Tết nhàn Tết bận
VNTN - Tuyệt diệu của Tết là có những việc năm nào cũng làm đi làm lại, vẫn không chán, mùa nào cũng nói đi nói lại, vẫn không hết. Chuyện Tết nhàn, Tết bận cũng như vậy…
VŨ TRỤ NGHỈ NGƠI
Theo quan niệm truyền thống, Tết là khoảng thời gian nghỉ ngơi sau một năm làm việc bận rộn. Người xưa cho rằng, quãng thời gian từ 23 tháng Chạp đến khoảnh khắc giao thừa là bảy ngày “chết tạm” của vũ trụ. Nó như một bước đệm, trước khi chuyển giao năm mới: ông Táo trở về, quan hành khiển bàn giao công việc, trời đất, vạn vật hồi sinh. Nếu như đầu xuân năm mới là dịp để khởi đầu mọi sự làm ăn với lễ khai bút, hạ điền, khai ấn, mở hàng… những mong người vạn sự hanh thông, thì mỗi độ cuối Chạp, từ cơ quan hành chính nhà nước đến dân gian đều có những nghi lễ với ý khép lại công việc năm cũ, bước vào thời kỳ nghỉ ngơi trước khi đón mừng năm mới.
Dán giấy lên công cụ lao động và đưa lên bàn thờ để cảm ơn công cụ đã phục vụ con người trong năm vừa qua. (Ảnh: Báo Ảnh Việt Nam)
Lễ hạp bảo (cất ấn tín nhà vua), hạp ấn, phong ấn (khóa ấn triện của quan lại) là một thủ tục hành chính, cũng là nét văn hóa lâu đời. Ngoài 20 tháng Chạp (thường nhằm ngày 25), từ đế vương cho đến các quan đều làm lễ hạp: cất ấn, triện, dừng mọi việc có liên quan đến sổ sách, giấy tờ, sắc lệnh, nhà tù không nhận tù binh mới, quan lại không xử kiện. Lệnh nghiêm đến mức, người ta ban hành thêm chỉ thị bổ sung là đóng dấu sẵn trên một vuông giấy trắng, để nếu có việc không thể đừng thì trình quan trên mà sử dụng, chứ không khai ấn ngay sau lễ hạp. Vào thời Nguyễn, cùng với lễ hạp ấn, còn có lễ Phát thức (rửa ấn bằng nước thơm) và Hạp hương (mời các tiên đế về ăn Tết).
Ngày nay, các cơ quan công sở cũng đợi ngày cận Tết mà niêm phong văn phòng, sổ sách, không nhận giao dịch mới. Cách đây quãng hai chục năm, khi hệ thống trường lớp còn tuềnh toàng, vào ngày cuối cùng năm học, học trò đi học sớm, mỗi đứa kéo theo một cành dong để rào lớp. Tiếng loẹt xoẹt vang cả đường làng. Không khí buổi trưa cuối cùng với những phòng học kín bưng bởi tre nứa tuy lặng lẽ nhưng thật ấm áp, bởi đó là một trong những khí vị ngày xuân.
Các dân tộc thiểu số nói chung và khu vực Việt Bắc nói riêng cũng có lễ “hạp” với nhiều dạng thức khác nhau. Ở cấp độ làng bản có lễ đóng cửa rừng. Đối với đồng bào, rừng là nguồn sống, là không gian tâm linh, không gian văn hóa. Sự gắn bó, lệ thuộc của con người vào rừng xanh thể hiện qua nhiều dạng thức tín ngưỡng (thờ thần rừng, rừng thiêng), qua quy ước, luật tục… Từ lương thực, thực phẩm, củi đốt, cây gỗ dựng nhà, lá thuốc chữa bệnh đến chiếc quan tài cho người nằm xuống đều được lấy từ rừng. Tuy nhiên, khi giáp Tết, người ta buộc phải làm lễ đóng cửa rừng, như một hành động thể hiện biết ơn đối với rừng xanh. Qua năm mới, chọn ngày lành, đồng bào lại làm lễ mở cửa rừng, bước vào một năm lao động sản xuất. Lễ đóng và mở cửa rừng có ở rất nhiều tộc người vùng cao Việt Bắc như Lô Lô, Mông, Dao, Bố Y, Nùng…
Trong phạm vi gia đình, phổ biến có lễ niêm phong đồ vật (người Tày, Nùng, Mông, Dao, Sán Chay, Sán Dìu…). Chiều cuối năm, sau khi chuẩn bị xong bữa cơm cúng Tết, mọi đồ dùng thiết thân trong gia đình như cuốc, xẻng, dao, liềm, chày, cối… đều được lau rửa sạch sẽ, dán giấy vàng giấy bạc để nghỉ ăn Tết. Thậm chí, có tộc người còn bày những vật dụng này ở dưới ban thờ để tỏ lòng biết ơn những người bạn đã đồng hành cùng họ trong lao động, sản xuất. Quan niệm màu đỏ là may mắn, suôn sẻ nên người dân nhiều địa phương đón Tết bằng việc cắt những đoạn giấy đỏ, dài khoảng 15cm, rộng 6cm, dán lên đồ vật và chuồng trại, cây trồng. Những nhà có người mới mất, thay bằng giấy đỏ sẽ dùng giấy xanh để tỏ lòng nhớ tiếc và báo hiệu cho người lạ rằng, gia đình năm qua có “bụi”. Ra Tết, lại có lễ khai mở, để vật dụng được tiếp tục làm việc cùng con người. Trong đó, lễ khai chày cối của người Sán Chay là ấn tượng hơn cả. Với tộc người này, chày cối không chỉ là vật dụng thiết thân trong sinh hoạt mà còn là biểu tượng cho sự giao hòa, sinh sôi. Khai chày cối có ý nghĩa như một hành vi tín ngưỡng mang tính chất phồn thực, cầu mong vạn vật nảy nở, hưng thịnh.
Người Pà Thẻn ở Hà Giang có tục đóng cửa tối giao thừa, trái lại với hầu hết các dân tộc khác là luôn để cánh cửa rộng mở đêm trừ tịch. Người Pà Thẻn thờ cúng tổ tiên với một bát nước thiêng, bày trên bàn thờ mà mỗi năm chỉ thay hai lần (vào dịp Tết Nguyên đán và tháng 6). Ngày tất niên, các gia đình khóa chặt cửa, bịt mọi khe hở có thể nhìn ra ngoài, rồi cẩn thận mang bát nước thờ xuống lau rửa, thay nước mới. Việc làm này giữ bí mật trong nhà không lộ ra ngoài, tránh cho gia đình làm ăn vất vả, con cái ốm đau, bệnh tật. Sáng sớm mùng một Tết, người trong nhà xách súng kíp ra sân bắn ba phát. Dứt tiếng nổ, mọi người trong nhà mở toang các cửa để cùng vui đón năm mới.
Nếu như nhìn từ góc độ hành chính, lễ hạp ấn ngày xưa và niêm phong công sở ngày nay chỉ có ý nghĩa ngừng nghỉ công việc chốn cửa quan, văn phòng thì các lễ “hạp” trong dân gian như đóng cửa rừng, cửa nhà, dán giấy bạc và thờ vật dụng còn có ý nghĩa văn hóa sâu sắc. Trước hết, nó thể hiện đời sống tâm linh phong phú, với quan niệm vạn vật hữu linh. Sau nữa, nghi thức ấy cũng thể hiện tư tưởng nhân văn của các tộc người về sự biết ơn, dù đối với những vật dụng vô tri. Và đơn giản hơn, lễ niêm phong công cụ lao động hay đóng cửa rừng cũng là cách gián tiếp để con người ngơi nghỉ, sau một năm lao động vất vả…
NGƯỜI NGƯỜI TẤT BẬT
Gắn triết lý ngưng nghỉ nói trên vào đời sống thực tiễn, hẳn ai cũng nhận ra sự cách biệt bởi trên thực tế, suốt hàng chục ngày nghỉ Tết, chẳng mấy ai được nghỉ ngơi. Chỉ trừ con trẻ được nhởn nhơ rong chơi đợi Tết, còn hầu hết người lớn - những người lo lắng gánh nặng mưu sinh và chăm lo nề nếp gia đình, đều phải “đầu tắt mặt tối”, “ba đầu sáu tay” chạy đua từng phút, cho đến đêm 30, khi nhà cửa đã bóng loáng, con gà trống cúng giao thừa đã để sẵn trên mâm, hương đèn đầy đủ, mới tạm yên tâm ngồi cắn hạt dưa và xem hài ông Táo. Nhưng vì đâu Tết bận?
Tết bận, là bởi gánh nặng mưu sinh lúc đỉnh điểm cuối năm, những mong kiếm tiền cho cái Tết no đủ. Cư dân nông nghiệp dẫu yêu lắm khí vị ngày xuân, nhưng không quên nhiệm vụ đồng áng. Cái lệ “ăn Tết khi gặt hái vừa xong không kể ngày tháng nào” mà Tô Hoài nói đến khi kể chuyện ăn Tết vùng cao chỉ có ở một số làng bản người Mông nơi rẻo cao địa đầu Tổ quốc. Nông vụ vẫn chẳng thể vì Tết mà lơ là, bởi ăn Tết xong, ngoảnh đi ngoảnh lại sẽ thấy ngay mối lo tháng ba ngày tám. Tùy thời tiết, giống lúa và sự co giãn âm lịch mỗi năm mà đợt cấy đông xuân có thể hoàn thành trước hết, ra giêng hay nhằm đúng mấy ngày lịch đỏ đầu năm. Tiểu thương đô thị, thợ thủ công tranh thủ từng ngày giáp Tết để sản xuất, buôn bán khi nắm chắc tâm lý người dân: “bóp mồm bóp miệng” cả năm chỉ để cuối năm vung tay mua sắm. Công nhân lao động tranh thủ ngày Tết tăng ca. Thực tế, nhiều “xóm công nghiệp” bấy lâu nay đã nhạt dần Tết, khi sáng sớm mồng Một, mồng Hai, thay bằng hình ảnh người người xúng xính rong chơi là cảnh “chị em công ty” lặng lẽ đứng đợi xe, nhịn Tết đi làm, trong vòng quay mưu sinh cuồn cuộn trôi như dây chuyền nhà máy. Tết bận còn bởi bao lễ tục ngàn xưa mà Tết về thì không thể không có: nào dẹp dọn cửa nhà, tỉa nhang châm nến, nào chỉnh trang âm phần cho các cụ đến sơn sửa gia thất cháu con; nào mua quần áo cho trẻ con đến làm lại mái tóc cho mẹ, nào đào quất đăng đèn đến gạo gà mắm muối… Chẳng thể kể hết những “hạng mục” cần lo, chỉ có thể nói là… “nhà bao việc”!.
Tết bận là việc của muôn đời. Mấy ngày giáp Tết qua vùn vụt trong hàng tá công việc không tên, nhưng không bận thì không thành Tết. Đọc “Thương nhớ Mười hai” của Vũ Bằng, thấy yêu sao hình bóng tất tưởi của người vợ và cái tinh tế, sâu sắc của người chồng khi đôi tri kỷ ấy cùng nhận ra phong vị ngày Tết trong những tất bật cuối năm: “Đáng lí ra thì công lên việc xuống như thế, vợ phải mệt đừ, nhưng tài thực, không những đã chẳng sao mà lại còn tươi hẳn lên là khác. Ấy là vì làm việc nhiều mà quên mệt? Ấy là vì thời tiết? Ấy là vì thương chồng, thương con mà không quản ngại vất vả chăng? (…) Bao nhiêu cái đó chưa thấm vào đâu với cái vui của người đàn bà khi thấy năm hết Tết đến, nhà cửa bình an, vui vẻ…”.
Chỉ tiếc thay, cuộc sống hiện đại phần nào làm mất đi niềm vui bận Tết. Đó là khi công việc mưu sinh “nuốt chửng” mấy ngày giáp Tết, quãng thời gian “vũ trụ chết tạm”, nhưng con người thì lại hạnh phúc vô bờ; là khi mọi đầu việc đều được dịch vụ hóa: từ đi chợ trên mạng, mượn đội dọn nhà đến thuê người tảo mộ. Mỗi hoàn cảnh, mỗi cá tính có quyền được lựa chọn cho mình một cách “bận Tết” khác nhau. Chỉ mong ai nấy đều không vì bận mà ghét Tết, sợ Tết, trốn Tết để đánh rơi niềm hạnh phúc một năm chỉ có một lần.
SUỐI LINH
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...