đồng đội và đồng nghiệp trong đó có Đại đội 915 Anh hùng. Vừa nhìn thấy tôi dựng xe ngài sân, ông đã bước ra nắm tay tôi vui vẻ, thân mật:

- Hôm nay sao rảnh rỗi đến thăm tôi thế, nhà văn? Dạo này chú vẫn viết lách đều chứ?

Đã ngoài thất thập nhưng ông vẫn nhanh nhẹn, nhất là đôi mắt ánh lên nét cương nghị. Khi cả hai vừa yên vị, tôi nhìn ông nói:

- Hôm nay em đến làm phiền bác đây. Chuẩn bị kỷ niệm 50 năm ngày hy sinh của 60 anh hùng liệt sĩ Đại đội 915…

Nhắc đến Đại đội 915, người ông Lanh như chùng xuống, lọ trà trên tay ông rung rung. Ông lặng lẽ nhìn về phía trời xa. Có lẽ ký ức đau buồn đang trở về trong ông. Cũng là người lính, tôi rất hiểu cảm xúc đó. Đã là tình đồng đội thì 50 năm hay hàng trăm năm cũng không thể phai mờ. Sau khoảng lặng, ông nghẹn ngào:

- Đau thương lắm… Đau thương lắm chú ơi! Đa số các em ấy còn rất trẻ. Giá như quên được…

Đợi cảm xúc trong ông lắng xuống, tôi hỏi:

- Anh được bổ sung về Đội TNXP 91 để dạy văn hóa vào thời điểm nào?

Ông khẽ nhăn trán nhớ lại:

- Khi nhiệm kỳ thứ ba TNXP Đội 91 năm 1972 được tuyển xong cũng là thời điểm đế quốc Mỹ cho máy bay ném bom, bắn phá nhà máy Nhiệt điện Thái Nguyên, mở đầu cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân lần thứ hai trên địa bàn tỉnh. Thực hiện chỉ thị của Tỉnh ủy, tháng 6 năm 1972, Tỉnh đoàn Bắc Thái hoàn thành nhiệm vụ tuyển 673 đội viên TNXP để bổ sung kiện toàn Đội TNXP 91 chống Mỹ cứu nước Bắc Thái. Ban Chỉ huy Đội 91 tổ chức sắp xếp, kiện toàn tổ chức biên chế các đơn vị trực thuộc, gồm Văn phòng Đội 91, 4 đại đội (911, 912, 913, 914) và tổ chức thành lập mới Đại đội 915. Tôi cùng ba đồng nghiệp được Tổ chức chính quyền tỉnh cử về Đội TNXP 91 vào thời điểm ấy.

- Chiến tranh ác liệt, lại còn công việc liên miên như thế thì việc tổ chức học văn hóa lúc này có thật sự cần thiết không anh?

Ông nhìn tôi với ánh mắt không hài lòng:

- Sao chú lại nghĩ thế, việc dạy văn hóa cho TNXP là chủ trương lớn, đúng đắn và có chiều sâu của Đảng. Vì làm bất cứ công việc gì cũng phải có kiến thức. Chiến đấu bảo vệ và xây dựng đất nước là việc trọng đại, nên thanh niên không những cần có lòng dũng cảm mà còn phải có trình độ thì mới tiếp nhận và theo kịp sự phát triển trước mắt và lâu dài.

Biết mình sai, tôi vội chống chế:

- Ấy, ý em là gian lao vất vả thế thì còn đâu thời gian nữa mà học.

- Gian lao vất vả, nguy hiểm là đúng, nhưng tinh thần học tập của anh chị em trong đội thì không gì ngăn cản nổi. Ngoài quy định học vào thứ Năm hằng tuần, anh em còn tranh thủ học sau giờ sinh hoạt, thậm chí còn học ngay trong lúc làm việc hay giờ giải lao.

- Lúc ấy các thầy thay nhau xuống các đại đội hay mỗi thầy một đại đội chuyên trách?

Ông trả lời rành rẽ:

- Thời kỳ ấy, chúng tôi gồm 5 người: Tôi - Lê Huy Lanh, phụ trách Đại đội 911, anh Hà Văn Ly phụ trách 915, còn lại 912, 913, 914, do anh Bảo Văn Lạc, anh Nguyễn Đình Trân và anh Ma Đình Quốc đảm nhiệm. Chương trình thì giảng dạy từ lớp 1 đến lớp 7.

Nhắc đến thầy Hà Văn Ly phụ trách Đại đội 915, tôi thấy ông Lanh cúi xuống nhấc ly trà uống từng ngụm nhỏ. Rất lâu, lâu lắm, ông mới nghẹn ngào:

- Thầy Ly là người bạn, người đồng nghiệp tôi rất kính trọng. Ngoài chuyên môn vững, thầy Ly còn là người hết lòng vì học sinh. Còn nhớ một lần thầy kể với tôi về việc học tập ở Đại đội 915: “Hôm ấy, vào tối thứ Năm là quy định học trong tuần, địa điểm học cách khá xa nơi đóng quân, lại phải lội qua một con suối lớn. Sắp đến giờ học thì trời đổ mưa, nước suối dâng lên cao. Nhìn ra trời mưa mà sốt ruột nghĩ đêm nay lại mất buổi học. Ấy vậy mà vừa ngớt mưa được một lát đã nghe thấy tiếng nói cười phía đầu lán. Vừa mừng vừa lấy làm lạ, tôi chạy vội ra đón. Lạ thay, phải băng qua con suối nước sâu ít nhất cũng qua thắt lưng mà sao chẳng ai ướt quần áo. Tôi ngạc nhiên hỏi: Các đồng chí đi đường nào mà quần áo khô nguyên thế này? Cả đám chẳng đứa nào nói gì, chỉ liếc nhìn nhau cười khúc khích rồi túm lấy nhau đấm thùm thụp. Lúc này tôi mới giật mình hiểu ra hóa ra các nàng vượt suối theo kiểu tắm tiên. Quần áo sách vở đội hết lên đầu”.

- Kể lại câu chuyện của thầy Ly, ông Lanh khẽ thở dài, nói: “Tất cả còn trẻ quá, hồn nhiên quá, vậy mà...

Ông ngẩng lên nhìn tôi: Đại đội 915 toàn người rất trẻ, lao động không biết mệt mỏi, học hành chăm chỉ, sáng dạ. Lần nào gặp tôi thầy Ly cũng kể về đại đội của thầy phụ trách giảng dạy với niềm tự hào và lòng trìu mến như vậy.

Ông Lanh lặng lẽ mở nắp rót thêm nước sôi vào ấm trà rồi thì thầm, chẳng hiểu ông nói với tôi hay đang nói cùng ký ức:

- Năm mươi năm rồi! Sao nhanh thế. Tôi vẫn nghe đâu đây tiếng rít kinh hoàng của những trái bom từ máy bay B52 dội xuống. Và nhất là không sao quên được tiếng còi xe của chiếc ô tô “Giải Phóng” lao vào cung giao thông lúc 5 giờ sáng ngày 25 tháng 12 năm 1972, thông báo toàn bộ Đại đội 911 của chúng tôi thu xếp quân tư trang khẩn cấp lên đường làm công tác thương binh liệt sĩ.

Khi chúng tôi đến hiện trường, khắp nơi nghẹn ngào tiếng khóc, tiếng gọi tên đồng đội. Hiện trường thật kinh hoàng. Tất cả chỉ còn là bãi đất bị cày xới. Mọi người đổ ra tìm kiếm thì phát hiện một dãy ba lô để sát bức tường đổ nát đang leo lét cháy. Tất cả hô lên: “Đây rồi! Anh em nằm ở khu vực này”.

Nói đến đây ông Lanh dừng lại hồi lâu, tháo cặp kính nhòa nước lặng lẽ lau, rồi thở dài, nói với tôi:

- Tôi biết, trong những chiếc ba lô đã cháy dở kia có những cuốn vở học trò. Bởi vì nhiều đội viên vẫn tranh thủ giờ giải lao để ôn luyện văn hóa. Tuy lúc ấy không thể mở ba lô của họ ra, nhưng chú ạ, tai tôi như vẳng lên giọng đọc còn ngọng nghịu, tiếng phát âm còn chưa chuẩn và tiếng cười khúc khích, tiếng đấm lưng nhau thùm thụp của các nữ đội viên trẻ cái hôm thầy Ly kể cho tôi nghe câu chuyện các em vượt suối trong đêm mưa lũ tới lớp. Tôi đau đớn hiểu rằng, thế là từ đây, tất cả đã trở thành dĩ vãng đau thương. Trận bom hôm ấy, thầy Ly bị thương rất nặng, hôn mê, được đồng đội đưa đi cấp cứu tại bệnh viện. Nhưng do bị sức ép của bom thầy đã hy sinh.

Ông Lanh kể cho tôi nghe câu chuyện mà đối với ông đã trở thành dấu ấn kí ức không thể phai nhòa: Trước ngày hy sinh, thầy Ly có xin tổ chức cho về thăm mẹ. Nhà thầy ở xã Mai Lạp huyện Bạch Thông (nay thuộc Bắc Kạn). Thầy là con một, mẹ đã già yếu. Hôm chia tay để xuống đơn vị, mẹ cứ đi cùng thầy mãi không chịu quay về. Khi đã cùng mẹ đi một đoạn khá xa, thầy không nỡ để mẹ quay lại một mình, nên lại đưa chân mẹ trở về. Cứ dùng dằng mấy lượt mẹ tiễn con, con tiễn mẹ như vậy. Lần cuối cùng, thầy đã phải để mẹ ngồi lại trong nhà rồi khoác ba lô lao ra đường, để lại đằng sau tiếng mẹ: - Ly… Ly… ơi! Đợi mẹ…

Kể đến đây ông Lanh bật khóc. Ông khóc nghẹn ngào. Nhìn hai dòng nước mắt chảy giàn giụa trên mặt người đàn ông đã trên 70 tuổi, tôi không sao cầm được lòng mình.

Khi những cảm xúc phần nào nguôi ngoai, tôi quay sang hỏi:

- Anh trở lại ngành giáo dục năm nào?

- Sau ngày Thống nhất đất nước 30/4/1975, Ty Giáo dục Bắc Thái quyết định điều động tôi, Bảo Văn Lạc, Ma Đình Quốc là giáo viên chuyên trách văn hóa đã hoàn thành xuất sắc nhiêm vụ ở Đội TNXP chống Mỹ cứu nước 91 Bắc Thái trở lại ngành giáo dục theo quyết định số 516 của Ban Tổ chức chính quyền tỉnh.

Ông cầm ly nhấp ngụm trà đã nguội, nói với tôi:

- Nhớ ngày sau khi chuyển ngành, mấy anh em giáo viên chúng tôi lên Bạch Thông thăm mẹ thầy Ly. Mẹ đã già yếu lắm. Hai mắt lòa không còn nhìn thấy gì. Có lẽ những đêm khóc con đã lấy đi ánh sáng đôi mắt mẹ. Sau này, điều an ủi linh hồn thầy Ly và phần nào làm dịu lại nỗi đau của anh em chúng tôi khi nghĩ về đồng đội của mình là cụ Mông Thị Chu, mẹ của thầy Ly, là người được Nhà nước phong tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng đầu tiên của tỉnh Bắc Kạn và mẹ được Bệnh viện Bắc Kạn phụng dưỡng.

                                                            * * *

Biết thầy Lanh hiện đang làm Chủ tịch Hội Cựu TNXP tỉnh Thái Nguyên, nhà cách nơi làm việc gần 20 km, hằng ngày ông vẫn đi xe buýt đi làm, tôi hơi ái ngại.

- Anh đi xe buýt thường xuyên thế này có ảnh hưởng sức khỏe không?

Thầy Lanh khẽ gật đầu:

- Nói không thì không đúng, nhưng mỗi lần mệt mỏi tôi lại nghĩ tới mình có được ngày hôm nay là nhờ sự hy sinh của đồng đội và đồng nghiệp Hà Văn Ly. Tôi tự nhủ mình phải cố gắng thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, tư vấn giúp cấp ủy đảng, chính quyền giải quyết những tồn đọng về chính sách TNXP cho đồng đội, thế là mọi mệt mỏi tan đi hết. Tôi sẽ cố gắng hết mình để làm những gì tốt nhất cho thầy Ly và đồng đội TNXP của tôi, người đã hy sinh và người còn đang sống.

Thầy Lanh tiễn tôi ra tận đường cái. Lúc sắp chia tay, thầy nắm tay tôi thật chặt:

- Đồng đội 915 và thầy Ly bạn tôi sống mãi một phần nhờ vào ngòi bút tri ân của các nhà văn nhà báo như các chú đấy.

- Không hẳn thế đâu anh ạ. Chính những tấm gương quả cảm như thầy Ly, như các chiến sĩ TNXP của Đại đội 915 sẽ là ánh sáng soi đường cho các thế hệ mai sau, thầy ạ.

Thầy Lanh tạm biệt tôi bằng nụ cười ánh lên trong nắng hanh đầu đông nhè nhẹ.

Ghi chép. Đào Nguyên Hải

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy