Thứ năm, ngày 28 tháng 11 năm 2024
03:48 (GMT +7)

Tản mạn về văn xuôi Thái Nguyên thời kỳ “hậu Việt Bắc”

VNTN - 1. Sự hình thành và phát triển của văn xuôi Thái Nguyên gắn liền với quá trình hình thành và phát triển của văn xuôi các dân tộc thiểu số trong những thập niên cuối cùng của thế kỷ trước. Nói như vậy có lẽ cũng chẳng sai vì một thời sôi nổi của “Văn nghệ Việt Bắc” đã hiện hữu ngay trên mảnh đất Thái Nguyên - thủ phủ của Khu Tự trị Việt Bắc ngày nào. Năm 1958, truyện ngắn Ché Mèn được đi họp là truyện ngắn đầu tay của nhà văn Nông Minh Châu (dân tộc Tày), khởi đầu cho truyện ngắn các dân tộc thiểu số. Vài năm sau đó, cũng nhà văn Nông Minh Châu lại là tác giả đầu tiên của tiểu thuyết dân tộc thiểu số với tác phẩm Muối lên rừng (1964). Đến những năm 80, khi Khu Gang thép Thái Nguyên - khu gang thép đầu tiên của nước ta bước vào thời kì phát triển rầm rộ, cũng lại là một thời kì phát triển rầm rộ của văn học Thái Nguyên nói chung và văn xuôi Thái Nguyên nói riêng với sự góp mặt của một số cây bút trưởng thành từ phong trào “Văn nghệ Gang thép” như Xuân Cang, Trịnh Thanh Sơn bên cạnh những gương mặt gạo cội của văn xuôi Thái Nguyên như Vi Hồng, Hà Đức Toàn, Ma Trường Nguyên, Hồ Thủy Giang…Có thể nói, ở giai đoạn nào, thời điểm nào, văn xuôi Thái Nguyên cũng có những khởi sắc nhất định và góp phần quan trọng vào sự phát triển chung của văn học khu vực miền núi phía Bắc cũng như văn học nước nhà.

2. Những năm gần đây, văn xuôi Thái Nguyên dường như có một “cuộc giao ban đội ngũ” bằng việc xuất hiện một số tác giả mới đang hiện diện ngày càng thường xuyên trên văn đàn Thái Nguyên và đây đó trong giới văn chương cả nước. Cuộc điểm danh các tác giả văn xuôi Thái Nguyên hôm nay trở nên khá thú vị khi có sự góp mặt của cả ba thế hệ, mỗi thế hệ có một gương mặt riêng, một cá tính sáng tạo riêng, vừa mang nét chung của thế hệ mình, vừa có sự phá cách để làm khác và làm mới mình. Trước hết, phải kể đến các lão tướng có thể coi là đã hoàn thành xuất sắc vai trò, sứ mạng của họ đối với văn xuôi Thái Nguyên như Hà Đức Toàn, Ma Trường Nguyên…Họ đã đi qua một thời trai tráng, một thời “thanh niên sôi nổi” và dẫu họ có ngừng viết thì lịch sử văn học Thái Nguyên không thể không nhắc đến tên tuổi của họ như những cây bút mở đầu cho văn xuôi Thái Nguyên thời “hậu Việt Bắc” (khi không còn Khu Tự trị). “Chiếc gậy trưởng lão” của văn xuôi Thái Nguyên hôm nay được đặt trong tay nhà văn Hồ Thủy Giang, và sau ông là cả một đội ngũ khá hùng hậu. Đó là những Phạm Đức, Nguyễn Minh Sơn, Đỗ Dũng, Ngọc Thị Kẹo…, rồi Bùi Thị Như Lan, Minh Hằng, Lưu Thị Bạch Liễu, và gần đây nhất là Phan Thái, Nhật Huy, Trần Nhung, Hoàng Thị Hiền…

3. Khoan hãy nói đến vấn đề đội ngũ hay số lượng tác phẩm, ngay cả chất lượng cũng là vấn đề không dễ đánh giá. Nhưng tôi tin, những tác phẩm văn chương đích thực sẽ được tôn vinh từ hai vị quan tòa công minh nhất, đó là dư luận hiện tại và độ lùi thời gian. Dư luận hiện tại phản ánh tác động của tác phẩm từ phía những người quan tâm. Để xem xét, đánh giá về nó cũng cần một sự bình tĩnh nhất định, cần một cái nhìn nhiều chiều, cần sự phân tích và luận giải. Lịch sử đời sống văn chương cho thấy, sự ồn ã, nhiều khi, cũng không phải tạo nên hay khẳng định giá trị của một tác phẩm. Độ lùi của thời gian giúp chúng ta có cái nhìn khách quan, công tâm hơn về một hiện tượng văn học. Thời gian sẽ làm tốt nhiệm vụ của nó là đào thải và tinh lọc. Tinh lọc những giá trị và đào thải những thứ vô nghĩa. Đó cũng là quy luật của tiếp nhận văn học.

Tôi muốn nhắc đến hai hiện tượng liên quan mật thiết đến văn chương Thái Nguyên trong lĩnh vực văn xuôi như một công cụ để đo lường. Đó là trường hợp nhà văn Vi Hồng và nhà văn Nguyễn Bình Phương. Nhà văn Vi Hồng giữ kỷ lục về năng lực sáng tác khi sinh thời, ông công bố 15 tiểu thuyết trong vòng mười năm. Không thể phủ nhận vai trò và những đóng góp to lớn của ông đối với nền văn học thiểu số nói chung và văn xuôi Thái Nguyên nói riêng trong những thập niên cuối cùng của thế kỉ trước. Song cũng phải khẳng định, hiện tượng Vi Hồng có cái gì đó na ná giống với hiện tượng một nhà văn dân tộc Tày khác trong giai đoạn sơ khai của văn học các dân tộc thiểu số là nhà văn Nông Minh Châu. Nông Minh Châu là người công bố truyện ngắn đầu tiên, tiểu thuyết đầu tiên của văn xuôi các dân tộc thiểu số. Nhưng từ đó cho đến hết cuộc đời, ông hoàn toàn không có một dấu ấn nào nữa. Vì sao vậy, đơn giản là vì ông không bắt kịp sự phát triển của văn chương đương thời. Vi Hồng cũng vậy, nếu ông còn sống và còn sáng tác ở thời điểm hiện tại, tôi cam đoan rằng ông sẽ chỉ là cái bóng của chính mình, cái bóng bị chính thời gian làm mờ nhòe và không thoát ra được. Vi Hồng sẽ không thể vượt qua được cây cầu truyền thống để đến với văn xuôi hiện đại đang sải những bước dài mạnh mẽ từ sau Đổi mới. Trong văn xuôi Thái Nguyên, những Hà Đức Toàn, Ma Trường Nguyên đã hoàn thành sứ mạng của mình một cách vẻ vang, cho dù những bậc gạo cội, tiền bối này có còn công bố những tác phẩm thế nào đi nữa. Tôi tin vào điều đó cũng như tôi luôn trân trọng những đóng góp của họ. Mỗi nhà văn thành công đều gánh trên vai của mình những sứ mạng lịch sử. Họ đã có tên trong lịch sử văn chương Thái Nguyên như một thế hệ vạm vỡ, thế là đủ. Thay vào đó là Hồ Thủy Giang, là Nguyễn Minh Sơn, Phạm Đức, Bùi Thị Như Lan, Ngọc Thị Kẹo… Hồ Thủy Giang là người có phẩm chất dẻo dai trong sáng tạo nghệ thuật, điều đó tôi không nghi ngờ. Nhưng tôi nghi ngờ cái giới hạn cao nhất trong hành trình sáng tạo ấy, dường như ông đã bỏ lại đằng sau cũng đã khá xa rồi. Thiết nghĩ, điều đó cũng không có gì làm ông phải băn khoăn hay quá tiếc nuối. Ở góc độ rộng hơn, nhà thơ, nhà văn Nguyễn Bình Phương, một người con của mảnh đất Thái Nguyên, theo tôi, đã đạt tới tầm cao nhất của văn chương Thái Nguyên cho tới thời điểm hiện tại, mà có thể nhiều năm nữa, cũng khó có một gương mặt thứ hai như thế, cho dù chúng ta có quyền kì vọng. Tôi muốn nhắc đến một lực lượng kế tiếp, những người Thái Nguyên hôm nay đang sáng tác văn chương, trong lĩnh vực văn xuôi. Như đã nói, đó là Phạm Đức, Bùi Thị Như Lan, Nguyễn Minh Sơn, Đào Nguyên Hải, Bùi Nhật Lai, Nguyễn Minh Hằng, Phan Thái, Hoàng Thị Hiền, Trần Nhung…Trong số họ, Bùi Thị Như Lan được nhắc đến nhiều ở khu vực văn xuôi các dân tộc thiểu số. Nguyễn Minh Sơn là một người lính đã đi qua những năm tháng ác liệt nhất của cuộc kháng chiến chống Mỹ. Anh là một thầy giáo dạy văn có năng khiếu văn chương và trong một phạm vi nhất định của sáng tạo nghệ thuật, anh cũng như một người lính đã hoàn thành nhiệm vụ của mình. Nhà văn Phạm Đức gần đây được nhắc đến nhiều với cuốn tiểu thuyết Bão rừng. Công bằng mà nói, Bão rừng có đóng góp ở phạm vi hiện thực mà nó đề cập chứ không phải ở tầm vóc văn chương mà nó mang vác. Dẫu sao, đó cũng là một thành công mà xét ở góc độ đời sống văn chương địa phương, cũng không dễ mấy người có được. Vì thế, cũng cần nhìn nhận nó với một sự trân trọng cần thiết. Hoàng Thị Hiền và Trần Nhung là những cái tên, mặc dù chưa được nhắc đến nhiều và cũng chưa thật sự định hình trong lối viết, tôi vẫn cảm nhận qua những gì họ thể hiện, một màu hồng của nắng ấm trong văn xuôi Thái Nguyên, ở tương lai thời gian không cần đến một sự kiên nhẫn thái quá.

4. Tôi muốn dành phần cuối bài viết này để nhắc đến hai gương mặt văn xuôi Thái Nguyên đương đại, đó là Minh Hằng và Phan Thái. Vì hai lẽ. Thứ nhất, họ đều đang ở độ tuổi trên 50, nghĩa là không còn trẻ. Thứ hai, họ đã bộc lộ khá rõ những nét riêng, tương đối ổn định, qua những trang viết của mình. Những ưu điểm và hạn chế trong lối viết, vì thế, không dễ (và có lẽ là không thể) thay đổi. Minh Hằng là một nhà báo. Ở chị, con người báo chí và con người văn chương có vẻ như không mâu thuẫn. Tập truyện ngắn gần đây nhất: Vòng xoáy cuộc đời (Nxb Lao động, 2017), đã thể hiện điều đó. Truyện của Minh Hằng ngắn gọn, như những lát cắt của cảm xúc trước một vấn đề, nhiều khi chỉ thoáng qua trong cuộc sống. Chị cảm nhận và níu giữ nó bằng sự thông minh, nhanh nhạy và bằng cả sự tinh quái của một người có thâm niên trong làng báo chí, cùng với sự nhạy cảm của người sáng tác văn chương, mới có được. Điểm mạnh của Minh Hằng là cấu tứ. Chị là người có khả năng lập tứ cho truyện ngắn một cách khá nhuần nhị. Có những truyện tưởng như không có chuyện mà vẫn gợi ra cho người đọc những xao động, làm gợn lên một ý nghĩ nào đó về cuộc sống, khiến chúng ta bận tâm. Truyện ngắn của Minh Hằng thường là truyện rất ngắn, nó phần nào diễn tả được sự hối hả, gấp gáp của cuộc sống. Đôi khi, nó là một dấu lặng, một sự ngưng đọng của cảm xúc và lí trí. Tất cả, đều là những thông điệp mà tác giả muốn gửi gắm tới bạn đọc. Nó nhẹ và đằm, lại khá duyên dáng và tinh tế, hóm hỉnh. Người đọc cảm nhận rất rõ ở Minh Hằng sở trường với những sự nhỏ lẻ, tản mạn, như những thanh âm mơ hồ, phải chú ý lắng nghe và phải nghe nhiều thì mới thấy, mới thấu. Minh Hằng là một người thợ kim hoàn khá khéo tay chứ không phải là một kiến trúc sư. Tạng chị không hợp với loại đại tự sự. Truyện ngắn của chị sở dĩ rất ngắn, theo tôi, là do tình thế tạo ra chứ không phải là một ý đồ nghệ thuật. Viết dài hơn sẽ chỉ là sự dông dài.

Phan Thái gần đây có thể coi như một hiện tượng. Anh sáng tác nhiều, công bố nhiều, cả văn xuôi, cả thơ. Văn xuôi của Phan Thái cũng khá đa dạng: truyện ngắn, tiểu thuyết, truyện cười. Gần đây nhất, tập truyện ngắn Người đàn bà đi trong sương (Nxb Hồng Đức, 2017) của anh tập hợp 18 truyện ngắn anh viết trong thời gian rất gần, một số truyện đã được anh công bố rải rác trên báo. Xét về cường độ viết thì thấy rõ sự sung sức đáng nể của cây bút Phan Thái. Anh là người đam mê văn chương, điều đó không ai có thể phủ nhận. Tuy nhiên, đánh giá Phan Thái trong tương quan giữa hai lĩnh vực thơ và văn xuôi, tôi vẫn cho rằng Phan Thái có duyên với thơ hơn, đặc biệt, thể lục bát là một ưu thế rất lớn của anh. Còn ở văn xuôi, Phan Thái đã có vài tiểu thuyết và khá nhiều truyện ngắn. Nhiều người khen năng lực sáng tạo của anh ở lĩnh vực văn xuôi như một cây bút có triển vọng. Riêng tôi, tôi thích sự công bằng và sòng phẳng. Và vì vậy, tôi cho rằng, Phan Thái, dẫu có viết nhiều, vẫn không đi được bao xa, và không thể vượt qua chính mình. Anh có điểm mạnh, điều này rất dễ nhận thấy, đó là vốn sống. Sáng tác văn chương có sự khắc nghiệt của nó. Vốn sống phong phú là một lợi thế, nhưng không thể tạo ra nhà văn. Sự trải nghiệm là cần thiết nhưng không phải là yếu tố khơi nguồn cho sáng tạo. Trái lại, đôi khi nó làm cho nhà văn mất đi cá tính, nét riêng như một thứ vũ khí quan trọng của người viết. Nó vô tình hình thành nên một thứ văn chương không thể định dạng được khuôn mặt, như một người ta gặp đâu đó trong cuộc đời mà không thể nhớ tên. Tiểu thuyết Phan Thái, và cả truyện ngắn của anh, mang hơi hướng của văn chương luận đề. Nhiều khi, nó bộc lộ một cách vụng về những mong muốn hướng tới của người viết. Tiểu thuyết của anh, nhìn trên dòng chảy của tiểu thuyết Việt Nam hiện đại, nó mang dáng dấp của văn chương trước Đổi mới, ít nhất là về mặt thi pháp. Đôi khi, nó là một sự nhận thức mơ hồ về lí thuyết mà có lẽ anh định danh là “hiện thực huyền ảo”. Tôi không muốn nói đến một thứ văn chương phong trào, vì nếu nhìn dưới góc độ đó, có thể coi Phan Thái là một cây bút xuất sắc. Văn chương chuyên nghiệp khắc nghiệt hơn nhiều. Muốn khẳng định mình, người viết bắt buộc phải “khơi những nguồn chưa ai khơi và sáng tạo những gì chưa có”. Lựa chọn một lối đi cho riêng mình là quyền của nhà văn, nhưng tiếp cận và đánh giá lại là quyền của người đọc. Người đọc chuyên nghiệp, họ không tiếp nhận một cách dễ dãi. Nhà văn là người, qua tác phẩm của mình, tạo cho người đọc sự rung động và những ám ảnh mang tính nhân văn sâu sắc. Những ám ảnh nghệ thuật ấy, dường như tôi chưa nhận thấy được từ văn xuôi Phan Thái. Tôi đồ rằng, những đánh giá của mình còn mang đậm tính chủ quan, và vì thế, rất cần đến những phản biện nghiêm túc, khách quan từ các nhà văn, từ phía bạn đọc, nhất là giới nghiên cứu, phê bình.

5. Để kết luận cho bài viết này, tôi muốn nói rằng, văn xuôi Thái Nguyên đương đại, nhìn chung, có những biểu hiện của sự phát triển. Đó là một tín hiệu đáng mừng. Nhưng nếu để thật sự có những đóng góp, những dấu ấn riêng của từng tác giả, thì dường như chúng ta vẫn chưa vượt qua được, chưa tương xứng được, với những gương mặt văn xuôi Thái Nguyên trong từng thời điểm, trên suốt một hành trình từ Văn nghệ Việt Bắc cho đến nay.

Vậy nên, có lẽ vẫn phải bình tĩnh mà chờ đợi.

------------------------------

*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.

Nguyễn Kiến Thọ

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy