Sự giao thoa tiếng nói ảnh hưởng đến phong tục tập quán của người Dao
VNTN - Người Dao ở Việt Nam có khoảng trên 750 nghìn người chủ yếu định cư ở các tỉnh biên giới phía Bắc, vùng trung du, miền núi. Trải qua nhiều thế kỷ, người Dao cùng với các tộc người khác trên dải đất Việt đoàn kết xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam Xã hội chủ nghĩa, văn hóa, phong tục, tập quán của người Dao cơ bản vẫn được bảo tồn, gìn giữ, phát huy. Tuy nhiên, trong quá trình phát triển, việc chung sống, lao động, học tập, giao lưu, quan hệ hôn nhân... giữa người Dao và các tộc người khác đã dẫn đến nhiều sự thay đổi, sự giao thoa trong văn hóa, đời sống của người Dao ở Việt Nam. Sự thay đổi ấy thể hiện trước hết trong tiếng nói của người Dao.
Về tiếng nói, xu hướng chung hiện nay trong một số cộng đồng người Dao là ít dùng tiếng Dao cổ, tiếng Dao thuần mà có sự lai tạp với tiếng phổ thông hoặc tiếng Tày, tiếng Nùng. Sự thay đổi ấy có nguyên do từ việc mượn từ ngữ của tiếng Việt, tiếng Tày, tiếng Nùng... trong tiếng nói hàng ngày của người Dao.
Đám cưới người Dao đỏ. Ảnh pv
Hiện tượng mượn từ ngữ của tiếng Việt để giao tiếp trong cộng đồng người Dao do thói quen nói tiếng phổ thông của thế hệ những người được học hành, được đi công tác và những người trẻ tuổi. Đối với những người cao tuổi, do vốn tiếng phổ thông ít ỏi nên phải học thêm mới có thể nghe và hiểu được các từ ngữ đó.
Chẳng hạn từ ghép "cái đèn" của tiếng Việt trong tiếng Dao là "nom tang" nhưng người ta lại quen gọi và thích gọi là "nom đèn". Ở đây, từ "đèn" đã đổi vào vị trí của từ "tang". Những từ tiếng Việt không có từ trong tiếng Dao để diễn tả, gọi tên như "xi măng","gạch","xây" (xây dựng), "báo" (báo chí)... thì tất nhiên là người Dao phải mượn từ của tiếng Việt để diễn đạt trong giao tiếp và sinh hoạt hàng ngày. Các từ chỉ đơn vị hành chính "xã", "huyện", "tỉnh" của tiếng Việt vốn có từ trong tiếng Dao là "xía", "guyện", "sánh" nhưng rất ít khi những từ này của tiếng Dao được dùng mà hầu như là tiếng phổ thông hoàn toàn. Việc mượn từ ngữ của tiếng Việt xảy ra rất phổ biến khi cộng đồng người Dao không giữ được vốn tiếng Dao cổ, tiếng Dao gốc. Đặc biệt là từ khi đất nước ta được độc lập, tự do, xây dựng chế độ xã hội mới, những từ ngữ chính trị, hành chính được sử dụng rất nhiều. Khi cần diễn đạt vấn đề gì liên quan đến các từ ngữ trên thì hầu như người Dao đều mượn từ ngữ của tiếng phổ thông.
Thực tế hiện nay, ít ai còn dùng những từ ngữ trong tiếng Dao cổ, tiếng Dao thuần khi nói, nhất là thế hệ trẻ. Khi những người cao tuổi biết tiếng Dao cổ, tiếng Dao gốc đã lần lượt qua đời, các thế hệ tiếp sau hầu như không tìm tòi để biết các từ gốc, từ cổ hoặc không tìm cách sáng tạo ra từ mới của tiếng Dao mà chỉ biết sử dụng từ ngữ có sẵn trong tiếng Việt để thay thế. Do đó, các từ gốc, từ cổ của tiếng Dao dần bị quên lãng, bị mai một. Điều đó cảnh báo những ảnh hưởng tiêu cực đến văn hóa, phong tục tập quán lâu đời của người Dao. Khi tiếng nói gốc đã không giữ được thì ắt văn hóa cũng nằm trong xu hướng đó.
Việc mượn từ ngữ trong tiếng Việt và tiếng Tày của người Dao để giao tiếp như hiện nay là một vấn đề tuân theo quy luật phát triển của xã hội. Điều đó sẽ làm phong phú thêm vốn từ ngữ của tiếng Dao, góp phần giúp người Dao có thể dễ hòa nhập hơn vào xã hội hiện đại trên mọi phương diện của đời sống. Tuy nhiên, nhìn dưới góc độ Dân tộc học và theo quan điểm của Đảng ta trong Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII về "Xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc" thì đây là một vấn đề đáng báo động trong việc bảo tồn, gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Một tộc người chỉ được công nhận khi có tiếng nói riêng, trang phục riêng, phong tục tập quán riêng. Tiếng nói là cái gốc để phân biệt tộc người này với tộc người khác. Do đó, việc mượn từ ngữ tiếng Việt, tiếng Tày dễ dẫn đến tình trạng bị mất tiếng Dao gốc trong tương lai. Để giữ gìn, phát huy, bảo tồn bản sắc văn hóa người Dao ở Việt Nam trước hết cần phải giữ gìn sự trong sáng của tiếng Dao trong sự phát triển chung của xã hội. Muốn làm được điều đó cần phải có sự nghiên cứu nghiêm túc, khoa học, có sự định hướng rõ rệt. Đặc biệt, từng cộng đồng người Dao phải lựa chọn khi giao tiếp bằng ngôn ngữ, cần tránh tình trạng quá lạm dụng vay mượn từ ngữ tiếng Việt, tiếng Tày và tiếng nói của các tộc người khác mà quên đi việc phải sử dụng tiếng Dao gốc vốn có của mình.
Bàn Thị Ba
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...