Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024
03:59 (GMT +7)

Tết Thanh minh của người Dao Tiền

VNTN - Người Dao Tiền tự gọi mình là “Kềm miền” (người rừng), là một ngành khá đông trong 9 ngành Dao ở Việt Nam. Ngoài ra, ngành Dao Tiền còn tên gọi khác là “Mạ phái miền” (con bà hai), theo truyền thuyết thì ngành Dao Đại Bản là “Tồm mạ miền” (con bà cả). Điều đó có nghĩa Dao Tiền và Dao Đại Bản là hai ngành cùng cha khác mẹ. Trong lịch sử phát triển của dân tộc, cũng như các tộc người khác có tập quán sống du canh du cư, canh tác trên nương cạn nhưng người Dao Tiền lại thường định cư ở vùng sườn núi hay đồi núi thấp, có nhiều khe suối.

Cũng giống như các ngành Dao khác, người Dao Tiền có phong tục tập quán thờ tổ tiên. Vì tổ tiên là tổng thể nói chung những thế hệ đầu tiên qua đời đã lâu của một dòng họ, một dân tộc trong mối quan hệ với các thế hệ sau. Bàn thờ tổ tiên chỉ được lập tại một gia đình trong dòng họ, gia đình đó có điều kiện chăm lo việc cúng tế, không được lập nhiều bàn thờ trong một dòng họ. Vì thế, xưa kia mỗi gia đình không lập bàn thờ riêng, không có bàn thờ thổ công, không thắp hương ngày mùng một, hôm rằm mà chỉ thắp hương mời gọi tổ tiên về vào những dịp lễ tết như tết Nguyên đán, rằm tháng Bảy, tết Thanh minh.

Người Dao Tiền có phong tục tập quán địa táng. Khi có người chết, con cháu chọn nơi đất rộng rãi, thoáng mát để chôn cất. Nơi đó phải có cây cối, phong thủy tốt, không ngập nước, không cao, không thấp, không dốc, không trũng. Mùa đông có nắng chiếu, mùa hè có bóng râm. Chỗ đất an táng tốt thì sẽ được những người đưa tang khen ngợi, được tổ tiên phù hộ độ trì, cháu con sẽ làm ăn phát đạt, học hành, công tác tiến bộ. Trước đây, do tập quán sống du canh du cư, canh tác trên nương rẫy nên người chết ở đâu thì chôn ở đó, không chôn cất tập trung một chỗ, đã chôn cất chỗ nào thì để nguyên chỗ đó, không được phép động vào. Vì khi chôn cất người chết, thầy cúng đã dùng phép thuật liệt kê (trăm năm không động, nghìn năm bất ly). Cũng vì thế mà nhiều dòng họ, gia đình người Dao Tiền dù thờ phụng tổ tiên nhưng khi cúng bái chỉ biết gọi tên ông Thái, ông Tổ, ông Tông… theo các đời truyền lại mà không biết mồ mả tổ tiên ở chỗ nào.

 

Người Dao Tiền còn lưu giữ được nhiều phong tục tập quán độc đáo (Nguồn: Internet).

Xưa kia, vì không biết mồ mả tổ tiên ở đâu nên các gia đình không vun đắp, chăm sóc mộ phần được. Có thể một vài năm, con cháu mới làm lễ cúng tạ mộ (tiếng Dao gọi là “on chấu”) theo hình thức “bắc cầu”. Hàng năm, vào tiết Thanh minh, các gia đình làm lễ cúng Thanh minh, còn gọi là ăn tết Thanh minh với ý nghĩa tưởng nhớ công ơn tổ tiên, cội nguồn. Đây là dịp con cháu dâng lễ riêng và mời riêng tổ tiên về nhà ăn tết, cũng là dịp con cháu dâng lễ để tổ tiên tìm thầy âm giúp sửa nhà cửa vì con cháu không biết mồ mả ở chỗ nào. Tết Thanh minh của người Dao Tiền không cúng vào ngày mùng 3 tháng 3 âm lịch mà cúng vào ngày Thanh minh được ghi trong lịch.

Để chuẩn bị cho ngày này, con cháu của các gia đình cần giã gạo nếp, lấy lá cơm đỏ, lá cơm tím để làm xôi nếp màu; cần phải vào rừng tìm tổ kiến để lấy trứng kiến; cần phải xuống suối bắt được những con cá suối; vào rừng tìm hái lá ngõa non và lấy măng vầu. Những lễ vật dùng để làm mâm cúng dù rất đơn sơ, dân dã nhưng thể hiện sự thành kính, biết ơn của con cháu với tổ tiên. Khi đã chuẩn bị đủ mọi thứ, các gia đình bắt tay vào việc chế biến, nấu nướng. Những bà mẹ, những người phụ nữ thì ngâm gạo nếp vào nước lá đỏ, lá tím để đồ xôi, rồi nướng măng. Những người đàn ông thì mổ cá, nướng cá, lấy lá ngõa non cuốn trứng kiến hấp lên... Lễ cúng gồm cá suối nướng, măng vầu nướng, lá ngõa cuốn trứng kiến hấp, xôi màu đỏ hoặc tím, đặt trên mâm 4 cái bát, bốn đôi đũa, nặn thêm 12 nắm cơm xôi đỏ đặt lên một cái nong để các cụ tìm thầy âm về sửa nhà cửa. Xong xuôi mọi việc thì mâm lễ được bày ra để thầy cúng bắt đầu cúng mời tổ tiên về ăn tết Thanh minh. Thời gian cúng vào buổi sáng, càng sớm càng tốt. Vì cúng sớm thì tổ tiên sẽ tìm được thầy âm giỏi về sửa nhà cửa, nếu cúng muộn, những thầy âm giỏi sẽ bị mời đi làm nơi khác.

Người Dao Tiền hiện nay đã sống định canh định cư, việc kết hôn và chung sống, quan hệ gắn bó với các dân tộc khác dẫn tới những thay đổi tiến bộ hơn. Không còn tình trạng chết mất mộ như xưa nữa. Mộ phần của những người quá cố đã được chôn cất tập trung, xây cất cẩn thận. Hàng năm, vào dịp Thanh minh, con cháu đều đến phát cỏ, đắp mộ, quét sơn, thắp hương hoa quả, bánh kẹo ở mộ phần và khấn mời các cụ về nhà ăn tết cùng con cháu. Nhiều gia đình coi đây là ngày giỗ chung của những người quá cố trong gia đình và dòng họ mình. Mặc dù xã hội đã có nhiều thay đổi, nhưng người Dao Tiền hiện nay vẫn giữ nếp xưa về cái tết tưởng nhớ tổ tiên, cội nguồn. Đó là nét đẹp trong vă hóa ứng xử của người Dao Tiền ở Việt Nam.

BÀN THỊ BA

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy