Chủ nhật, ngày 24 tháng 11 năm 2024
03:59 (GMT +7)

Thanh niên ngày nay và văn hóa truyền thống

VNTN -  Những năm gần đây, trước các hiện tượng phức tạp của xã hội, cùng với sự xuống cấp của văn hóa và giáo dục, tệ nạn xã hội tràn lan, cờ bạc, mại dâm, ma túy và tội phạm ở vị thành niên tăng cao v.v…, nhiều người không khỏi lo lắng, thậm chí lo sợ. Những hiện tượng trên, thời nào cũng có, nhưng chưa bao giờ đáng báo động như hiện nay bởi tính chất nghiêm trọng của nó. 


Nhiều bậc phụ huynh quan tâm lo lắng và đặt câu hỏi: Trước đây kinh tế chưa phát triển như bây giờ, vì sao nạn trộm cắp, cướp giật ít xảy ra, thanh niên không đua đòi càn quấy, gây gổ? Trong những năm chiến tranh ác liệt, hàng triệu thanh niên đã xung phong ra trận, chấp nhận mọi hy sinh gian khổ, thế mà bây giờ hòa bình, dù chưa giầu sang, nhưng phần lớn thanh niên đã được ấm no, đầy đủ, thì nhiều người trong họ đang sống thế nào? Họ đang ở đâu và sẽ đi về đâu, có đáng lo lắng như nhiều bậc phụ huynh đã phải kêu về “bọn trẻ” hay không?

Trước Công Nguyên đến gần 500 năm, nhà triết học vĩ đại Socrate đã từng than vãn “lũ trẻ ngày nay quen thói xa hoa, bọn chúng có cách cư xử chẳng hay ho gì cả, khinh thường uy tín, không tôn trọng người già. Con cãi lại cha mẹ, tham ăn, tục uống, làm khổ thầy giáo". Giống như là ông đang phàn nàn một bộ phận thanh niên Việt Nam ngày nay vậy.

Lịch sử phát triển của văn hóa nhân loại luôn luôn có sự kế thừa những giá trị hợp lý và có sự chối bỏ, trong đó có sự “mâu thuẫn” giữa các thế hệ. Có điều là “mâu thuẫn” này ngày càng xảy ra trên nhiều lĩnh vực đời sống hơn và tỏ ra gay gắt hơn. Lịch sử văn hóa cho thấy văn hóa không chỉ đổi mới theo thời gian mà tự nó bảo toàn nhờ tác động thông qua các thiết chế văn hóa xã hội. Trong quá trình chuyển tiếp những di sản văn hóa, có cái được tiếp nhận tương đối vững bền, có cái sẽ mai một và có phần bị gạt bỏ. Phần được thế hệ sau tiếp nhận là phần tinh túy và dễ thích nghi với nhu cầu của thế hệ mới.

Thanh niên tiếp nhận thành quả, kế thừa của cha anh nhưng có chọn lọc để phù hợp với thời đại của mình. Thanh niên liên kết với nhau cùng một thế hệ trong môi trường di sản văn hóa mà cha ông để lại, nếu thiếu chúng thì thanh niên không tồn tại và phát triển được, nhưng thực ra nếu không có sự loại bỏ thì thế hệ sau cũng không thể phát triển được.

Các xã hội truyền thống Việt Nam từng phát triển chậm chạp. Chế độ phong kiến kéo dài hàng nghìn năm, mãi đến tận ngày nay tàn dư của nó vẫn còn ăn sâu trong tình cảm, tư tưởng của con người Việt Nam. Trong khi đó, chỉ trong vài chục năm trở lại đây, lối sống của thanh niên đang thay đổi dồn dập, quyết liệt. Chỉ xét về trang phục chẳng hạn, cái áo tứ thân, cái quần lá tọa, cái thắt lưng hoa lý đã tồn tại hàng nghìn năm trong cộng đồng làng xã lúa nước và văn hóa lũy tre xanh. Cái búi tóc củ hành có từ bao giờ không ai còn biết nữa, nhưng đến cụ Nguyễn Khuyến (thế kỷ trước) vẫn “Búi tóc củ hành, buông quần lá tọa” để “khóc vợ”, vẫn là một hình tượng văn hóa rất nên thơ. Ngôn ngữ là thứ ít thay đổi nhất trong văn hóa. Trong ca dao Việt Nam “cánh cò bay lả bay la” đã bay suốt mấy nghìn năm, mãi đến thơ Xuân Diệu cuối những năm 30 của thế kỷ XX mới tìm bến đỗ: “Mây trắng về đâu bay gấp gấp/ Con cò trên ruộng cánh phân vân”. Tuyệt tác Truyện Kiều được Nguyễn Du viết từ thế kỷ XVIII, đến nay ai đọc cũng hiểu, cũng thuộc. Văn hóa Việt Nam thế hệ trước truyền lại chủ yếu là qua kinh nghiệm và rất chậm chạp, có khi mất thời gian lâu dài, làm cho mỗi cá nhân sống trong khoảng khắc ấy không kịp nhận thấy. Trang phục, sinh hoạt văn hóa trong suốt hàng trăm năm trước không có sự cách chia rạch ròi cho “người lớn” và cho “thanh niên”. Mọi người trong cộng đồng cùng để búi tóc búi tó (củ hành), cùng vận áo tứ thân, cùng cài tóc bằng trâm (thoa), bằng tre, bằng sừng (với tầng lớp dưới), bằng ngà, bằng vàng (với tầng lớp trên của xã hội), cùng vấn khăn trên đầu hoặc đội nón quai thao như nhau (có khác chỉ ở mầu sắc, chất lượng, sự khác này không lớn). Trong ca nhạc chẳng hạn, hát dân ca như Quan họ, Phường vải đâu có chia làn điệu cho già và trẻ. Có khác chăng chỉ là chiếu hát là do thứ bậc ứng xử chứ không phải ở nội dung và hình thức âm nhạc. Bây giờ, có nhạc Tây, nhạc ta, lại nhạc trẻ, nhạc vàng, nhạc xanh, Rock, Blue, Jazz, Hiphop..., cho từng thế hệ, lứa tuổi khác nhau. Ca múa, văn chương cũng vậy.

Người trẻ ngày nay có cơ hội tham dự nhiều sự kiện văn hóa lớn, thay đổi quan niệm

và trình độ thưởng thức các giá trị nghệ thuật.              (Nguồn: Internet)

Về giáo dục, ngày ấy chưa xa, cả tổng mới có một mái trường, dăm ông thầy đồ với vài chục anh khóa. Ba năm có một kỳ thi, ông Tú, ông Tham tính bằng ngón tay, ông Nghè thì hiếm lắm. Ấy vậy mà bây giờ cứ mỗi xã ít nhất có một, hai trường phổ thông cơ sở; một huyện, một tỉnh thì lượng trường phổ thông trung học lên tới con số chục và học sinh, sinh viên là con số triệu. Đến tiến sĩ (quan nghè) đã lên đến số vạn người. Khi tuyệt tác Đoạn trường tân thanh của Nguyễn Du ra đời, không biết Cụ chép làm mấy bản, mà nay, mới có 200 năm, không ai tìm được bản gốc nào nữa để xem nguyên tác của Cụ ra sao, để đến nỗi con cháu cụ cứ cãi nhau chữ tác với chữ tộ. Số sách của các bậc túc nho may lắm vài trăm cuốn là nhiều. Đến Thần Siêu (Nguyễn Văn Siêu), Thánh Quát (Cao Bá Quát) mà sách của các ông cũng chỉ lấy bồ mà đựng. Hình ảnh các sỹ tử đi thi đầu thế kỷ trước cũng chỉ có một người gánh cho, một bên là túi nhỏ đựng sách vở, một bên là lều chõng cho anh khóa đi thi. Bây giờ, cả nước ta đã có hàng nghìn thư viện, mỗi gia đình trung bình cũng có hàng chục cuốn. Cả nước ta, số đầu sách là hàng chục triệu bản. Bên cạnh đó là “Xa lộ thông tin” (Network) và Internet cho phép trong nháy mắt mỗi người có thể truy cập được hàng nghìn trang sách. Chỉ với một USB đã có thể lưu giữ hàng chục cuốn sách. Chỉ với một iPad, một điện thoại di động con người dù bất cứ nơi đâu cũng có thể đọc sách. Chỉ cần nhấp chuột là Google cho ngay điều mình muốn biết.

Cuộc sống vận động, thay đổi chất lượng, thay đổi nhịp độ tác động lên tâm lý, sinh lý, tạo nên đời sống văn hóa cho con người, đặc biệt cho thanh niên - những người nhạy cảm nhất của xã hội. Nhịp độ của công nghiệp hóa sôi động, ào ạt ngày nay đã tạo nên một nếp sống văn hóa khác thế hệ cha anh đã có. Đó là văn hóa tốc độ. Đẩy nhanh và đổi mới liên tục, nhu cầu đòi hỏi nhu cầu. Ngày trước, lao động thủ công, sản phẩm do cá nhân một người tạo ra. Sản phẩm ít, đơn lẻ (do vậy đồ cổ mới có giá trị, vì nó là duy nhất) khác với sản xuất công nghiệp, hàng hóa là hàng loạt. Con người cũng vậy, bởi nó là sản phẩm của đời sống xã hội. Như C.Mác đã từng cho hay, “Nói cho cùng, trong tính hiện thực của nó, bản chất con người là tổng hòa của các quan hệ xã hội”.

Trong xã hội nông nghiệp lúa nước với cộng đồng làng xã của nước ta, thời gian cũng là khái niệm co dãn, tương đối, hết sức tùy tiện. Thời gian thường tính theo mùa, đến trai gái hẹn hò, đầu thế kỷ này còn “Chờ em ăn dập miếng trầu em sang” (Nguyễn Bính). Ăn dập miếng trầu là mấy phút, mấy giờ? Thời gian bị co dãn, chậm chạp. Bây giờ chẳng có chàng trai cô gái nào hẹn người yêu mà lại hẹn kiểu đó?

Xã hội công nghiệp và tiêu dùng hay là đời sống thời buổi thị trường này vừa dài vừa ngắn. Dài vì nó cho phép làm được vô số công việc trong 24 giờ mỗi ngày. Ngắn vì rất nghiêm nhặt, giờ nào việc ấy, chính xác từng phút. Cách mạng khoa học công nghệ và tin học làm cho đời sống thanh niên trở thành hệ thống cực kỳ năng động, kích thích và biến đổi triệt để các mối quan hệ và giao tiếp giữa con người với con người, nó kéo theo các hình thức ứng xử cũng thay đổi.

Trong văn hóa hiện đại, có sự thay đổi rất rõ rệt, dễ nhìn thấy, chúng thường xuyên phá bỏ truyền thống và xây dựng một biểu hiện văn hóa mới. Nhịp độ cuộc sống tăng nhanh tạo ra cảm giác về tính tạm bợ, thoáng qua của mọi thứ. Trong quá khứ sự “ăn chắc mặc bền” là tiêu chuẩn lý tưởng thì ngày nay tâm lý dùng rồi vứt bỏ ngay là “mốt” của thời đại. Điều này không chỉ áp dụng với hàng hóa mà cả đối với con người, với tư tưởng, khái niệm, lối sống. Lịch sử loài người đã có hàng triệu năm nhưng đến thế kỷ XX, có thể tính được trên ngón tay con số các trào lưu triết học và mỹ học. Nhưng chỉ từ thế kỷ Ánh sáng đến nay, con số đó đã gấp mấy chục lần của quá khứ. Ngày nay, triết học hiện đại phương Tây đang lôi kéo thế hệ trẻ vào vô vàn mê cung. Biết tin vào đâu, tin ai, tin vào lý tưởng nào là điều không dễ đối với thanh niên phương Tây. Chắc chắn thanh niên Việt Nam cũng có những nhu cầu đó. Qua cuộc cách mạng tin học và công nghệ, đặc biệt là cuối thế kỷ XX, với sự sụp đổ của phe xã hội chủ nghĩa, không chỉ là sự khủng hoảng của một hệ thống chính trị xã hội, của lý tưởng sống mà thế hệ cha anh họ đã đi theo. Con người - nhất là thế hệ trẻ trưởng thành trong một môi trường lành mạnh của giáo dục gia đình và xã hội đã thấy: Thế hệ cha anh có được một lý tưởng sống cao đẹp với những tấm gương đạo đức, hy sinh vì nước vì dân mà điển hình là Bác Hồ và những nhà lãnh đạo cùng thế hệ. Xung quanh họ là những người cha, người mẹ, là thầy cô giáo, là những đảng viên làm gương cho mọi người học tập, noi theo, trong số đó có người đã trở thành thần tượng cho cả thế hệ. Thanh niên Việt Nam hiện nay không có được những điều kiện ấy. Nhu cầu tâm lý của thanh niên là phải có tấm gương, thần tượng trong cuộc sống. Vì vậy, thật dễ hiểu khi ta thấy nhiều thanh, thiếu niên chờ đón một cầu thủ bóng đá hàng mấy tiếng đồng hồ dưới trời mưa tầm tã, hoặc tha thiết hôn chiếc ghế mà một ca sỹ, thần tượng của mình đã ngồi.

Kinh tế thị trường với những mặt tiêu cực của nó tác động vào lớp trẻ. Xác định một lý tưởng cho thanh niên bây giờ khó khăn hơn cách đây 30 năm. Xã hội nhìn nhận, đánh giá giá trị của con người cũng khác trước. Ai là hình mẫu lý tưởng? Người giàu có hay người học hành tử tế? Thế nào là người thành đạt? Việc thanh niên đi tìm bản thân mình và địa vị trong xã hội vừa dễ vừa rất khó. Sự năng động, nhạy bén của thanh niên giúp họ dễ trở nên giàu có. Bill Gate, ông vua tin học, được mệnh danh là giàu có nhất, khi đang ở tuổi thanh niên đã có bạc tỉ đô la. Michael Jackson, Copperfield, Beckham, Messi, Ronaldo... triệu phú khi chưa quá tuổi “tam thập”. Ngày nay điều kiện để làm giàu là hết sức đa dạng. Người giàu không còn chỉ là những nhà tư bản. Tư bản đã chuyển sang cả những người có tài, diễn viên, người mẫu, cầu thủ và nghệ sĩ. Đến cái nghề văn chương “lập thân tối hạ” ấy, ngày nay cũng có khối người giàu bằng chính văn chương.

Mặt khác, văn hóa thanh niên cũng thay đổi vì sự tăng tốc phát triển tâm lý, sinh lý theo độ dài lứa tuổi. Quỹ thời gian dôi ra. “Gái 30 tuổi đã toan về già” không còn đúng nữa, nữ thanh niên, nhất là phụ nữ trí thức, đến tuổi này mới lấy chồng. Ngày nay tuổi 50 với đàn ông mới là tuổi chín chắn (mới ngày nào tuổi này đã ngồi chiếu trên - lên lão). Tuổi thanh niên kéo dài đến 30 năm. Đời sống vật chất, tinh thần đầy đủ. Tuổi thọ trung bình tăng và thời kỳ “con nít” sớm chấm dứt hơn vì được tiếp xúc với xã hội nhiều qua các phương tiện thông tin đại chúng. Vậy là thời gian trang bị kiến thức, kinh nghiệm sống, nghề nghiệp của thanh niên cũng dài hơn. Phần lớn trong số họ chưa độc lập kinh tế và còn phụ thuộc vào gia đình, xã hội, nhưng nhiều khi họ không biết. Họ lớn lên nhưng chưa đủ khôn, chưa có địa vị trong xã hội và gia đình. Họ phát triển tâm lý, sinh lý nhưng tri thức và ý thức lại non nớt. Điều này cho thấy hiện tượng lớp trẻ bây giờ bị sa đà vào tình dục quá sớm, tệ nạn xã hội tăng lên là có lý do. Họ thừa thông tin nhưng thiếu tri thức và trí tuệ. Trong khi đó, các môi trường sinh hoạt của họ như Đoàn thanh niên, Hội sinh viên lại do người lớn lãnh đạo. Trường học do người lớn giáo dục, dậy dỗ thanh niên theo chuẩn mực định sẵn. Tâm lý thanh niên là muốn thoát khỏi sự kiểm soát bên ngoài, dễ bị kích động và lý tưởng hóa một số quan niệm sống như tình yêu, lý tưởng, cuộc đời... Họ bao giờ cũng muốn đạt đến tuyệt đối nhưng lại không kiên định, do đó họ “quậy”, “phá” bằng đủ mọi biểu hiện để chứng tỏ địa vị của mình, để mọi người chú ý đến sự tồn tại của mình. Lắm lúc để mọi người thừa nhận họ phải dùng đến mốt áo quần, giầy mũ, cử chỉ, lời nói (tiếng lóng, chửi bậy) đua xe, ma túy, hay gần đây một nữ sinh đốt trường khi “câu” được 1.000 like. Những hiện tượng Bà Tưng, Lệ Rơi... cũng nằm trong trường hợp này. Cái lối ngông nghênh trong ứng xử, sự vi phạm đạo đức, đam mê tình dục, thích âm nhạc giật gân, ồn ào chẳng qua chỉ tạo nên giá trị phản văn hóa mà giới trẻ không biết.

Cơ hội để khẳng định mình rất nhiều nhưng không dễ dàng cho thanh niên. Tục ngữ ca dao Việt Nam nói “không ai giầu ba họ, không ai khó ba đời”. Để trở thành người giầu có, phải ba đời tích lũy lao động và buôn bán may ra mới đạt được. Hiện nay, người ta dễ làm giàu, và làm giàu nhanh chóng không qua con đường tích lũy tư bản. Có những người lãnh đạo giàu có nhanh chóng không phải bằng tài năng mà bằng tham nhũng, ăn cắp. Thậm chí có những kẻ văn hóa chưa hết phổ thông nhưng lao vào buôn bán ma túy bỗng chốc thành tỉ phú rồi có thể sau đó là vào nhà tù hay ra pháp trường, tính sau. Cũng từ quảng cáo trên báo chí, truyền thông, nhan nhản các lớp học làm giàu nhanh chóng chỉ trong vài tháng, hoặc thậm chí vài ngày hấp dẫn, lôi kéo nhiều thanh niên, sinh viên bán hàng đa cấp (và bị lừa). Có một số thanh niên chỉ nhìn thấy khía cạnh đó nên lao vào làm giầu bất chấp cả pháp luật và đạo lý. Tầng lớp thanh niên trí thức cũng nhiều người muốn khẳng định mình qua con đường làm giàu. Đội ngũ này cố học chữ nhưng với mục đích để làm giàu, để kiếm tiền là chính chứ không phải học để làm người, để làm khoa học nên họ chọn và đổ xô vào các trường, các khoa dễ kiếm tiền khi ra trường. Hiện tượng thanh niên, nhiều người thi vào các trường mà khi ra trường có thể kiếm được việc làm ngay... đông hơn hẳn các trường khoa học cơ bản là vì vậy. Nhưng cũng vì vậy mà cũng có rất nhiều sinh viên ra trường thất nghiệp, không có việc làm, “nhàn cư vi bất thiện”, bổ sung họ vào đội ngũ những người quậy phá xã hội, bị kẻ xấu lợi dụng, xúi giục làm những việc không hay.

Với các em người dân tộc thiểu số, việc học nghề truyền thống như đan gùi, dệt thổ cẩm…

như một sợi dây kéo gần hơn đến những giá trị tốt đẹp của dân tộc.         (Nguồn: Internet)

Bác Hồ đã nhận xét: “Đoàn viên và thanh niên ta nói chung là tốt, mọi người đều hăng hái xung phong, không ngại khó khăn, có chí tiến thủ” (Di chúc). Xét toàn bộ vấn đề kinh tế xã hội và tâm lý thời đại, thanh niên Việt Nam nhìn chung không phải đang xấu đi, đáng lo lắng hơn mà họ đang sống trong một môi trường văn hóa đúng như đang có. Với tất cả mặt mạnh, mặt yếu và tất yếu, thanh niên ta vừa tiếp thu vừa loại bỏ văn hóa truyền thống đúng như quy luật của văn hóa. Các bậc cha anh có lo lắng nhưng xin đừng lo sợ. Vấn đề là ở chỗ gia đình và những tổ chức xã hội cần có phương pháp giáo dục hợp lý, phù hợp quy luật để uốn nắn những cái thái quá của tuổi trẻ, phù hợp tương đối với văn hóa truyền thống của dân tộc và hội nhập, tiếp thu có chọn lọc văn hóa nhân loại, đóng góp văn hóa Việt Nam cho thế hệ thanh niên thế giới.

 

Lê Đình Cúc

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy