Thứ ba, ngày 24 tháng 12 năm 2024
21:09 (GMT +7)
KỶ NIỆM 70 NĂM CHIẾN THẮNG ĐIỆN BIÊN PHỦ (07/5/1954 - 07/5/2024)

Thái Nguyên góp phần vào chiến thắng Điện Biên Phủ (Kỳ 2)

Kỳ 2: Đóng góp sức người sức của cho Chiến dịch

(Tiếp theo kỳ trước)

Điện Biên Phủ là một thung lũng nằm cách ATK Thái Nguyên chừng 500km. Giao thông vận tải từ ATK Thái Nguyên lên Điện Biên Phủ xa xôi, có rất nhiều khó khăn, phức tạp.

Học sinh tham gia chương trình ngoại khóa giáo dục về lịch và truyền thống cách mạng tại một điểm di tích lịch sử ở ATK Định Hoá. Nguồn: atkthainguyen.org.vn
Học sinh tham gia chương trình ngoại khóa giáo dục về lịch và truyền thống cách mạng tại một điểm di tích lịch sử ở ATK Định Hoá. Nguồn: atkthainguyen.org.vn

 

Trên địa bàn Thái Nguyên, Quốc lộ số 3 và tỉnh lộ số 13 là hai tuyến giao thông huyết mạch của Căn cứ địa Việt Bắc, đồng thời cũng là 2 tuyến giao thông rất quan trọng để vận chuyển lực lượng, vũ khí, lương thực, thực phẩm lên mặt trận Điện Biên Phủ.

Cuốn Lịch sử Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên tập 1 (1936 – 1965) tái bản lần thứ nhất, có chỉnh lý bổ sung, cho biết: Đảm bảo giao thông vận tải thời chiến là một trong những đóng góp lớn nhất của đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Thái Nguyên trong kháng chiến chống thực dân Pháp.

Trong cuốn sách “Bắc Thái lịch sử kháng chiến chống thực dân Pháp 1945 - 1954”, xuất bản năm 1990, trang 209 - 210 ghi: “Tháng 2 năm 1954, Thái Nguyên cử tiếp 2.359 dân công đi Công trường 2 và 2.200 dân công đi Công trường 1 Việt Bắc, mở đường phục vụ chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ”.

Đặc biệt, trong cuốn Kỷ yếu Hội thảo “Từ An toàn khu (ATK) Thái Nguyên đến chiến thắng Điện Biên Phủ” do Sở Văn hóa Thông tin Thái Nguyên tái bản lần 1, năm 2007 (có sửa chữa, bổ sung), một số tham luận của các nhà nghiên cứu lịch sử đã phân tích khá kĩ về những đóng góp tỉnh Thái Nguyên, của Liên Khu Việt Bắc vào Chiến dịch.

Tham luận của Thượng tá Nguyễn Văn Thắng (Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Thái Nguyên) nêu bật những đóng góp của tỉnh Thái Nguyên từ trước và sau khi chiến dịch Điện Biên Phủ nổ ra.

Trước đó, để đảm bảo giao thông vận tải phục vụ các chiến dịch Hòa Bình, Tây Bắc..., năm 1952 Thái Nguyên đã huy động 224.000 dân công đi sửa chữa cầu đường và vận tải hàng hóa phục vụ các chiến dịch, vượt chỉ tiêu trên giao 1.600 người.

Nhằm ngăn chặn công tác vận chuyển vũ khí, lương thực của ta từ căn cứ địa Việt Bắc ra mặt trận, năm 1953, giặc Pháp tập trung máy bay và bom đạn đánh phá ác liệt hệ thống giao thông vận tải nằm trên địa bàn Việt Bắc nói chung, Thái Nguyên nói riêng. Trên địa bàn Thái Nguyên, chỉ tính riêng các bến phà Huy Ngạc (Đại Từ), Thác Oánh, Minh Lý, Trại Cài (Đồng Hỷ) máy bay địch đã ném bom, bắn phá làm đắm 7 phà. Trước tình hình đó, Tỉnh ủy Thái Nguyên đề ra chủ trương lãnh đạo “chú trọng sửa chữa mặt đường, đảm bảo giao thông thông suốt trong mọi tình huống, đúng thời hạn đã định”.

Tháng 4/1953, Tỉnh ủy quyết định thành lập ban bảo vệ cầu, đường các cấp tỉnh, huyện và các xã dọc các tuyến giao thông, làm nhiệm vụ tuần tra, canh gác bảo vệ các trọng điểm giao thông, các nơi xung yếu. Ban Chỉ huy Tỉnh đội phối hợp với Công an tỉnh tổ chức các tổ tuần tra, các trạm kiểm soát giao thông dọc quốc lộ 3 từ Chợ Mới về Bờ Đậu và dọc đường 13A từ Bờ Đậu đến Đèo Khế. Ban Chấp hành Đoàn Thanh niên tỉnh tổ chức thành lập 2 đội TNXP chủ lực cầu đường (Đại đội 211 Đồng Hỷ gồm 136 cán bộ, chiến sĩ và Đại đội 212 Đại Từ gồm 149 cán bộ, chiến sĩ).

Năm 1953, Thái Nguyên đã huy động 2.168 tấn thóc cho việc đảm bảo giao thông vận tải, huy động 929.595 công dân công, đào, đắp 123.900 mét khối đất, 22.634 mét khối đá, khai thác 1534,5 mét khối gỗ làm cầu, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ sửa chữa các tuyến quốc lộ 3, quốc lộ 1B, Tỉnh lộ 13A Bờ Đậu - Đèo Khế và các đường Linh Nham - Giang Tiên; Km 31 - Quán Vuông - Khuôn Ngàn; Dốc Đinh - Dốc Điệp - đường vòng Đèo Khế.

Ngoài ra, để chuẩn bị cho chiến cuộc Đông Xuân 1953 -1954, cuối năm 1953 Thái Nguyên huy động 5.997 dân công, 450 xe đạp thồ, 200 xe trâu kéo, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ vận chuyển hơn 500 tấn lương thực từ các kho ở khu vực phía nam tỉnh lên các kho ở khu vực phía bắc tỉnh. Cùng thời gian trên, nhân dân các dân tộc Thái Nguyên còn xay, giã 536 tấn thóc thành gạo, kịp thời chuyển ra các mặt trận và tiếp nhận 200 tấn thóc của nhân dân Bắc Giang chuyển lên đưa vào các kho dự trữ đảm bảo an toàn.

Một gian trưng bày tại Bảo tàng ATK Định Hoá
Một gian trưng bày tại Bảo tàng ATK Định Hoá

 

Khi chiến dịch Điện Biên Phủ mở màn, Tỉnh ủy, Ủy ban Kháng chiến - Hành chính tỉnh Thái Nguyên mở cuộc vận động, tuyên truyền nhân dân các dân tộc trong tỉnh hướng về Điện Biên Phủ với các khẩu hiệu “Tất cả vì tiền tuyến, tất cả để đánh thắng”; “Tất cả cho chiến dịch Điện Biên Phủ”.

Về sự kiện này, trang 188, cuốn Lịch sử Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên tập 1 viết: “Để đảm bảo giao thông vận tải phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ, đầu năm 1954, Tỉnh ủy quyết định tập trung cán bộ các đoàn thể Thanh niên, Nông hội và Ban Kiểm tra Tỉnh ủy xuống giúp các huyện huy động dân công san lấp, sửa chữa cầu đường các tuyến quốc lộ 1B và tỉnh lộ 13A. Từ tháng 2 đến tháng 6/1954, ngoài việc huy động hai đợt với tổng số 9.559 dân công đi làm đường, phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ, Thái Nguyên còn thành lập 115 tổ bảo vệ với trên 1.900 tổ viên làm nhiệm vụ bảo vệ những đoạn đường xung yếu trên các tuyến giao thông quan trọng; sửa chữa cầu đường khi bị máy bay địch đánh phá, đảm bảo giao thông vận tải luôn kịp thời thông suốt”.

Ngoài phần đóng góp lương thực, thực phẩm nuôi cán bộ, bộ đội trong ATK Thái Nguyên, nhân dân các dân tộc trong tỉnh Thái Nguyên đã huy động được 671 tấn gạo; 28.752 kg thịt lợn và thịt trâu, bò; 10 tấn đỗ, lạc, vừng... cung cấp cho mặt trận Điện Biên Phủ. Trong rầm rập những đoàn dân công gồng gánh, những đoàn xe đạp thồ nặng hàng hóa xuyên rừng, vượt núi, trèo đèo, lội suối đến Điện Biên, trong hành trang của những người dân công Thái Nguyên lên Điện Biên Phủ, ngoài lương thực, thực phẩm, vũ khí còn có hàng ngàn lá thư của những người ông, người bà, người bố, người mẹ, người vợ, người con và cả những lá thư của các đoàn thể nhân dân trong tỉnh gửi cho các chiến sĩ đang chiến đấu ở mặt trận Điện Biên, động viên các chiến sĩ dũng cảm xông lên giết giặc. Các đoàn dân công Thái Nguyên đã bắc một nhịp cầu tình cảm to lớn nối liền hậu phương ATK Thái Nguyên với tiền tuyến Điện Biên. Nhịp cầu đó đã góp phần không nhỏ vào thắng lợi của quân và dân ta trong chiến dịch Điện Biên Phủ.

Đoàn xe thồ phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ. Ảnh tư liệu lịch sử
Đoàn xe thồ phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ. Ảnh tư liệu lịch sử

 

Tham luận của Đại tá Lê Minh Huy (Ban nghiên cứu Lịch sử Lào, Viện Lịch sử quân sự Việt Nam) cung cấp thêm các số liệu về sự đóng góp của quân dân Thái Nguyên và Liên khu Việt Bắc (1) trong Chiến dịch Điện Biên Phủ.

Trước những yêu cầu khẩn trương to lớn của Chiến dịch, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã chỉ thị cho Liên khu Việt Bắc: “động viên nhân, vật lực phục vụ cho mặt trận” và “tích cực sửa chữa, bảo vệ đường giao thông quốc phòng”. Chỉ thị nêu rõ: “các lực lượng làm công tác giao thông vận tải phải kết hợp chặt chẽ với địa phương, với các ngành đặt kế hoạch bảo vệ đường sá, cầu cống bằng biện pháp tích cực nhất”.

Thực hiện chỉ thị trên, tỉnh Thái Nguyên đã thành lập Ban Chỉ huy công trường; các huyện, các xã thành lập ban bảo vệ và sửa chữa cầu đường. Các ban này chịu trách nhiệm chuyên môn trước Đảng bộ địa phương về công tác huy động nhân vật lực cho mặt trận và đảm bảo giao thông vận tải trong phạm vi địa phương mình. Tỉnh đã giao trách nhiệm chính các tuyến đường qua khu vực cho các huyện, các xã. Đường số 3 giao cho huyện Phổ Yên, Đồng Hỷ, Phú Lương. Đường 1B giao cho các huyện Võ Nhai, Đồng Hỷ. Đường về Bắc Giang giao cho Phú Bình, Phổ Yên. Đường Bờ Đậu - Đèo Khế đi Tuyên Quang giao cho huyện Đại Từ. Trong đó quan trọng nhất là các cung đường từ Việt Bắc sang Tây Bắc như đường Đại Từ - Đèo Khế (đường 379).

Để chủ động đánh trả máy bay địch, tỉnh cũng đã thành lập thêm 2 đại đội phòng không (trong số 13 đại đội của toàn Liên khu Việt Bắc). Ngoài số cán bộ, chiến sĩ hạt nhân nòng cốt từ Liên khu bổ sung về, các huyện đã vận động hàng trăm thanh niên hăng hái nhập ngũ. Đồng thời, dân quân, du kích các địa phương cũng chủ động học tập, huấn luyện bắn máy bay bằng các loại súng bộ binh. Các đơn vị pháo cao xạ của ta đã chiến đấu rất mưu trí dũng cảm, bắn rơi và bắn bị thương nhiều máy bay của địch, bảo vệ thị xã Thái Nguyên, các tuyến đường trọng điểm, kho tàng và góp phần bảo vệ An toàn khu.

Trên đường số 3 và đường Đại Từ - Đèo Khế, nhân dân đã thành lập được 331 tổ với trên 3.000 người thường xuyên bám mặt đường. Với những dụng cụ thô sơ như cuốc, xẻng, búa... các tổ đã thường xuyên giữ các tuyến đường, cầu phà thông suốt và nhanh chóng bốc dỡ hàng hóa giải phóng xe nhanh. Các tổ nhân dân bảo vệ còn cùng bộ đội theo dõi phát hiện diệt trừ bọn chỉ điểm, biệt kích. Nhiều đoạn đường trọng điểm như Đèo Khế, Quán Vuông, Định Hóa, Km 31... các lực lượng làm đường còn mở thêm một số cung đường mới để cho xe cộ và bộ đội, dân công tránh vùng trọng điểm khi bị địch đánh phá ác liệt.

Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, nhân dân đã tham gia san lấp 8.000 mét khối đất đá trên đường vận tải từ Quán Vuông ra mặt trận. Nhân dân các huyện phía nam của tỉnh cùng lực lượng vũ trang còn tham gia với nhân dân Bắc Giang và Đoàn Công binh 152, thanh niên xung phong mở thêm 87 kilômet từ đường số 13 qua Lũng Lô, Phiềng Ban vượt qua suối sâu đèo cao nối với đường số 41, hình thành nên tuyến giao thông chủ yếu từ hậu phương Việt Bắc lên tiền tuyến.

Đoàn viên, thanh niên tới thăm Lán Khuôn Tát, nơi Bác Hồ ở, làm việc trong Kháng chiến chống Pháp, tại đồi Nà Đình, xóm Khuôn Tát, xã Phú Đình, Định Hóa. Nguồn: atkthainguyen.org.vn
Đoàn viên, thanh niên tới thăm Lán Khuôn Tát, nơi Bác Hồ ở, làm việc trong Kháng chiến chống Pháp, tại đồi Nà Đình, xóm Khuôn Tát, xã Phú Đình, Định Hóa. Nguồn: atkthainguyen.org.vn

 

Trong số 35.000 dân công phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ của toàn Liên khu Việt Bắc, thì tỉnh Thái Nguyên đã đóng góp một phần quan trọng. Tính bình quân tỉnh đã huy động trên 60% khả năng nhân lực vật lực của các địa phương. Nhiều gia đình cả 3 thế hệ cùng ra mặt trận. Nhiều đoàn dân công của các huyện Đại Từ, Định Hóa, Võ Nhai, Đồng Hỷ, Phú Lương, Phú Bình, Phổ Yên đã tham gia phục vụ chiến dịch từ 4 đến 5 tháng liền. Một số đoàn hết nghĩa vụ vẫn tình nguyện ở lại phục vụ chiến dịch cho đến ngày chiến thắng.

Nhiều gia đình trong tỉnh không chỉ cử con em mình đi dân công mà còn tình nguyện cho đem theo cả xe trâu, xe đạp (một tài sản quý giá nhất của gia đình lúc bấy giờ) để đi gùi thồ, vận chuyển. Đường hẹp, gập ghềnh, suối sâu dốc cao, khó khăn vất vả nhưng với tinh thần “tất cả cho chiến dịch toàn thắng” các đội vận chuyển đều hăng hái thi đua tăng chuyến, tăng trọng lượng chở hàng. Riêng đội thồ bằng xe đạp đã nâng dần từ mức vài chục cân ban đầu lên trên 1 tạ rồi giữ mức trung bình từ 2 tạ đến 2,5 tạ mỗi xe mỗi chuyến. Đột xuất có người thồ trên 3 tạ. Có hai đơn vị thuộc tỉnh Thái Nguyên và Phú Thọ và 19 cá nhân được thưởng Huân chương Chiến sĩ hạng Ba, ngoài ra còn có 196 Bằng khen và 1.147 Giấy khen của Hội đồng cung cấp, Ban và các Trạm (2).

Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 1954, nhân dân các dân tộc tỉnh Thái Nguyên đã cùng nhân dân các tỉnh trong Liên khu Việt Bắc huy động 19 vạn lượt người tham gia chiến dịch từ 1 đến 4 tháng. Số dân công này đã cùng lực lượng vũ trang và thanh niên xung phong làm đường sửa đường và vận chuyển 4.680 tấn gạo, 118 tấn thịt và 113 tấn đậu, lạc, vừng ra tiền tuyến. Riêng Thái Nguyên, Bắc Cạn và Lạng Sơn trong đợt 2 và đợt 3 của chiến dịch Điện Biên Phủ đã gửi ra tiền tuyến 34.000 kg thịt các loại. Việt Bắc đã trở thành niềm tin chiến thắng của cả nước. Việt Bắc luôn tự hào với lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Cách mệnh do Việt Bắc mà thành công thì kháng chiến sẽ do Việt Bắc mà thắng lợi”.

Nhà bia Di tích Lịch sử Quốc gia Nơi ở và làm việc của Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam (1949 - 1954), xã Bảo Linh, huyện Định Hóa.
Nhà bia Di tích Lịch sử Quốc gia Nơi ở và làm việc của Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam (1949 - 1954), xã Bảo Linh, huyện Định Hóa.

 

Bên cạnh công tác đảm bảo giao thông vận tải thời chiến phục vụ chiến dịch, tỉnh Thái Nguyên còn làm tốt công tác hậu phương quân đội, kịp thời động viên con em lên đường tòng quân, giết giặc. Sách “Lịch sử Đảng bộ Quân sự tỉnh Thái Nguyên (1947 - 2017)”, xuất bản năm 2020, trang 76 cho biết: “Ngày 12/3/1954, Tỉnh ủy đã ban hành Chỉ thị số 01-CT/TN triển khai thi hành sắc lệnh của Chủ tịch Hồ Chí Minh về việc tặng Bảng vàng danh dự và Bảng Gia đình vẻ vang cho các gia đình có con, em tòng quân. Việc tặng Bảng vàng danh dự và Bảng Gia đình vẻ vang đã góp phần cổ vũ nhân dân các dân tộc trong tỉnh hăng hái động viên con em lên đường giết giặc. Trong gần bốn năm (từ tháng 1/1951 đến tháng 7/1954), tỉnh Thái Nguyên đã động viên được 8.443 người lên đường tòng quân giết giặc”.

***

Bảy mươi năm đã qua đi, chiến thắng Điện Biên Phủ vẫn vang vọng mãi trong lòng dân tộc Việt Nam và nhân dân yêu chuộng độc lập tự do, hòa bình trên toàn thế giới. Là một trong những tỉnh trung tâm của Khu Căn cứ địa Việt Bắc, mỗi bước phát triển của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đều có sự đóng góp to lớn, tích cực của nhân dân các dân tộc và lực lượng vũ trang tỉnh Thái Nguyên. Với chiến dịch Điện Biên Phủ, quân và dân Thái Nguyên đã có nhiều đóng góp quan trọng, để lại cho chúng ta những kinh nghiệm quý giá về lòng yêu nước, trí sáng tạo của đồng bào các dân tộc nơi đây.

Trần Thép (tổng hợp)

Kỳ 1: Nơi ghi dấu nhiều sự kiện liên quan đến Chiến dịch Điện Biên Phủ

--------

(1) Liên khu Việt Bắc là một cấp hành chính (có Ủy ban kháng chiến hành chính Liên khu) và quân sự (Bộ Tư lệnh Liên khu), được thành lập theo Sắc lệnh số 127-SL của Chủ tịch Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ngày 4/11/1949, trên cơ sở hợp nhất Liên khu 1 và Liên khu 10.

(2) Theo “Báo cáo tổng kết Xe đạp phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ của Liên khu Việt Bắc” Hồ sơ 1403, Phông Sở Giao thông Khu tự trị Việt Bắc, TTLTQG III. Nguồn: luutru.gov.vn

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy