Thứ bảy, ngày 21 tháng 09 năm 2024
04:34 (GMT +7)

Sêu tết bên ngoại

VNTN - Sêu, trong tiếng Việt, nghĩa là nhà trai đưa lễ vật đến nhà gái vào những dịp lễ tết, khi chưa làm lễ cưới. Còn ở dân tộc Tày, Nùng, nhà trai đem lễ vật đi mừng tết nhà gái gọi là chầư ta tái (biếu quà ông bà ngoại). Trong tiếng Tày, Nùng, “chầư” có nghĩa là kính biếu, người có địa vị thấp biếu tặng người có địa vị cao. Cho nên, chỉ có con rể “chầư tái” (con rể dâng quà mẹ vợ) còn mẹ vợ thì cho quà con rể. Sêu tết ở các dân tộc Tày, Nùng thể hiện đạo lý hiếu nghĩa, nhu cầu thắt chặt quan hệ tình cảm gia đình. Việc sêu tết ở dân tộc Tày, Nùng có sự phân biệt ở những giai đoạn khác nhau: con rể khi mới đính hôn nhưng được tiến hành từ khi đôi uyên ương chưa cưới, mới đính hôn đến khi đã cưới, chính thức thành vợ thành chồng và cả khi đã có con, con đã lớn, con rể vẫn đi sêu tết bên ngoại, vì đây là việc làm của con rể bày tỏ lòng kính trọng đối với bố mẹ vợ, nhà trai thể hiện tình cảm mong muốn thắt chặt mối quan hệ thân thiết giữa hai gia đình thông gia. “Chầư tái” là một tục lệ cổ truyền của các dân tộc Tày, Nùng. Đó là một truyền thống, một nét đẹp văn hóa trong quan hệ ứng xử giữa các gia đình thông gia. Con rể, con gái đã lấy chồng đi sêu tết bà ngoại được ví như trồng cây trái chín, quả rụng về gốc.

“Chầư tái” (sêu tết bên ngoại) hoàn toàn do sự thành tâm. Khác với việc nộp cheo cưới, nhà gái yêu cầu nhà trai phải “nộp” cho nhà gái những lễ vật và tiền bạc với số lượng cụ thể. Việc sêu tết, nhà gái không chủ động đòi hỏi mà nhà trai, con rể tự nguyện, do lòng thành mang quà, lễ vật đến dâng mẹ vợ và gia đình bên ngoại, nói chung. Theo tục lệ, sêu tết được phân biệt mấy giai đoạn.

Khi chàng trai và cô gái mới đính hôn nhưng chưa cưới. Có trường hợp vì nhiều lí do khác nhau, đôi uyên ương đã làm lễ đính hôn (ăn hỏi) rồi mà 2, 3 năm sau mới làm lễ cưới. Trong thời gian đó, cứ đến dịp lễ tết, con rể tương lai có bổn phận đi sêu tết bên ngoại (nhà vợ tương lai). Khi đã cưới nhau rồi, chàng trai chính thức thành con rể của nhà gái, cô gái thành con dâu nhà trai, vào dịp lễ tết, hai vợ chồng trẻ vẫn đi sêu tết bên ngoại (chầư tái) tức là mang quà, lễ vật đến thăm mẹ vợ và cả gia đình bên vợ. Lúc mới cưới, hai vợ chồng chưa có con, hai vợ chồng cùng đi và có người nhà đi cùng để giúp mang quà, lễ vật mừng tết. Khi đã có con rồi mà con còn nhỏ, vợ địu con, chồng gánh đồ lễ, hai vợ chồng cùng đi bà ngoại (pây tái). Đến khi con lớn rồi, việc đi sêu tết có thể để cho con tự mang lễ vật đến thăm bà ngoại.

Con rể sêu tết bà ngoại thể hiện lòng kính trọng đối với cha mẹ và mong muốn thắt chặt quan hệ giữa hai gia đình thông gia. Bên nhà gái không đòi hỏi, càng không bao giờ yêu cầu phải mang những lễ vật gì. Con rể và gia đình nhà trai đi sêu tết chỉ là sự thành tâm. Các chàng trai cảm thấy rất hãnh diện khi đi sêu tết bên ngoại. Trẻ nhỏ vào các dịp lễ tết, háo hức được cùng bố mẹ về thăm bà ngoại. Ông bà ngoại mỗi khi có cháu ngoại đến mừng tết thì phấn khởi, coi đó như một ngày hội của gia đình, thịt gà, thịt vịt làm cỗ đón cháu và mời cả họ hàng thân thích đến dự. Các cháu nhỏ, mỗi năm, những ngày giáp tết, luôn náo nức ngày đi sêu tết nhà ngoại.

Ở dân tộc Kinh vẫn lưu truyền câu: “Mồng một tết cha, mồng hai tết mẹ, mồng ba tết thầy”. Người Kinh đi sêu vào ngày mồng hai tết. Nhưng tập quán của người Tày, người Nùng, ba ngày tết mồng một, mồng hai, mồng ba là ba ngày không ra khỏi nhà, nên người Tày, Nùng đi sêu tết bên ngoại vào ngày mồng ba Tết Nguyên đán. Ngoài ra vào những dịp lễ tết trong năm, không nhất thiết đúng vào ngày nào, nhưng thường vào ngày 14 tháng bảy âm lịch con rể cũng sêu tết bà ngoại. Vì đối với người Tày, tết tháng giêng và rằm tháng bảy là hai cái tết to nhất, quan trọng nhất trong năm.

Lễ vật, quà mừng đi sêu tết bên ngoại không có quy định về số lượng, chủng loại và có sự thay đổi theo hoàn cảnh và thời gian. Trước Cách mạng tháng Tám, con rể đi sêu tết bên ngoại, tuy không không có quy định thành thỏa thận bắt buộc như tiền cheo, lễ vật dẫn cưới, nhưng theo phong tục truyền thống, con rể đi mừng tết bên ngoại gần như là bắt buộc vì dư luận sẽ cho rằng con rể không đi mừng tết bên ngoại là loại người vô ơn bạc nghĩa. Theo phong tục cổ truyền, lễ vật sêu Tết Nguyên đán là những sản phẩm nông nghiệp do gia đình nhà trai sản xuất ra như: một chân lợn (1/4 con lợn), bánh chưng, bánh dầy, bánh khảo, chè lam, bánh bỏng… Còn lễ vật sêu tết vào dịp tháng bảy là bánh dợm, thịt vịt. Cả dịp tháng giêng và tháng bảy, ngoài các vật phẩm như vừa nói, một đôi gà sống thiến là không thể thiếu. Lễ vật sêu tết, ngoài ý nghĩa tỏ lòng biết ơn cha mẹ, còn là để báo cáo cho cho bên ngoại biết tình hình làm ăn thu nhập, của vợ chồng trẻ nói riêng của gia đình nhà trai nói chung. Nhìn những món quà do con rể, con gái mang đến, bố mẹ biết được con gái đi “làm ăn” (đi nhà chồng) đã trưởng thành đến mức nào, nhìn mức độ tinh xảo trong chế biến các món quà, bố mẹ biết con gái mình đi nhà chồng có chịu khó, có khéo tay hay không.

Ngày nay, đời sống có nhiều thay đổi so với trước đây, nhưng tục đi sêu tết bên ngoại vẫn được duy trì, gìn giữ. Quà mừng tết cũng có nhiều thay đổi, tùy thuộc hoàn cảnh và điều kiện của mỗi người, theo phương châm “có hoa mừng hoa, có nụ mừng nụ”, không câu nệ giá trị vật chất của quà biếu. Quý nhất là những vật phẩm tự tay mình làm ra. Bên cạnh những lễ vật truyền thống như bánh chưng, bánh dợm, thịt lợn, gà sống thiến, bánh kẹo loại ngon…, nhiều chàng rể hiện nay là cán bộ nhà nước hoặc chủ doanh nghiệp còn biếu biếu quà tết bố mẹ vợ những bộ quần áo mới, hoặc xe đạp, xe máy, ti vi mới. Đối với bố mẹ vợ, điều quan trọng là tấm lòng hiếu thảo của con gái và chàng rể. Tục sêu tết nhà ngoại ở dân tộc Tày Nùng là biểu hiện của tình cảm và lòng mong muốn thắt chặt mối quan hệ thân thiết giữa các thành viên của hai gia đình thông gia

Lương Bèn

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy