Chủ nhật, ngày 10 tháng 11 năm 2024
16:27 (GMT +7)

Tan loãng một nghề, hội tụ một thú chơi

VNTN - Nhiếp ảnh trước kia là một nghề không dễ học, tuy vậy khi kĩ thuật số tràn đến, nó đã được ứng dụng rất nhanh vào kĩ nghệ hình ảnh nói chung và nhiếp ảnh nói riêng. Công nghệ mới vô tình đã khiến cho những người làm nghề theo lối truyền thống lao đao, nhưng dường như lại mở ra cho cả cộng đồng một cơ hội giải trí vô hạn.


Công nghệ mới và sự lên ngôi của nhiếp ảnh tự do 

Tuy có vẻ vẫn là một khái niệm mới mẻ ở Việt Nam, nhưng theo quan niệm của những nước công nghiệp phát triển, từ lâu họ đã có sẵn một quy tắc thành văn bản hẳn hoi: Nếu ai sống bằng nghề, thì được coi là “chuyên nghiệp”, còn những người có thể làm được công việc đó, nhưng chỉ phục vụ cho nhu cầu cá nhân, thì được gọi là “nghiệp dư”. Tỷ dụ: một người khi được tuyển vào ngành vận tải, trở thành lái xe, rồi được giao cho chiếc xe container dài ngoẵng như một toa tàu, anh ta đột nhiên được hàng xóm gọi là “bác tài”. Trong khi cả nhà anh ai cũng lái được xe, nhưng là xe gia đình, nên chẳng ai được phong làm “bác tài” cả!

Vậy nếu coi nhiếp ảnh là một nghề, thì những người hành nghề ấy là ai? Trước hết, đó phải là những người đang sống bằng thu nhập chính có được trong một hiệu ảnh nào đó. Dù quy mô ở mức nào, thì ta cứ coi họ là những người “chuyên nghiệp”. Cùng với họ là đội ngũ những phóng viên nằm trong biên chế tại các tòa báo, được ăn lương theo ngạch bậc hẳn hoi. Những người coi nhiếp ảnh như một thú chơi, sống bằng thu nhập từ các nguồn khác, nghề khác, thì ta tạm xếp họ là “nghiệp dư”.

Công nghệ mới góp phần làm tăng lực lượng nhiếp ảnh “nghiệp dư”

Thực tế hiện nay, lực lượng nhiếp ảnh “nghiệp dư” đang ngày một lấn át, thu hẹp không gian hành nghề của giới “chuyên nghiệp”.

Trước hết, chúng ta hãy nhìn vào các trung tâm báo chí. Không phải tự nhiên mà lực lượng phóng viên chuyên ảnh cứ mỏng dần, trong khi hình ảnh đăng tải trên báo chí lại ngày một nhiều hơn. Thực tế thời gian đầu hình ảnh của những phóng viên “kiêm thêm nhiếp ảnh” còn kém. Nhưng thời gian đã cải thiện dần những khiếm khuyết trên. Các chủ bút đã mạnh dạn giảm bớt biên chế cho báo của mình, bằng cách không tuyển thêm phóng viên chuyên chụp ảnh. Và xem ra hướng đi đó đã hợp lý, khi lực lượng phóng viên đa năng ngày một tỏ ra vững vàng hơn. Thực ra chỉ họ mới biết, cần phải có những hình ảnh thế nào để thích hợp với bài viết mà họ đang thực hiện… Vậy là lực lượng nhiếp ảnh hưởng lương từ ngân sách (đội ngũ “chuyên nghiệp”) đã và đang mai một dần. Và các “ban ảnh” của những tòa báo đến nay nếu còn tồn tại, có nguy cơ bị sáp nhập, hoặc giải thể trong một tương lai gần.

Đội ngũ những người hành nghề nhiếp ảnh tự do hiện ra sao? Xin khẳng định, họ cũng đang giảm thu nhập theo cấp số cộng. Ai trước đây dăm bảy năm rủng rẻng chi tiêu, thì nay đã phải nghĩ đến thít chặt dần hầu bao. Những tiệm ảnh đầu tư tiền tỉ, nay có thu nhập cụ thể thấp hơn nhiều, nếu dùng chính số tiền đó gửi tiết kiệm. Thực tế hiện nay ở khắp thành thị đến thôn quê, những đám cưới không thuê thợ ảnh tới phục vụ ngày một nhiều. Vậy nhưng những clip, hay những hình ảnh sinh động về đám cưới đó lại phong phú hơn hẳn những năm trước, bởi đội ngũ bạn bè của cô dâu, chú rể, ai cũng có những chiếc điện thoại thông minh, chụp được những bức ảnh có chất lượng khá tốt. Sau khi chụp, có người thành thạo internet lại post lên “đám mây”, đảm bảo hình ảnh lưu trữ vĩnh cửu trên không gian mạng…

Lớp người theo đuổi nghề ảnh từ vài chục năm trước, hẳn còn nhớ đến một thương hiệu sản xuất vật tư, thiết bị ngành ảnh ở Việt Nam: Công ty Quốc doanh phim, giấy ảnh Bình Minh. Nhưng nay đã lặn mất tăm. Thậm chí chúng ta còn không tìm được thông tin gì về nó trên Google. Và hiện giờ các hãng sản xuất phim, giấy ảnh nổi tiếng khắp thế giới: Kodak (Hoa kỳ), Illfort (Anh), Affa (Đức), Konica (Nhật)…, cũng đang phải thu hẹp thị phần hoặc phải chuyển sang làm gì đó ở lĩnh vực khác.

Vậy nhưng các hãng sản xuất máy tính cá nhân lại đang chạy đua, cố gắng làm tăng khả năng lưu trữ của ổ cứng, bởi người dùng đang có xu thế lưu quá nhiều hình ảnh trong kho dữ liệu. Đồng hành với máy tính, là chiếc điện thoại di động, khi chức năng “nghe, nói…” đã bão hòa, thì người sản xuất cố gắng đưa thêm những chức năng phụ để câu khách và tăng doanh thu. Đặc biệt họ đua nhau cải tiến khả năng chụp ảnh và quay clip, những chiếc điện thoại xưa chỉ chụp được vài trăm “k” (kilobyte), giờ có thể cải tiến lên đến 6M (megabyte) hoặc 8M, thậm chí 12M… Bởi thế hình ảnh họ chụp có thể phóng to cỡ (50cm x 75cm) mà không bị vỡ hạt và bết màu. Cuối cùng là cây gậy “tự sướng” đã làm những nhà nhiếp ảnh chuyên nghiệp “tủi thân”, vì automat: Họ đang cảm thấy mình trở thành người thừa… Theo thống kê, thì ở Việt Nam hiện nay có 1,5 thuê bao di động trên một đầu người. Và người tiêu dùng Việt Nam nổi tiếng là sành điệu, nên số lượng những chiếc điện thoại thông minh đang lưu hành ở Việt Nam vô cùng lớn. Chuyện nhìn thấy một đứa trẻ lên ba tuổi, sử dụng chiếc điện thoại của bố, mẹ để chơi game, chụp ảnh một cách thành thạo, không còn là hình ảnh lạ lẫm nữa ở thập niên công nghệ số hiện nay.

Một sân chơi rộng mở 

Từ nhiều năm trước, các nhà nhiếp ảnh ở châu Âu đã cố gắng tự lập những trang web riêng. Mặc dù đã đầu tư rất nhiều công sức và chi phí khá lớn, nhưng lượng truy cập không xứng với kì vọng của mỗi cá nhân.

Khi mạng Internet ngày càng phổ cập và liên tục được cải thiện, thì ý tưởng muốn tạo nên một trang mạng thống nhất, dành riêng cho giới nhiếp ảnh được hình thành. Ở đó người ta có thể trao đổi những kiến thức về chuyên môn, xin lời khuyên của những người đi trước cũng như bày tỏ quan điểm cá nhân về từng bức ảnh giữa các thành viên trong cộng đồng. Những tác phẩm tốt có thể được trao đổi, mua bán… Đây cũng là địa điểm để những công ty chuyên sản xuất các thiết bị vật tư ngành ảnh đăng quảng cáo sản phẩm của mình. Và năm 2001 “Fotocommunity.de” đã ra đời, thành viên của tổ chức lớn mạnh dần và đến nay đã đạt đến con số 1,5 triệu người. Họ sống trải khắp từ cực bắc tới cực nam của địa cầu, có mặt ở hầu khắp các quốc gia, thuộc mọi thành phần tôn giáo và các đảng phái chính trị…

 Lượng truy cập hàng tháng vươn tới con số 65 triệu. Và là một kho lưu trữ ảnh lớn nhất thế giới. Quản lý trang “Fotocommunity.de” là 25 thành viên và tự nguyện viên.

Fotocommunity.de luôn mời gọi: “Hãy cho chúng tôi xem những bức ảnh tốt nhất của bạn!”, thực tế qua những khuôn hình mà các nhà nhiếp ảnh thu gom được, người ta như thấy thế giới đang rộng mở mãi ra. Những kiến thức về nhiếp ảnh mới nhất được giới thiệu ở đó. Được chiêm ngưỡng những thành quả xuất sắc của mỗi thành viên, và hơn thế họ bình đẳng trao đổi, hoặc thể hiện ý kiến cá nhân vào mọi vấn đề được nêu trên diễn đàn Fotocommunity.de. Cuối cùng là niềm khao khát trỗi dậy, ước mong được thấy, được chứng kiến… đã thôi thúc người ta thu xếp hành trang dấn thân đến đâu đó. Và đôi khi nhiếp ảnh có thể cũng chỉ đóng vai trò như một cái cớ, để con người thỏa mãn khát vọng khám phá và ước mong được trải nghiệm!...

Fotocommunity.de luôn mời gọi các nhà nhiếp ảnh

Gần đây trong các cuộc thi ảnh ở Việt Nam, người ta bắt đầu có mong muốn đưa nhiếp ảnh trở về với giá trị đích thực thủa ban đầu: Nhiếp ảnh đồng nghĩa với cảnh thực, người thực, việc thực. Mọi cố gắng lắp ghép, thêm thắt đã bị hạn chế và thậm chí không được cho phép. Điều đó đã giảm thiểu tối đa những nhà nhiếp ảnh “bàn phím” và tạo cơ hội cho tất cả mọi người, đặc biệt những “nhà nhiếp ảnh nghiệp dư đại chúng” chụp bằng máy du lịch, hoặc điện thoại di động hiện diện ở mọi nơi, mọi ngõ ngách trên địa bàn dân cư.

Thực ra những người thẩm định và người xem không quan tâm nhiều tới việc bức ảnh đó chụp từ thiết bị nào, điều quan trọng nhất được quan tâm là: góc nhìn ấy chụp cái gì, có gợi cảm không? Nó truyền tải thông điệp gì?...

Nói dại, nếu một ngày xấu trời nào đó, “ông” Nhà nước thu hẹp hoặc cắt hẳn nguồn tài trợ về kinh phí cho các Hội, thì với mô hình của Fotocommunity.de, giới nhiếp ảnh vẫn khỏe và hoạt động sôi nổi không kém gì hiện nay! Bởi chúng ta ngầm hiểu, với 65 triệu lượt truy cập một tháng, thì tiền thu được từ quảng cáo hàng năm là không nhỏ!.

Vũ Kim Khoa

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy