Tản mạn chuyện chấm ảnh
VNTN - Có quá nhiều yếu tố ảnh hưởng đến chất lượng những cuộc thi ảnh, trong đó phải kể đến công tác thẩm định tác phẩm. Thực sự đây là một vấn đề khó, nên hội chuyên ngành đã phải đầu tư nhiều thời gian sàng lọc và đào tạo nguồn lực một cách rất bài bản và có hệ thống. Song cứ sau mỗi cuộc thi ảnh, những vấn đề về giám khảo vẫn luôn là chủ đề nóng trên diễn đàn chính thống, mạng xã hội và các buổi đàm đạo “trà dư tửu hậu” ở khắp nơi.
Giám khảo…
Điểm khác biệt nhất của nhiếp ảnh, có lẽ ở việc nó mang đặc tính cộng đồng. Ở Việt Nam, số lượng những Câu lạc bộ nhiếp ảnh chắc chỉ có các Câu lạc bộ thơ là dám cạnh tranh về số lượng và số người tham gia… Người ta đi “sáng tác” thành tốp, ít thì ngồi chật một xe năm chỗ; nhiều thì kín cả cái xe ca bốn chục ghế ngồi, chưa kể đến những cá nhân đơn lẻ cưỡi xe gắn máy bám lầm bụi luồn lách khắp hang cùng ngõ hẻm để “săn lùng” ảnh. Người chơi ảnh thì có nhiều mục đích khác nhau. Nhưng gần đây mọi người luôn chú ý tới các cuộc thi toàn tỉnh, khu vực hoặc toàn quốc. Ở đó thứ bậc của tác phẩm được so kè và là nơi định danh tài năng sáng tạo của những cá nhân…
Các ban (hoặc hội đồng) giám khảo được lập ra, hiện diện trong các cuộc thi nhiếp ảnh với vai trò như người trọng tài trên sân bóng đá. Bởi thế những người làm công tác giám định tác phẩm góp vai trò cực kì quan trọng trong các cuộc thi ảnh nói riêng và sân chơi ảnh nói chung. Có thể nói, những đối tượng thường được mời tham gia chấm chọn tại các cuộc thi ảnh nghệ thuật, một là quan chức; hai là những người có bề dày thành tích trong sáng tác ảnh hoặc có khả năng lý luận phê bình nhiếp ảnh; ba là những người không có chuyên môn về nhiếp ảnh nhưng lại là chuyên gia về một lĩnh vực nào đó mà chủ đề của cuộc thi ảnh gắn vào. Có người chỉ được một vế, có người hội tụ cả ba (vừa là nghệ sĩ sáng tác, nghệ sĩ phê bình và đồng thời làm quan chức nhiếp ảnh). Nòng cốt trong các cuộc thi với quy mô lớn, thường là những người nằm trong Hội đồng nghệ thuật Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam.
Thẳng thắn mà nói, thì những vị quan chức (dù ở vị trí nào)…, họ cầm lá phiếu để chấm ảnh là bởi cái nếp nghĩ như vốn thành mặc định: Phàm đã làm lãnh đạo là biết tuốt. Tuy vậy ít khi họ được hưởng trọn vẹn niềm vui, bởi đa phần hay bị mắc hỡm, họ cầm phiếu thả vào ảnh, nhưng vừa vô tình, vừa hữu ý, họ đỡ đòn cho cả Ban giám khảo, thường bị vạ lây nếu những vị giám khảo cùng tham gia có chuyên môn thẩm định kém cỏi.
Đối với những người là chuyên gia về một lĩnh vực nào đó thì hiếm có ai hiểu nhiều về nhiếp ảnh. Nhưng bù lại họ có thể xác nhận ngay tác phẩm chụp đúng/sai về chuyên ngành của mình, vai trò của những vị chuyên gia này thực sự rất quan trọng nên họ dễ khiến các vị giám khảo khác nghe theo… (đó là trường hợp chấm ảnh theo phương pháp cổ điển, có tranh luận trong quá trình chấm chọn ảnh).
Điểm nút mà giới ảnh thường nhìn vào, là những người cầm cân, nảy mực vừa có chức sắc, vừa có nghề hoạt động trong làng ảnh. Muốn hay không, họ phải góp “tiếng nói” khi được tổ chức phân công cầm lá phiếu làm giám khảo bởi họ có thực tài, có tâm, có tầm và cả một bề dày thành quả. Nhớ những người như các cố nghệ sĩ Đỗ Huân, Lâm Tấn Tài, Văn Bảo, Mai Nam…, mỗi lần chấm ảnh xong, giới cầm máy sáng tác lại được nghe những nhận xét của họ, rồi coi đó như là thước đo để tự sửa chữa lỗi và định hướng cho các chuyến đi thực tế tiếp theo của mình…
Dường như, chính môi trường hưởng thụ văn hóa có “định hướng” đã khiến những người sáng tạo văn học nghệ thuật nói chung và nhiếp ảnh nói riêng bước vào lối mòn. Khi một nghệ sĩ nhiếp ảnh có bề dày thành tích tốt, có tiếng tăm được bầu vào Ban Chấp hành, Hội đồng nghệ thuật…, thành “quan chức” thì anh ta phải có trách nhiệm dẫn đường, chỉ lối cho hội viên của mình. Và hệ lụy cũng từ đó mà sinh ra. Thực tế có trường hợp sau một số năm, khi không dính dáng vào quản lý nữa, thì họ cũng cụt hứng sáng tạo luôn!
Nguồn Vapa
Và chuyện chấm ảnh
Khác với trọng tài trong bóng đá, chưa ai coi chấm ảnh là một nghề. Theo năm tháng nhiếp ảnh phát triển, người tham gia gửi ảnh ngày một nhiều lên, những cuộc chấm ảnh bây giờ luôn có số lượng lớn. Khi phải định giá hàng ngàn bức ảnh trong một vài ngày, hoặc thậm chí chỉ trong một buổi sáng hoặc buổi chiều, đã và đang thách đố các thành viên làm giám khảo. Nếu tỉ lệ những người làm công tác trọng tài và người đá bóng hiện diện trên sân cỏ là 3/22 người, thì trên sân chơi ảnh, vài ba người có thể phải chấm ảnh của cả ngàn tác giả… Các Ban tổ chức khuôn ép người chấm bằng thể lệ, gần đây lại bằng phương thức chấm ảnh độc lập online... Một Ban giám khảo với đủ loại thành phần và trình độ về nhiếp ảnh khác nhau, sẽ không lường hết được những sự cố có thể xảy ra. Trách nhiệm của mỗi người chấm dù chỉ là 1/3; 1/5; 1/7…, nhưng bản thân họ không thoát được những mối ràng buộc “rất người” trong cuộc sống. Những giám khảo có kinh nghiệm và thực tế sáng tác lâu dài, chỉ cần nhìn tác phẩm họ có thể nhận ra ngay những dáng nét, thói quen của ai đó in dấu trên từng bức ảnh. Khi phải chọn một trong một trăm bức ảnh có điểm số ngang nhau vào vòng xét giải, vị giám khảo đó sẽ thành kẻ vô tình, nếu như bỏ qua bức ảnh mà anh ta biết đích xác đó là của… người quen!
Ngày mới quen cố nghệ sĩ nhiếp ảnh V.N, thỉnh thoảng thấy anh đột xuất lên chơi với một tâm trạng nặng nề, bức bối… Tìm hiểu thì được biết anh vừa mới tham gia chấm một cuộc thi ảnh nào đó mà kết quả đã không đạt chất lượng theo ý anh, hoặc anh đã bất lực không bảo vệ được bức ảnh mà anh thấy thích, chưa kể đó lại là bức ảnh nằm trong đám học trò yêu… Nhìn anh dằn vặt, tôi và một số người đã giữ kẽ không khoe ảnh của mình chụp được với anh nữa. Đâu đó còn có chuyện, có vị nằm trong Hội đồng nghệ thuật với thâm niên cả chục năm, nhưng khi nghỉ không tham gia hội đồng nữa thì chợt thấy “tạnh ráo” những cuộc điện thoại mời đi uống cà phê mỗi sáng và các buổi đàm đạo nhờ tư vấn nên cúp ảnh thế nào, nâng tông độ màu sắc ra sao…, cũng cạn luôn.
Nhiếp ảnh là một chuyên ngành luôn biến đổi gu thẩm mĩ, một người làm giám khảo dù giỏi mấy cũng sẽ có lúc “mỏi gối” khi cứ phải chạy theo đám đông. Không thể cùng một lúc vừa đáp ứng nhu cầu của những người yêu công nghệ thích sáng tạo bằng bàn phím, với lớp người trung thành tuyệt đối với phương pháp ghi thực.
Nhiều năm rồi, ở Việt Nam luôn có thói quen chọn một Ban giám khảo “vô tư” cho những cuộc thi cấp địa phương hay khu vực. Người ta chẳng thể ngờ, không ít những Ban giám khảo như thế đang làm sáo mòn hoạt động nhiếp ảnh. Bởi các cấp hội mang đặc tính nhiệm kì, nhưng nghệ thuật lại không lệ thuộc vào điều đó, nó có sức sống bền bỉ hơn năm năm, mười năm. Sau mỗi cuộc thi (liên hoan), Ban tổ chức tuyên bố cuộc thi (liên hoan) năm nay thành công hơn những năm trước đó…, người “trong chăn” tế nhị thì cười thầm khi nhìn bộ ảnh (hoặc bộ giải thưởng) na ná như của năm năm, thậm chí… mười năm trước! Không xa lạ việc, để tạo sự khách quan, người làm công tác tổ chức đã đưa ý tưởng mời một ông ở tận miền Bắc vào đồng bằng sông Cửu Long, hay một người tận Sài Gòn ra đồng bằng Sông Hồng để chấm ảnh. Dù các giám khảo ấy có giỏi nghề mấy chăng nữa cũng không thể “nhìn” được trên bàn bày những “tác phẩm” mà trước mười năm đã xuất hiện!
Đội ngũ làm giám khảo nhiếp ảnh của Việt Nam lâu nay luôn mỏng về số lượng, chênh lệch về trình độ và bản lĩnh. Họ ngại va chạm với Ban tổ chức; tránh đối đầu với người cùng cầm lá phiếu và luôn lúng túng khi tranh luận với người dự thi. Nếu thuộc lớp tiền bối thì lại quan ngại với những tác phẩm có sự can thiệp nặng bằng photoshop. Trong khi lớp trẻ giỏi công nghệ lại hạn chế tầm nhìn bao quát về chiều sâu của thời gian.
Những người trót mang phận làm giám khảo, thực tế chẳng dễ dàng gì, khi giữa thời sung sức lại phải xếp những thứ mà mình sáng tạo được vào kho để đi tôn vinh những tác phẩm khác của bạn nghề. Phải chịu “búa rìu” của dư luận, chịu cả sự hờn giận của bạn bè. Những áp lực luôn đè nặng lên họ, tuy vậy vẫn luôn tồn tại một nghịch lý rằng, khi nhiều người muốn thoát ra để được hưởng sự yên bình, thì không ít người lại khao khát cái uy được ban phát của một “bề trên”. Nhưng phàm là những nghệ sĩ đích thực, thì khi sáng tác họ biết tạo ra tiếng tăm và phong cách; khi cầm lá phiếu, họ sẽ tạo dựng được nhân cách cho bản thân. Giới ảnh ở Việt Nam, hẳn luôn mong chờ có được nhiều những nghệ sĩ như thế.
Vũ Kim Khoa
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...