Thứ bảy, ngày 04 tháng 05 năm 2024
02:37 (GMT +7)
KỶ NIỆM 70 NĂM CHIẾN THẮNG ĐIỆN BIÊN PHỦ (07/5/1954 - 07/5/2024)

Thái Nguyên góp phần vào chiến thắng Điện Biên Phủ (Kỳ 1)

Kỳ 1: Nơi ghi dấu nhiều sự kiện liên quan đến Chiến dịch Điện Biên

Thái Nguyên là vùng đất địa linh nhân kiệt, có địa thế chiến lược hiểm yếu “Tiến khả dĩ công, thoái khả dĩ thủ”. Khi thực dân Pháp trở lại xâm lược nước ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh, Trung ương Đảng, Chính phủ quyết định trở lại Việt Bắc và xây dựng ATK kháng chiến của Trung ương trên địa bàn các huyện Định Hóa, Đại Từ, Phú Lương, Võ Nhai (Thái Nguyên), Sơn Dương, Yên Sơn, Chiêm Hóa (Tuyên Quang) và Chợ Đồn (Bắc Kạn).

Đó là “Thủ đô kháng chiến” của cả nước, trong đó, ATK Thái Nguyên giữ vai trò là trung tâm. Vì ở đó, Bác Hồ, đồng chí Tổng Bí thư Trường Chinh, Thường vụ Trung ương Đảng, Bộ Tổng Tư lệnh và các cơ quan Bộ Tổng Tham mưu, Tổng Cục Chính trị, Tổng Cục Hậu cần và nhiều cơ quan trọng yếu của Trung ương đã ở, làm việc.

Di tích Lịch sử Quốc gia Nơi ở và làm việc của Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam (1949 - 1954), xã Bảo Linh, huyện Định Hóa. Ảnh: V.T
Di tích Lịch sử Quốc gia Nơi ở và làm việc của Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam (1949 - 1954), xã Bảo Linh, huyện Định Hóa. Ảnh: V.T

Thái Nguyên cũng là nơi ra đời nhiều quyết định quan trọng của Trung ương, Chính phủ, Bộ Tổng Tư lệnh trong suốt cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Đặc biệt, ngày 6/12/1953, tại đồi Tỉn Keo, xã Phú Đình, huyện Định Hóa, Bộ Chính trị quyết định mở chiến dịch Điện Biên Phủ (với bí danh là Chiến dịch Trần Đình). Đây được coi là quyết định quan trọng nhất liên quan tới vận mệnh toàn dân tộc. Từ quyết định lịch sử này, dân tộc ta đã làm nên chiến thắng vĩ đại Điện Biên Phủ “Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.

Theo cuốn “Bác Hồ với Thái Nguyên - Thái Nguyên với Bác Hồ” (Tỉnh uỷ Thái Nguyên, tái bản năm 2014), trang 201 – 202 cho biết: Ngày 6/12/1953, tại Tỉn Keo, xã Phú Đình, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên, Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì cuộc họp Bộ Chính trị nghe Tổng Quân ủy báo cáo Phương án tác chiến mùa Xuân năm 1954.

…Bộ Chính trị nhất trí thông qua Phương án tác chiến mùa Xuân năm 1954 của Tổng Quân ủy và quyết định mở Chiến dịch Điện Biên Phủ (với bí danh là Chiến dịch Trần Đình).

Trang 209 viết: “Ngày 1/1/1954, tại Tỉn Keo, Phú Đình, thuộc ATK Định Hóa, Chủ tịch Hồ Chí Minh dự họp Bộ Chính trị chỉ định cơ quan lãnh đạo, chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ; triển khai kế hoạch điều động lực lượng lên Tây Bắc. Tại cuộc họp này, Bộ Chính trị quyết định thành lập Đảng ủy Mặt trận do Đại tướng Võ Nguyên Giáp (Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam) làm Bí thư và các đồng chí Hoàng Văn Thái (Phó Tổng Tham mưu trưởng), Lê Liêm (Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị), Đặng Kim Giang (Phó Chủ nhiệm Tổng cục Cung cấp) làm Đảng ủy viên. Bộ Chính trị quyết định thành lập Bộ Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ gồm các đồng chí: Đại tướng Võ Nguyên Giáp (Tư lệnh), Thiếu tướng Hoàng Văn Thái (Tham mưu trưởng), Lê Liêm (Chủ nhiệm Chính trị) và Đặng Kim Giang (Chủ nhiệm Cung cấp)”.

Trước khi lên đường đi Chiến dịch Điện Biên Phủ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp lên Khuôn Tát (Phú Đình - Định Hóa) chào Chủ tịch Hồ Chí Minh. Người căn dặn: “Trận này rất quan trọng, phải đánh cho thắng. Chắc thắng mới đánh, không chắc thắng, không đánh” và “Tướng quân tại ngoại! Trao cho chú toàn quyền. Có vấn đề gì khó khăn, bàn thống nhất trong Đảng ủy, thống nhất với cố vấn thì cứ quyết định, rồi báo cáo sau”. Ngày 5/1/1954, Đại tướng Võ Nguyên Giáp lên đường ra Mặt trận Điện Biên Phủ. Nơi ở, làm việc của Đại tướng Võ Nguyên Giáp và cơ quan Bộ Tổng Tư lệnh quân đội nhân Việt Nam (1949 - 1954) là tại thôn Bảo Biên, xã Bảo Linh, huyện Định Hoá. Từ nơi đây, Đại tướng đã lên đường chỉ huy giành thắng lợi nhiều chiến dịch lớn, trong đó có chiến dịch Điện Biên Phủ.

Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí trong Ban Thường vụ Trung ương Đảng họp quyết định mở Chiến cuộc Đông Xuân 1953 - 1954 và Chiến dịch Điện Biên Phủ (xã Phú Đình, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên cuối năm 1953). Ảnh tư liệu lịch sử
Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí trong Ban Thường vụ Trung ương Đảng họp quyết định mở Chiến cuộc Đông Xuân 1953 - 1954 và Chiến dịch Điện Biên Phủ (xã Phú Đình, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên cuối năm 1953). Ảnh tư liệu lịch sử

ATK Định Hoá không chỉ là nơi phát tích Chiến dịch Điện Biên Phủ, mà còn là nơi diễn tập thực binh đánh tập đoàn cứ điểm của thực dân Pháp vào dịp hè thu năm 1953, do một trung đoàn thuộc Đại đoàn quân Tiên phong (F308) thực hiện. Các xóm Bản Soi, Đèo Tọt và Đồng Làn (xã Đồng Thịnh, huyện Định Hoá) được chọn là nơi diễn tập chính. "Trung tâm sở chỉ huy địch" đóng tại địa điểm xóm Bản Soi; cánh đồng Sìn là nơi bố trí các ụ súng của "địch", được nối với nhau bằng giao thông hào sâu ngập đầu người. Từ "Sở chỉ huy " đến hệ thống hầm, lô cốt đều được đào, đắp, lát hầm bằng gỗ, vầu. Thành công của cuộc tập trận đã góp phần quan trọng vào chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ.

Ngoài ra, ATK Định Hoá còn là nơi có nhiều địa điểm lịch sử liên quan đến Chiến dịch Điện Biên Phủ. Đây là nơi thành lập Đại Đoàn 308 (Đại đoàn quân Tiên phong, nay là Sư đoàn Bộ binh 308, Quân đoàn 12) ngày 28/8/1949, tại bãi Đu, xã Động Đạt (Phú Lương). Trong đợt 1 của Chiến dịch Điện Biên Phủ, Đại đoàn 308 được giao nhiệm vụ tiến công và đã làm chủ cứ điểm Độc Lập. Ngày 7/5/1954, từ phía tây, Đại đoàn 308 đánh thẳng vào Sở Chỉ huy địch ở Mường Thanh, cùng các đơn vị bạn ở phía đông tiêu diệt những vị trí cuối cùng của giặc.

Cán bộ Đại đoàn 308 giải thích chính sách cho hàng binh ở Bản Kéo vừa ra hàng trong Chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954. Ảnh tư liệu lịch sử
Cán bộ Đại đoàn 308 giải thích chính sách cho hàng binh ở Bản Kéo vừa ra hàng trong Chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954. Ảnh tư liệu lịch sử

Định Hóa cũng là nơi thành lập Trung đoàn pháo cao xạ đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam ở xóm Chú, xã Bộc Nhiêu (Trung đoàn Pháo cao xạ 367, do Đại tướng Võ Nguyên Giáp ký Quyết định thành lập, số 06/QĐ, ngày 1/4/1953). Ngày 13/3/1954, quân ta nổ súng mở màn chiến dịch Điện Biên Phủ. Ngày 14/3/1954, Đại đội Pháo cao xạ 815 của Trung đoàn đã nổ súng bắn rơi tại chỗ chiếc máy bay trinh sát “Mo-ran” - chiếc máy bay đầu tiên của địch bị bắn rơi tại Điện Biên Phủ. ATK Định Hoá cũng là nơi đặt xưởng in I, Cục Bản đồ, Bộ Tổng tham mưu (1951 – 1954) tại đồi Na Mỵ, xóm Dạo I, xã Bộc Nhiêu. Tại đây in bản đồ địa hình phục vụ tác chiến của bộ đội trên mặt trận Điện Biên Phủ, giúp chiến dịch giành thắng lợi…

Khi tra cứu trong cuốn sách “Từ điển Thái Nguyên” (Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Thái Nguyên, xuất bản năm 2016), ta bắt gặp khá nhiều địa danh liên quan đến Điện Biên Phủ. Trang 447, mục từ “KHẨU QUẮC” cho biết: đó là tên một căn hầm trong đồi Khẩu Quắc thuộc xóm Đồng Chùa, xã Thanh Định, huyện Định Hóa; là nơi làm việc của Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Bí thư Tổng Quân ủy, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng kiêm Tổng Tư lệnh Quân đội Nhân dân Việt Nam (1952 - 1954).

Bia lưu niệm Trung đoàn 367 tại xã Bộc Nhiêu, huyện Định Hoá
Bia lưu niệm Trung đoàn 367 tại xã Bộc Nhiêu, huyện Định Hoá

Tại đây, Bộ Tổng tư lệnh đã họp bàn kế hoạch quân sự Đông - Xuân 1953 - 1954 và ngày 20/11/1953, Tổng Quân ủy đã báo cáo Kế hoạch quân sự năm 1954 với Bộ Chính trị Trung ương Đảng. Cũng tại đây, Chủ tịch Hồ Chí Minh và các tướng lĩnh quân đội đã bàn kế hoạch đánh Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ.

Trang 581, mục từ “NA MỌN” cho biết: Đây là nơi ở và làm việc của Cục Bản đồ (1950 - 1954). Vị trí di tích ở xóm Na Mọn thuộc xã Phủ Lý, huyện Phú Lương… Tại đây, nhiều loại bản đồ từ Chiến dịch Biên giới đến Chiến dịch Điện Biên Phủ đã được in ấn kịp thời, chính xác, phục vụ công tác xây dựng kế hoạch, lãnh đạo, chỉ huy của Bộ Tổng Tư lệnh và các cơ quan tham mưu chiến lược của quân đội.

Trang 628, mục từ “OÁNH, Bến phà” cho biết: được mở năm 1950, sau Chiến dịch Biên giới; nối hai bờ sông Cầu, bên này thuộc đất xóm Oánh, xã Túc Duyên (nay là phường Túc Duyên, thành phố Thái Nguyên), bên kia là xã Linh Sơn, huyện Đồng Hỷ (nay thuộc TP. Thái Nguyên)…

Bến phà do trung đội thanh niên xung phong của tỉnh phụ trách, thường xuyên có một phà hoạt động từ 17giờ đến 6 giờ sáng ngày hôm sau để tránh máy bay địch đánh phá; khi có chiến dịch vận chuyển, bến có 2 phà hoạt động. Trong những năm cuối của cuộc kháng chiến (1950 - 1954), bến phà đã có những đóng góp quan trọng vào chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ.

Trang 810, tại mục từ “THANH ĐỊNH, Xã” cho biết: Nơi đây, Tổng Quân ủy và cơ quan Bộ Tổng Tư lệnh xây dựng hội trường sinh hoạt, học tập (1947 - 1954) và nơi Bộ Tổng Tư lệnh đặt sa bàn tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ trên nền Hội trường và thảo luận về cách đánh tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ tại xóm Nà Nẹng (cuối năm 1953, đầu năm 1954), v.v..

(Còn nữa)

Trần Thép (tổng hợp)

Kỳ 2: Đóng góp sức người sức của cho Chiến dịch

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy