Tết về nhảy lửa
VNTN - Mùa xuân đang về, Tết Nguyên đán sắp đến, nhảy lửa (pút tồng) của con trai người Dao lại bắt đầu. Trong cuộc sống đời thường, người ta hay nói và ca ngợi sự dũng cảm của con người là "xông pha lửa đạn", "vào nước sôi lửa bỏng". Nước sôi thì có thể luộc chín, ngọn lửa có thể thiêu thành tro bụi… vậy mà con trai người Dao nhảy vào đống củi cháy đỏ rực, hai bàn tay múc than hồng xoa lên mắt, nằm lăn lộn tắm trong đống lửa mà không cảm thấy nóng bỏng gì?
Tôi chưa thấy ai giải thích được vì sao làm được vậy? Nhưng đây lại là câu chuyện thật trăm phần trăm, không giống như trò ảo thuật. Trò ảo thuật thì cần phải chuẩn bị rất kĩ càng, ảo thuật gia là người có năng khiếu, luyện tập rất công phu… Còn nhảy lửa của con trai người Dao thì đơn giản hơn nhiều. Có thể nói, hễ là con trai của người Dao thì đều có thể nhảy lửa được, không sợ than hồng lửa đỏ mà chỉ sợ sông sâu biển cả thôi, vì người Dao ít người biết bơi!
Tôi còn nhớ lắm, ngày xưa lúc tôi còn rất trẻ cứ đến Tết Nguyên đán trong khoảng thời gian từ 25 tháng Chạp đến Rằm tháng Giêng thường theo các anh lớn tuổi đi chơi tết, xem họ làm Lễ cấp sắc, Lễ nhảy lửa. Trời rét căm căm được ngồi thử bên bếp lửa hồng cạnh các anh sắp nhảy vào lửa; cơ thể có cảm giác lạnh toát… Cao trào nhất là lúc ông thầy cúng đọc thần chú và ngậm nước phun vào đống lửa… toàn thân tôi run bắn lên chỉ muốn nhảy vào đống lửa để sưởi ấm.
Vì sao nhảy lửa không bị bỏng thì không ai nói. Tất nhiên, nó có điều bí ẩn và người Dao phải tuân theo một nguyên tắc nhất định thì nhảy lửa mới thành công.
Thứ nhất, chàng trai người Dao nhảy lửa lần đầu tiên tuổi đời từ 13 tuổi trở lên, và lúc này cũng hết tuổi bà mụ quản và được phép làm Lễ cấp sắc 3 đèn.
Thứ hai, có nguyện vọng muốn được cấp sắc làm thầy, có tâm lương thiện và trong sáng.
Thứ ba, chưa cưới vợ, trong tuần chuẩn bị nhảy lửa thì không được phép gần và tán tỉnh con gái.
Thứ tư, trước khi nhảy lửa cần tắm gội nước thuốc ngâm mình trong thùng gỗ. Cây thuốc đun nước tắm chọn loại có mùi thơm dễ chịu, gồm nhiều loại lá cây, ít nhất bắt buộc phải có cây đại bi (fông phiến) và cây sa nhân (sì dìn nòm).
Thứ năm, mặc quần áo mới, quần áo chàm càng tốt.
Thứ sáu, tuyệt đối không để nước tiểu rớt vào chân tay.
Thứ bảy, người thanh niên đã được cấp sắc từ 3 đèn trở lên và nhảy lửa nhiều lần rồi cũng phải cách ly vợ 3 ngày 3 đêm trở lên mới dám nhảy lửa, không kiêng được sẽ bị lửa bỏng ngay lập tức.
Có một câu chuyện liên quan đến một người nhảy lửa nhưng không phải người Dao:
Đó là vào cuối năm 1945, khi nạn đói khủng khiếp ở các tỉnh đang hoành hành, dưới miền xuôi chết đói rất nhiều người. Một hôm có hai vợ chồng người Kinh ở tỉnh Thái Bình và 3 đứa con còn nhỏ gồng gánh nhau đến tận xóm Bun ở xã Vũ Muộn tỉnh Bắc Kạn vào gia đình tôi xin cứu trợ. Ông chồng gánh hai đứa con nhỏ, mỗi đứa ngồi trong thúng hai bên quang gánh. Còn thằng lớn hơn (khoảng 7 - 8 tuổi) thì đi bộ. Bà mẹ đầu đội thúng đựng một số đồ dùng, lưng cõng túi vải đựng ít quần áo tư trang của cả gia đình họ… Thời kỳ đó lo chạy Tây, chạy Nhật, nên ban ngày người trong bản đều sơ tán vào rừng hoặc đi làm nương rẫy cách xa bản, đến tối mới dám về nhà ngủ. Hôm ấy chỉ có hai mẹ con tôi ở nhà, thấy người đến đang bị đói lả, nhất là mấy đứa trẻ nhỏ gầy còm yếu ớt mếu máo vì đói khát. Mẹ tôi đã dành nồi cơm lúa nương buổi trưa cho khách ăn cứu đói. Thời kỳ ấy lúa nương gặt xong đều cất giấu ở lều lán trong rừng, sợ Tây đến cướp phá. Ở trong nhà chỉ để một vài gánh ngô trên gác.
Thấy thương tâm quá, mẹ tôi bảo họ: không có thóc ở nhà chỉ có ngô mang được bao nhiêu thì cứ lấy. Sau khi họ tẽ được hai dậu hạt ngô vừa đủ một người gánh và rang thêm hai ống ngô hạt làm bỏng ngô để ăn dọc đường thì hai vợ chồng nói lời cảm ơn và lại gồng gánh lên đường. Trước khi bước ra cửa hai vợ chồng cứ bịn rịn, nước mắt trào ra, ông chồng nói: "Vợ chồng tôi xin để lại hai thằng nhỏ làm con nuôi ông bà và gia đình, mong ông bà và gia đình nuôi giúp, nếu đưa hai đứa đi theo không biết có sống nổi không…".
Thế là từ đó, bố mẹ tôi có thêm hai đứa con nữa. Thằng lớn đặt tên là "Nuôi", đứa nhỏ đặt tên là "Hò". Thành ra bố mẹ chúng tôi có tới 8 người con.
Ít lâu sau hai anh em Nuôi và Hò lại chia tay nhau. Anh Nuôi đi làm con nuôi người Tày đặt tên là Đinh Quang Nuôi. Còn Hò thì ở lại làm con nuôi người Dao, nói tiếng Dao, lớn lên cũng nhảy lửa, được cấp sắc 3 đèn làm thầy cúng, lấy vợ người Dao rồi đi học sư phạm làm thầy giáo dạy học nữa.
Tôi kể chuyện này để thấy nhảy lửa không phải việc chỉ có người Dao mới làm được. Người Kinh như anh Hò vẫn làm được. Nhưng vì sao làm được thì vẫn là câu chuyện bí ẩn.
Thời hiện đại nhiều phong tục đã đổi thay nhưng riêng phong tục nhảy lửa của người Dao vẫn còn nguyên nét độc đáo và cuốn hút. Xuân sắp về đến ngõ rồi, xin mời các bạn cùng lên bản nhảy lửa với người Dao nhé!
Đặng Phúc Lường
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...