Thứ bảy, ngày 27 tháng 04 năm 2024
20:14 (GMT +7)

Tết ở… đáy nồi

Bao nhiêu năm nay, Tết nào cũng vậy, mẹ tôi vẫn giữ thói quen mang hết nồi niêu xoong chảo trong nhà ra cọ. Ngày xưa, khi còn chưa có miếng cọ nồi bày bán đầy ngoài chợ như bây giờ, thì mẹ thường để dành mấy quả mướp già lấy xơ cọ xoong nồi. Hoặc mẹ tút một nắm rơm khô, ấy thế là nồi niêu sạch sẽ. Nhìn hàng dài xoong nồi phơi đầy ngoài sân, bố hay tếu: “Nhà này, đồ vật còn được tắm tất niên trước cả người”.

Tết ở… đáy nồi

Mẹ là vậy, nghèo nhưng lúc nào cũng tha thiết sự gọn gàng, tinh tươm. Trong ngôi nhà không cửa thiếu thốn đủ thứ trên đời. Chỉ có bộ ấm chén sứt quai mẻ miệng, những bộ quần áo cũ vắt trên dây và vài chiếc nồi méo mó, mòn vẹt đáy. Ấy thế mà chiếc nồi nào cũng có câu chuyện của mình. Cũng chứa đầy ký ức của một gia đình nông dân nghèo, chưa ăn bữa nay đã lo đến bữa mai. Mẹ cọ những chiếc nồi đen nhẻm, bám đầy than củi một cách kỹ càng, tỉ mẩn. Cũng có khi phải cọ nhẹ tay vì chiếc nồi đã mòn vẹt đáy, tưởng như có thể bục bất cứ lúc nào. Ấy là chiếc nồi chuyên để luộc khoai sắn mỗi ngày. Anh em tôi thường mải chơi bỏ quên, cho đến khi ngửi thấy mùi khoai cháy khét lẹt bay ra đầu ngõ mới sực nhớ ra, ba chân bốn cẳng chạy về nhà.

Ngày giáp Tết, mẹ giơ nồi lên cao, nheo mắt ngó. Thấy ánh nắng xuân lấp lánh xuyên qua đáy nồi, mẹ thở dài bảo: “Mấy đứa ở nhà nhớ để ý thấy hàng đúc nồi đi qua thì gọi mẹ”. Như đã có hẹn từ năm cũ, người thợ đúc nồi kiểu gì cũng quay trở lại vào mấy ngày cuối năm. Đó là cô Bảy - người đàn bà sức vóc có đôi bàn tay đen đúa hệt như mẹ vậy. Cô Bảy đi đến đâu là tiếng xoong nồi kêu long cong đến đó. Người lớn giục tụi nhỏ chạy khắp các xó xỉnh tìm xoong nồi bị hỏng để mang ra đổ cái mới. Chúng tôi vây quanh đống cát nhỏ, nhìn cô Bảy hóa phép đống đồ nhôm hỏng thành những cái nồi, cái siêu đun nước mới tinh, sáng bóng. Mẹ bù thêm tiền nhận về chiếc nồi mới, vui sướng như trẻ con được mua quần áo.

Chiếc nồi mới như hoa hậu giữa căn bếp chật chội, giữa những chiếc xoong đen nhẻm còn chưa kịp cọ. Mẹ khuân chúng ra, xắn tay áo, ngồi xổm ngoài giếng cọ hết nhọ nồi. Chúng sẽ được mang đi đun nước tắm tất niên, xôi cân gạo nếp ngon, luộc con gà trống cúng giao thừa. Riêng cái nồi mới sẽ được nấu bữa cơm không độn sắn khoai như ngày thường. Tết mà… Với chúng tôi, Tết không có gì hạnh phúc bằng mùi cơm bốc ra không lẫn với mùi hăng của sắn. Chia nhau ăn mảnh cháy đáy nồi giòn rụm mà không lẫn bất cứ sợi sắn ruôi nào. Chúng tôi còn nhỏ đâu mảy may quan tâm đến việc, bát cơm trắng mình bưng trên tay nặng trĩu nỗi lo toan của mẹ.

Bao năm vẫn vậy, lúc nào ngửi mùi cơm sôi cũng khiến tôi dễ chịu. Nó gợi nhớ đến cái Tết đầm ấm, sum vầy thời thơ ấu với bữa cơm không độn. Nhớ thằng em trai đòi ăn cơm bằng bát loa. Vừa ăn vừa nhòm vào đáy nồi xem cơm còn nhiều hay ít. Nhớ mình cầm bát cơm trắng hít hà, nghe cái đói cồn cào trong gan ruột. Nhớ tiếng vét nồi quèn quẹt mẹ chia đều vào bát các con. Cơm ở đáy nồi thường ngon, ăn no rồi vẫn còn cảm giác thòm thèm. Và có lẽ cũng nhờ những ngày đói kém mà tôi luôn xem lúa gạo quý như hạt ngọc. Rơi một hạt xuống đất cũng thấy áy náy trong lòng. Rồi Tết đầy dần lên đến tận miệng nồi. Mùa màng không còn thất bát, lúa gạo nhiều hơn. Có thể vì cái đói đeo đẳng suốt tuổi thơ khiến tôi ám ảnh. Nên sau này hình thành thói quen chưa ăn đã sợ đói, mỗi lần nấu cơm tôi đều lưỡng lự xúc thêm ít gạo. Cơm nấu thừa bỏ thì tiếc nên cất đi chờ bữa sau hấp lại. Đã qua cái thời tha thiết với bốn chữ “ăn no mặc ấm”. Giờ đến thời “ăn ngon mặc đẹp”, nhìn đồ ăn thừa thãi đậy điệm khắp nơi mẹ hay thở dài bảo “lãng phí quá. Ngày xưa chẳng có mà ăn”.

Mẹ là người giữ nếp sống trong nhà. Giữ cái hồn của Tết xưa dù ít nhiều mai một. Tết đến mẹ lại mang nồi niêu ra cọ. Đồ nhôm ít dần, thay vào đó là những chiếc nồi inox, nồi thủy tinh sáng bóng dùng cho bếp ga, bếp từ. Có lần em tôi đùa: “Có phải mẹ nhất quyết giữ lại bếp củi để có nồi đen đáy mang đi cọ cho vui?”. Riêng tôi vẫn luôn thấy cơm nồi gang, bếp củi vẫn là ngon nhất. Ngày cuối năm se lạnh ngồi bếp củi nghe lửa reo nhắc nhớ bao kỉ niệm. Dù đời sống có bao đổi thay thì chỉ cần ngửi thấy mùi cơm sôi lẫn trong mùi củi bạch đàn hăng hắc là đã thấy hiện về nguyên vẹn Tết xưa. Những buổi chiều giáp Tết thấy mẹ hay ngóng vọng ra đường, chắc là chờ người thợ đúc nồi lâu lắm rồi không thấy ghé qua…

7 đã tặng

0

1

3

3

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy