Thân thương bạch dương Nga
VNTN - Đất nước Nga vĩ đại vốn có tên là “xứ sở bạch dương” vì chỗ nào cũng thấy những hàng cây bạch dương, đặc biệt là ở những vùng biên giới, vùng sâu vùng xa thì chúng mọc thành rừng, che chắn cho từng phần lãnh thổ, như những tấm áo giáp vô hình. Bạch dương cũng đi vào nhiều tác phẩm thi ca, hội họa, kịch nghệ cổ kim, cùng những vật dụng quen thuộc trong nhà và những sinh hoạt văn hóa dân dã, làm nên một nét đẹp biểu tượng của Nga về vẻ duyên dáng - thơ mộng, sức sống - nghị lực, sự bình yên - tự do, tình yêu, hạnh phúc, tài lộc, tuổi xuân… Với người Nga, bạch dương cứ như một người phụ nữ kiều diễm, biết quán xuyến mọi thứ nhằm đảm bảo cuộc sống no ấm quanh năm. Cây xuất hiện ở mọi nơi, mọi lúc và gần gũi với mọi người, trong mọi công việc. Tuy có nhiều loài cây khác ở Nga, song bạch dương là cây nhiều nhất và đóng vai trò cốt yếu trong văn hóa, tín ngưỡng, ẩm thực, kiến trúc, kinh tế, môi trường, quân sự… của cả Liên bang.
Từ ngàn xưa, dân gian Nga đã coi bạch dương là hình ảnh của mùa xuân bất tận và sự sống dồi dào. Cây được xem là thủy tổ và thần hộ mệnh cho muôn loài, khi vừa là thức ăn - thang thuốc, vừa là chỗ ở của người và chim thú. Người Nga thường lấy nhựa bạch dương để chế biến nhiều loại món ăn - đồ uống, cũng đốt những cành lá của nó để xông hơi, tắm gội, giúp tăng cường thể chất, hệ miễn dịch. Ngoài dùng làm củi, họ cũng xây nhà tắm từ gỗ bạch dương, rồi nhà ở và nhiều đồ đạc khác, trong đó có những tác phẩm trang trí, như tượng và phù điêu, bìa sách, khay hộp đựng thức ăn vì chúng tỏa ra hương thơm và có màu trắng dễ vẽ. Thế nhưng, lá cây lại rất xanh và nảy lộc cực nhanh cuối đông đầu xuân, giống như mai đào, đem tới một diện mạo mới tươi đẹp, vì thế, bạch dương cũng là biểu tượng của sự hồi sinh - mùa xuân, ánh sáng, nắng ấm và người ta luôn tính đầu năm từ việc cây đâm chồi.
Bạch dương cũng là người bảo vệ cho các cô gái do đặc điểm nữ tính, như dáng vẻ mềm mại - thanh mảnh, màu vỏ trắng muốt, lại biết nhẫn nhịn vào đông và bùng phát vào xuân. Người Nga tin rằng, trong tự nhiên có các nàng tiên, mà đặc biệt là nữ thần Bereginya - cô tổ của muôn loài, thường trú ngụ trong thân bạch dương, nên rất kính cẩn với cây, tôn thờ nó như tổ tiên vậy. Trong các lễ hội, phụ nữ Nga đều mặc váy cho bạch dương, nhảy múa xung quanh cây từ sớm tới khuya, để ca ngợi vẻ đẹp thùy mị, tươi sáng. Do đa số vật dụng trong nhà như đồ đạc nấu nướng đều từ gỗ này mà ra, nên họ cũng rất yêu mến chúng, nói chuyện, ca hát với chúng như thân nhân. Sáng nào, nữ giới cũng rửa mặt, tắm gội bằng nhựa bạch dương, thậm chí nam giới cũng vậy để tinh thần minh mẫn, xán lạn, vui vẻ, trẻ trung. Tuy mảnh dẻ, thon thả song nhiều cây đều rất cao tuổi, với mỗi lóng là một tuổi đời nên nhiều người cũng xem bạch dương là hiện thân của tuổi thọ, phúc lộc danh tài. Vợ chồng, con cái mỗi khi làm gì đều ra nói với cây, đứng dưới gốc cây thủ thỉ, cầu nguyện. Khi chạm vào nó, họ cảm tưởng như thể đã lĩnh hội được chân lý, đạt được sự thăng bằng cùng những động lực phát triển. Trai tráng đi lính lại xem bạch dương là hình bóng của quê nhà, người thương, mẹ hay chị và họ cũng dùng cây để tinh tấn và làm nên những vũ khí, rào chắn chống trả quân thù. Trong mùa đông lạnh lẽo, khắp nơi là tuyết trắng, đồng không mông quạnh, cái để mọi người định vị, nương tựa, dựa vào chính là những hàng cây, thân cây bạch dương cổ thụ, với những vết thâm sần đen xám trên nền trắng vời vợi. Còn trong mùa thu khi muôn lá rũa vàng hay đỏ thì màu trắng và sự khẳng khiu, lêu đêu của nó lại tạo ra một phong cảnh diễm lệ, trữ tình khôn tả. Tựu trung, trong mùa nào, bạch dương cũng mang tới một cảm giác dịu dàng, ban sơ, trong sáng, không bị tạp pha, lấn át bởi muôn màu, muôn sự khác. Dù màu sắc của vỏ cây có vẻ hơi lạnh song màu lá vào thu và nhiều loại gỗ vàng tâm lại khiến cho người xem ấm dạ, yên lòng. Trong tiếng Nga, bạch dương là bereza, xuất phát từ chữ bảo vệ, gìn giữ hay chăm sóc. Còn với người Slavs là một món quà của Thượng Đế giúp cho người hộ thân, và dùng nó để làm muôn việc cần thiết từ xây dựng tới làm giấy và những đồ chơi giải trí. Đặc biệt cây được tin có linh hồn chống được ma tà - điều xấu và thu hút tài khí, của cải.
Nói chung, mỗi khi rảnh rỗi, người Nga đều dùng gỗ bạch dương để đẽo gọt ra nhiều tác phẩm thủ công mỹ nghệ đặc sắc, ví dụ như những chú chim hạnh phúc Pomor, những ổ búp bê Matryoshka hay những cây đàn Balalaika… Nhiều người dân còn dùng vỏ cây bạch dương nhằm chế tác, đan lát nên những đồ vật thú vị, thậm chí tạo thành các làng nghề truyền thống dùng vỏ, gỗ bạch dương. Và một đơn cử trong đó là đồ chạm khắc và phù điêu Shemogodsky, xuất hiện từ thế kỷ 18 tại 14 làng bên sông Shemoska - Northern Dvina. Từ một miếng vỏ hoặc một khúc gỗ, vòng thân bạch dương, các nghệ nhân dân gian đã đục đẽo ra những bức tranh dưới dạng đăng ten với đề tài rất phong phú, khắc họa các sinh hoạt nông nghiệp cũng như phong cảnh thiên nhiên trù phú. Tranh thường có dạng tròn, ô van dựa theo vòng thân cây và được tỉa gọt tinh xảo để những họa tiết bên trong được đăng đối, hài hòa, bắt mắt. Trong tranh thường thấy cảnh hoa lá, chim chóc, muông thú và đôi khi là người đi dạo, uống trà, cưỡi ngựa hay làm việc trên đồng… Ngoài tranh, người ta cũng làm nhiều đồ đựng, vật trang trí 3D sống động trong nhà và gắn trên tường.
Có thể nói vỏ bạch dương đóng một vai trò cực lớn trong đời sống của nông thôn Nga, nhất là miền Bắc nước này, Siberia và vùng Viễn Đông. Nhờ có thể chống thấm, chống khuẩn nên chúng hay được dùng để xây dựng nhà cửa và phòng tránh dột nát. Bên dưới các trần nhà, xung quanh các ô cửa, nhất là nhà tắm, nhà kho bao giờ cũng bọc nhiều lớp vỏ bạch dương, một mái nhà vì thế tồn tại đến hơn 40 năm trước mối mọt. Như đã nói, người dân còn dùng vỏ cây để làm đồ đạc, ví dụ như những cái bình, cái hũ, hộp chai đựng sữa, mật ong, bột mỳ, rau dưa và cá;... những lọ muối dưới dạng con vịt để đựng gia vị, muối, mỳ chính, bột nêm và những rổ, rá, giỏ, sọt bằng vỏ cây đan lát để đựng dâu, nấm, rau quả, thảo dược, đồ khô. Họ cũng dùng vỏ cây làm giày dép, mũ nón, quần áo, yên ngựa, gậy chống, dây thừng và nhiều đồ chơi xinh xắn… Trong thời cổ đại, khi chưa có giấy viết, thầy trò đều dùng vỏ cây này để viết nhờ thế biết chữ, nảy sinh ra hàng loạt văn nhân, thi sĩ. Giấy từ vỏ bạch dương do đó cũng là biểu trưng của học thức và giáo dục.
Bắt đầu từ hè, khi nhựa cây thôi rỉ, mọi nhà sẽ đi thu lượm, tách vỏ bạch dương và ép chúng thành tấm, vệ sinh để phục vụ nhiều mục đích, mà dù làm gì cũng tỏa ra hương thơm ngào ngạt.
Hương thơm ấy chính là tinh dầu trong nhựa cây bạch dương. Một thứ nhựa được coi là suối nguồn của sự sống, tuổi trẻ, thể lực. Nó còn có tên khác là nước uống của đô sĩ, nhờ chứa đựng rất nhiều vitamin, khoáng chất, a xít hữu cơ và polysaccharides giúp tăng cường trao đổi chất, cũng chứa nhiều tannin giúp chống viêm; magnesium, potassium và calcium cần thiết cho hệ tim mạch… Vì thế, từ xưa ở Nga đã có nước uống kvass từ nhựa bạch dương cho cả già lẫn trẻ; cũng có rượu chế từ nhựa cây lên men. Khác với vỏ cây, người ta lấy nhựa bạch dương vào xuân, từ thời điểm băng tuyết tan cho tới khi lộc non nhú lên. Họ chọn những cây có đường kính tối thiểu từ 30 đến 40 centimét và cho lượng nhựa một lít mỗi ngày, song chỉ lấy khoảng năm, sáu lít để cây sớm phục hồi. Mỗi nhà ở Nga đều trồng một số hàng bạch dương trước cổng, khiến khắp nơi là một màu xanh của lá và màu trắng của thân mướt mát - thơm tho. Ai nấy đều hãnh diện trước hàng cây nhà mình, bởi ngoài ý nghĩa sức khỏe dẻo dai và tài lộc, bạch dương còn nhắc nhở mọi người sống hòa thuận, yêu thiên nhiên, đất nước, truyền thống của dân tộc.
Có khá nhiều họa sĩ, nhạc sĩ, nhà văn sáng tác về bạch dương, trong đó đều phản ánh một không khí của làng quê Nga dưới những hàng bạch dương hết sức thanh bình, thơ mộng. Bạch dương đứng thẳng như chông, có cây lại nghiêng nghiêng điệu đà. Có cây lá xanh, có cây lá đỏ lá vàng hoặc phủ tuyết trắng. Có cây um tùm có cây trơ trọi cành khô với tổ của nhiều đàn chim náo nhiệt. Bên dưới vòm lá là những mái nhà thờ, những ngôi nhà dân lô xô với cảnh bầy trẻ thơ chạy nhảy tung tăng và những cô gái, chàng trai làm đỏm, tự tình, hẹn hò bên cây.
Chu Mạnh Cường
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...